Nhà trần xử lý gian dâm

Về tội trạng của ông, sử sách ghi rằng: "Lần trước, giặc vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam. Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó. Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụỵ (Công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, Quốc Nghiễn là con trai Trần Quốc Tuấn).

Thời đó, việc hôn nhân cùng huyết thống diễn rất phổ biến trong hoàng tộc nhà Trần. Tuy nhiên, việc thông dâm của Trần Khánh Dư với con dâu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là cái án không thể bỏ qua, dù Trần Khánh Dư có là người hoàng tộc, là Thiên tử nghĩa nam.

Việc vua Trần Thánh Tông không thể không xử ông có thể hiểu như sau: Về mặt tông tộc, Trần Hưng Đạo khi đó là trưởng họ, tuy ông không nắm quyền binh (ông chỉ nhận chức Quốc công tiết chế - tổng chỉ huy quân đội khi giang sơn bị xâm lăng hoặc tham gia triều chính khi bàn đến đại sự. Hết chiến tranh, ông sống ở thái ấp Vạn Kiếp, (thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay). Khi đó, người nắm trọng quyền là em ruột vua Trần Thánh Tông, Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải. Thượng tướng là chức vụ cao nhất trong quân đội thời đó, tức Trần Quang Khải nắm cả quân sự và dân sự (người nắm quyền cao nhất sau vua) nhưng Trần Hưng Đạo rất có uy tín trong hoàng tộc về đức độ, tài năng. Yếu tố đó buộc vua Thánh Tông dù rất yêu mến Trần Khánh Dư nhưng cũng không thể không xử. Thử so sánh, nếu Trần Khánh Dư dan díu với một người mà người đó ở trong một gia đình mà địa vị ngang hàng hoặc thấp hơn ông thì có lẽ vụ việc không nghiêm trọng đến vậy.

ở đây có một chi tiết rất thú vị là án phạt bằng trượng. Nếu muốn xử tội chết đối với Trần Khánh Dư, tại sao vua Trần Thánh Tông không ban việc xử chém hay một hình thức tương tự. Có thể hiểu thâm ý của vua Trần Thánh Tông, bề ngoài, vì muốn thể hiện sự nghiêm khắc trước triều đình, bá tánh nên ngài muốn Trần Khánh Dư phải chịu đau đớn cho đến chết. Tuy nhiên, việc phạt tội bằng trượng lại dễ cứu mạng sống cho đương sự. Một số nguồn sử liệu chính thống của Việt Nam chép rằng, tuy phạt Trần Khánh Dư bằng trượng đánh đến chết nhưng vua mật sai lính đánh đầu gậy xuống đất. Như thế cũng có thể Trần Khánh Dư phải chịu rất đau đớn nhưng mạng sống vẫn giữ được.

Theo quy định của thời đó, đánh đến 100 trượng mà không chết thì coi như được trời tha, thắng được thiên mệnh.

Vậy tại sao, vua Thánh Tông lại không muốn Trần Khánh Dư chết? Có thể suy đoán việc này ở mấy điểm. Trần Khánh Dư là cháu của đại công thần, người gây dựng triều Trần là Thái sư Trần Thủ Độ. ông là con của Nhân Thành Hầu Trần Phó Duyệt. Vì là Thiên tử nghĩa nam nên ông được phong tước vương (về tước, ông hơn cha mình). Có thể vì những lý do đó, đặc biệt là nhờ cái bóng quá lớn của ông nội nên ông không bị vua xử tội chết. Ngoài ra, cũng có thể vì yêu mến tài năng của ông mà vua nhân nhượng tha cho tội chết. Thêm nữa, vụ phạt tội Trần Khánh Dư, có lẽ bị chi phối bởi yếu tố lịch sử. Trước đó, vào thời trai trẻ, Trần Quốc Tuấn dan díu với Công chúa Thiên Thành, người khi đó đã được vua Trần Thái Tông ban gả cho Trung Thành Vương, chỉ còn chờ ngày cưới. Sự việc cũng bại lộ, tuy nhiên nhờ cô ruột, đồng thời là mẹ nuôi của mình là Công chúa Thụy Bà xin vua, với lễ tạ tội là 10 mâm vàng cho gia đình Trung Thành Vương nên Trần Quốc Tuấn không bị xử tội. Trước sự việc đã hai năm rõ mười của Trần Quốc Tuấn và Công chúa Thiên Thành nên vua Thái Tông buộc phải rút lại lời ban gả của mình với gia đình Trung Thành Vương để gả Công chúa Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn. Vua cũng đã bù lại cho gia đình Trung Thành Vương về vụ hôn nhân hụt với 1000 khoảnh ruộng ở phủ ứng Thiên, Thanh Oai, Hà Nội ngày nay. Trần Thái Tông không xử tội Trần Quốc Tuấn vì ngài không nỡ xử phạt người cháu ruột của mình. Một lời vua ban nặng tựa thiên sơn, việc chưa tổ chức cưới nhưng vua đã ban gả nghiễm nhiên hai người đó đã là vợ chồng. Hành động của Trần Quốc Tuấn, có thể là nông nổi của thời trai trẻ, có thể ông và Công chúa Thiên Thành yêu nhau tha thiết thì vẫn là tội khi quân. ông làm cho vua bị hớ trước triều đình, hoàng tộc khi phải rút lại lời đã ban ra.

Trở lại vụ án của Trần Khánh Dư. Yếu tố lịch sử chi phối ở đây là: Sẽ không tránh khỏi những so bì, dị nghị trong triều đình, bá tánh, nhất là trong hoàng tộc (bởi vốn dĩ 2 chi đã có hiềm khích). Dù vua Thánh Tông, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn là những người đức độ, độ lượng nhưng các vương hầu, con cháu trong 2 chi liệu chưa chắc đã nghĩ được như các ông nên việc so bì, dị nghị là khó tránh. Đặt câu hỏi, tội của Trần Quốc Tuấn khi xưa tày trời như thế, không bị khép tội lại lấy được vợ yêu, mà nay Trần Khánh Dư lại phải chịu đòn đau đến chết thì chưa thật công bằng, dù Trần Khánh Dư không so bì được với Trần Quốc Tuấn về địa vị, nhưng dẫu sao cũng là cháu nội của Thái sư Trần Thủ Độ.

Để dẹp những so bì, dị nghị, nhất là trong chi Tức Mặc nên vua Thánh Tông rất khéo léo trong việc xử án. Trước hoàng tộc, triều đình, bá tánh, ngài thể hiện sự nghiêm minh (đánh Trần Khánh Dư bằng trượng cho đến chết), nhưng ngài mượn thiên mệnh để giữ mạng sống cho Trần Khánh Dư nhằm dẹp đi sự so bì của con cháu chi Tức Mạc (mặc dù Trần Khánh Dư không phải là người thuộc 2 chi nhưng việc khép tội ông sẽ là cái cớ để con, cháu chi Tức Mạc so bì với cái án năm xưa của Trần Quốc Tuấn, từ đó hiềm khích không những không dịu bớt lại có cớ dấy lên).

Trong bối cảnh bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố nhạy cảm, vua Thánh Tông đã làm chủ một vụ án tày trời mà vẫn nhẹ nhàng, khéo léo để vẹn cả đôi đường. Cách xử án của vua Thánh Tông rõ ràng đã mang lại những hiệu ứng tích cực, trong hoàng tộc, triều đình, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang bị nhòm ngó.

Luật nay: Trần Khánh Dư không bị khép tội chết

Tuy Trần Khánh Dư phạm tội chết được trời tha nhưng tội sống thì vẫn phải thi hành. ông bị tước vương hiệu, tịch thu hết gia sản, bổng lộc, đuổi về quê (nay là Chí Linh, Hải Dương). Riêng chi tiết này cũng đủ thấy vua Thánh Tông rất mực nghiêm minh. Ngài có thể tha mạng nhưng đương sự phải chịu hình phạt thích đáng nào đó. Với một vị vương tử, việc tước hết quyền lực, gia sản, tước vị là thân bại danh liệt, cùng với đó là bao điều tiếng người đời.

Luật pháp Việt Nam thời phong kiến cũng đề ra các hình phạt cho tội gian dâm. Chẳng hạn tháng 9 nhuận năm 1042 vua Lý Thái Tông xuống chiếu kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm với vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết ngay lúc bấy giờ thì không bị tội. Trong Luật Hồng Đức có hình phạt cho tội thất xuất, trong đó có tội dâm đãng. Theo khoản cuối Điều 401 bộ luật này thì nếu người vợ là "gian phụ thì bị xử tội lưu, điền sản trả lại cho chồng, nếu là vợ chưa cưới thì giảm một bậc". Còn theo khoản đầu của Điều 401 thì nếu người đàn ông "gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết, với vợ lẽ của người khác thì giảm một bậc". Điều 405 cũng quy định nếu đàn ông thông gian (có ngoại tình đi lại với nhau nhưng không bắt được đang có hành vi gian dâm) với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng và bắt nộp tiền. Hoặc theo Điều 332 của Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) thì nếu người vợ mắc tội thông gian thì người chồng có quyền gả bán vợ cho người khác (nhưng không phải là cho gian phu). Điều 254 cũng quy định nếu người chồng thông gian, cưỡng gian đều xử nặng tội.

Hiện nay, người ta không quy định tội gian dâm hay thông dâm mà chỉ có tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Theo Điều 147 Luật Hình sự Việt Nam 1999 thì: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng tới một năm. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng tới ba năm.

Như vậy, nếu áp dụng theo luật thời nay, thì Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã có hành vi thông dâm với công chúa Thiên Thụy. Tuy nhiên sẽ không bị án đánh đến chết.


Tường Linh