Anh/chị hiểu như thế nào về câu nhanh và chậm chỉ là tương đối

Gần đây, những thủ tục hành chính ở ta đã được cải cách nhiều, nhanh hơn và tinh giản hơn. Liệu đấy có phải là ảnh hưởng tích cực từ mô hình chính phủ điện tử mà chúng ta đang manh nha tạo dựng. Mô hình chính phủ này đã từ lâu được bàn kỹ, thậm chí được áp dụng thí điểm thực tế tại rất nhiều công sở, nhưng không hiểu sao vẫn thăng trầm. Thật ra, để đánh giá hoạt động của một bộ máy phức tạp thì chuyện nhanh hay chậm không phải là tiêu chí duy nhất. “Nhanh” mà khô khan lạnh lùng vội vàng ẩu thì hiển nhiên còn thua cả “chậm” mà chắc, mà tinh tế đậm lẽ nhân tình.

Ngày xưa, cũng chưa hẳn xưa lắm, sách giáo khoa dạy tiểu học thường có những câu chuyện kể tuyệt hay. Và hay nhất là câu chuyện kể rùa chạy thi với thỏ. Tất nhiên đứa trẻ nào cũng biết là rùa sẽ không thua, vì nếu thỏ mà thắng thì sẽ rất khó rút ra bài học nào ở đó. Vẫn rất nhớ cô giáo hiền từ dạy cấp Một hồi ấy. Cô tên là Sâm, nhà ở phố Lò Sũ. Cô hay dịu dàng gõ thước kẻ vào đầu mình. “Ví dụ như em này, tính vừa lông bông vừa hấp tấp giống thỏ. Thường lần nào làm bài kiểm tra cũng xong nhanh nhất lớp, nhưng khó mà về tới đích vì toàn sai be bét”. Chao ôi, nhớ cô quá. Bởi tuy thời gian biến đổi nhưng tính người khó cải. Giờ đây đầu đã hai thứ tóc, tuy cố rèn luyện việc thong thả ăn chầm chậm mặc, vậy mà không hiểu sao cuộc sống vẫn đúng như cô bảo, sai be bét.

Theo nhiều triết gia không hẳn duy tâm, nhanh và chậm vốn là căn tính giời sinh ra thế, tuyệt đối khó sửa. Nhanh chưa chắc đã là đúng, chậm chưa chắc đã là sai. Giống như nhiều văn sĩ, vật vã viết tiểu thuyết đằng đẵng kéo dài cả bảy năm, đến khi sách ra vẫn ế. Ở đây dở hay chưa bàn, chỉ biết trong lịch sử văn chương thế giới, có những kiệt tác được viết trong vòng chưa đầy ba tháng vẫn bền vững sống với thời gian. Người ta kể rằng đại văn hào người Pháp là M.Proust khi viết kiệt tác “Đi tìm thời gian đã mất” thì đã bán hơn nửa gia tài được thừa kế, cốt để sống giống hệt như những quý tộc Pháp cuối mùa. Nhàn tản, bải hoải tinh tế, bơ phờ sang trọng. Có thể ông cho rằng, phải ăn như thế, ngủ như thế thì mong manh sẽ nghĩ như thế. Văn ông tuyệt vời chậm chạp, cái trằn trọc trở mình thức giấc lừng danh của ông miên man man dài ba mươi trang. Nó ám ảnh cả cái nhân loại đang ngái ngủ, sừng sững trở thành tượng đài văn học của thế kỷ Hai Mươi. Và quan trọng nhất, khi viết như thế Proust không hề cố tình. Sống như thế đương nhiên sẽ viết như thế. Nhanh và chậm còn rất dễ thấy trong các câu chuyện ái tình. Có những đôi yêu nhau, ròng rã “tìm hiểu” kéo dài cả thập kỷ. Thế nhưng khi vững chắc tiến vào đầm ấm hôn nhân, mà chưa đầy mươi tháng đã chập chờn vỡ vụn. Ngược lại, có những cặp quen nhau qua “phây búc” rồi lãng mạn hẹn gặp nhau, chợt bỗng sâu sắc lĩnh tiếng sét ái tình. Cả hai người tính tình đều phóng khoáng hoạt bát, nên sắp xếp chuẩn bị dăm tuần thì cưới, vậy mà chung thủy sống cùng nhau tới răng long đầu bạc.

Nhân đây cũng bàn qua bản chất của “tình yêu sét đánh”. Theo thần thoại Hy Lạp thì thần phụ trách ái tình Cupid [tiếng La-tinh là Amor] vốn là đứa bé đồng bóng nghịch ngợm thất thường. Tuy mắt cậu ta bị bịt băng đen nhưng tay lại lăm lăm cầm một mớ tên tẩm “yêu dược”, linh tinh bắn. “Tin tin” mà trúng tên thì sẽ rủ rê nhau bỏ học nói không với bố mẹ để đi uống thuốc chuột như trường hợp Romeo và Juliet. Trọng tuổi sành sỏi mà trúng tên cũng sẽ quay ra lẩm cẩm tương tư sạt nghiệp mất nước như trường hợp Đường Minh Hoàng say mê Dương Quý Phi. Còn ở thần thoại Trung Quốc, thì chủ về hôn nhân là một ông già lụ khụ ngồi dưới trăng, dân gian kêu bằng Nguyệt Lão. Ông này thường đeo một túi lụa trắng đựng đầy rối beng những sợi chỉ đỏ [xích thằng]. Y như thằng ranh Cupid [thành ngữ người Việt cho là già trẻ giống nhau], Nguyệt Lão dùng chỉ lẫn lộn buộc trai gái chung vào một rọ hôn nhân. Vì bị ngẫu nhiên lảm nhảm buộc, nên các cặp phu phụ hoặc tương thông tương thích, hoặc thỉnh thoảng “tương” nhau.

Nghiêm túc mà nói, “tình yêu sét đánh” vốn trinh bạch hồn nhiên, phảng phất có thắm thiết mù lòa nên đám đàn ông trong trắng và bọn con giai họ Sở rất thích để mình vào vai người bị ăn sét. “Anh yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Rồi nữa, “vừa trông thấy em trái tim anh tan nát”. Những mũi tên hàng nhái theo thương hiệu Cupid tuy rất sến, nhưng nhanh như điện làm xuyên thấu tâm hồn của không biết bao nhiêu quý bà quý cô đang lưỡng lự ngây thơ. Người ta luôn cảm động dễ dàng nhận ra một gã trai [đôi khi là một trung niên] bị dính sét. Bọn họ thường sống chậm, bải hoải không ăn được phở sáng, thao thức không ngủ được buổi trưa. Mặc kệ bố mẹ đang nằm viện, khinh bỉ trưởng phòng bất cần lý do, nửa đêm trằn trọc tuôn ra một đống thơ. “Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao. Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng”. Hoặc, “mành Tương phất phất gió đàn. Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”. Đại loại đây là tâm trạng dở tái dở chín của tâm hồn quằn quại chàng Kim, sau khi du xuân về bị “hót gơn” họ Vương giáng cho một tiếng sét nhanh tới mức chóng mặt. Thật ra, tiếng sét của ái tình luôn từ từ lương thiện chọn đầu những đàn ông đa cảm tử tế mà phóng. Có điều, với một đàn ông mà ái tình nào cũng nhanh như tiếng sét thì chắc chắn anh ta phải là một thứ cột thu lôi chuyên nghiệp.

Không hiểu sao bây giờ có khá đông những người làm giàu quá nhanh, nhưng đóng góp cho xã hội thì thường rất chậm. Trường hợp “đại gia” Vũ “nhôm” ở thành phố Đà Nẵng chẳng hạn. “Đại gia” năm ít thì ủng hộ tổ dân phố 10 triệu đồng, năm nhiều là 20-30 triệu đồng. Thế nhưng cũng trong chưa đầy ba năm, theo kết luận của tòa án, thì gã “nhà to” này kiếm tiền bất chính từ các dự án mua bán đất đã lãi tới cả ngàn tỷ. Cụ Trạng Trình, một triết gia lớn của người Việt khi giải thích về sự “nhanh hay chậm” đã từng bảo: “Bạo đắc tất bạo thất”, nôm na là “được một cách hung bạo thì sẽ mất theo cách hung bạo”. Hình như theo ý cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cái “nhanh” bất tình bất nghĩa lúc nào cũng tệ hơn “chậm”.

Tóm lại, từ chuyện vi mô nhỏ nhoi thế sự đến chuyện vĩ mô đại sự, thì việc nhanh hay chậm vẫn là khái niệm tương đối. Có điều, những thủ tục hành chính công mà quá trì trệ thì đương nhiên chỉ là một thứ “hành dân”. Nhà nước của chúng ta được tạo dựng trên nguyên lý cao cả, “do dân và vì dân”. Vì thế, một chính phủ kiến tạo sáng suốt bắt buộc phải nhanh nhẹn gần dân. Muốn vậy, thì trong thời đại cách mạng khoa học 4.0 này, một trong những cách thức tối ưu nhất là hoàn thiện thành công một chính phủ điện tử.

NGUYỄN VIỆT HÀ

Cái vội của người mình

[minh họa: Khều]

[TBKTSG] – Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều đang ám ảnh nhiều người. Những người này thường tự nhủ: “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”.

Sau khi dẫn lại một nhận xét tổng quát như thế, Carl Honoré [tác giả cuốn Ngợi ca sống chậm – bản dịch của Nhà xuất bản Phụ nữ ] tự đặt cho mình một loạt câu hỏi: Vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy? Đâu là nguyên nhân tâm lý? Liệu có thể – và có nên ao ước – sống chậm lại?

Những căn bệnh được tác giả miêu tả đủ loại, ăn nhanh, đi vội, sống gấp, làm việc đến kiệt sức, hưởng thụ ngoài sức tưởng tượng. Bởi ở mọi nơi mọi chỗ, chúng ta khao khát tốc độ, nên đã tự làm hỏng cuộc đời đi, ông bảo vậy. “Thời đại của sự rồ dại”, – tinh thần của khái quát đó trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm.

Từ đó, ông giới thiệu một giải pháp ngược lại, đã tự phát hình thành trong thực tế và ngày càng được tin theo, đó là sẵn sàng sống chậm, cốt tìm tới sự hài hòa. Những biện pháp nêu ra, như bớt thời giờ xem ti vi, để thêm thời gian đọc sách và làm vườn hoặc đan lát… chỉ là gợi ý. Trước tiên người ta phải nhận thức được rằng cố sao cho nhanh thường đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt nôn nóng, đặt số lượng lên trên chất lượng. Đó là thứ tư duy đã lỗi thời. Còn chậm nghĩa là thư thái cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo. Nhanh và chậm chỉ là tương đối. Cái chính là mỗi người tìm cho mình một nhịp sống hợp lý.

Từ chuyện bên Tây quay về Việt Nam, thấy chúng ta cũng đang bị cái vội cuốn đi thật. Một nhịp sống gấp gáp lôi cuốn. Gấp gáp đến liều lĩnh. Và vội vàng đến bất cẩn. Đường sá quay cuồng. Công việc cứ rối tung cả lên mà vẫn chẳng việc gì ra việc gì.

Một người bạn tôi mới đây dẫn ra nhận xét của một người dân Singapore có dịp sống ở vài thành phố lớn của ta:

– Người Việt các anh đã mất hết tính kiên nhẫn rồi hay sao? Nên biết là ngay ở Singapore, việc chờ taxi mất nửa tiếng với chúng tôi cũng là chuyện thường.

Vấn đề bây giờ chỉ còn là giải thích tại sao chúng ta lại sống vội như vậy và xem xem có phải là cái vội bộc lộ một cái gì to lớn hơn, cần phải gạt bỏ.

Tôi sống trong nghề viết văn, viết báo liên tục đã bốn chục năm nay và có dịp chứng kiến hai giai đoạn nghề nghiệp. Từ 1986 trở về trước, ở Hà Nội báo lom đom dăm bảy tờ, sách viết xong không chắc đã có giấy để in. Thế là không ai bảo ai, viết cái gì cũng đận đà chậm chạp, không thiếu nhà thơ để cả tuần tính một hai chữ trong thơ. Còn nay thì làm ăn như ăn cướp, vừa nghĩ ra cái đầu đề đã ngồi ngay vào bàn, bản thảo chưa hoàn thành [nói như ngày xưa chữ chưa ráo mực] đã giục nhà xuất bản xin phép cho in. Lúc đầu tưởng phải viết cho nhanh mới giải phóng hết được sức sáng tạo. Sau nhìn lại cái đống viết ra hổ lốn hỗn tạp – bằng chứng là bạn đọc ngày càng xa lánh – mới hiểu rằng mình đã rơi vào vòng tay của sự làm liều làm ẩu lúc nào không biết. Chậm mới hợp với trình độ của mình. Nhanh là ảo tượng giả tạo, bỏ mồi bắt bóng.

Khốn khổ có riêng nghề của bọn tôi đâu, nghề nào bây giờ chẳng vậy!

Xưa nay dân ta ít ai để ý tới chuyện cười cợt của người mình. Tới những thập niên đầu thế kỷ hai mươi, Nguyễn Văn Vĩnh mới đọc ra trong đó cả một triết lý sống. Trong bài Gì cũng cười, viết trên Đông dương tạp chí, nhà văn này giả định, “Trong cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác: có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta”.

Học theo Nguyễn Văn Vĩnh, tôi cũng muốn nói rằng trong sự nóng vội người đời bây giờ có cái hạn hẹp trong tầm nghĩ, chỉ thấy đời sống trước mắt mà không thấy đời sống thâm nghiêm lâu dài; có cái tự ti, biết rằng mình đã quá lạc hậu với thế giới nên phải lo truy đuổi trong tuyệt vọng; có cái hỗn loạn trong cảm giác về giá trị, từ đó tạo nên ám ảnh lấy thịt đè người, chỉ có nhanh mới hốt được của thiên hạ.

Với một số người, vẻ vội vàng mà họ biểu hiện như vậy là cả một lời tố cáo. Rằng đời sống tinh thần họ tầm thường. Rằng họ không biết mình là ai trong thế giới này. Thậm chí ở một số trường hợp vội vàng đồng nghĩa với gian manh, cố tình tạo ra tình trạng hỗn loạn để đẩy đi thứ hàng kém cỏi mình làm, cái cuộc sống vớ vẩn mình muốn áp đặt cho kẻ khác. Vội trong trường hợp này là để lấp đi cái trống rỗng, mà cũng là cái bế tắc của tình thế.

Hồi còn bao cấp, tôi thường hình dung cái vội của dân mình như người có cái xe đạp đã tàng đã cũ, cứ phải rướn cổ cò mà đạp trên con đường quê gồ ghề. Còn ngày nay thường đến với tôi là hình ảnh những người chạy xe gắn máy rồ ga bóp còi inh ỏi, đưa xe lên cả vỉa hè, nhưng chẳng để làm gì ngoài việc lăn từ đám tắc đường này sang đám tắc đường khác. Mà cả thành phố thì trì trệ ì ạch, dấu hiệu còn lại của thời buổi kinh tế thị trường chỉ là một sự nhốn nháo.

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Video liên quan

Chủ Đề