Tirunesh Dibaba - Vận động viên chạy bộ Ethiopia

Thành tích vô đối của VĐV Ethiopia thường được ‘quy’ về độ cao và cuộc sống khó khăn, nhưng việc tập luyện chăm chỉ, có kế hoạch rõ ràng và sáng tạo đóng vai trò quan trọng.

Tôi thức dậy lúc 3h15, sau giấc ngủ ngon dài 4 tiếng. Khoác lên người chiếc áo thun, tôi bước ra ngoài trong khi trời vẫn tối đen như mực. Hơi thở của tôi nhanh chóng biến thành làn khói mỏng trong tiết trời lạnh của buổi sớm mai. Fasil đã dậy trước tôi và đang rửa mặt. Hôm nay là ngày cậu ấy không phải đi làm bảo vệ ở một tòa nhà đang thi công. Fasil ở cùng nhà với Hailye. Vô cùng mừng rỡ và ngạc nhiên khi tôi giữ lời hứa dậy sớm tinh mơ để sẵn sàng cho buổi chạy cùng, nét mặt Hailye hào hứng: “Mày không phải là người nước ngoài. Mày là một người hùng”.

Chúng tôi chạy khởi động nhẹ, băng qua nhà thờ Kidana Mehret, xuôi theo những con dốc bê tông trước khi Hailye rẽ vào những ngọn đồi. Ánh sáng duy nhất lúc này rọi vào chúng tôi từ bóng đèn hiếm hoi treo lủng lẳng bên ngoài một ki-ốt. Khi hoàn thành khoảng 8 vòng chạy lên dốc, tôi nhận ra rằng bạn sẽ chinh phục con dốc một cách nhanh hơn nếu nhìn xuống chân mình thay vì ngước lên đỉnh đồi. Sau tầm 1 giờ tập luyện, Hailye ra hiệu dừng lại. Rồi chúng tôi chạy thả lỏng về nhà. “Anh nên tắm nước lạnh rồi đi ngủ. Tôi bảo đảm đây sẽ là giấc ngủ tuyệt nhất trong đời anh”, chân chạy Ethiopia cười lém lỉnh.

Và Hailye đã nói đúng, tôi ngủ ngon vô cùng. Buổi tập đó là lần đầu tôi bắt đầu huấn luyện cùng với những VĐV chạy đường dài Ethiopia tại thủ đô Addis Ababa. Khi đó, Fasil gán cho tôi danh hiệu “Habesha”, từ chỉ một người Ethiopia đầy kiêu hãnh. Cậu ấy còn đùa rằng khi trở về nước Anh, tôi có thể vượt mặt đối thủ và nói “Ciao ferenj” (tiếng lóng ám chỉ: tạm biệt những người nước ngoài) và thắng các giải đua một cách dễ dàng. Ciao ferenj là cụm từ được sử dụng rộng rãi trong giới chạy bộ ở Ethiopia khi bạn hoàn thành bài tập một cách xuất sắc.

Sự thành công của bộ môn chạy bộ ở Ethiopia và Kenya thường được giải thích bởi bộ gien vượt trội của VĐV, điều kiện tập luyện ở những vùng cao nguyên và hoàn cảnh khó khăn khiến các chân chạy phải nỗ lực thi đấu để trang trải sinh hoạt. Tuy nhiên, khi sống là tập luyện ở Ethiopia tôi mới vỡ lẽ ra rằng rất hiếm người dân với hoàn cảnh khó khăn có thể trở thành VĐV chạy giỏi bởi họ không có đủ thời gian nghỉ ngơi hoặc điều kiện ăn uống hợp lí. Một thợ cắt tóc sống ở Addis, người từng cố gắng trở thành VĐV chạy bộ để kiếm tiền, ngán ngẩm nói: “Vấn đề của Ethiopia là tình trạng nghèo đói vẫn phổ biến. Nếu khá khẩm hơn, ai trong chúng tôi cũng đã chạy và trở thành VĐV rồi”.

Quả thật, hầu hết những VĐV tôi sống và tập luyện cùng đều không tin vào “tài năng thiên bẩm”. Đối với họ, những người chạy giỏi phải học được cách thích nghi và luôn “đeo bám” những VĐV kinh nghiệm khác. Họ bỏ thời gian để lên kế hoạch tập luyện sao cho có thể tối ưu hóa được những lợi ích từ việc tập luyện ở nhiều môi trường khác nhau và những đồng đội mới liên tục. Họ luôn cân đo đong đếm những yếu tố có lợi của những cung đường, như điều kiện áp suất thấp ở núi Entoto khi chân bạn cảm thấy “nặng” hơn, hoặc thảo nguyên Sendafa khiến những bước chạy như lướt gió vậy. Đôi khi họ tập luyện ở khí hậu lạnh của những cánh rừng trên núi cao, rồi sau đó di chuyển xuống vùng Akaki nóng bức ở độ cao thấp hơn 800m. Chúng tôi đã quá quen với việc phải ngồi trên xe buýt hàng giờ liền để đến chỗ tập, và tốn cũng ngần ấy thời gian để quay về. Một buổi sáng nọ, khi thức dậy tôi thấy Teklemariam, một anh chàng sống cách chỗ tôi 20km, đang rửa mặt ở trước sân nhà. “Tôi đến đây để tập chạy dốc Tirunesh”, anh ấy nhắc đến ngọn đồi mà Tirunesh Dibaba, nhà vô địch Olympics cự li 5.000m và 10.000m, từng tập luyện. Thích nghi với môi trường một cách chủ động và sáng tạo là một thế mạnh khó chối cãi của những VĐV chạy bộ Ethiopia.

Ở Ethiopia, một địa điểm tập luyện sẽ trở nên phổ biến khi những tên tuổi lớn ‘mài giày’. Entoto còn được biết đến như bãi tập quen thuộc của Haile Gebrselassie, người từng chạy ở đây mỗi ngày vào lúc 5h30 mỗi sáng. Nhưng có những địa điểm lại được biết đến bởi đặc điểm khí hậu độc nhất vô nhị. Một khu rừng ở đây được gọi là Boston vì khí hậu lạnh giống thời tiết của giải chạy nổi tiếng ở Boston, Mỹ. Những VĐV đạt chuẩn tham dự giải Boston Marathon đều đến đây tập luyện. Chúng tôi thường chạy các bài nhẹ nhàng ở khu rừng tên Arahi (có nghĩa là 4.000) với độ cao gần 2.500 mét so với mực nước biển.

Những chân chạy Ethiopia mẫn cán

Lý do Hailye đánh thức tôi dậy chạy vào lúc tờ mờ sáng là bởi anh cảm thấy việc tập luyện của mình đang trở nên quá “dễ ăn”. Hailye muốn nhắc nhở bản thân về quãng thời gian mà anh phải thức dậy mỗi tối để tập chạy khi xe cộ thưa thớt, và mỗi tháng chỉ sống với 6 bảng Anh. Việc thức dậy lúc 3h sáng khiến anh nhớ về thuở cơ hàn và tôi rèn bản thân tính không tự mãn. Một lần khác, Hailye vẫn lao vào rừng chạy khi đang bị thương hàn. Anh mặc tận 2 bộ quần áo dài tay để khiến cơ thể toát mồ hôi nhiều hơn. “Các cầu thủ Cristiano Ronaldo hay Gareth Bale có thể nghỉ nếu họ cảm lạnh. Những người nước ngoài có thể thư giãn, nhưng những người Ethiopia đầy kiêu hãnh phải tiếp tục lao động”, anh nói. Đôi khi phải dừng lại và ôm đầu vì những cơn chóng mặt, nhưng Hailye vẫn tiếp tục chạy vì anh cảm thấy tự mình phải liên tục đấu tranh. Ở Ethiopia, bạn sẽ thường bắt gặp hình ảnh một chân chạy vẫn tập luyện với những tép tỏi ghim vào mũi khi đang cảm lạnh. Đây có đây là một cách tập luyện phản khoa học, nhưng nó ít nhiều cho thấy tinh thần tập luyện chấp nhận mọi gian khổ để trui rèn bản thân của những VĐV Ethiopia.

Tuy rèn luyện cực khổ, các VĐV Ethiopia không vì thế mà quên đi những phương pháp giúp họ đạt được lợi thế cận biên (margin gain) – những ưu thế nhỏ chúng ta thường phớt lờ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với giới VĐV chuyên nghiệp. Có những đội sẵn sàng mang giường ngủ quen thuộc theo để đảm bảo giấc ngủ ngon, hoặc đặt chuyên gia dinh dưỡng giao bữa ăn đầy đủ dưỡng chất đến tận cửa. Những VĐV Ethiopia cũng không phải ngoại lệ. Họ rất chú trọng đến việc nghỉ ngơi hồi sức. Tôi được khuyên không nên đi bộ giữa những buổi tập, và phải đảm bảo ngủ đủ giấc sau khi tập vào sáng sớm.

Tập luyện ở những điều kiện cực hạn không có gì lạ lẫm đối với người Ethiopia. Fasil thường dẫn tôi đến chạy ở những khu rừng mà chúng tôi luôn phải “bò” lên dốc, dùng tay bấu vào gốc cây và gai nhọn để đi lên. Để chạy nhanh, cậy ấy còn cố tình chọn lựa những chỗ có nhiều linh cẩu, và rất bình thản nhặt đá ném chúng khi đến gần. Giải thích về những lựa chọn cực đoan này, Fasil khẽ khọt: “Để thành công, bạn phải vượt qua chông gai. Rừng là nơi có nhiều bất ngờ nhất. Những con dốc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, và không có gì là dễ chịu khi tập luyện ở đây cả. Khi làm quen được với những điều này, bạn sẽ thành công”. Đối với Fasil và các VĐV Ethiopia, dù biết rằng tập luyện ở những điểm cực hạn sẽ giúp con người giành được nhiều lợi thế để chiến thắng đối thủ, họ đồng thời cũng nhận ra rằng kết quả đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát. “Đó không phải là ý Chúa rồi”, câu phàn nàn quen thuộc khi được hỏi về kết quả không tốt ở các cuộc đua.

‘Training alone is just for health’ – Bạn chỉ nhanh hơn khi tập cùng người khác

“Chạy một mình chỉ giúp rèn luyện sức khỏe thôi. Muốn nhanh hơn, hãy tập cùng người khác và học hỏi họ”, tôi được mọi VĐV Ethiopia khuyên như vậy.

Hầu hết những người tôi biết đều bắt đầu tập chạy trong các trại huấn luyện nơi vùng quê hoặc các nhóm ở thành phố. Chạy một mình không được hoan nghênh, giống như việc đi ăn một mình vậy. VĐV sẽ “theo chân” các VĐV khác khi tập luyện theo một đội hình thẳng tắp cứ như được một sợi chỉ vô hình xâu lại vậy. Những fan trung thành của Strava sẽ rất sốc khi biết rằng ngay cả đồng hồ GPS cũng được sử dụng như của chung và được các thành viên của nhóm chạy thay phiên nhau sử dụng. Những bài tập được xem như hoàn hảo khi tất cả VĐV tham dự chia sẻ năng lượng cũng như hoàn thành vai trò của mình.

Để tham gia nhóm chạy, VĐV phải hoàn thành những bài kiểm tra khắt khe. Một chân chạy cho biết anh từng phải cạnh tranh với 80 người khác trong một lần sát hạch chạy 3.000m ở sân vận động. Câu lạc bộ thường chỉ lấy 3 người nhanh nhất, và bạn sẽ phải quay trở lại vào năm sau nếu về đích ở vị trí thứ 4. Cậu ấy phải lặp lại những bài sát hạch tương tự khi chuyển từ câu lạc bộ ở quê nhà lên cấp huyện, và cuối cùng là ở thủ đô Addis chỉ khi giành 1 trong 3 thứ hạng đầu ở giải vô địch Amhara. Cơ cấu và chính sách hỗ trợ VĐV chuyên nghiệp ở Ethiopia cũng rất chuyên nghiệp và vượt xa nhiều nước khác. Nếu nước Anh cũng làm được như vậy, tôi nghĩ các VĐV xứ sương mù cũng sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn ở các giải chạy đường dài đỉnh cao.