Nấu cháo cá hồi với gì cho bé ăn dặm

Nấu cháo cá hồi với gì cho bé ăn dặm
Nấu cháo cá hồi với gì cho bé ăn dặm

Cá hồi nấu với rau gì cho bé ăn dặm để không tanh, ít có nguy cơ bị dị ứng và tăng cân nhanh là băn khoăn phổ biến. Hello Bacsi mách bạn cách nấu cháo hồi cho bé ăn dặm với rau củ được nhiều mẹ bỉm chia sẻ nhất.

Cá hồi là thực phẩm được xem là an toàn, bổ dưỡng cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm bởi thịt cá hồi khá mềm, ít xương, không những vậy, còn rất giàu omega-3, tốt cho sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Thế nhưng, các mẹ lần đầu cho con ăn dặm thường băn khoăn không biết cá hồi nấu với rau gì cho bé ăn dặm là tốt nhất.

Cá hồi nấu với rau gì cho bé ăn dặm?

Khi nấu cháo cá hồi cho bé ăn dặm, công thức chế biến chung thường là kết hợp 3 thành phần chính:

  • Thịt cá hồi đã chế biến
  • Rau củ xay hoặc tán nhuyễn hay rây mịn
  • Cháo trắng

Không phải loại rau củ nào cũng có thể kết hợp với cá hồi. Đối với trẻ ở tuổi ăn dặm, mẹ có thể dùng cá hồi nấu với các loại rau củ sau để bé tăng cân nhanh và ít bị dị ứng:

  • Bông cải xanh
  • Cải bó xôi
  • Bí đỏ
  • Cà rốt
  • Khoai lang
  • Rau ngót
  • Rong biển
  • Rau mồng tơi
  • Rau dền

Khi nấu cháo cá hồi cho bé ăn dặm với rau củ, mẹ cần trần hoặc luộc rau củ qua nước sôi rồi xay nhuyễn hay tán mịn tùy theo khả năng ăn thô của bé. Sau đó, phần rau củ này sẽ được nấu cùng với cháo và cá hồi.

4 cách nấu cá hồi cho bé ăn dặm với rau củ giàu dinh dưỡng

Dù cá hồi nấu với rau gì cho bé ăn dặm đi nữa thì để món cá không bị tanh, quan trọng nhất là bạn phải biết cách sơ chế để khử mùi tanh cho cá. Mẹ có thể áp dụng 1 trong 3 gợi ý sau:

  1. Rửa cá bằng nước muối, sau đó ngâm 20 phút với sữa tươi không đường và rửa lại bằng nước gừng pha loãng
  2. Rửa bằng nước giấm, sau đó trần với nước sôi và rửa lại bằng nước gừng pha loãng
  3. Rửa cá bằng nước sạch, sau đó ngâm 20 phút với hỗn hợp nước muối và nước cốt chanh, sau đó rửa lại bằng nước gừng pha loãng.

1. Cháo cá hồi cho bé 7 tháng với bí đỏ

Để nấu món cháo cá hồi bí đỏ cho bé, bạn cần chuẩn bị:

  • 30g cá hồi
  • 20g bí đỏ
  • Cháo
  • Dầu ăn cho bé
  • 5g hành củ.

Cách thực hiện:

  • Cá hồi sơ chế và khử tanh theo 1 trong 3 cách trên.
  • Hành bóc vỏ, rửa sạch, phi thơm và cho cá hồi vào xào. Sau đó, cắt nhỏ hoặc tán nhuyễn tùy theo khả năng nhai của bé.
  • Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, luộc bằng nước sôi, tán hoặc xay nhuyễn.
  • Bắc nồi cháo lên bếp, cho cá hồi và bí đỏ vào nấu, nêm nếm vừa ăn.
  • Múc ra chén, đợi cháo nguội bớt thì cho 1-2 thì cà phê dầu cho bé ăn dặm vào, đảo đều và cho bé thưởng thức.

2. Cách nấu cháo cá hồi với cải bó xôi

Cải bó xôi (rau bina hay rau chân vịt) chứa một lượng các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như vitamin C, B, D… Trẻ nhỏ ăn cải bó xôi có thể giảm táo bón, tốt cho tim và ít bị béo phì.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • 30g cá hồi phi lê
  • Cháo trắng
  • 30g rau cải bó xôi
  • Dầu ăn (dầu vừng, dầu ô liu)
  • 5g hành củ

Cách thực hiện:

  • Cá hồi sơ chế và khử tanh theo 1 trong 3 cách trên.
  • Đun nóng dầu mè hoặc dầu oliu, cho hành phi thơm rồi cho cá hồi vào xào chín.
  • Sau đó, cắt nhỏ hoặc tán nhuyễn tùy theo khả năng nhai của bé.
  • Rau bó xôi rửa sạch, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn.
  • Bắc nồi cháo lên bếp, cho cá hồi vào, đảo đều. Khi cháo sôi lăn tăn thì cho cải bó xôi vào đảo đều, nêm gia vị vừa ăn.
  • Tắt bếp, múc cháo ra bếp, đợi chóa nguội bớt thì thêm 1 – 2 thìa cà phê dầu mè hoặc dầu ô liu để tạo hương vị thơm ngon.

3. Cháo cá hồi cho bé 8 tháng với cà rốt

Với món cháo cá hồi nấu với cà rốt cho bé ăn dặm, mẹ cần chuẩn bị:

  • Cháo trắng hoặc gạo đem nấu thành cháo nhuyễn
  • 30g cá hồi
  • 10g cà rốt
  • 30g khoai tây
  • Dầu ăn cho bé
  • 5g hành củ

Cách thực hiện:

  • Cá hồi sơ chế và khử tanh theo 1 trong 3 cách trên.
  • Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím rồi cho cá hồi vào xào chín.
  • Sau đó, mẹ dằm vụn cá hồi hoặc tán nhuyễn tùy theo khả năng nhai của bé.
  • Khoai tây và cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt hạt lựu, đem đi hấp chín, vớt ra để nguội rồi tán hoặc xay nhuyễn.
  • Bắc nồi cháo lên bếp, khi cháo sôi lăn tăn thì cho khoai tây, cà rốt vào. Khuấy đều, đun đến khi cháo sánh lại, sau đó cho cá hồi vào đun sôi kỹ rồi tắt bếp.
  • Múc ra chén, đợi cháo nguội bớt thì thêm dầu ăn, trộn đều và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.

4. Cá hồi nấu với rau gì cho bé ăn dặm? Bạn có thể nấu với rau dền

Rau dền cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ. Để nấu món cháo cá hồi cho bé ăn dặm với rau dền, mẹ cần chuẩn bị:

  • 30g cá hồi phi lê
  • Cháo trắng
  • 30g rau dền
  • Dầu cho bé ăn dặm (dầu vừng, dầu ô liu)
  • 5g hành củ

Cách thực hiện:

  • Cá hồi sơ chế và khử tanh theo 1 trong 3 cách trên. Sau đó, cắt nhỏ hoặc tán nhuyễn tùy theo khả năng nhai của bé.
  • Đun nóng dầu mè hoặc dầu ô liu, cho hành phi thơm rồi cho cá hồi vào xào chín.
  • Rau dền rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Bắc nồi cháo lên bếp, cho thịt cá hồi và rau dền vào. Khi cháo sôi thì nêm nếm gia vị, tắt bếp.
  • Múc ra chén, để nguội bớt, thêm dầu ăn cho bé ăn dặm vào, trộn đều và cho bé thưởng thức.

Bé mấy tháng ăn được cá hồi? Ăn cá hồi có tốt không?

Cá hồi và các loại cá nói chung không phải là thực phẩm mà bạn nên cho bé ăn ngay khi mới bắt đầu ăn dặm (thường là khoảng 6 tháng). Thay vào đó, bạn nên đợi bé lớn hơn một chút, khoảng 7 – 8 tháng rồi mới tập cho bé ăn.

Trẻ nhỏ ăn cá hồi rất tốt cho sức khỏe do cá hồi có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần cho sự tăng trưởng và phát triển như vitamin D, sắt, selen và kẽm. Cá hồi cũng là một trong những nguồn cung cấp axit béo omega-3 hàng đầu, nhất là DHA, dưỡng chất chiếm một tỷ lệ lớn trong não của trẻ và rất quan trọng cho sự phát triển thị giác và nhận thức.

Cá hồi được đánh giá là loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp. Tuy nhiên, dù vậy, khi chế biến cá hồi cho bé ăn dặm, mẹ cũng cần nấu chín kỹ và bắt đầu cho bé ăn với 1 lượng nhỏ. Mỗi tuần, mẹ có thể cho bé ăn từ 2 – 3 lần.

Lưu ý khi cho bé ăn cá hồi

Cá hồi không phải là thực phẩm dễ gây dị ứng. Tuy nhiên, khi cho bé ăn lần đầu, bạn chỉ nên cho bé ăn cá hồi và không ăn kèm với bất cứ loại rau củ nào. Đồng thời, chú ý quan sát các triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ:

  • Nổi mẩn đỏ
  • Ngứa
  • Sưng môi hoặc lưỡi
  • Hắt xì
  • Thở khò khè
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Khó thở

Ngoài ra, khi cho trẻ ăn cá hồi, bạn cần:

  • Loại bỏ hết xương để tránh tình trạng bé bị hóc xương cá
  • Chú ý chế biến kỹ do thịt cá hồi chứa nhiều loại ký sinh trùng, nếu không cẩn thận bé sẽ dễ bị lây nhiễm.
  • Không cho trẻ ăn quá nhiều vì ăn nhiều có thể gây bệnh tiểu đường loại 2, béo phì do hàm lượng cholesterol trong thịt cá khá cao.

Mách mẹ bí quyết chọn cá hồi tươi ngon

Bên cạnh việc tìm hiểu cá hồi nấu với rau gì cho bé ăn dặm thì mẹ cũng nên biết cách chọn cá hồi tươi ngon để bé có món ăn bổ dưỡng nhất. Khi chọn mua cá hồi nấu cháo cho bé, mẹ cần chọn mua cá ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để biết cá tươi hay không, bạn có thể dựa vào những đặc điểm sau:

  • Mang cá còn tươi, có màu đỏ, không bị thâm đen
  • Thân và da cá sáng, còn bóng, không trầy xước, vảy cá còn nguyên, có độ bám tốt
  • Thịt cá có màu hồng tự nhiên, không có mùi hôi, có độ đàn hồi tự nhiên, không bị nhũn
  • Sờ vào thấy dính tay, có độ dẻo, không bị ướt nhẹp hoặc bị bở.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.