Nguyễn văn thạc là ai

Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Hà – Đinh Thị Vui năm 2007

Tôi tới thăm vợ chồng chị Đinh Thị Vui - Giáo viên trường THPT chuyên  Lương Văn Tụy [Ninh Bình] vào một sáng Chủ nhật. Anh Nguyễn Văn Hà chồng chị, đã ra tận  quốc lộ để đón.

Đó là một người đàn ông dáng cao gầy, da trắng xanh, mái tóc đen cắt ngắn, gương mặt khắc khổ, như lúc nào cũng buồn phiền và thiếu tự tin.

- Mời anh vào nhà chơi. Vợ tôi có chút việc bận trên trường, cũng sắp về rồi – Anh Hà ân cần mời khách và giải thích – Nhà chỉ có hai vợ chồng, các cháu đã lớn đang đi học xa, vắng vẻ lắm...

Sau chén trà nóng, vốn cùng là cựu chiến binh, nên rất dễ đồng cảm và cởi mở trong câu chuyện. Tôi giải thích ngắn gọn mục đích chuyến viếng thăm nhà và công việc mình đang làm. Anh Hà xua tay, rồi trầm ngâm:

- Giờ anh đã nhiệt tình tìm về tận đây, thì tôi cũng xin tâm sự hết lòng mình, chẳng muốn giấu nữa. Và cũng xin được nói ngay: Tôi kể chuyện này không phải chỉ cho riêng tôi, mà còn nói hộ bao người khác có hoàn cảnh như mình...

Tôi biết Nguyễn Văn Thạc như thế…

Tôi sinh năm 1953 ở xã Hợp Hưng [Vụ Bản, Nam Định]. Cha mẹ tôi sinh được 6 chị em, nhưng chỉ có tôi là con trai duy nhất. Gia đình đều làm ruộng ở quê, nên theo truyền thống từ bao đời, các cụ rất muốn tôi lấy vợ sớm, sinh cháu để có người nối dõi. Nhưng vừa tròn 18 tuổi, như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi đã lấy máu viết đơn xung phong đi bộ đội ngày 22/8/1971.

Sau khi kết thúc huấn luyện tân binh ở Thạch Thành [Thanh Hóa], tôi được điều về Sư đoàn 325, bổ sung quân cho Trung đội Thông tin của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, đóng quân ở Chí Linh [Hải Dương]. Cũng tại đây, tôi đã biết Nguyễn Văn Thạc. Hồi đó, tôi ở tiểu đội hữu tuyến, còn Thạc ở tiểu đội vô tuyến.

Trong rừng bạch đàn, lán đóng quân của tôi và Thạc chỉ cách nhau khoảng 10 mét, nên chúng tôi thường xuyên sang chơi thăm nhau. Mấy anh lính Hà Nội, ai cũng thông minh, nghịch ngợm, nên thường gây ấn tượng và rất dễ nhớ.

Tháng 4/1972, chúng tôi cùng lên tàu, hành quân vào chiến trường. Khi tàu tới ga Quán Hành, chưa tới thành phố Vinh, thì đường phía trước bị hỏng, do máy bay Mỹ vừa ném bom, tất cả phải xuống hành quân bộ. Trên vai mỗi anh lính chúng tôi lúc đó đeo ít nhất cũng khoảng trên 30 kg. Người nào cũng ba lô chằng buộc căng phồng, lại còn 7 kg gạo, đường, sữa tiêu chuẩn...

Tôi còn nhớ là Thạc và Y chung nhau một máy thông tin 2W, 1 khẩu súng AK và 4 băng đạn. [Riêng cái máy thông tin đã nặng 21 kg, không kể ắc quy dự phòng, Thạc khoẻ hơn, nên thường vác hộ cho Y]. Còn lính thông tin hữu tuyến như tôi, ngoài ba lô tư trang, thì người nào cũng phải đeo thêm máy điện thoại và 2 cuộn dây nặng khoảng 15 kg...

Vậy mà chúng tôi đã hành quân bộ mấy trăm cây số, vừa chuyển quân, vừa tranh thủ luyện tập. Sau khi vượt qua Đèo Ngang, chúng tôi đã phải đi xuyên rừng miền Tây Quảng Bình...

Đầu tháng 6/1972, chúng tôi qua Đồng Lộc. [Đây cũng là thời điểm Nguyễn Văn Thạc ghi chép những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi nổi tiếng sau này]. Chúng tôi vào đến thị xã Đông Hà ngày 10/7/1972. Đơn vị được nghỉ một tuần để củng cố, muốn có gạo ăn phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ mới lấy được ở Kho Đường 9.

Đêm 29, rạng sáng ngày 30/7/1972, cả Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh từ Triệu Phong vượt sông Ba Lòng để vào Thành Cổ. Tôi nhớ, vì trời mới mưa xong, nên mặt sông rất rộng và nước chảy xiết. Bộ đội vượt sông trong lúc máy bay địch vẫn bay lượn, gầm rú trên không, và pháo của chúng từ các nơi vẫn liên tục bắn vu vơ vào trận địa của ta...

Thạc đã hy sinh, còn tôi bị thương cùng một ngày

Gia đình anh Hà, chị Vui xuân Đinh Hợi

Khoảng 8 – 9 giờ sáng, Thạc, Y, và tôi nhận được lệnh xuống Đại đội 1 [xa khoảng 1 cây số] phục vụ chiến đấu. Tôi vừa nghe tiếng Thạc và Y gọi tên mình để cùng đi, nhưng chưa kịp lên khỏi hầm chữ A, thì một loạt đạn pháo của địch chụp xuống. Trận pháo kích ấy kéo dài khoảng 15 phút, khói lửa khét lẹt, tai ù đặc... Mãi sau, có tiếng ai đó kêu lên thất thanh: “Thằng Y và thằng Thạc bị rồi!”.

Khi tôi tới nơi thì anh em đã khênh Thạc và Y vào hầm. Y bị mảnh pháo cắt đứt một cánh tay, còn Thạc thì bị gãy nát một bên đùi. Máu ra nhiều lắm. Quân y chưa kịp đến, tất cả cứ cuống cả lên với việc garô, băng bó cho thương binh...

Thạc rất tỉnh. Mà tỉnh như thế là nguy hiểm, dễ chết lắm. Đồng đội định khênh Thạc về tuyến sau, nhưng không kịp nữa rồi. Anh thều thào nói với người đang cấp cứu mình vài câu gì đó, nghe không rõ, rồi tắt thở.

Mặc dù đã nhiều lần chứng kiến đồng đội bị thương vong, nhưng trường hợp của Thạc và Y vẫn khiến tôi bàng hoàng. Nguyễn Văn Thạc là chiến sĩ đầu tiên của B Thông tin hy sinh. Chính tôi và anh Tuyến - A trưởng của Thạc-đã cùng vuốt mắt cho Thạc. Chúng tôi đã khóc rất nhiều. Buổi trưa ấy, nhiều anh em buồn quá, bỏ cả bữa ăn.

Đầu giờ chiều, tôi nhận được lệnh cùng một chiến sĩ mới được bổ sung về đơn vị đi mai táng liệt sĩ. Chúng tôi cẩn thận gói thi hài Thạc trong một tấm tăng ni-lông, cuốn nhiều vòng dây dù xung quanh, rồi khênh ra khỏi hầm chữ A.

Định đi xa một chút, tìm chỗ cao ráo, nhưng pháo địch bắn quá rát. Nên khênh được khoảng hơn trăm mét, thì tới một khu vườn trồng mấy cây mít, cạnh một rặng tre, thấy có hai ngôi mộ mới, chúng tôi quyết định dừng lại để mai táng Thạc tại đó.

Chúng tôi đã đào huyệt rất khó khăn và vất vả. Bởi đất cứng, lại chỉ có xẻng, cuốc quân dụng cá nhân loại nhỏ, nên phải mất hàng tiếng đồng hồ mới xong, hố huyệt không sâu lắm. Vừa đào, chúng tôi còn phải tránh pháo địch bắn liên hồi, mảnh đạn rít veo véo trên đầu...

Khi nấm mộ đã hình thành, sắp dựng bia, thì lại thêm một loạt đạn pháo nổ quanh chỗ chúng tôi. Bỗng tôi thấy lạnh buốt dưới đùi phải và háng, đầu óc choáng váng, nhìn xuống đã thấy máu đỏ tươi ướt đẫm hai ống quần. Tôi gục xuống. Khi tỉnh dậy, thấy mình đã nằm trong căn hầm chữ A, cạnh anh Y, đúng nơi đã đặt thi hài của Thạc trước đó.

[Y tá Đỗ Minh Quang, người đã băng bó vết thương cho tôi ngày ấy, hiện là Đại tá, bác sĩ Chủ nhiệm khoa của Viện Quân y 354 Quân đội, cũng vừa cùng ông Nguyễn Văn Thục, anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, đến thăm gia đình tôi ở Ninh Bình].

Tối hôm ấy, đơn vị định chuyển thương binh về tuyến sau ngay, nhưng pháo địch bắn nhiều quá, không đi được. Phải đợi gần sáng, anh em mới khiêng chúng tôi ra được tới Cửa Việt. Mấy ngày sau, chúng tôi được nằm ca nô ra Vĩnh Linh, đi tiếp ra Quảng Bình, rồi Nghệ An... điều trị vết thương ở Quân y viện 4. Cuối năm đó, tôi về an dưỡng ở Phủ Lý.

Tháng 10/1973, tôi được chuyển ngành, đi học Trung cấp Tài chính ở Hải Dương. Tháng 9/1976, tôi về công tác ở Phòng Tài chính huyện Gia Khánh [nay là Hoa Lư], tỉnh Ninh Bình. Và công tác liên tục ở cơ quan huyện này từ đó cho đến nay.

Nhưng nếu chuyện chỉ có vậy, thì cũng chưa có gì đáng nói. Tôi cũng không muốn anh viết lại làm gì, kẻo lại mang tiếng là mình đã “ăn theo”...

Bi kịch đến từ đêm tân hôn…

Năm 1984, tôi xây dựng gia đình với một nữ nhân viên của cơ quan huyện. Vợ tôi là một cô gái đã tốt nghiệp đại học. Ai cũng bảo chúng tôi xứng đôi và vừa lứa. Họ đã cầu chúc cho chúng tôi hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Khỏi phải nói, cha mẹ già của tôi đã mừng vui tới mức nào. Ông bà đều tin rằng sau bao năm mong đợi, nay đã sắp có cháu nội để bế bồng. Vì thế, vợ tôi đã được cả họ nhà chồng quý mến, trông đợi và đặt hết niềm hy vọng vào cô ấy.

Nhưng cũng ngay đêm tân hôn đó, tôi mới phát hiện ra điều bất hạnh lớn nhất cuộc đời mình: Vết thương ở chỗ oái oăm kia, đã khiến tôi vĩnh viễn mất đi khả năng làm chồng. Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng đều bất lực. Chiến tranh đã cướp đi thiên chức đàn ông vốn có của tôi từ hàng chục năm rồi, mà tôi không biết.

Lúc đầu, vợ tôi tưởng chồng mình bị mệt sau ngày cưới căng thẳng, lại là chuyện tế nhị, nên cô ấy cảm thông và không nói gì. Nhưng mấy ngày sau, tôi đành phải nói ra sự thật. Từ ngỡ ngàng, đến thất vọng ê chề. Vợ tôi chỉ biết vùi đầu vào chăn gối mà khóc...

Đó là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Cuộc sống vợ chồng nặng nề như địa ngục. Tổ ấm hạnh phúc lạnh lẽo dần. Đi làm thì thôi, về tới nhà, chúng tôi không nói với nhau một lời.

Tôi tự thấy mình là người có lỗi với vợ. Không, phải là có tội mới đúng. Tại sao tôi lại không biết thiên chức đàn ông của mình ra sao? Tại sao tôi không thể nói hết với vợ tôi trước ngày cưới? Dù thanh minh thế nào, giờ đây tôi cũng đã trở thành người “lừa dối”.

Tôi bắt đầu mặc cảm với thân phận, tự ti và chán đời. Tôi ngại tiếp xúc với mọi người, trốn tránh bạn bè và bắt đầu tìm thú vui trong rượu và thuốc lá. Tôi đã đốt thuốc lá cháy tay và uống rượu thâu đêm. Tôi nhếch nhác và bê tha. Tinh thần tôi đã bạc nhược và sức khỏe thì sa sút. Mái tóc của tôi nhanh chóng bạc trắng...

Công việc bê trễ, khiến thủ trưởng cơ quan phải góp ý phê bình, bạn bè anh em thì nhắc nhở, động viên. Nhưng có ai biết và hiểu cho tôi đâu? Tôi đang mang một nỗi đau mà một mình tôi phải âm thầm gánh chịu đến suốt đời!

Còn nữa

Đặng Vương Hưng
Ninh Bình – Hà Nội, 2007

Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công. Cha mẹ cậu có xưởng dệt nhỏ, nhưng khi Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, đã phải bán rẻ để sơ tán về quê tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Không có việc làm, nhà lại đông con [Thạc là con thứ 10 trong 14 anh em], tài sản gia đình nhanh chóng khánh kiệt. Bà mẹ Thạc phải đi cắt cỏ bán lấy tiền ăn.

Nhà nghèo, nên Thạc vừa đi học, vừa phải đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ, nhưng học rất giỏi. Suốt 10 năm học phổ thông, cậu đều đạt loại học sinh A1 [giỏi toàn diện]. Năm lớp 7, Thạc đoạt giải Nhì [không có giải Nhất] học sinh giỏi văn thành phố Hà Nội. Năm lớp 10, [niên học 1969 - 1970], Nguyễn Văn Thạc đã đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Với thành tích học tập kể trên, Thạc đã được Ban Tuyển sinh Hà Nội xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô. Nhưng theo chủ trương chung, phần lớn  những nam học sinh xuất sắc năm đó đều phải ở lại để tham gia quân đội.

Trong khi chờ gọi nhập ngũ, Thạc đã xin thi và đỗ vào Khoa Toán – Cơ của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa học năm thứ nhất, anh vừa tự học thêm để hoàn thành chương trình năm thứ 2 và được nhà trường đồng ý cho lên học thẳng năm thứ ba... Nhưng đó cũng là thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học phải tạm ngừng học tập, để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội. Nguyễn Văn Thạc đã nhập ngũ ngày 6/9/1971.

“30/4/1975, T sẽ trả lời cho P câu: Hạnh phúc là gì?”

Trong số 300 sinh viên của Trường Tổng hợp Hà Nội cùng nhập ngũ một đợt với Thạc có Hoàng Nhuận Cầm [là nhà thơ hiện nay]. Sau này, trong nhật ký của mình, nhiều đoạn Nguyễn Văn Thạc có ghi chép và nhắc đến tác giả của Xúc xắc mùa thu, với một tình cảm đặc biệt.

Là người giỏi văn, nên Thạc viết thư rất hay. Anh cũng là người viết rất nhiều thư.  Chỉ riêng một người bạn gái thân thiết, trong 4 tháng anh viết cho cô tới... 500 trang thư, có thư dày tới... 54 trang! Đọc thư của Nguyễn Văn Thạc, ta không chỉ cảm nhận và khám phá được nhiều điều thú vị về cuộc sống và xã hội miền Bắc nước ta những năm 1966 – 1972; mà còn hiểu được đời sống, tâm tư, tình cảm của thế hệ thanh niên - chiến sĩ thời đó. Hình như anh viết thư không chỉ là thông tin tình cảm riêng cho bố mẹ, cho anh trai, hay cho bạn bè...  mà còn ấp ủ những tư tưởng và mơ ước lớn hơn nhiều. “Em muốn những trang thư là những dòng suy nghĩ về đời, về người, về cuộc sống, về những chân lý mà bất kỳ ai sống có trách nhiệm cũng phải suy nghĩ đến...” – Trong một lá thư gửi anh trai của mình, Thạc đã viết như thế.

Đặc biệt, trong một số lá thư gửi người bạn gái thân thiết, Nguyễn Văn Thạc không chỉ một lần nhắc đến ngày 30/4/1975. Anh có khả năng dự báo kỳ lạ: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. 30/4/1975, T sẽ trả lời cho P câu: Hạnh phúc là gì?”... Thậm chí, trong một lá thư đề ngày 4/9/1971, Thạc còn “đính chính”: “Như Anh nhớ nhầm rồi Lan [tức Thạc – mật danh quy ước giữa hai người - ĐVH] bảo ngày 30/4/1975 mới trả lời câu “Hạnh phúc là gì” cơ mà, chứ có phải ngày 11/4/1975 đâu?”.

Bây giờ, thì hầu hết người dân Việt Nam và nhiều người khác trên thế giới mỗi khi nhắc đến ngày 30/4/1975 đều hiểu đó là ngày gì! Nhưng xin quý độc giả nhớ cho: Nguyễn Văn Thạc viết lá thư này từ tháng 9/1971, nghĩa là gần 4 năm sau mới tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975... Nhờ đâu mà anh có được lời hẹn với người bạn gái của mình chính xác như vậy? Đó là sự tiên cảm kỳ diệu chăng?

Nhật ký “Chuyện đời”

Ngày 2/10/1971, tức là 28 ngày sau khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Thạc đã ghi những dòng nhật ký đầu tiên. Cho đến cuối tháng 5/1972, sau gần 7 tháng trời, vừa huấn luyện, vừa hành quân vào mặt trận; mặc dù phải đi xa, đeo nặng, nhưng tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ, thức khuya, dậy sớm... anh đã viết được 240 trang sổ tay.

Nguyễn Văn Thạc đã ghi chép rất kỹ những điều mắt thấy, tai nghe và cả những điều anh cảm nhận được. Đó là chuyện về gia đình những người dân nơi các anh đóng quân, chuyện về những anh lính cùng đơn vị, về những cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội, trung đoàn... Có rất nhiều chuyện vui, nhưng cũng có cả những chuyện buồn.

Về tác giả của Xúc xắc mùa thu nổi tiếng sau này, ngay từ hồi đó, Nguyễn Văn Thạc đã có những nhận xét thú vị, dự báo về một nhà thơ tài hoa trong tương lai: “Cầm [tức Hoàng Nhuận Cầm - ĐVH] viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra, đó cũng là một khả năng tốt. Khanh bảo Cầm nó chăm lắm, mặc dù sức khỏe yếu. Mình nhớ dạo mới đi bộ đội, hay gặp Cầm lang thang trong đêm. Có lần đi gác, Cầm nó nằm ngủ ngay trên cái cầu ximăng bắc qua sông Tô Lịch. Nó bảo nó nằm nhớ lại dĩ vãng xa xưa của nó ở Kinh đô, đôi guốc mộc và cái quần chùng, hàn huyên với các sư huynh bên quán nước.Kể cũng lạ, ở nó có gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ [!]...

Đan xen với những nhận xét về người và việc, là rất nhiều đoạn tự sự. Đó là những trang viết mà Nguyễn Văn Thạc tự nhận xét và đánh giá chính bản thân mình. Có những đoạn anh tự phê bình gay gắt: Không nên yếu đuối, không được chùn bước, hãy cố gắng lên, nhất định sẽ vượt qua.

Âm hưởng chung của tập nhật ký là tinh thần lạc quan, sẵn sàng ra trận, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của một thanh niên trí thức Hà Nội. Nhưng không thể không nhắc đến điều này: Nếu ta đặt cương vị mình vào Nguyễn Văn Thạc – một thủ khoa của cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, mới thấy sức ép tâm lý luôn đè nặng và ghê gớm tới mức nào! Không chỉ một lần anh lo lắng tự hỏi: “Liệu mình có thể làm được gì, đóng góp được gì cho Văn học chống Mỹ hay không? Biết bắt đầu từ đâu và đi theo con đường nào? Làm sao có được một bàn tay dẫn dắt của người đi trước?”. Cũng bởi suy nghĩ nhiều, thức đêm để viết và ít ngủ đã khiến cho mái tóc của chàng trai chưa đầy 20 tuổi sớm ngả màu, với rất nhiều sợi bạc.  

Có thể nói không quá rằng: Thần tượng của Nguyễn Văn Thạc trước khi ra trận chính là nhà thơ trẻ Phạm Tiến Duật trên tuyến đường Trường Sơn. Thạc luôn mơ ước mình cũng sẽ làm được như thế và hơn thế! --PageBreak--

Người bạn gái thân thiết

Trong nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc đã nhiều lần nhắc đến những cái tên viết tắt: P., hay N.A, hoặc N.Anh... Tất cả đều chỉ chung một người: Phạm Thị Như Anh – người bạn gái thân thiết nhất của anh. Đây là “nhân vật” xuất hiện nhiều nhất, được tác giả viết bằng một tình cảm đặc biệt và thường được coi như cái cớ, như nguồn cảm hứng bất tận để anh bộc bạch mọi buồn vui.

Phạm Thị Như Anh là con gái của luật sư nổi tiếng Phạm Thành Vinh, [nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Đông Dương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng]; cháu ngoại của cụ Hồ Đắc Điềm [nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Hành chính Thủ đô Hà Nội, anh ruột của GS. TS Hồ Đắc Di].

Phạm Thị Như Anh kém Nguyễn Văn Thạc một tuổi, học sau một lớp  cùng Trường cấp 3 Yên Hòa B và cùng là học sinh giỏi văn của Hà Nội. Họ quen nhau trong một buổi liên hoan họp mặt các học sinh giỏi văn của Thủ đô vào ngày 18/4/1971. Đôi lần hẹn gặp tại phòng đọc của Thư viện Hà Nội. Hai người đều thích cuốn sách“Bàn về hạnh phúc thanh niên” của Ngụỵ Nguy. Họ đã có với nhau những kỷ niệm đẹp và lời hẹn ước không quên: Nhất định sẽ nói cho nhau nghe “hạnh phúc là gì”! Trong đêm chia tay trước ngày đi xa, [Thạc vào bộ đội, ra trận, còn Như Anh đi du học tại Liên Xô] hai người cùng đạp xe lên dạo tại Hồ Tây... Theo chị Như Anh nhớ lại thì trong khoảng 4 tháng trời quen biết, tổng cộng thời gian anh chị gặp nhau 5 lần, với khoảng 20 giờ đồng hồ. Nhưng chừng đó cũng đủ để hình bóng họ không bao giờ phai mờ trong nhau.

Trong thư và nhật ký, khi nhớ tới Như Anh, Thạc thường nhắc nhiều và ấn tượng nhất là chiếc áo màu xanh da trời chị hay mặc. [Trời xanh thì ai nhìn cũng thấy, ngỡ như rất gần mà không thể nào với tới được!]. Thạc cũng có một chiếc áo màu xanh y như thế. Sau này, anh đã đề nghị chị Như Anh hãy cất giữ chiếc áo đó làm kỷ niệm, để nhớ mãi những ngày xa nhau...

Ngồi kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm của hơn 30 năm về trước, chị Như Anh đã không cầm được nước mắt. Đó là những giọt lệ hiếm hoi của một người phụ nữ đã ngoài năm mươi, từng trải và cứng rắn. Hiện TS. Phạm Thị Như Anh đang cùng gia đình định cư tại nước ngoài. Là một doanh nhân thành đạt, chủ một công viên mang tên “Chín con rồng” nổi tiếng của người Việt Nam tại vùng Hannover của CHLB Đức, chị đã từng được báo Lao Động dành cả trang giới thiệu trong số Tết Nguyên đán Ất Dậu, với bài “Hồn Việt giữa lòng châu Âu”.

Với tôi, những kỷ niệm về Nguyễn Văn Thạc gắn liền với tuổi trẻ trong sáng, lãng mạn và quãng đời đẹp nhất của thời con gái – TS. Phạm Thị Như Anh tâm sự - Đã có cả một thế hệ thanh niên sinh viên Hà Nội, những người con ưu tú nhất của Thủ đô ngày ấy, từ trường đại học cầm súng bước thẳng ra mặt trận, nhiều người đã ngã xuống và không trở về.

Có lẽ bởi thế, TS. Phạm Thị Như Anh luôn coi gần một ngàn trang thư mà Nguyễn Văn Thạc đã viết cho chị, cùng cuốn sổ ghi nhật ký bìa bọc ni-lông màu xanh da trời như những kỷ vật vô giá. Những trang giấy mỏng manh đã ố vàng vì thời gian ấy, càng trở nên thiêng liêng hơn kể từ sau ngày chị nhận được tin anh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị...

Mãi mãi tuổi 20

Trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc đã bị trọng thương, mảnh pháo đã cắt ngang đùi trái. Sau này, một đồng đội của anh kể lại: Mặc dù đã được garô và băng bó, nhưng mất máu quá nhiều, nên sắc mặt Thạc tái dần đi. Tuy nhiên, anh lại rất tỉnh. Đồng đội vừa cấp cứu, vừa động viên Thạc, nhưng anh nói: “Mình tỉnh thế này tức là sắp chết rồi... Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa... bao dự định còn dang dở”. Sau đó, Thạc tắt thở trong vòng tay của đồng đội.

Tháng 5/1973, khi gia đình chưa nhận được giấy báo tử, thì anh Đặng Trực Ngôn - một đồng đội thân thiết của Thạc báo tin anh hy sinh. Thư viết rất rõ: “Mộ của Thạc ở thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, quận Triệu Phong, Quảng Trị [tiếp giáp thôn Hà My, Phương Ngạn, gần lộ 4]. Mộ được đặt ở thửa ruộng khá cao, cùng hai ngôi mộ khác, Thạc đặt đầu tiên”.

Cuối năm 1976, ông Nguyễn Văn Thục, [anh ruột của liệt sĩ Thạc] được Công ty 16 giao nhiệm vụ chỉ đạo vận chuyển vật tư thiết bị thi công từ Quảng Trị ra Hà Nội. Nhân cơ hội này, ông báo cáo giám đốc, xin kết hợp tìm mộ liệt sĩ. Và ông Thục đã thực hiện được nguyện ước là đưa hài cốt người em trai về quê vào giáp tết Đinh Tỵ [1977]...

Bây giờ, ngôi mộ của anh lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc - người giỏi văn nhất miền Bắc một thời, người đã có dự báo chính xác về ngày 30/4/1975 trước gần 4 năm, tác giả của tập nhật ký mang tên “Mãi mãi tuổi hai mươi” [NXB Thanh Niên sắp ấn hành] đang nằm trong nghĩa trang của huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Video liên quan

Chủ Đề