Việt nam tham gia afta vào năm bao nhiêu năm 2024

Theo ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế, năm 2003, Việt Nam sẽ đưa 760 mặt hàng trong biểu thuế xuất nhập khẩu vào Danh mục giảm thuế và phải giảm thuế suất các mặt hàng này xuống dưới 20% để thực hiện cam kết tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

Trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 27/12, ông Tự cho biết, Việt Nam bắt đầu tham gia Chương trình Thuế quan ưu đãi có Hiệu lực chung (CEPT) từ năm 1996 nhằm tiến tới tham gia đầy đủ vào AFTA vào năm 2006. Cho đến nay Việt Nam đã qua hơn 6 năm thực hiện CEPT. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Danh mục Hàng hóa và Thuế suất của Việt Nam để thực hiện Chương trình CEPT/AFTA. Theo Nghị định này, năm 2002, Việt Nam đưa 481 mặt hàng vào diện cắt giảm thuế nhập khẩu từ các ASEAN. Như vậy, đến nay tổng cộng đã có khoảng 5.500 mặt hàng đã hoặc đang được cắt giảm thuế quan.

Từ nay đến 2006, Việt Nam sẽ đưa các mặt hàng còn lại vào diện cắt giảm và đưa thuế suất các mặt hàng này xuống bằng hoặc dưới 5%, trừ 139 mặt hàng nằm trong danh mục loại trừ hoàn toàn không có nghĩa vụ phải giảm thuế và 51 mặt hàng nhạy cảm có lộ trình giảm thuế chậm hơn.

Về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, ông Tự cho biết, ASEAN hiện là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, thường xuyên chiếm khoảng 25% kim ngạch trao đổi giữa Việt Nam với thế giới. Năm 2000, ASEAN chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu và 28% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam chủ yếu nhập các sản phẩm xăng dầu từ Singapore. Năm 2001, Việt Nam đã nhập 1,18 tỷ USD các sản phẩm xăng dầu từ Singapore.

Theo lộ trình thực hiện AFTA, từ 1/1/2003, 6 nước thành viên cũ của ASEAN là Singapore, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Malaysia, Philippines sẽ hạ thuế nhập khẩu xuống 0-5%, riêng Singapore thuế suất 0%. Riêng Việt Nam còn có 3 năm nữa trước khi tham gia hoàn toàn vào AFTA nên một số mặt hàng như dầu thực vật, bánh kẹo, rau quả, cà phê hòa tan, bia, rượu, xi măng, lốp xe, giấy, gốm sứ vệ sinh, còn được bảo hộ ở mức tối đa có thể được. Do đó, cán cân thương mại Việt Nam- ASEAN trong tương lai gần chưa có biến động nhiều.

Về cơ hội và thách thức khi tham gia vào AFTA, ông Tự nói: "Sau vài năm nữa, khi các biện pháp bảo hộ không còn, hàng hóa ASEAN có nhiều khả năng xâm nhập thị trường Việt Nam. Tất nhiên, hàng hóa của Việt Nam cũng có những cơ hội tương đương. Vấn đề là bên nào có thể tận dụng tốt cơ hội đem lại, lấy cơ hội để hạn chế thách thức. Cơ hội lớn nhất trước mắt là 6 nước thành viên cũ hạ thuế suất xuống 0-5% từ 1/1/2003. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước này trong 3 năm tới. Cơ hội thứ hai là các nước phát triển cao của ASEAN như Singapore, Malaysia đều thiếu lao động phổ thông. Malaysia mỗi năm phải nhập khẩu 2 triệu lao động, Singapore phải nhập gần 1 triệu lao động là cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Thứ ba, Việt Nam là nước ổn định và an toàn nhất trong khu vực, giá nhân công của Việt Nam cạnh tranh, thị trường lớn có hơn 80 triệu dân và còn nhiều lĩnh vực chưa phát triển sẽ là những thế mạnh thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ các nước ASEAN.

Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm hạ giá thành, tăng tiếp thị. Mỗi sản phẩm mới ra đời hoặc định sản xuất phải nghĩ rằng sẽ bán cả trong nước và xuất khẩu, coi là sản phẩm của ASEAN."

Đánh giá về việc chuẩn bị cho việc hội nhập AFTA, ông Tự cho biết: " Để đương đầu với cuộc cạnh tranh mới, Chính Phủ đã có nhiều biện pháp như hỗ trợ xuất khẩu, thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, v.v... đặc biệt mở rộng quyền kinh doanh. Trước kia chỉ có 6.500 doanh nghiệp nhà nước, đến nay tất cả các thành phần kinh tế đã có 90.000 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng đội ngũ nhân lực và thương hiệu, có kế hoạch vươn ra thị trường nước ngoài, điển hình như dệt Thành Công, bánh kẹo Kinh Đô, cà phê Trung Nguyên, bóng đèn Điện Quang, các xí nghiệp chế biến thủy sản, các nhà máy xi măng...

Tuy nhiên, vẫn còn một số các doanh nghiệp chưa nhận thức được những thách thức đang chờ đợi họ khi thị trường trong nước mở cửa. Họ vẫn trông chờ vào các biện pháp bảo hộ của Nhà nước như cấp thêm vốn, khoanh nợ hoặc xóa nợ, nâng cao thuế nhập khẩu, dành độc quyền nhập và cung cấp một số mặt hàng... Thương trường là chiến trường, sẽ có sự đào thải tự nhiên trong quá trình cạnh tranh này.

Các doanh nghiệp trước hết cần nắm vững chủ trương của Chính phủ về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, coi đó là một tiến trình tất yếu nên phải bỏ dần tư trưởng trồng chờ vào bảo hộ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu để nắm rõ các cam kết mà Nhà nước đã đưa vào thực hiện để có đánh giá đúng đắn về thời cơ và thách thức đối với ngành hàng, dịch vụ mà mình kinh doanh sản xuất"./.