Ví dụ về hành vi nhận hối lộ

Tội đưa hối lộ là hành vi trực tiếp hoặc thông qua trung gian đưa cho người có chức vụ, quyền hạn tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hay dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần để người đó làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.

MỤC LỤC

  • A. Các dấu hiệu pháp lý của tội đưa hối lộ
    • 1] Khách thể của tội đưa hối lộ
    • 2] Mặt khách quan của tội đưa hối lộ
    • 3] Mặt chủ quan của tội đưa hối lộ
    • 4] Chủ thể của tội đưa hối lộ
  • B. Khung hình phạt đối với tội đưa hối lộ
  • C. Một số bản án về tội đưa hối lộ

A. Các dấu hiệu pháp lý của tội đưa hối lộ

1] Khách thể của tội đưa hối lộ

Tội đưa hối lộ xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức.

Đối tượng tội phạm [vật hối lộ] là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức gì. Ví dụ: “quà biếu”, “quà tặng”, làm công không nhận thù lao, vé đi du lịch, giấy tờ có giá trị thanh toán, vv…

2] Mặt khách quan của tội đưa hối lộ

Mặt khách quan của tội đưa hối lộ đặc trưng bằng các yếu tố sau đây :

– Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào như “quà tặng”, “bồi dưỡng”, làm công thay tiền… cho người có chức vụ, quyền hạn. Việc đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất có thể là trực tiếp hoặc qua trung gian. Thời điểm đưa có thể là trước hoặc sau khi người nhận làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa tiền, tài sản không có ý nghĩa đối với việc định tội, tức hành vi đều cấu thành tội đưa hối lộ.

– Việc đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất là để người nhận làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người phạm tội.

– Hành vi đưa chỉ CTTP nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên;

+ Của hối lộ tuy có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng [ví dụ: đưa hối lộ để người nhận bao che, không xử lý người phạm tội; đưa hối lộ để người nhận đuổi việc nhân viên trong cơ quan làm người đó tự tử…] hoặc vi phạm nhiều lần [tức đưa hối lộ hai lần trở lên và mỗi lần đều dưới hai triệu đồng].

Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đề nghị người có chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ hoặc từ thời điểm người phạm tội chấp nhận đề nghị đòi hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn.

3] Mặt chủ quan của tội đưa hối lộ

Tội đưa hối lộ [Điều 364 Bộ luật Hình sự] được thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc nhưng thông thường là do cá nhân, vụ lợi.

Trường hợp người đưa hối lộ đưa của hối lộ cho người không có chức vụ, quyền hạn nhưng lầm tưởng rằng người đó là người có chức vụ, quyền hạn thì vẫn phải chịu TNHS về tội đưa hối lộ.

4] Chủ thể của tội đưa hối lộ

Chủ thể của tội đưa hối lộ là bất kỳ ai đủ tuổi và có năng lực TNHS.

B. Khung hình phạt đối với tội đưa hối lộ

Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a] Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b] Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a] Có tổ chức;

b] Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c] Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d] Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ] Phạm tội 02 lần trở lên;

e] Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

C. Một số bản án về tội đưa hối lộ

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại huyện Thiệu Hóa, đoàn thanh tra của Thanh tra của tỉnh bao gồm những người kể trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận tiền của các doanh nghiệp: Tùng Sâm, Cường Quý, Hải Lam, Châu Tú Tài, Thanh Thảo và Trường THCS Thiệu Nguyên. Sau khi bị bắt quả tang khi đang nhận 20 triệu đồng của kế toán Công ty TNHH xây dựng vận tải Tùng Sâm, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thanh Hóa đã điều tra rõ các bị cáo đã nhận tổng số tiền 594 triệu đồng của các đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có 364 triệu đồng nhận chung cho cả đoàn và 230 triệu đồng nhận riêng cho các thành viên, với mục đích bỏ qua hoặc giảm nhẹ sai phạm cho các đơn vị, doanh nghiệp bị thanh tra.

Các bị cáo Trần Ngọc Tài, Nguyễn Gia Hải, Nguyễn Cao Châu đã có hành vi thỏa thuận, thống nhất đưa cho đoàn thanh tra số tiền 300 triệu đồng, 99 triệu đồng và 20 triệu đồng để đoàn bỏ qua hoặc giảm nhẹ sai phạm nhằm tạo lợi ích kinh tế doanh nghiệp. Bị can Nguyễn Gia Hải, chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Lam đã có hành vi xuất xăng dầu không xuất hóa đơn, không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp, để trốn thuế hơn 2,2 tỷ đồng.

Căn cứ tính chất, hành vi phạm tội, xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Mạnh Hà 40 tháng tù giam, Nguyễn Thị Cúc bị 34 tháng tù giam; Dương Văn Bằng và Nguyễn Hưng cùng bị tuyên mức phạt 28 tháng tù giam; Nguyễn Quý Diễn 24 tháng tù giam về tội nhận hối lộ.

Các bị cáo Lê Mạnh Hà, Nguyễn Thị Cúc, Dương Văn Bằng, Nguyễn Hưng, Nguyễn Quý Diễn còn chịu hình phạt bổ sung, cấm đảm nhiệm chức vụ quyền hạn có liên quan đến công tác thanh tra trong thời hạn ba năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt các bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp phạm tội đưa hối lộ: Trần Ngọc Tài 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng tính từ thời điểm tuyên án sơ thẩm; Nguyễn Văn Châu sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách kể từ thời điểm tuyên án sơ thẩm; Nguyễn Gia Hải 21 tháng tù giam về tội đưa hối lộ và tội trốn thuế, thời hạn tù tính từ thời điểm bắt tạm giữ, tạm giam.

Chủ Đề