Di sản văn hóa phi vật thể hà nội năm 2024

TCCS - Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng, với 1.793 di sản, trong số đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản thế giới và được ghi danh vào danh mục Di sản quốc gia. Các di sản văn hóa phi vật thể chịu sức ép không nhỏ của quá trình đô thị hóa, do đó, cần có nhiều biện pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Di sản văn hóa phi vật thể hà nội năm 2024
Điệu múa bồng của làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Đa dạng các loại hình di sản phi vật thể

Hà Nội có nhều loại hình di sản phi vật thể, có thể kể đến loại hình ngữ văn truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn truyền thống, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trong đó, lễ hội truyền thống có đến 1.206 lễ hội lớn nhỏ, trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Đa phần lễ hội có sức sống lâu bền, bởi nó gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã, số lượng người tham gia đông. Tuy nhiên, việc bảo tồn và gìn giữ, phát triển một số loại hình di sản phi vật thể vẫn còn gian nan. Có thể kể đến điệu múa bồng của làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) - là điệu múa cổ đặc sắc của Thăng Long xưa và là niềm tự hào không chỉ người dân làng Triều Khúc. Song điệu múa này phải huy động nam đóng giả gái, múa theo kiểu lả lơi, phóng khoáng, đánh phấn tô son, mặc váy xòe đụp. Theo Nghệ nhân Triệu Đình Hồng, để thực hiện được điệu múa trên, diễn viên không chỉ hóa trang thành nữ, mà người múa phải là thanh niên trẻ, chưa có vợ, gia đình gia giáo, dáng người thanh tú. Chính bởi vậy, nhiều thanh niên thấy ngại ngùng khi tham gia. Dù có tự hào, yêu di sản quê hương nhưng số lượng người theo múa không nhiều. Hay tiếng lóng thôn Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) đang trong tình trạng mai một, bởi người làng không cần dùng tiếng lóng trong giao tiếp để giữ nghề đóng cối xay lúa nữa. Những người thợ cối đều đã cao tuổi, phần lớn chỉ nhớ được những từ tiếng lóng thông dụng, thêm vào đó, tiếng lóng không còn được thực hành nên thế hệ trẻ hầu như không biết đến. Tương tự, hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ), hát trống quân xã Khánh Hà, (huyện Thường Tín), trò vật lầu ở làng Thao Chính (thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên),… cũng trong nguy cơ bị mai một do sức ép của cuộc sống hiện đại. Ngoài một số di sản gắn liền với các hội làng, hội đền, di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn của Hà Nội đang có nguy cơ mai một vì có rất ít người thực hành. Các lễ hội ở nhiều nơi cũng bị biến dạng, giảm giá trị do môi trường sống thay đổi, do vấn đề quản lý, tổ chức của địa phương và của cả chủ thể văn hóa. Thêm vào đó, đa số nghệ nhân, người nắm giữ, thực hành di sản ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe, đời sống gặp nhiều khó khăn, song chế độ đãi ngộ còn bó hẹp, chỉ dành cho các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, có thu nhập thấp… và mức hỗ trợ chưa phù hợp. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở địa điểm biểu diễn; kinh phí biên soạn, xuất bản tài liệu và mở lớp truyền dạy…

Nỗ lực giữ gìn di sản

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015. Sau kiểm kê, thành phố ghi nhận 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với đa dạng loại hình, phân bố ở khắp 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số địa phương sở hữu số lượng di sản lớn, như: huyện Thường Tín có 129 di sản, huyện Đông Anh có 128 di sản, huyện Ba Vì có 126 di sản. Công tác kiểm kê di sản giúp xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, nhất là với các di sản có nguy cơ mai một. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông. Cùng với đó, công tác ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh người nắm giữ di sản ngày càng được quan tâm, chú trọng. Toàn thành phố hiện có 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh ở nhiều nội dung; 26 di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 7 nghệ nhân nhân dân và 69 nghệ nhân ưu tú. Tháng 6-2021, thành phố Hà Nội có thêm 2 di sản được đưa vào danh mục, đó là: hội thổi cơm thi Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) và nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ(xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm), nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Thủ đô lên 21 địa chỉ. Tuy khác nhau về loại hình và cộng đồng sở hữu, song các di sản này có điểm chung là được gìn giữ, phát huy một cách hiệu quả, với sự tham gia tích cực của người dân.

Để huy động cả cộng đồng và hệ thống chính trị tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản, ngày 18-2-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025. Theo đó, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan; giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố…, kế hoạch xác định rõ nội dung thực từng năm và trọng tâm các năm. Đáng chú ý, mỗi năm, thành phố sẽ xây dựng 3-4 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, thành phố biên soạn 1 đầu sách chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng 2 phim phục vụ tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội; thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể.

Thành phố cũng sẽ tổ chức từ 2 - 3 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa, chủ thể văn hóa, chức sắc tôn giáo. Tổ chức từ 1 đến 2 tọa đàm, hội nghị chuyên sâu nhằm trao đổi chuyên môn về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố. Tổ chức liên hoan trình diễn, giao lưu, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và tham gia các liên hoan quốc gia tổ chức… Kế hoạch nêu rõ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Thành phố cũng huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước trong việc đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm đa dạng nguồn lực thực hiện kế hoạch thông qua các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa./.

Hà Nội có bao nhiêu di sản văn hóa phi vật thể?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định công bố danh mục 26 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 5 di sản.

Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa phi vật thể?

Tính đến tháng 12 năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, bao gồm: [1] Nhã nhạc cung đình Huế: là một loại hình nghệ thuật biểu diễn âm nhạc cung đình của triều đại phong kiến nhà Nguyễn.

Thế nào là di sản văn hóa phi vật thể?

- Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các ...

Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là gì?

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là những di sản văn hóa phi vật thể mang tính tiêu biểu cho quốc gia. Tại Việt Nam, những di sản này được các địa phương kiểm kê, phân loại và đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố (ghi danh).