Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vào năm não

Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vào năm não
Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam có hàng chục cuộc chiến tranh lớn, trong đó rất nhiều cuộc chiến mà nhân dân ta đã kết thúc bằng chiến dịch quân sự với những trận quyết chiến chiến lược vô cùng oanh liệt.

Trong thời hiện đại, chỉ tính từ 1945 đến 1975, nhân dân ta liên tiếp phải chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc lớn với 42 chiến dịch tiêu biểu, trong đó Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ 26 - 30/4/1975) đóng vai trò kết thúc “cuộc chiến tranh” 30 năm giành độc lập, tự do của nhân dân ta.

Chiến dịch Hồ Chí Minh được hình thành và triển khai trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại trong cuốn hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: “Hội nghị Bộ Chính trị 31/3/1975 đã nhất trí nhận định ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn nguỵ sụp đổ và đánh giá từ cuộc họp ngày 31/3/1975, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt”.

Hồi tưởng của Đại tướng còn có thông tin: Lúc ấy Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ muốn học lại cách đề xuất của cựu Phó Tổng thống Mỹ hồi năm 1954 khi nêu giải pháp duy nhất còn lại lúc này là ném bom nguyên tử, nhưng Tổng thống đương nhiệm của Mỹ sau vụ Watergate lại đang trong tình thế khó xử nên chỉ biết bỏ đi đánh golf suốt cả tuần”.

Trong khi đó, tài liệu Từ Toà Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng và Jérold Schecter cho hay: Trong những ngày tàn của chiến tranh thực dân mới, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng khẩn cầu chữ ‘Tín’ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và đặc biệt khẩn cầu lương tâm của nước Mỹ, sau đó xoay sang thách đố ‘có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa’… Nhưng đáp lại cho số phận của Việt Nam Cộng hòa trong cơn hấp hối vẫn chỉ là lời hứa của Tổng thống Mỹ mà thôi.

Lúc này, Quân ủy Trung ương chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người từng cân nhắc chính xác 2 phương án trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - lần này có lựa chọn khác.

Ông viết trong hồi ký: “Giữa hai phương án cơ bản, một là bao vây dài ngày tạo điều kiện rồi dứt điểm, hai là tiến công táo bạo từ đầu, đánh nhanh, dứt điểm nhanh, thì nay nên chọn phương án 2, tức là làm thật nhanh, thật táo bạo, đồng thời có sự chuẩn bị trong điều kiện nào đó nếu cần thì chủ động chuyển sang phương án 1 cũng nhằm giành thắng lợi cuối cùng trong một thời gian ngắn. Với lực lượng sẵn có, cần hành động kịp thời để lợi dụng mọi thời cơ cụ thể do địch hoang mang và lúng túng đưa lại, tiến công liên tiếp, giành thắng lợi liên tiếp, làm đảo lộn mọi mưu đồ chấn chỉnh lực lượng hoặc tăng cường viện trợ của Mỹ”.

Như nhiều trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử, Chiến dịch Hồ Chí Minh phải đánh vào nơi địch phòng ngự mạnh nhất, giáng đòn quyết định cuối cùng vào ý chí của chúng. Do đó phải có sức mạnh đầy đủ và tập trung nhất, là tổng hợp sức mạnh Việt Nam trong chiến tranh, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh chính trị - tinh thần, ý chí, trí tuệ Việt Nam, cả nước được huy động cho chiến dịch toàn thắng.

Giống các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã từng bước phát triển sáng tạo đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự truyền thống, Chiến dịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chiến dịch tiếp tục phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới.

Đó là nghệ thuật tập trung lực lượng quân sự lớn nhất, hình thành ưu thế áp đảo địch ở ngay trung tâm đầu não của chúng; hình thành thế trận bao vây chặt dựa trên lực lượng mạnh cả quân sự và chính trị, trong đó lực lượng vũ trang chủ lực cơ động chiến lược giữ vai trò nòng cốt, quyết định và đi trước một bước; thực hiện hiệp đồng các quân binh chủng, các hướng tiến công, các binh đoàn chủ lực với lực lượng địa phương. Đó là nghệ thuật đánh dứt điểm nhanh, kết hợp chặt chẽ phòng thủ vòng ngoài với thọc sâu của các binh đoàn cơ giới và đột kích vào trung tâm thành phố Sài Gòn, chiếm mục tiêu quan trọng nhất.

Chiến dịch Hồ Chí Minh làm được điều kỳ diệu, hiếm có trong lịch sử chiến tranh: Giải phóng thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, hạn chế đổ máu và ít tổn thất. Đề ra phương châm tác chiến chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, nhưng tài thao lược theo cách “Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời”, kết thúc chiến tranh có lợi nhất cho sự phát triển của đất nước. Đó là việc thực hiện phối hợp chặt chẽ đòn tiến công mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực cơ động với đòn đánh hiểm của lực lượng vũ trang tại chỗ và phong trào nổi dậy của quần chúng - Cùng với 5 cánh quân là các đạo quân chủ lực từ 5 hướng tấn công bao vây Sài Gòn, còn có “5 cánh quân nổi dậy” tại 5 khu vực nội thành (Quận 3, Quận 4, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình), tổ chức nhân dân nổi dậy làm chủ ở cơ sở.

Đến ngày 28/4/1975, Sài Gòn đã hoàn toàn bị 5 cánh quân của ta vây chặt. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố dành cho đối phương một ngày để di tản. Vậy mà họ vẫn có ảo tưởng phái "sứ giả" đi đàm phán về giải pháp ngừng bắn. Cho đến khi xe tăng Quân giải phóng chồm tới cổng Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn sáng 30/4, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Chỉ 5 ngày quyết chiến chiến lược (từ 26-30/4/1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm tan rã toàn bộ chính quyền, quân đội, cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa từ Trung ương đến các địa phương còn lại ở miền Nam, gồm trên 45 vạn quân; tịch thu 500 khẩu pháo, hơn 400 xe tăng, xe thiết giáp, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 270.000 khẩu súng các loại, 3.000 xe quân sự cùng nhiều kho tàng, dự trữ chiến tranh tích lũy trong 20 năm; toàn bộ lực lượng cố vấn quân sự còn lại của Mỹ ở Việt Nam phải rút chạy.

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng toàn bộ miền Nam Việt Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường Việt Nam, vượt xa các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô lực lượng, cường độ, nhịp độ tiến công, nội dung tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược, cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Chiến dịch vĩ đại ấy được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Chiến dịch lấy tên “Hồ Chí Minh” mang tầm vóc đại thắng của dân tộc, một chiến công hiển hách dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cả trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Minh Hồng


QPTĐ-17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Tất cả 5 cánh quân của ta từ các hướng dội bão lửa vào tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Tại hướng Đông Nam, pháo binh của Quân đoàn 2 dồn dập trút đạn vào các mục tiêu, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng khẩn trương vận động chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Trên các mũi tiến công chính diện, ngay trong đêm 26-4, Sư đoàn 304 nhanh chóng chiếm được trường huấn luyện thiết giáp. Địch co cụm về trường huấn luyện bộ binh, trường biệt kích chống cự quyết liệt và điều thêm lực lượng từ Biên Hòa lên phản kích liên tục trong hai ngày 27 và 28-4, gây cho ta nhiều khó khăn. Cùng thời gian này, Sư đoàn 325 đánh chiếm ngã ba Đường 15, chi khu Long Thành... Trên hướng Sư đoàn 3, ta đánh chiếm Đức Thạnh, Bà Rịa; địch phá cầu Cỏ May ngăn chặn quân ta tiến ra thị xã Vũng Tàu. Đến tối 28-4, trên cơ sở đánh giá tình hình chung cơ bản thuận lợi, BCH Chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh cho các hướng tiếp tục phát triển tiến công, bảo đảm sáng 29-4, toàn mặt trận nhất loạt tổng tiến công vào nội đô thành phố Sài Gòn.

Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vào năm não

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trong sự chào đón của nhân dân.

Chấp hành mệnh lệnh, ở hướng Đông Nam, tối 28 và ngày 29-4, Sư đoàn 304 lần lượt đánh chiếm trường huấn luyện bộ binh, căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình. Sư đoàn 325 tiến công làm chủ chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, áp sát Cát Lái. Sư đoàn 3 tiến công giải phóng Vũng Tàu. Từ 15 giờ ngày 29-4, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 (gồm Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 và Trung đoàn Bộ binh 66) được lệnh xuất phát, đến 24 giờ bắt liên lạc được với Đoàn Đặc công 116 tại cầu Đồng Nai, sẵn sàng đột phá vào nội đô.

Sáng 30-4, các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích vào nội đô thành phố Sài Gòn. Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đặc công 116 và lực lượng biệt động thành đập tan các chốt chặn của địch, tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền địch, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Phát huy thắng lợi, các tỉnh còn lại của Nam bộ nhất tề đứng lên tiến công nổi dậy theo phương thức “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Đến ngày 2-5-1975, miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn.

Trải qua 5 ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta trên hướng Đông Nam, trong đó, Quân đoàn 2 là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, đã anh dũng chiến đấu “hoàn thành nhiệm vụ một cách đặc biệt xuất sắc!”. Kết quả, ta tiêu diệt, bắt sống, gọi ra trình diện hơn 20.000 tên địch; tiêu diệt, làm tan rã 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, 4 liên giang đoàn chiến đấu; bắn rơi, bắn cháy 23 máy bay; thu giữ, phá hủy hàng trăm khẩu pháo cùng nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh khác của địch. Lực lượng tiến công trên hướng Đông Nam đã vinh dự đánh chiếm Dinh Độc Lập-đầu não của chính quyền địch.

Phát huy truyền thống của quân và dân ta, ngay từ khi được thành lập, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, LLVT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chỉ tính trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị đã tích cực đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện; thực hiện tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp và phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” trong huấn luyện; nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ. Bộ Tư lệnh tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng diễn tập MB-17, diễn tập KVPT thành phố Hà Nội HN-19, diễn tập phòng thủ dân sự, diễn tập thực nghiệm nội dung quân sự chủ trì tham mưu xử lý tình huống A2, diễn tập tác chiến không gian mạng; phối hợp tham mưu diễn tập chống khủng bố, phòng, chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, phòng chống thảm họa ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân, giảm nhẹ thiên tai bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối. Đồng thời, chỉ đạo 30/30 quận, huyện, thị xã diễn tập KVPT và PCLB; 100% các xã, phường, thị trấn diễn tập chiến đấu phòng thủ sát thực tế, chất lượng, an toàn tuyệt đối. 

Thực hiện tốt Nghị định số 77 của Chính phủ (Sửa đổi, nay là Nghị định 03/2019/NĐ-CP) về phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng; duy trì có nền nếp hoạt động Kiểm soát quân sự chuyên trách và không chuyên trách tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn; tổ chức dò tìm vật nổ tại khu vực diễn ra các sự kiện quan trọng và khu vực Lễ, hội bảo đảm an toàn cho nhân dân thăm quan; rà phá vật nổ cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức, tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo giải quyết “Điểm nóng” tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức: Thành lập tổ công tác, thực hiện “3 cùng” với nhân dân; nắm chắc tình hình, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...

46 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 luôn là “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc, khẳng định nét độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh của Đảng Lao động Việt Nam phù hợp với yêu cầu của thời cơ quân sự, thời cơ chính trị và hơn hết khẳng định cho trí tuệ, tài thao lược Việt Nam trong “cuộc đụng đầu lịch sử” chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Cát Tường