Chữ nôm quân tương hà chi nghĩa là gì năm 2024

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, chữ Hán đã từng được sử dụng như một hệ thống ngôn ngữ viết chuẩn mực ở Việt Nam. Trên cơ sở những yếu tố văn tự Hán, ông cha chúng ta đã sáng tạo ra một hệ thống chữ viết để ghi tiếng Việt, trước khi chữ Quốc ngữ hình thành và được thông dụng, đó là chữ Nôm. Với ngôn ngữ văn tự Hán cổ và chữ Nôm, hàng loạt văn bản gồm đủ mọi thể loại đã xuất hiện. Cho tới ngày nay, chúng ta được thừa hưởng cả một kho tàng di sản văn hóa thành văn hết sức đồ sộ, vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm hàng chục vạn đơn vị văn bản, ghi lại một cách sinh động nhiều mặt chủ yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta trên tiến trình lịch sử.

Chúng ta có đầy đủ cơ sở thực tế để nói tới một nền Hán văn cổ của Việt Nam mà minh chứng rõ ràng là hàng ngàn tập văn bản thơ văn có giá trị tiêu biểu về hình thức cũng như nội dung của các nhà chính trị/nhà binh pháp/nhà văn/nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Tất cả đều được viết bằng thứ văn ngôn cổ kính, hàm súc, thể hiện khá trọna vẹn bản sắc và bản lĩnh dân tộc, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa học thuật trong và ngoài nước, bảo tồn đến tận ngày nay qua bao thăng trầm của thế gian và biến thiên lịch sử. Chính vì vậy mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều tác phẩm trong kho tàng văn học cổ điển đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn ở bậc trung học. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta, chữ Hán không còn được thông dụng như trước, muốn đọc hiểu phải thông qua bản dịch khiến cho việc hiểu rõ nội dung còn gặp nhiều hạn chế, dẫn đến việc một số chữ trong tác phẩm được dịch chưa sát nghĩa, ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị tư tưởng chứa đựng trong tác phẩm.

1. Nam quốc sơn hà

Trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 1(1), câu đầu tiên trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” là: 南國山河南帝居 “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đều được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở” đã làm mất đi ý nghĩa của chữ “Đế”. “Đế” vốn chỉ thượng đế và những ông vua trong thần thoại cổ đại Trung Quốc mà các nhà Nho cho đó là những vị có đức độ sáng ngời, đời đời ngưỡng vọng, như đế Nghiêu, đế Thuấn…v.v. Từ Tần, Hán về sau vua Trung Quốc mới dùng “Đế” làm hiệu cho mình.

Từ khi nước ta khôi phục được nền tự chủ, các triều đại phong kiến Trung Quốc cao nhất cũng chỉ phong “vương” cho người đứng đầu nước ta mà thôi. Tác giả bài thơ gọi người đứng đầu nước ta là “Nam đế” tức đặt địa vị nước ta, vua ta hoàn toàn ngang hàng với Trung Quốc và vua Trung Quốc. Như vậy, “Nam đế” là hoàng đế nước Nam, chứ không đơn thuần chỉ là “vua nước Nam”.

Chúng ta đều biết rằng, trong suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc từ Tần, Hán, Tùy, Đường, Nam Hán khi xâm chiếm và đặt chế độ cai trị ở nước ta, chúng không bao giờ xem nước ta là một quốc gia độc lập, mà chúng chỉ xem nước ta là một đơn vị hành chính cấp quận huyện, phủ hay châu mà thôi. Như nhà Tần đặt nước ta làm quận, gọi là Tượng quận 象郡, nhà Hán lại chia đất Tượng quận ra làm 3 quận là Giao Chỉ 交趾, Cửu Chân 九真và Nhật Nam 日南 thuộc bộ Giao Chỉ交趾部. Đến cuối thời Đông Hán, nhà Hán lại đổi Giao Chỉ làm Giao Châu 交州, đến thời nhà Đường thì đặt là An Nam Đô hộ phủ 安南都護府. Nhưng người Việt thời bấy giờ, với ý thức tự cường độc lập dân tộc đã kiên quyết đứng lên đấu tranh lật đổ mọi ách thống trị của người phương Bắc, trải qua các đời, chúng ta vẫn luôn luôn tự xem mình là một quốc gia riêng biệt, độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ bất khả xâm phạm. Nam quốc sơn hà là một minh chứng, một tuyên ngôn cho ý chí sắt đá đó.

Chữ “Đế” ở đây cho chúng ta thấy rõ thêm ý nghĩa của chữ “Quốc” trong “Nam quốc”. “Quốc” biểu thị sự cố định về cương giới, sự hoàn chỉnh của một quốc gia, sự gắn bó của tập thể người sống trong quốc gia đó, sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm của lãnh thổ đất nước..v.v. Nó mang ý nghĩa nội hàm khác biệt hoàn toàn khi so với hàng loạt chữ khác biểu thị một đơn vị đất đai - con người như gia, bang, châu, quận, huyện, phủ, vực.

Có nắm vững được lai lịch ý nghĩa của chữ “Quốc” như vậy thì chúng ta mới hiểu được tại sao cha ông chúng ta đã cương quyết gạt bỏ - nhiều khi phải gạt bỏ bằng đấu tranh vũ trang - những cái gọi là quận, huyện, châu, phủ, để giành lấy chữ “Quốc” khi nói về đất nước mình. Chúng ta muốn gửi một thông điệp tới người phương Bắc rằng “chúng ta là một quốc gia độc lập, có đầy đủ chế độ, nhân dân, quân đội và cương vực lãnh thổ”, đó là ý nghĩa hoàn chỉnh của chữ Quốc 國. Và người đứng đầu “quốc” đó chắc chắn phải là “đế” chứ không phải là “vương” (vua) hay một tên gọi nào khác.

Chính vì vậy, câu thơ 南國山河南帝居 “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” phải được dịch (dịch nghĩa) là “sông núi nước Nam, hoàng đế nước Nam ở”.

  1. Dụ chư tỳ tướng hịch văn

Trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2(2), tác phẩm “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” được dịch thành “Hịch tướng sỹ”. Cách dịch này vừa không chuẩn về ngữ nghĩa, lại vừa không đúng với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

Đầu tiên, xét về chữ:

諭諸裨將檄文 “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”

諭 Dụ: Chỉ bảo. Người trên dạy bảo người dưới gọi là “dụ”

諸 Chư: Các

裨 Tỳ: Phụ, phó (cho trưởng)

將Tướng: Người chỉ huy, giữ chức cao trong quân đội.

檄文Hịch văn: Tên 1 thể loại văn học, mang tính chính luận, do tầng lớp vua quan thường dùng để kêu gọi, cổ vũ, hay nêu tỏ một vấn đề nào đó xuống tầng lớp quân lính và nhân dân.

Như vậy, “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” dịch sát nghĩa là: “Hịch văn dạy các phó tướng”. Chính vì vậy, sách giáo khoa dịch là “Hịch tướng sĩ” là hoàn toàn không chính xác.

“Tỳ tướng”, tức phó tướng của 1 chủ tướng. Chủ tướng ở đây chính là Hưng Đạo vương. “Chư tỳ tướng” này đều là các tướng dưới quyền trong thái ấp của ngài.

Ở nguyên tác cũng không có chữ “Sĩ” như trong các bản dịch hiện hành. Vậy “sĩ” là gì? Do nguyên văn không có chữ “sĩ” này, nên chúng ta không thể xác định được chữ Hán nào và ý nghĩa tương đương của nó (chữ Hán có 4 sĩ là 仕, 俟, 士, 涘), nhưng dựa vào văn cảnh, khả năng cao “Hịch tướng sĩ” ở đây sẽ được viết là 將士, “Sĩ” có nghĩa là binh lính. Thế nhưng rõ ràng, bài hịch văn chỉ nói đến tầng lớp phó tướng mà không hề đề cập tới tầng lớp binh lính.

Xét về nội dung:

Nếu như cách giải thích về mặt chữ nghĩa ở phần một nói trên chưa thực sự thuyết phục, chúng tôi xin phân tích tiếp ở mặt nội dung. Trong bài hịch văn này, Hưng Đạo Vương nói rất rõ:

汝等世為將種不曉文義 (nhữ đẳng thế vi TƯỚNG CHỦNG, bất hiểu văn nghĩa) có nghĩa là: “Các ngươi đời làm DÒNG TƯỚNG, không hiểu chữ nghĩa”. Như vậy, đối tượng mà Hưng Đạo Vương nói đến chính là “tướng chủng” tức những người chuyên làm tướng. Chính vì vậy mà những đối tượng này đều được nắm giữ quyền binh cũng như được hưởng các quyền lợi đặc biệt: “... Các ngươi ở cùng ta nắm giữ binh quyền đã lâu, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng, đi thuỷ thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa…”. Những điều trên chỉ dành cho tầng lớp tướng lãnh cấp cao, còn tầng lớp bính lính đại trà không thể nào có được những đặc ân như vậy.

Bên cạnh đó, Hưng Đạo Vương cũng đã nhấn mạnh rằng:

為邦國之將侍立夷酋而無忿心 (vi bang quốc chi TƯỚNG thị lập di tù nhi vô phẫn tâm) có nghĩa là: “làm TƯỚNG của nước nhà (lại đi) hầu thủ lĩnh mọi rợ mà không phẫn tâm” đã nói rõ dù là “tướng” nhưng thái độ và việc làm lại không hề xứng tầm, nên Hưng Đạo Vương phê phán cực kỳ gay gắt:

“Nghe nhạc Thái thường để đãi yến sứ nguỵ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc bạc cờ làm giải trí; hoặc vui thú ruộng vườn, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát...”, và nếu không thay đổi thì “đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là TƯỚNG bại trận”. Như vậy, rõ ràng trong toàn bộ nội dung, Hưng Đạo Vương chỉ nói về các tướng mà chưa một lần nhắc tới tầng lớp binh lính.

Xét về bối cảnh lịch sử - thiết chế nhà nước thời Trần:

Nếu như cả chữ nghĩa ở tiêu đề và cả toàn bộ nội dung vẫn chưa đủ sức thuyết phục, thì chúng tôi xét tiếp ở thiết chế nhà nước Đại Việt dưới vương triều Trần. Ở đây, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính sẽ thiết lập nên cơ cấu tổ chức quân đội. Từ đây chúng ta sẽ thấy rõ hơn về nhan đề của tác phẩm.

Mặc dù quý tộc nhà Trần như Hưng Đạo Vương hay các thân vương khác đều am tường chữ nghĩa, thông hiểu văn chương, nhưng nguồn gốc xuất thân và chức tước đảm đương vẫn là võ tướng (mỗi Trần Ích Tắc thuần văn). Chính vì vậy mà quý tộc nhà Trần nắm trọn binh quyền trong tay, và cứ mỗi thân vương ở một thái ấp đều có riêng mình một lực lượng thân binh rất lớn. Cụ thể, thời Trần có tới 15 thái ấp do các thân vương làm chủ:

Quắc Hương - Thái ấp của thái sư Trần Thủ Độ.

Vạn Kiếp - thái ấp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở Chí Linh.

Chí Linh - thái ấp của Trần Quốc Chẩn.

Chí Linh - thái ấp của Trần Phó Duyệt.

Vĩnh Bảo - thái ấp của Trần Quốc Tảng.

Đông Triều - thái ấp của Trần Khắc Chung.

Thanh Hóa - thái ấp của Trần Nhật Duật.

Diễn Châu - thái ấp của Tĩnh Đô vương Quốc Khang.

Gia Lâm - thái ấp của Trần Quang Triều.

Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động - thái ấp của Trần Khát Chân.

Bình Lục - thái ấp của Trần Quang Khải.

Hưng Hà - thái ấp của Trần Nhật Hạo.

Duy Tiên - thái ấp của Trần Khánh Dư.

Hòn Gai - thái ấp của Trần Quốc Nghiễn.

Bạch Hạc - thái ấp của các trưởng công chúa.

Bản thân các lãnh chúa này “khi chầu hầu thì đến kinh đô, xong việc lại về phủ đệ”. Mỗi người làm chúa một nơi giống như nước Tàu thời Tam Quốc: Lưu Biểu ở Kinh Châu, Đào Khiêm ở Từ Châu, Viên Thiệu ở Ký Châu, Công Tôn Toản ở U Châu, …).

Do cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước như vậy, đã hình thành nên tính tự quản của quân đội của từng lãnh chúa. Quân đội của vị nào thì vị đó chịu trách nhiệm chiêu nạp, nuôi dưỡng, huấn luyện, biên chế… Khi đất nước có biến cố, thì chính các vương hầu này lại có nghĩa vụ đem quân đội của mình tới giúp triều đình. Bài “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” vốn chỉ để dạy dỗ tầng lớp tướng quân dưới quyền trong phạm vi thái ấp của Hưng Đạo vương, mà không hề mang tính phổ quát sâu rộng đối với toàn bộ xã hội nước Đại Việt lúc bấy giờ. Sau này, tác phẩm này được các sử gia triều Lê chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư nên mới được biết đến nhiều hơn.

Khi nước ta chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh với quân Nguyên Mông lần thứ 2, Hưng Đạo Vương đã về Vạn Kiếp kêu gọi toàn bộ thái ấp của mình chuẩn bị tinh thần chống giặc. Nhưng khi soạn hịch văn để chỉ dạy, Hưng Đạo Vương chỉ khu biệt riêng tầng lớp phó tướng. Trong bài văn, Hưng Đạo Vương có nói “Các ngươi đời làm dòng tướng, không hiểu chữ nghĩa”, chúng ta thấy rằng, ngay tầng lớp tướng quân (Tướng) còn không hiểu văn chương, thì hịch văn này sao có thể phổ cập mà dành thêm cho toàn bộ binh lính (Sĩ).

Bản thân Hưng Đạo Vương cũng dùng chữ 余 “Dư” (Ta) để tự xưng bởi chữ này là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít vốn chỉ dành cho bậc quyền quý, tâm thế kẻ trên, dùng trong trường hợp trang trọng uy nghi, do đó nêu bật được sức nặng của lời văn đối với đối tượng “các phó tướng” được nói đến.

Bài văn chỉ rõ đối tượng được chỉ dạy là “tỳ tướng” tức là tầng lớp môn khách mà Hưng Đạo Vương nuôi trong nhà, chứ ko phải là các tướng tại triều đình. Điều đáng chú ý là ở nguyên văn có ghi rõ “vi bang quốc chi tướng”, tức đang nói về tầng lớp làm tướng hiện tại của đất nước Đại Việt chứ không hề là “làm tướng triều đình” như sách giáo khoa đã dịch. Mối quan hệ giữa Hưng Đạo Vương và các phó tướng là “đạo chúa - tôi”. Chúng ta thấy rõ điều này ngay trong bài văn hịch: “Nay ta chọn binh pháp các nhà làm một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo THẦN - CHỦ”.

Chúng ta thấy ngay trong tác phẩm, Hưng Đạo Vương nói rõ mục đích của bài hịch “Ta viết ra bài hịch này để các ngươi biết rõ bụng ta”. Hưng Đạo Vương chỉ có thể dạy dỗ chỉ bảo cho các tướng dưới quyền trong thái ấp của mình, nên mới dùng hai chữ “tỳ tướng” (phó tướng) mà không phải “tướng sĩ” (tướng và lính). Và từ các phó tướng này lại có nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo quân lính: “các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ”.

Tóm lại, dựa vào thiết chế tổ chức bộ máy hành chính thời Trần đã cho chúng ta thấy rõ về cách tổ chức quân đội thời kỳ này mang tính chất khép kín trong thái ấp của một lãnh chúa, mà Hưng Đạo vương là một trong số đó. Dựa vào tiêu đề, nội dung và bối cảnh lịch sử đã cho thấy DỤ CHƯ TỲ TƯỚNG HỊCH VĂN thực chất là bài HỊCH VĂN DẠY CÁC PHÓ TƯỚNG (có thể gọi tắt là “Hịch phó tướng”) trong thái ấp của một lãnh chúa, chứ không phải là HỊCH TƯỚNG SĨ ban bố và dạy bảo toàn quan, toàn quân của người nắm giữ vị trí tối cao toàn quyền chỉ huy quân đội Đại Việt.

Về hai chữ “các đế” trong “Bình Ngô đại cáo”

“Bình Ngô đại cáo” 平吳大誥 là bài văn ngôn do Ức Trai Nguyễn Trãi vâng mệnh Bình Định vương Lê Lợi soạn thảo vào mùa xuân năm 1428, để tuyên bố với thiên hạ về chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn trước vương triều nhà Minh, đánh dấu sự trung hưng của nước nhà Đại Việt. Với tầm vóc và ý nghĩa lớn lao đó, Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn trong kho tàng văn học cổ điển, lại được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Cũng như “Hịch phó tướng” của Hưng Đạo Vương, “Bình Ngô đại cáo” của Ức Trai tiên sinh cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, tác phẩm này được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10(3).

Chính vì chiếm vị trí cao trong kho tàng văn học dân tộc nên xưa nay đã có rất nhiều học giả đã phiên dịch tác phẩm này từ nguyên bản Hán văn sang tiếng Việt hiện đại. Hiện nay trên internet(4) có đăng tải 4 bản dịch của các học giả Mạc Bảo Thần, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim và Ngô Tất Tố. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 trước nay sử dụng bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố, bởi nó rất sát với nguyên văn, lại đẹp về hình thức.

Tuy nhiên, có 2 chữ trong bản dịch đã bị thay đổi. Cụ thể, trong nguyên văn chữ Hán, Ức Trai Nguyễn Trãi có viết:

自 趙 丁 李 陳 之 肇 造 我 國

與 漢 唐 宋 元 而 各 帝 一 方

“Tự Triệu - Đinh - Lý - Trần chi triệu tạo ngã quốc,

Dữ Hán - Đường - Tống - Nguyên nhi CÁC ĐẾ nhất phương”.

Học giả Ngô Tất Tố dịch là:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên HÙNG CỨ một phương”.

Học giả Trần Trọng Kim dịch là:

“Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập,

cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, HÙNG CỨ một phương”.

Học giả Bùi Kỷ dịch là:

“Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, HÙNG CỨ một phương”.

Học giả Mạc Bảo Thần dịch là:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, đã dựng thành một nước,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, đều LÀM CHÚA một phương”.

- Như vậy, từ nguyên văn 各帝 “các đế” đều được 3 học giả nói trên dịch thành “hùng cứ”. Riêng học giả Mạc Bảo Thần dịch thành “làm chúa”. “Làm chúa” và “hùng cứ” tuy khác chữ khác âm, nhưng về ý nghĩa lại có phần tương tự.

Thứ nhất, các bản dịch dịch không đúng với nguyên văn.

各 “các” là phó từ, có nghĩa là “đều”.

帝 “đế” là danh từ, có nghĩa là Hoàng đế (vua của các vua), còn nếu là động từ, thì lại có nghĩa là “làm hoàng đế”. Như vậy, “các đế” có nghĩa là “đều xưng đế”, “đều làm hoàng đế” chứ không phải là “hùng cứ”.

Thứ hai, từ “hùng cứ” không xứng tầm và hạ thấp vị thế của đất nước Đại Việt. “Hùng cứ” là gì? Hùng cứ được viết là 雄據 có nghĩa là “lấy sức mạnh để chiếm giữ”. Để rõ hơn về từ này, xin được nêu một vài ví dụ trong văn học cổ điển để có thể hiểu rõ hơn về cách sử dụng và ý nghĩa của nó:

Trong tác phẩm Tam quốc chí/Ngụy chí/Đổng Trác truyện, có đoạn:

東漢初平三年董卓築塢於郿 高厚七丈與長安城相埒號曰萬歲塢世稱郿塢塢中廣聚珍寶積穀為三十年儲自雲事成雄據天下不成守此足以畢老後卓敗塢毀

“Năm Sơ Bình thứ 3 thời Đông Hán, Đổng Trác xây lũy ở đất My, cao rộng đến 7 trượng, ngang ngửa với thành Trường An, gọi là lũy Muôn Năm, còn người đời thì gọi là My Ổ (lũy ở đất My). Trong lũy chứa nhiều châu báu, tích trữ gạo dư đến 30 năm. Đổng Trác tự nói rằng: “việc mà xong thì hùng cứ thiên hạ, việc mà hỏng thì giữ đó cũng đủ sống đến già”. Sau này, Đổng Trác chết, lũy cũng hư đổ luôn”.

Trong tác phẩm “Dữ Hiệt Kiết Tư thư” (tác giả Lý Đức Dụ, thời Đường) có câu: 回鶻雄據北方代為君長 (Hồi Cốt hùng cứ Bắc phương, đại vi quân trưởng) nghĩa là “Hồi Hột hùng cứ phương Bắc, thay đó mà làm quân trưởng”.

Trong tác phẩm Chước cổ luận/Lã Mông truyện, (tác giả Trần Lượng, thời Tống) có câu: 孫權雄據江東舉賢任能厲兵秣馬以伺中國之變 (Tôn Quyền hùng cứ Giang Đông, cử hiền nhậm năng, mại binh mạt mã, dĩ tứ trung quốc chi biến) nghĩa là “Tôn Quyền hùng cứ ở Giang Đông, chiêu nạp hiền tài, luyện quân nuôi ngựa, chờ biến ở trung nguyên”.

Tại Việt Nam, Trần Ích Tắc thời Trần, trong bài thơ “Đồ chí ca”, cũng có câu: 漢初趙佗總雄據 (Hán sơ Triệu Đà tổng hùng cứ) nghĩa là “Đầu thời Hán, Triệu Đà đứng đầu hùng cứ”.

Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy sự nghiệp chính trị và quân sự của những nhân vật đều rất phù hợp với 2 chữ “hùng cứ”. Đó là tặc thần Đổng Trác, đảo loạn triều cương, nhiễu hại cung đình, giết hại sinh linh, hại nước hại dân, cuối cùng bị giết. Rồi bộ lạc Hồi Hột chỉ chiếm giữ riêng ở Bắc phương mà không phải chính thống nắm quyền toàn thiên hạ. Còn như Tôn Quyền dù có tính chính thống hơn khi nối nghiệp cha (Tôn Kiên) và anh (Tôn Sách) thì cũng chỉ là lãnh chúa địa phương, hùng cứ vùng Giang Đông trong thế chân vạc chia 3 thiên hạ thời kỳ Tam quốc. Còn riêng Triệu Đà thì ban đầu là võ tướng theo lệnh Tần Thủy Hoàng dẫn quân xuống đánh chiếm lãnh thổ của các bộ tộc Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử. Nhưng khi thấy nhà Tần đã diệt vong, mà bản thân lại nắm giữ được nhiều đất đai nên bèn tách ra mà hùng cứ. Như vậy, những nhân vật được gắn với hai chữ “hùng cứ” kể trên đều mang tính “phản diện”, phi chính thống.

Do đó, các bản dịch trên dịch “các đế” thành “hùng cứ” là hoàn toàn không chính xác, nó vừa không đúng với nguyên văn, lại làm mất đi vị thế, tầm vóc cũng như bản lĩnh của Đại Việt, đặc biệt trong bối cảnh nước ta vừa đánh bại quân xâm lược nhà Minh để giành lại quyền tự chủ và xây dựng một quốc gia độc lập.

Cuộc chiến của người Việt trong chiến tranh Việt - Minh là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chống lại ách thống trị tàn bạo của triều Minh và đập tan mưu đồ biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc. Chính vì vậy, sau khi “võ công cáo thành” nước ta lại trở về là một quốc gia có vị thế ngang hàng với Trung Hoa, và đương nhiên, người đứng đầu nước ta phải là “Đế”, chứ không thể nào lại chỉ “làm chúa” và “hùng cứ một phương” cả.

Thứ ba. truyền thống lịch sử và bối cảnh lịch sử: Việt Nam ta tuy là nước nhỏ người thưa, lại từng bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ tận 1.117 năm. Nhưng mỗi khi vùng lên để chống lại ách thống trị và nô dịch đó, những người lãnh đạo khởi nghĩa ở nước ta thảy luôn xưng đế, thể hiện vị trí ngang hàng với những nhà lãnh đạo đất nước Trung Hoa, và đất nước Việt Nam cũng có tầm vóc ngang ngửa với Hán quốc. Điều này thể hiện khát vọng độc lập, tự chủ, bảo tồn lãnh thổ, văn hóa, và nòi giống Việt trong cơn lũ xâm lăng và bành trước từ phương Bắc.

Đó là Lý Bí - Lý Nam Đế xưng đế năm 544, đặt tên nước là Vạn Xuân đóng đô ở Long Biên; Mai Thúc Loan xưng đế năm 713, đóng đô ở Vạn An; và Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Đại Thắng Minh hoàng đế năm 968. Tất nhiên cũng phải phân biệt rõ một điều, khi đối diện với Trung Hoa thì chúng ta vẫn chỉ nhận làm “thần”. Nhưng với ý thức bản thân và đối ngoại với các quốc gia phương Nam thì chúng ta vẫn luôn là “đế”.

Chính cái ý thức luôn muốn ngang hàng với nhà nước Trung Hoa đã hun đúc nên tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của dân tộc Việt, người Việt chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ một phân trước một thế lực nào có âm mưu hủy diệt giống nòi và xâm phạm đến lợi ích của mình.

Trong cuộc chiến tranh chống Tống xâm lược năm 1076, người Việt thời Lý cũng đã khẳng định chắc nịch: “Nam quốc sơn hà Nam ĐẾ cư”. Và cho tới đầu thế kỷ 15, nước Nam trong ý thức của người Việt thông qua áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo, Ức Trai tiên sinh đã khẳng định lại nền tảng chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc thông qua 2 chữ “Quốc” và “Đế”. Chính vì vậy mà khi nghĩa quân Lam Sơn quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước nhà, đất cát lại là đất nước Nam, nhân dân lại là nhân dân nước Nam thì Ức Trai tiên sinh cũng đã tổng kết và khẳng định lại một lần nữa:

“Tự Triệu - Đinh - Lý - Trần chi triệu tạo ngã QUỐC,

Dữ Hán - Đường - Tống - Nguyên nhi các ĐẾ nhất phương”.

(Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương).

Chắc chắn rằng, Sách giáo khoa cũng đã thấu hiểu hết những vấn đề đó nên đã thay đổi hai chữ trong bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố, để khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến và tính chính thống của vương triều nhà Lê, đồng thời nâng cao vị thế và tầm vóc của nước nhà Đại Việt.