Van nhĩ thất nằm ở đâu

Tim là một khối cơ rỗng, tác dụng như một cái bơm vừa hút vừa đẩy máu đi; gồm hai nửa phải và trái. Mỗi nửa tim có hai buồng: một buồng nhận máu từ tĩnh mạch về gọi là tâm nhĩ, một buồng đẩy máu vào các động mạch gọi là tâm thất.

Vị trí tim

Tim nằm trong trung thất giữa, lệch sang bên trái lồng ngực, đè lên cơ hoành, ở giữa hai phổi, trước thực quản và các thành phần khác của trung thất sau. Trục của tim đi từ phía sau ra trước, hướng chếch sang trái và xuống dưới.

Hình thể ngoài

Tim có hình tháp 3 mặt, một đáy và một đỉnh. Ðáy ở trên, quay ra sau và hơi sang phải. Ðỉnh ở trước, lệch sang trái.

Ðáy tim

Đáy tim tương ứng với mặt sau hai tâm nhĩ, ở giữa có rãnh gian nhĩ.

Bên phải rãnh gian nhĩ là tâm nhĩ phải, liên quan với màng phổi phải và thần kinh hoành phải, phía trên có tĩnh mạch chủ trên và phía dưới có tĩnh mạch chủ dưới đổ vào.

Bên trái rãnh gian nhĩ là tâm nhĩ trái, có bốn tĩnh mạch phổi đổ vào. Tâm nhĩ trái liên quan với thực quản ở phía sau, nên khi tâm nhĩ trái lớn sẽ đè vào thực quản.

Mặt ức sườn

Còn gọi là mặt trước có:

Rãnh vành chạy ngang phía trên, ngăn cách phần tâm nhĩ ở trên, phần tâm thất ở dưới.

Phần tâm nhĩ bị thân động mạch phổi và động mạch chủ lên che lấp. Hai bên có hai tiểu nhĩ phải và trái.

Phần tâm thất có rãnh gian thất trước chạy dọc từ sau ra trước, lệch sang bên phải đỉnh tim, ngăn cách tâm thất phải và tâm thất trái. Tâm thất phải chiếm diện tích phần lớn mặt này.

Mặt hoành

Hay mặt dưới, đè lên cơ hoành và qua cơ hoành liên quan với thuỳ trái của gan và đáy vị.

Rãnh vành ở mặt ức sườn chạy tiếp xuống mặt hoành, chia tim ra hai phần: phần sau là tâm nhĩ, hơi hẹp, phần trước là tâm thất, rộng hơn, có rãnh gian thất sau, chạy từ sau ra trước và nối với rãnh gian thất trước ở bên phải đỉnh tim.

Mặt phổi

Còn gọi là mặt trái: hẹp, liên quan với phổi và màng phổi trái, dây thần kinh hoành trái.

Ðỉnh tim

Còn gọi là mỏm tim, nằm chếch sang trái; ngay sau thành ngực, tương ứng khoảng gian sườn V trên đường giữa xương đòn trái

Hình.  Mặt ức sườn của tim

1. Tiểu nhĩ phải    2. Rãnh vành    3. Cung động mạch chủ    4. Thân động mạch phổi     5.  Rãnh gian thất trước   6. Tiểu nhĩ trái

Hình thể trong

Các vách tim

Tim được chia ra các buồng bởi các vách tim.

Vách gian nhĩ: chia đôi hai tâm nhĩ; mỏng, ứng với rãnh gian nhĩ ở bên ngoài. Trong thời kỳ phôi thai, vách gian nhĩ có lỗ hở để máu đi từ tâm nhĩ phải sang tâm nhĩ trái. Sau khi sinh, thường đóng kín. Nếu không đóng lại: tồn taị một lỗ gọi là lỗ bầu dục, gây nên tật thông liên nhĩ.

Vách gian thất: ngăn cách giữa hai tâm thất, ứng với các rãnh gian thất ở bên ngoài.

Vách nhĩ thất: là một màng mỏng ngăn cách tâm nhĩ phải và tâm thất trái. Sở dĩ có phần này là vì tâm thất trái lớn hơn so với tâm thất phải làm cho phần màng của vách gian thất dính lệch sang phải.

Các tâm nhĩ

Các tâm nhĩ có thành mỏng hơn các tâm thất. Chúng nhận máu từ các tĩnh mạch đổ về. Mỗi tâm nhĩ thông với một tiểu nhĩ ở phía trên và thông với tâm thất cùng bên qua lỗ nhĩ thất. Tâm nhĩ phải nhận máu từ tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch chủ dưới và xoang vành đổ vào. Tâm nhĩ trái nhận máu từ các tĩnh mạch phổi đổ vào.

Các tâm thất

Các tâm thất có thành dày hơn thành tâm nhĩ, thông với tâm nhĩ cùng bên và cho ra các động mạch lớn.

Tâm thất phải: có dạng hình tháp ba mặt, có lỗ nhĩ thất phải thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải, được đậy kín bằng van nhĩ thất phải hay van ba lá.

Phía trước trên lỗ nhĩ thất phải là lỗ thân động mạch phổi, được đậy kín bởi van thân động mạch phổi gồm ba van nhỏ hình tổ chim

Tâm thất trái: hình nón dẹt, có hai thành. Tâm thất trái thông với tâm nhĩ trái qua có lỗ nhĩ thất trái có van hai lá đậy ở lỗ này không cho máu từ tâm thất trái chảy ngược về tâm nhĩ trái. Ngoài ra còn có lỗ động mạch chủ có van động mạch chủ đậy kín. Về cấu tạo, van động mạch chủ tương tự như van thân động mạch phổi.

Hình.  Hình thể trong của tim

1.  Phần màng vách gian thất     2. Phần cơ vách gian thất   3. Val hai lá   4.  Thừng gân  5. Trụ cơ

Cấu tạo của tim

Tim đựơc cấu tạo gồm ba lớp

Ngoại tâm mạc

Hay màng ngoài tim, là một túi thanh mạc kín, giới hạn nên trung thất giữa. Gồm hai lớp: bao sợi bên ngoài. gọi là ngoại tâm mạc sợi; và bao thanh mạc lót bên trong, gọi là ngoại tâm mạc thanh mạc. Ngoại tâm mạc thanh mạc gồm hai lá: lá thành lót mặt trong bao sợi và lá tạng phủ lên bề mặt tim. Hai lá liên tiếp nhau và giữa hai lá là một khoang ảo gọi là khoang ngoại tâm mạc.

Cơ tim

Cơ tim gồm có hai loại:

Các sợi cơ co bóp: chiếm đa số, bám vào bốn vòng sợi quanh bốn lỗ lớn của tim là hai lỗ nhĩ thất và hai lỗ động mạch.

Các sợi cơ kém biệt hoá: tạo nên hệ thống dẫn truyền của tim, có nhiệm vụ duy trì sự co bóp tự động của tim. Hệ thống này gồm một số nút, bó sau: nút xoang nhĩ ở thành phải tâm nhĩ phải, là nút tạo nhịp; nút nhĩ thất ở thành trong tâm nhĩ phải; bó nhĩ thất bắt đầu từ nút nhĩ thất, chạy ở mặt phải vách nhĩ thất, đến phần cơ của vách gian thất. Bó nhĩ thất chia thành hai trụ là trụ phải và trụ trái chạy vào hai tâm thất.

Nội tâm mạc

Hay màng trong tim, mỏng, bóng; phủ và dính chặt lên bề mặt của các buồng tim, liên tiếp với nội mạc các mạch máu.

Mạch máu và thần kinh của tim

Ðộng mạch

Tim được nuôi dưỡng bởi động mạch vành phải và động mạch vành trái. Hai động mạch thường nối nhau nhưng không nối với các động mạch lân cận.

Ðộng mạch vành phải: tách từ phần đầu động mạch chủ lên, theo rãnh vành chạy xuống mặt hoành của tim, cho nhánh gian thất sau, rồi tiếp tục sang trái, có thể nối với nhánh mũ của động mạch vành trái. Ðộng mạch vành phải cấp máu cho nửa phải của tim và một phần tâm thất trái.

Ðộng mạch vành trái: từ động mạch chủ qua khe giữa thân động mạch phổi và tiểu nhĩ trái ra trước, chia hai nhánh là nhánh gian thất trước đi trong rãnh gian thất trước đến khuyết đỉnh tim, nối với nhánh động mạch gian thất sau của động mạch vành phải và nhánh mũ tim theo rãnh vành xuống mặt hoành và có thể nối với động mạch vành phải.

Tĩnh mạch của tim

Tĩnh mạch gồm tĩnh mạch tim lớn đi theo nhánh động mạch gian thất trước trong rãnh thất trước, tĩnh mạch tim giữa đi trong rãnh gian thất sau cùng nhánh động mạch gian thất sau, tĩnh mạch sau của tâm thất trái, tĩnh mạch chếch của tâm nhĩ trái, tĩnh mạch tim nhỏ...

Hình.  Mạch máu của tim

1.  Xoang ngang   2.Động mạch vành phải   3. Động mạch vành trái   4.  Động mạch mũ tim   5. Động mạch gian thất trước

Thần kinh của tim

Ngoài hệ thống dẫn truyền tự động, tim còn được chi phối bởi các sợi giao cảm từ hạch cổ và hạch ngực trên, các sợi đối giao cảm từ dây thần kinh lang thang [thần kinh X]. 

14/09/2020 19:28

Van tim là những lá mỏng, mềm dẻo, được cấu tạo bởi tổ chức liên kết bao quanh bởi nội tâm mạc. Van tim quyết định hướng của dòng máu chảy ra, vào tim. Có 4 loại van tim chính, nằm ở trung tâm, đó là:

Van 2 lá: Nằm thông giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái, cho phép máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái. Dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi cơ thể.

Van động mạch phổi: Là van nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi.

Van 3 lá: Nằm thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải, cho phép máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải. Dòng máu từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy.

Van động mạch chủ: Là van nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ.

Các bệnh van tim thường gặp chủ yếu: hở van tim, hẹp van tim hoặc vừa hẹp vừa hở trên một hay nhiều van tim.

Hẹp van tim:

Lá van khi không còn mềm mại, bị dày hoặc dính các mép van, vôi lá van, làm hạn chế khả năng mở và cản trở sự lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để buộc máu qua chỗ hẹp.

Hẹp van động mạch chủ là khi van động mạch chủ bị hẹp làm cản trở máu lưu thông từ tâm thất trái ra động mạch chủ đi nuôi cơ thể.

Hình 1: Van động mạch chủ

Đa phần bệnh này xảy ra ở nam giới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hẹp van động mạch chủ như: thấp tim, thoái hóa, vôi hóa, bệnh van hai lá, bẩm sinh…

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ không có biểu hiện gì đặc biệt. Ở các giai đoạn sau, một số triệu chứng bắt đầu xuất hiện như: đau ngực, mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh, lâu dần có thể gây suy tim… Có nhiều cách chữa trị bệnh như: dùng thuốc, nặng thì phẫu thuật.

Hẹp van hai lá:

Hình 2: Hẹp van hai lá do thấp tim

Đây là một trong các bệnh tim mạch phổ biến ở nước ta, chiếm đến hơn 40% tổng ca bệnh tim, chủ yếu do bệnh thấp tim. Hẹp van hai lá là tình trạng van tim không thể mở bình thường nên lưu thông máu gặp vấn đề. Triệu chứng của bệnh như: ho, khó thở, mệt mỏi, choáng váng, sưng mắt cá chân…

Bệnh để lâu ngày có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim… Bệnh nhân hẹp van hai lá có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật và thay đổi cách sinh hoạt.

Hở van tim:

Khi van tim không thể đóng kín, làm cho một phần máu bị trào ngược trở lại buồng tim. Hở van thường là do van bị co rút, thoái hóa hoặc giãn vòng van, hay dây chằng van quá dài hoặc đứt dây chằng treo van tim. Biểu hiện bệnh tim mạch này là máu không đủ để đi nuôi cơ thể khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, có thể đau tức ngực.

Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược và xử lý khối lượng máu tồn dư cho lần co bóp tiếp theo, lâu dần có thể dẫn đến suy tim. Nếu bệnh nhân bị hở van tim nhẹ thì cần phải có chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý. Nặng hơn thì có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật tạo hình van hoặc thay van tim.

Các loại van tim nhân tạo:

Có các dạng van tim dùng để thay thế bao gồm: van nhân tạo cơ học, van nhân tạo sinh học, van tim đồng loài. Phổ biến nhất là van nhân tạo cơ học và sinh học.

Van nhân tạo cơ học:

Van tim cơ học được làm từ kim loại, bên ngoài phủ lớp carbon nhiệt phân để hạn chế tạo thành cục máu đông. Do làm bằng các vật liệu bền nên loại van này không bị thoái hóa theo thời gian, giá thành rẻ hơn so với van sinh học. Ưu điểm lớn nhất của van cơ học là độ bền cao đến 30 năm và hơn, nhưng nhược điểm lớn nhất là bệnh nhân phải sử dụng thuốc chống đông máu đến suốt đời nhằm phòng ngừa nguy cơ tạo huyết khối trên van, tránh hiện tượng kẹt van hoặc nhồi máu cơ tim.

Sử dụng thuốc chống đông khi thay van tim cơ học cũng gây rủi ro lớn trong trường hợp bệnh nhân có bệnh lý chảy máu như: xuất huyết não, xuất huyết dạ dày… hoặc nguy cơ gây dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu mang thai ở phụ nữ.

Hình 3: Các loại van nhân tạo cơ học

Van nhân tạo sinh học:

Van tim sinh học được sản xuất từ màng ngoài tim của bò hoặc van lợn qua xử lý. Vì có nguồn gốc tự nhiên, khi sử dụng van sinh học bệnh nhân không cần phải sử dụng thuốc chống đông suốt đời, bệnh nhân thường chỉ phải sử dụng thuốc kháng đông khoảng 3 tháng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, do bản chất của van tim là mô van tự nhiên dị loài nên sẽ bị thoái hóa dần theo thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của van, gây hiện tượng tái hẹp hoặc hở van. Bởi vậy, tuổi thọ của van sinh học chỉ kéo dài từ 8 15 năm, sau đó bệnh nhân phải phẫu thuật để thay van tim lần hai. Đặc biệt, mức độ thoái hóa van tùy thuộc vào độ tuổi và áp lực lên van, người bệnh càng trẻ tuổi van thoái hóa càng nhanh.

Hình 4: Các loại van nhân tạo sinh học

Van tim đồng loài:

Là van của người hiến, được xử lý và bảo quản. Đây là loại van sinh học đặc biệt, không có vật liệu nhân tạo. Ưu điểm của loại van này là độ kháng khuẩn cao, tuổi thọ nhìn chung tốt hơn van sinh học, nhưng kém van cơ học, không cần dùng thuốc chống đông. Tuy nhiên hạn chế là số lượng ít, kích thước không đa dạng, phụ thuộc người hiến và kỹ thuật cấy ghép phức tạp hơn so với thay van nhân tạo. Hiện chỉ có Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức là cơ sở sản xuất và cấy ghép van đồng loài duy nhất tại Việt Nam.

Hình 5: Van đồng loài.

Trường hợp nên thay van cơ học

Van tim nhân tạo cơ học được cân nhắc dùng cho các trường hợp:

– Bệnh nhân dưới 60 tuổi và không có chống chỉ định với thuốc kháng đông máu.

– Người bệnh có nguy cơ huyết khối từ trước như: giãn nhĩ trái lớn [trên 55mm], rung nhĩ, có cục máu đông trong nhĩ trái, từng có tiền sử huyết khối,… và đã có chỉ định phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời. Lúc này, việc có thêm van cơ học chỉ là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hình thành huyết khối.

– Riêng với những phụ nữ trẻ, muốn có thai thì việc lựa chọn loại van phù hợp cũng cần được cân nhắc rất kỹ. Thay van cơ học sẽ tránh được tình trạng thoái hóa van nhưng người mẹ cần ngừng thuốc kháng đông đường uống trong 3 tháng đầu và sau 36 tuần, thay bằng thuốc kháng đông loại khác, đồng thời phải được theo dõi kỹ. Vì vậy, loại van này không thích hợp với những người không có điều kiện chăm sóc y tế tốt.

Trường hợp nên thay van tim sinh học

Van tim sinh học được áp dụng cho các nhóm bệnh nhân:

– Người trên 60 tuổi thường được chỉ định thay van sinh học vì ở tuổi này tốc độ thoái hóa van chậm hơn so với nhóm trẻ.

– Phụ nữ trẻ muốn sinh con trong thời gian gần, nhưng cần khuyến cáo cho người bệnh hiểu rõ rằng van sinh học thoái hóa nhanh hơn ở người trẻ và trong khi mang thai.

– Các bệnh nhân không có khả năng kiểm soát đông máu [người thiểu năng trí tuệ, người dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hải đảo,…].

– Bệnh nhân không dùng được thuốc chống đông hoặc mắc các bệnh dễ gây chảy máu như: người xuất huyết não, chảy máu dạ dày,…

– Đối với những người có bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng thì van đồng loài được khuyến cáo vì giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sau hậu phẫu.

Các phương pháp thay van tim

Phẫu thuật theo phương pháp truyền thống: là phương pháp phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh nhân cần mở ngực và thay hoặc tạo hình van có dùng máy tim phổi nhân tạo. Phương pháp này có ưu điểm: dễ thực hiện, xử lý thương tổn dễ dàng, mổ được tất cả các loại bệnh.

Hạn chế: sẹo mổ lớn, nguy cơ viêm xương ức, chậm phục hồi hơn, ít thẩm mỹ hơn.

Hình 6: Mổ mở thay van tim

Mổ ít xâm lấn, mổ nội soi thay van

Ưu điểm: Thẩm mỹ cao, sẹo mổ nhỏ, không có nguy cơ viêm xương, phục hồi nhanh.

Nhược điểm: khó hơn về kỹ thuật, lâu hơn về thời gian, chi phí cao hơn, chỉ cho một số bệnh van tim, không phải tất cả.

Hình 7: Mổ van tim ít xâm lấn

Thay van bằng can thiệp mạch

Ưu điểm: Không cần phẫu thuật hoặc phẫu thuật nhỏ, không cần dùng máy tim phổi nhân tạo, phục hồi nhanh, xâm lấn tối thiểu.

Nhược điểm: Giá thành cao, chỉ định cho một số bệnh nhất định, không phải tất cả, cần máy móc chuyên dụng.

Hình 8: Thay van qua da bằng can thiệp

Hình 8: Thay van qua da bằng can thiệp

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề “NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT SAU THAY VAN TIM15h00 thứ Tư ngày 23/9/2020. Chương trình sẽ phát trực tiếp trên các kênh truyền thông của bệnh viện: Fanpage [Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức – VietDuc University Hospital], kênh Youtube [youtube.com/benhvienvietduc 1906].

Khách mời: PGS.TS Nguyễn Hữu Ước

+ Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực Việt Nam.

+ Thành viên Hội Phẫu thuật tim mạch lồng ngực Châu Á, Châu Âu, hội mạch máu Pháp.

+ Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội

+ Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

– Chuyên khoa sâu: Phẫu thuật van tim, mạch vành, tim bẩm sinh, Hybrid động mạch chủ…

Quý khán giả quan tâm có thể đặt câu hỏi trên fanpage và kênh youtube của bệnh viện phát sóng lúc 15h00 ngày 23 tháng 9 năm 2020 [thứ Tư] để được chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 19001902.

 Phòng Công tác xã hội

Video liên quan

Chủ Đề