Các nhân vật nữ trong văn xuôi việt nam 12

Có thể nói, chưa bao giờ người phụ nữ lại dành được sự quan tâm lớn của đông đảo người cầm bút như hôm nay. Thậm chí, qua tên tác phẩm ta cũng phần nào thấy được thế giới phụ nữ qua cái nhìn của các nhà văn hôm nay đa dạng và đa sự đến nhường nào: “Người đàn bà trên đảo” (Hồ Anh Thái), “Người đàn bà trên bãi tắm” (Dương Hướng), “Những người đàn bà bên sông” (Thùy Dương); “Người đàn bà đứng trước gương” (Y Ban), “Người đàn bà ngồi” (Trần Thị Ng.h); “Thời thiếu nữ” (Cẩm La), “Mẹ già” (Ma Văn Kháng), “Hồn trinh nữ” (Võ Thị Hảo), “Gái có con” (Ma Văn Kháng); “Người đàn bà sinh ra trong bóng đêm” (Y Ban), “Người đàn bà và những giấc mơ” (Y Ban), “Người đàn bà có ma lực” (Y Ban); “Người đàn bà tóc trắng” (Nguyễn Quang Thiều), “Góa phụ đen” (Võ Thị Hảo), “Má hồng” (Nguyễn Khải); “Người đẹp xóm chùa” (Đoàn Lê), “Và anh, một phần ba của cuộc đời em” (Y Ban); “Chọn chồng” (Ma Văn Kháng), “Em lấy chồng xa” (Kim Loan), “Thiếu phụ chưa chồng” (Nguyễn Thị Thu Huệ), “Tập yêu chồng” (Phạm Thái Lê); “Người đàn bà tên Hạ” (Thùy Dương), “Linh” (Ngô Thị Bích Hạnh), “Phượng” (Lý Lan), “Hạnh” (Nguyễn Thị Minh Dậu), “Nguyễn Thị Lộ” (Nguyễn Huy Thiệp), v.v... Tuy việc liệt kê trên đây chưa thể gọi là đầy đủ nhưng chúng ta có lý do để nói rằng người phụ nữ là một nội dung nổi bật của văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Qua mỗi tác phẩm, nhà văn mang dáng dấp của một triết gia khi họ đề xuất “triết thuyết” của mình về phụ nữ. Xin đơn cử trường hợp người phụ nữ trong sáng tác thời kỳ đổi mới của Nguyễn Minh Châu: Hạnh (Bên đường chiến tranh), Thai, Huệ (Cỏ lau), Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) là những người đàn bà có thể cùng một lúc sống với nhiều mối quan hệ tình cảm khác nhau mà quan hệ nào cũng chân thành, cũng chính đáng cả. Họ đem lại cho ta một xúc cảm thẩm mỹ mới, xúc cảm có được khi con người tự khám phá ra chính bản thân mình, hơn là đem lại một ý niệm đạo đức.

Có thể gọi người phụ nữ theo quan niệm của Nguyễn Minh Châu là con người đa đoan. Từ “đa đoan” không mang ý niệm đạo đức và nó tiếp cận sâu hơn đến tâm tính của phái yếu. “Đa đoan” chính là từ mà Nguyễn Minh Châu dùng để gọi đặc điểm của con người trong văn học đổi mới (theo ông, cuộc đời thì “đa sự” mà con người thì “đa đoan”). Dường như nhà tư tưởng này đã tiên cảm được khuôn mặt phụ nữ của con người trong văn xuôi sau chiến tranh (hiểu theo nghĩa con người được nhìn bằng cái nhìn gần gũi và đa chiều hơn).

Vào cuối thập niên 80 và nhất là từ những năm 90 của thế kỷ trước chúng ta đã được gặp gỡ đủ loại phụ nữ trong truyện ngắn của các nhà văn nữ. Bằng kinh nghiệm bản thân, các nhà văn này thoải mái đã phô bày đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Họ đem đến cho văn học những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ.

Truyện ngắn “Và anh, một phần ba của cuộc đời em” của Y Ban là lời tâm sự của một cô gái đã có chồng, con và một gia đình hạnh phúc vẫn đau đáu về người đàn ông xưa. Tuy thế nhưng cô lại không thể “đánh đổi sự bình yên mà em phải đấu tranh bao nhiêu ngày tháng mới giành giật được”. Cuối cùng cô đã chọn giải pháp ghép anh vào cuộc đời hiện tại của mình: “Anh, chồng em, con em”. Đó quả là sự lựa chọn của người phụ nữ hiện đại!

Nhân vật Diễm trong “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” của Võ Thị Xuân Hà là một bằng chứng cho thấy đời sống tinh thần của người phụ nữ là một “cõi” riêng phức tạp đến lạ kỳ. Ở Diễm có sự tồn tại đan xen, chồng chéo của hiện tại và quá khứ, thực và ảo, ý thức và vô thức. Cô làm vợ Thản nhưng lại sống trong tình yêu với Nẫm, anh trai của Thản, một người lính đã chết mà cô biết đến chỉ qua lời kể chứ chưa hề gặp mặt. Những lúc ở bên Thản, Diễm thường thấy “bóng dáng người anh chồng lấp ló”. Đêm trở dạ sinh con đầu lòng cô nhìn thấy Nẫm: “Một người đàn ông... ngó tôi từ trên trần nhà. Hắn nhìn khuôn mặt võ vàng của tôi, rồi nhìn lướt xuống bụng, nơi cái cuống nhau vừa bị cắt còn lòng thòng thò ra ở chỗ sinh nở... Tôi nhận ra Nẫm... Tôi đắm đuối với hình ảnh người đàn ông kia đang mân mê cái cuống nhau, như thể anh ta đã thò vào sờ nắm những mạch máu nhỏ li ti chảy trong cơ thể của tôi mà tình yêu của Thản chỉ chạm tới chứ không nắm được”.

Những nhân vật nữ như vậy rất nhiều trong văn xuôi thời kỳ này. Họ cho ta cảm nhận về người phụ nữ hiện đại, những con người thật đa sự. Sự bất ổn trong nội tâm của họ là do “bản tính” của họ mà ra chứ không do ai khác gây ra. Quả là người phụ nữ ngày nay đã vướng mình vào nhiều hệ lụy hơn xưa.PageBreak

Bên cạnh việc thổ lộ chân thành tình cảm, các nhà văn nữ cũng không ngần ngại tỏ bày nhục cảm. Chẳng hạn đó là khoái cảm ngắm mình khỏa thân trước gương. Theo dõi cụ thể “lịch sử vấn đề” thì Ma Văn Kháng là nhà văn đầu tiên nói chuyện này ở nhân vật Lý trong “Mùa lá rụng trong vườn”: “Lý đang soi gương thử chiếc xu chiêng mới, chiếc xu chiêng ni lông cỡ bốn mươi, màu da người. Trong gương, bây giờ là một cô gái mình trần đẹp mỡ màng. Gương tàu, soi rất thật mặt, mà lại như soi một người khác, một thiếu nữ đã nảy nở chín muồi, hoàn thiện về thể chất và sắc đẹp. Lý rất có ý thức về sắc đẹp được trời phú của mình, chị hướng sự chú ý tới cái đẹp của làn da, gương mặt, khuôn ngực, và ít lâu nay bỗng nảy sinh một khoái cảm mới: ngắm mình gần như khỏa thân trước gương mỗi sớm mai trở dậy”.

Song có lẽ vì là một người đàn ông nên hiểu biết của Ma Văn Kháng về khoái cảm này của phụ nữ còn nhiều hạn chế. Với các nhà văn nữ, những sinh hoạt rất “cơ bản” như thế của người đàn bà được mô tả cụ thể hơn nhiều. Y Ban thậm chí đã dựng nó thành một truyện ngắn. “Người đàn bà đứng trước gương” của chị là bản tường thuật một buổi kiểm tra cơ thể của người đàn bà trước gương một cách tuần tự và chi tiết từng “công đoạn”. Vẻ đẹp cơ thể đã trở thành một mối quan tâm thường trực của người phụ nữ, và không chỉ của phụ nữ, trong thời đại ngày nay.

Viết văn đòi quyền lợi cho người phụ nữ hoặc phản ánh tình trạng mất bình quyền nam nữ cũng là một bằng chứng xác đáng cho thấy người phụ nữ là một nguồn cảm hứng sáng tác của văn xuôi thời kỳ này. Nhà văn Hồ Anh Thái cho biết nguyên nhân thôi thúc anh viết tiểu thuyết “Người đàn bà trên đảo” chính là để đòi quyền được làm mẹ cho những người phụ nữ không có chồng. Họ là một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt Nam đã để lại thời xuân sắc của mình nơi rừng thiêng nước độc trong thời kỳ chiến tranh. Khi hòa bình lập lại họ đã quá lứa lỡ thì, không lấy được chồng nhưng bản năng làm mẹ vẫn thôi thúc họ. Nhiều tác phẩm văn xuôi thời kỳ này nói đến người phụ nữ trong hoàn cảnh như vậy đã tìm mọi cách để có con dẫu vẫn biết sẽ bị xã hội ruồng bỏ. Sau khi tác phẩm ra đời một năm những điều luật hôn nhân gia đình đã được sửa đổi, trong đó người phụ nữ được quyền có con ngoài giá thú.

Là một nhà văn nữ, nhiều truyện ngắn của Y Ban được viết ra nhằm giảm bớt “tai nạn” của người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Những truyện ngắn như “Thiên đường và địa ngục”, “Cái điềm con thỏ trắng”, “Sự vô tội của Ađam và Êva”... là những “câu chuyện cảnh giác” chị viết dành riêng cho các cô gái trẻ, khuyên họ chớ yêu mù quáng, chớ quá tin vào đàn ông mà rước họa vào thân. Các cô gái trong những truyện này đều chịu chung cảnh “trống thủng vì chưng kẻ nặng dùi” hay “cả nể cho nên sự dở dang”. Khi “tai nạn” không may đã xảy ra với họ, chị lại viết “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” đòi mẹ phải quan tâm đến họ.

Ở nước ta, trong thời đại tự do dân chủ, tư tưởng trọng nam khinh nữ, một tàn dư của chế độ phong kiến, vẫn tồn tại dai dẳng trong tâm thức nhiều người. Chính điều này đã thôi thúc Võ Thị Hảo viết truyện ngắn “Hành trang của người đàn bà Âu Lạc”. Người đàn bà Âu Lạc gánh chồng con trên vai mà cứ ngỡ đó là hành trang chứ không biết đó là gánh nặng. Những “chân dung phụ nữ” mà chúng tôi nói trên chưa phải là tất cả những gì văn xuôi thời gian qua viết về phụ nữ. Ở đây chúng tôi không đặt mục đích thống kê đầy đủ những quan niệm về người phụ nữ, mà chỉ lấy một số dẫn chứng cụ thể để thấy được người phụ nữ quả đã trở thành một nguồn cảm hứng sáng tác, một đề tài ưa thích của các nhà văn thời kỳ đổi mới.

Sự “lên ngôi” của người phụ nữ trong văn xuôi đổi mới như nói trên là một kết quả hợp lý và là sự gặp gỡ, sự cộng hưởng giữa nỗ lực đổi mới của nhà văn và hiện thực cuộc sống đất nước ta sau chiến tranh và nhất là khi bước sang thời “mở cửa”. Bởi nếu như nói “chiến tranh không mang khuôn mặt đàn bà” thì chốn của họ là nơi im tiếng súng. Để cổ vũ cho sức mạnh dân tộc trong chiến tranh thì tốt nhất nên nói về những đấng nam nhi, những trang hào kiệt. Còn để nói chuyện đời thường, chuyện thế sự đời tư thì còn cách nào hơn là nói chuyện đàn bà. Mặt khác, thời nào cũng vậy, nếu người đàn ông dũng cảm, mưu trí xông pha trên chiến trường để viết nên bản hùng ca chiến trận thì người đàn bà lại lặng lẽ hát khúc âu ca nhắc nhở về hạnh phúc chân chính của con người nơi cuộc sống đời thường