Tư tưởng của chủ tịch hồ chí minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng việt nam là gì

6/4/2021 11:03:00 AM

Con đường Hồ Chí Minh khởi nguồn từ việc tìm đường của Nguyễn Tất Thành, chọn đường của Nguyễn Ái Quốc và nhận đường của Hồ Chí Minh để suốt đời Người dẫn dắt Đảng cách mạng chân chính, dân tộc anh hùng và nhân dân giàu lòng yêu nước, khát khao Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đi trên con đường lớn của lịch sử đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Con đường Hồ Chí Minh - Con đường dẫn tới Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Một trăm mười năm đã trôi qua kể từ ngày 05/6/1911, Người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cuộc hành trình lịch sử đó kéo dài 30 năm [1911 - 1941], trải qua năm châu, bốn bể, Nguyễn Tất Thành đã đi qua trên 30 nước và vùng lãnh thổ khác nhau, lăn lộn trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, làm nhiều nghề, tiếp xúc với mọi đối tượng, nhất là với những người lao động nghèo khổ. Tuy khác màu da, tiếng nói nhưng họ cùng chung cảnh ngộ lầm than, nô lệ dưới ách áp bức bạo tàn của đế quốc, thực dân, cùng chung khát vọng giải phóng để thay đổi số phận cuộc đời mình. Đến tận nước Pháp và các nước tư bản phương Tây - sào huyệt của chủ nghĩa thực dân - kẻ đã xâm lược và đặt ách thống trị lên dân tộc mình, Nguyễn Tất Thành đã nhận rõ bản chất của kẻ thù. Cùng với giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới, “Người thanh niên họ Nguyễn yêu nước” tức “Nguyễn Ái Quốc” đã trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người Cộng sản chân chính trên lập trường giai cấp công nhân đấu tranh cho độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa, tìm ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc mình khỏi áp bức của thực dân.

Cuộc hành trình 30 năm đó, đã làm nên tầm vóc của Nguyễn Ái Quốc, của Hồ Chí Minh sau này, mà hiếm có lãnh tụ nào làm được như thế ở thế kỷ XX. Đó là tầm vóc của một lãnh tụ kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, ngọn cờ đầu của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc [tại Pắc Bó, Cao Bằng], để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, thay đổi đường lối chiến lược, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, làm nên Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.

Sau 30 năm chiến tranh Cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Ðảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, mà đỉnh cao là Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta. Lần đầu tiên sau 117 năm, trên đất nước ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới, thời đại mới đầy hứa hẹn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận tại Hội thảo. Ảnh: tuyengiao.vn

Như vậy, con đường Hồ Chí Minh từ lúc ra đi cứu nước, cứu dân cho đến khi từ biệt thế giới này, bao quát cả cuộc đời và sự nghiệp của Người, hội tụ cả tư tưởng - đạo đức - phương pháp và phong cách của Người, dồn nén trong hai chữ NướcDân. Ái quốc để Ái Dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Con đường mà Người lựa chọn, khai phá, dựng xây nền móng và để lại cho Đảng, Nhân dân, mọi thế hệ người Việt Nam đi theo, tiếp nối sự nghiệp của Người là con đường cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Con đường Hồ Chí Minh là con đường phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện hệ giá trị cốt lõi của phát triển: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc, nhân dân và nhân loại. Nó còn thể hiện khát vọng mãnh liệt của Người và của cả dân tộc ta, sao cho: non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước lên đài vinh quang, sánh vai được cùng các cường quốc năm châu. Khát vọng ấy, Người ký thác niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam, ngày nay, là khát vọng phát triển nhanh và bền vững: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Con đường Hồ Chí Minh mở ra thời đại mang tên Người, thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Để đi tới đích cuối cùng trên con đường Hồ Chí Minh, điều mấu chốt là phải xây dựng được Đảng cách mạng chân chính, với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin dẫn đường, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của thời đại.

Trong tính đa dạng và phong phú như thế của sự biểu đạt, “Con đường Hồ Chí Minh”, “Con đường cách mạng”, mỗi chúng ta đều cảm nhận sâu sắc rằng: Người vẫn đang dẫn dắt Đảng ta, dân tộc ta đi tới đích cuối cùng trên con đường ấy. Chúng ta đang ra sức thực hiện những chỉ dẫn của Người, học tập và làm theo, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ di sản mà Người để lại, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới sáng tạo do Đảng lãnh đạo tới những thành tựu mới, thắng lợi mới, thực hiện khát vọng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới hiện nay.

Kiên định lý tưởng, mục tiêu của con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh lựa chọn, phấn đấu đạt được những kỳ tích mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Con đường Hồ Chí Minh đã và đang dẫn dắt Đảng, nhân dân ta đi, đó là: tư tưởng cách mạng kiên định và sáng tạo; là đạo đức cách mạng, làm người và ở đời; bởi, thân dân và chính tâm nên phải thực hành dân chủ và thực hành đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Con đường Hồ Chí Minh - ấy là phong cách của bậc Đại Trí, Đại Nhân, Đại Dũng mang cốt cách Hiền triết Á Đông và đậm đà bản sắc Việt Nam. Nhờ đó, Hồ Chí Minh, trong Di chúc thể hiện rõ một bản lĩnh văn hóa, cái tối đa về tư tưởng được thể hiện trong cái tối thiểu của hình thức ngôn từ. Với Hồ Chí Minh, mỗi văn phẩm, trước tác thành văn hay mỗi bài phát biểu trước đồng bào, đồng chí, ngay cả khi đàm đạo với các bạn bè quốc tế, Người thường dùng chữ ít nhất, nhưng biểu đạt nghĩa nhiều nhất. Đặc sắc ấy chỉ có ở Hồ Chí Minh, ở con đường Hồ Chí Minh, con đường đang dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta tiếp tục làm nên những kỳ tích mới. Người trao lại cho chúng ta và mọi thế hệ người Việt Nam “Quốc bảo” và “Pháp bảo” để chúng ta tiếp tục sự nghiệp của Người.

Vĩnh biệt Người! Chúng ta đã giữ trọn và thực hiện xuất sắc những lời thề trước anh linh Người. Khi Người còn sống, quân dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ Việt Bắc, ngày 07/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khi Người mất, thực hiện lời thề với Người, Việt Nam đã có thêm “một Điện Biên Phủ trên không” - 12 ngày đêm ác liệt trên bầu trời Hà Nội, cuối năm 1972, buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định hòa bình. Sự kiện này đã làm cho “Hà Nội trở thành thủ đô của phẩm giá con người”! Đại thắng mùa Xuân ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước giang sơn liền một giải, “đánh thắng hai đế quốc to” như lời Người nói, Việt Nam đã đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, trở thành biểu tượng của cách mạng giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.

Chúng ta đã thực hiện những chỉ dẫn của Người trong Di chúc, ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chăm lo cuộc sống nhân dân, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo tâm nguyện của Người.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hiểm nguy, khi chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới lâm vào khủng hoảng, thoái trào ở Liên Xô, Đông Âu; khi trong nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, Đảng ta dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh, đã đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành công cuộc đổi mới từ Đại hội VI [năm 1986] đến nay, giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo đúng tâm nguyện của Người. Đổi mới đã đi qua chặng đường hơn 1/3 thế kỷ, đất nước đã ra khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển, chậm phát triển, gây dựng tiềm lực, giải phóng mọi tiềm năng, phát triển thực lực để tiến lên cùng các nước trong khu vực và trên thế giới. Cương lĩnh năm 1991 [bổ sung, phát triển năm 2011], Hiến pháp 2013 đã kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, của dân tộc, dẫn dắt sự nghiệp đổi mới và hội nhập đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó cũng là những bước tiến lớn trên con đường Hồ Chí Minh.

Ngày nay, Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khơi dậy và phát huy ý chí, khát vọng Việt Nam, phấn đấu: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”2, thỏa lòng mong ước và khát vọng của Người. Đại hội XIII của Đảng cũng nêu cao quyết tâm và tín tâm ấy trước toàn dân tộc và anh linh của Người, ra sức vượt qua các điểm nghẽn của phát triển: “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”3.

Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta vững bước đi lên, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trước dân tộc, thể hiện lòng trung thành vô hạn và tình cảm lớn lao của chúng ta đối với Người, với tư tưởng, di sản và Con đường Hồ Chí Minh, trong thời đại rực rỡ mang tên Người.

GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 46.

2 - Sđd, Tập I, tr. 36.

3 - Sđd, Tập I, tr. 33, 34.

Video liên quan

Chủ Đề