Mày biết tao ở đâu không

Mày có biết “bố mày” là ai không?

Cũng câu nói này, có những người “ngông” thường hay nói để chứng tỏ quyền uy, đẳng cấp của mình. Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi lăm năm trước.

Một bữa đang ngồi trong quán cà phê ở Sài Gòn, thì tôi đã bị một gã đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi: “Ông biết tôi là ai không?”

Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết. Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.

Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một quan chức lớn, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.

Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi vẫn chưa bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả.

Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ. Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.

Mấy tháng trước, trong chuyến về lại Los Angeles, California, tôi phải ghé lại Newark, New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra.

Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy.

Ông ta nói lớn rằng: ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng: cô xin lỗi về những điều phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.

Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là cũng để cho các hành khách khác cũng đều nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần: “Cô biết tôi là ai không ?”(Do you know who I am…?).

Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này.

Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.” (“At counter 112, there is a passenger who does not know who he is, passengers who can help him with his identity or identity, please go to counter 112.”).

Ông khách bây giờ tự nhiên khốn khổ vì chính câu hỏi của ông, đã bị biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa….

Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười…. Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu: “Đ.M. mày…!” (F.K you).

Người phụ nữ ở quầy, không hề tỏ ra một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, cô trả lời ông nguyên văn như thế này: “I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too..!” (Thưa ông, chuyện đó, chuyện mà ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được…”.

Chao ôi, câu trả lời một cách tự nhiên đầy hóm hỉnh hay biết là chừng nào! Thế mà tự bao lâu nay, tôi không nghĩ ra từ mấy chục năm nay để mà trong lòng ấm ức không nguôi!

Bây giờ, nếu người đàn ông ngày xưa ở Sài Gòn hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời đã học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.

Vài năm trước khi còn làm ở đơn vị cũ, một lần tôi có việc phải đỗ xe máy gần cổng một cơ quan tư pháp tối cao tại Hà Nội. Dù tôi đã đỗ sát vỉa hè, không thuộc khu vực bảo vệ nhưng cậu lính nghĩa vụ vẫn ra "nhắc nhở" yêu cầu di chuyển. Trưa nắng, đang có việc gấp, tôi văng một câu với cậu lính nghĩa vụ, gợi nhớ đến sự chênh lệch "phẩm hàm" giữa tôi và cậu ta. Dù không vô văn hóa như câu "mày có biết tao là ai không?" nhưng ý nghĩa cũng tương đương.

Nói xong câu đó, tự tôi thấy giật mình rồi vội vã tìm chỗ đỗ khác. Đã lâu, mỗi lần đọc câu chuyện "mày có biết tao là ai" trên báo chí hay mạng xã hội, tôi lại thấy đỏ mặt.

Thử tìm kiếm trên Google, hơn 14,6 triệu kết quả với từ khóa "mày có biết tao là ai". Hóa ra, câu này đã trở thành cửa miệng của một bộ phận không nhỏ những người tự cho mình có thế và lực trong xã hội. Bị CSGT kiểm tra khi vi phạm. Đỗ xe sai quy định. Thậm chí đổ rác không đúng vị trí. Doanh nhân, công chức, tài xế hay cầu thủ vi phạm đề sẵn sàng phọt ra câu "Mày biết tao là ai không?".

Không chỉ ở Việt Nam, tại một số nước, những hành vi vượt trên pháp luật vẫn thi thoảng diễn ra.Tháng 5/2019, Bộ trưởng Môi trường Mexico - bà Josefa González Blanco đã phải nộp đơn từ chức sau khi bị chỉ trích vì làm một chuyến bay khởi hành muộn 38 phút để chờ bà này.

Một hành khách chuyến bay 198 của Aeroméxico kể, khi máy bay chuẩn bị cất cánh thì phi công thông báo họ phải quay trở lại đường băng vì "lệnh của tổng thống" để tiếp nhận vị hành khách chậm trễ, chính là bà Bộ trưởng.Josefa González Blancođã gọi cho một lãnh đạo hãng hàng không để "nhờ vả" việc trì hoãn chuyến bay.

Bạn đã từng lạm dụng tình thân, lạm dụng quyền lực của người thân cho mục đích cá nhân hay chưa? Có thể là có. Nhẹ nhàng là xin cho con một chỗ học trái tuyến. Xin khám trước hay một suất giường nằm trong bệnh viện quá tải. Hay "cho cháu nhà tôi một chân nhân viên quèn ở cơ quan bác nhé".

Còn nếu chịu khó quan sát các chốt CSGT thì thấy khá rõ. Việc đầu tiên của người vi phạm không phải là xuất trình giấy tờ, trao đổi về hành vi được cho là vi phạm giao thông mà là rút điện thoại "gọi cho người thân". Và tất nhiên, giải pháp này đôi khi khả thi nên vẫn được triển khai thường xuyên. Đến mức nghe đồn, có những trạm mà luật bất thành văn là cho người vi phạm gọi điện thoại thoải mái trước khi 2 bên "vào việc".

Đó chỉ là nhờ vả mà người nhờ dù sao cũng tự ý thức mình có vị thế thấp hơn, yếu thế hơn và phải dùng lời nói, tiền bạc hỗ trợ. Tức là chủ thể vẫn phải khom lưng, xoa tay.

Nhưng khi bạn tự tin "mày có biết tao không" thì sự việc đã được đẩy lên tầm cao mới. Đó không là sự xin xỏ, nhờ vả mà mang sắc thái của một sự ra lệnh. Phải tự tin vào sự chống lưng mạnh mẽ đến mức nào thì một người vi phạm mới có thể ra lệnh cho nhân viên công vụ như vậy.

Về mặt ngôn ngữ, câu "Mày có biết tao là ai không" là một câu hỏi khá đơn giản. Nhưng lại không hề đơn giản. Đó là một câu hỏi tu từ hay nói cách khác là một sự khẳng định. Ở đây, chủ thể của câu nói tự thấy mình cao hơn mấy vụ nhờ vả qua điện thoại. Câu nói này thể hiện một nhận thức đã được tuyệt đối hoá về khả năng lạm dụng của mình. Không còn là thương lượng hay dò dẫm như mấy ví dụ xếp hàng bệnh viện hay kiểu "anh linh động giúp" nữa.

Bản chất của sự việc, chính xác hơn, là thể hiện sự không bình đẳng trước pháp luật.Nhưng tại sao lại có những người lớn miệng như vậy? Rất khó lý giải trong một xã hội đan xen nhiều mối quan hệ mà trong đó có những mối quan hệ còn có sức nặng hơn cả quan hệ hành chính kiểu cấp trên - cấp dưới.

Thế nên mới có những giai thoại kiểu một doanh nhân chỉ tay vào Chủ tịch UBND TP và dọa rằng "tao sẽ cho mày nghỉ việc". Hay một cán bộ cho CSGT xử lý mình phải chuyển công tác. Hay chuyện do chính ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kể, ở Sơn La có những doanh nghiệp đứng trước cửa UBND chỉ mặt mấy ông giám đốc, phó giám đốc sở hỏi "chúng mày có muốn làm nữa không thì bảo?".

Hẳn nhiên là trong những giai thoại trên có nhiều câu chuyện không xa sự thật là mấy. Rõ ràng có những cá nhân nằm ngoài hệ thống quyền lực nhưng lại đang nắm giữ quyền lực một cách có hệ thống. Ở đây đã có sự hình thành của một nhóm đối tượng, dù thuộc khối dân sự, nhưng thực chất nắm đầy quyền lực thông qua việc giúp những người có quyền làm kinh tế, phụ trách các khu vực "sân sau" cho người này người khác.

Đã hình thành những nhóm lợi ích trong đó người có quyền lực và một số cá nhân trong hoặc ngoài hệ thống có những quan hệ nhằng nhịt về kinh tế, sex thậm chí tâm linh. Điều này dẫn đến tình trạng "ban phát quyền lực". Như Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định là việc "sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi".

Và chúng ta sẽ thấy Thuyết "buôn vua", Vũ "nhôm"... ở khắp nơi. Chỉ khác nhau ở mức độ quyền lực bị lạm dụng nhưng lại giống nhau ở chỗ luôn luôn có quan chức tha hóa và quyền lực bị bán mua và thể hiện ở cùng một câu nói: Mày biết tao là ai không?

Bài viết đến đây có thể kết thúc. Nhưng tôi chợt nghĩ rằng, tại sao chúng ta không thể nói một câu tương tự "Ông/bà có biết tôi là ai không? Tôi là người đóng thuế để trả lương cho ông/bà", mỗi khi chúng ta gặp cảnh nhũng nhiễu, gặp những công chức luôn có ước mong được "tham nhũng vặt".

Lạm dụng quyền lực là không được phép nhưng cũng nên biết sử dụng quyền lực của mình. Dùng đúng lúc, đúng chỗ.

Trần Anh Tú