Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính là gì năm 2024

Hai thuật ngữ xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính có vẻ rất giống nhau khiến không ít người lầm tưởng chúng là một. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa 02 khái niệm này.

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính là gì năm 2024

Phân biệt

Xử phạt vi phạm hành chính & Biện pháp xử lý hành chính

*Về xử phạt vi phạm hành chính

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

– Đối tượng áp dụng: Cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước (khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

– Hình thức xử phạt vi phạm hành chính: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất.

Hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính; Các hình thức xử phạt còn lại có thể là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính. (theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

– Nguyên tắc áp dụng: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm… Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

– Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt (điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

– Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

*Về xử lý hành chính

Xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Ngoài ra, còn có biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình (khoản 3, khoản 4 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

– Đối tượng áp dụng: Chỉ áp dụng với cá nhân trong nước. Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài (khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

– Hình thức xử lý vi phạm: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Nguyên tắc áp dụng: Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định; việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; việc xử lý vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 3 Luật này).

– Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 03 tháng – 01 năm kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm tùy từng trường hợp; thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 06 tháng – 01 năm kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm tùy từng trường hợp; thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm; thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm.

Như vậy, có thể thấy xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác.