Tuổi trung niên ly hôn có nên đi bước nữa ko

Nhiều người thắc mắc, tại sao đã sống với nhau mấy chục năm, đến lúc bước sang bên kia con dốc cuộc đời lại quyết định đưa nhau ra tòa, làm vậy có đáng không, rồi ai sẽ chăm sóc mình khi trái gió trở trời, rồi sẽ sống thế nào với lời bàn tán của hàng xóm láng giềng, rồi sẽ cư xử sao với hai bên nội ngoại, với con cái cháu chắt...?  

Có hàng trăm thắc mắc như vậy được đặt ra, và những người trong cuộc chắc chắn đã không ít lần trăn trở tìm lời giải đáp. Cuối cùng, họ vẫn quyết định ly hôn vì một lý do quan trọng: mình cần sống cho cuộc đời của mình!

Tuổi xế chiều thì sao? Tuổi xế chiều nghĩa là mình vẫn chưa qua đời, nghĩa là mình vẫn còn thời gian để sống tiếp cuộc đời mà mình mong muốn.

Bạn đã từng bật cười trước những tin tức đại loại như một cụ ông bỏ vợ lên núi sống, một cụ bà đệ đơn ly hôn vào tuổi 84 vì chồng không san sẻ việc nhà... Nhưng những chuyện xảy ra là thật, quyết định của họ cũng là thật. Đó là những trường hợp điển hình cho một cuộc hôn nhân mang tính “chịu đựng”. Ý định rời bỏ nửa kia chắc đã nhen nhóm từ lâu lắm, rời đi chỉ là vấn đề thời gian.

“Tôi đã suy nghĩ hơn 30 năm nay, giờ con cái đã trưởng thành, cho nên những năm tháng còn lại trong đời, tôi muốn được giải thoát”, đó là lời của một bà cụ đã bước sang tuổi xế chiều ở xóm tôi.

Là hàng xóm, chúng tôi phần nào hiểu được sự nhẫn nhịn của bà suốt bao năm qua. Cứ dăm bữa nửa tháng, bên nhà bà lại có tiếng chửi mắng, tiếng xoong nồi loảng xoảng. Sáng ra thấy bà bịt bùng kín mít đi chợ, né tránh ánh mắt thương hại của mọi người.

Khi biết tin bà ly hôn, xóm chúng tôi chộn rộn hẳn. Cuộc ly hôn ở tuổi trên 60 của bà trở thành đề tài bàn tán sôi nổi mọi lúc mọi nơi. Thực ra, ai cũng đồng cảm với quyết định của bà, và hơn nữa, sau chưa đầy 1 tháng, không ai bàn đến đề tài này nữa. Ai rồi cũng có cuộc sống của riêng mình.

Ly hôn đối với người già không phải là quyết định vội vàng. Ảnh minh họa

Bạo lực gia đình, phản bội, mâu thuẫn tích tụ suốt thời gian dài, không còn yêu thương nhưng vẫn nhẫn nhịn đợi con cái trưởng thành..., thực tế có rất nhiều nguyên nhân khiến hôn nhân thất bại. Có thể bạn từng nghĩ rằng, nhiều người quyết định ly hôn một cách vội vã, thậm chí là tùy tiện. Nhưng điều chúng ta không biết là trong quá khứ, họ đã phải trải qua những cảm giác như thế nào.

Khi đã cảm thấy cuộc hôn nhân của mình không còn ý nghĩa như ban đầu, có hay không có chồng [vợ] bên cạnh cũng không quan trọng, nhiều người sẽ lựa chọn theo đuổi sự tự do của mình một lần nữa, dù cho lúc đó họ đã là “bà”, là “ông”.

Một trong những dấu hiệu của sự rạn vỡ hôn nhân, chính là không còn quan tâm đến nhau nhiều như trước. Khi một trong hai người dần dần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bản thân, đặt tình cảm của bản thân lên hàng đầu, thì đó là lúc những mục tiêu theo đuổi bắt đầu thay đổi, mâu thuẫn gia đình càng về lâu càng khó tháo gỡ hơn.

Có những cặp vợ chồng lúc mới cưới thì suốt ngày cãi lộn nhưng viên mãn lúc về già, bởi họ biết vì nhau mà điều hòa mối quan hệ. Ngược lại, có không ít cặp đôi mặn nồng thuở hàn vi nhưng đến khi về già, khi đã có của ăn của để thì lại “trở chứng”. Tuổi già đến, có người cảm thấy cuộc hôn nhân của mình bình lặng đến nhàm chán, có người lại thấy nửa kia độc lập đến lạnh lùng, có người lại thấy quãng thời gian bên nhau vừa qua chỉ là sự chịu đựng...

Tiếp tục hay dừng lại, tất cả là tùy vào trải nghiệm và cảm xúc của riêng bản thân họ, nhưng chắc chắn một điều, khi họ thấy rằng thực sự phải đưa ra quyết định, thì đó đã là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Tôi nghĩ, hôn nhân hạnh phúc cũng là thước đo sự thành công trong cuộc đời mỗi con người. Bởi lấy ai làm chồng [vợ] là quyết định của chính mình, duy trì mối quan hệ một cách tốt nhất có thể cũng là ý thức và hành động của mình. Giữ lửa một cuộc hôn nhân cho đến khi đầu bạc răng long nghĩa là mình thành công.

Hôn nhân là học cách đi cùng nhau, giản dị và bình yên, đến cuối cuộc đời. Còn ly hôn, là học cách chấp nhận kết cục không thể đi cùng nhau, mục đích cũng để được sống quãng đời còn lại tốt hơn.

Tôi tôn trọng những người có tuổi vẫn dám ly hôn. Bởi để đưa ra được kết quả đó, họ đã rất dũng cảm, quan trọng hơn, đó không bao giờ là một quyết định vội vàng.

Vũ Hoài [Thừa Thiên-Huế]

Có nên ly hôn khi đã bước vào tuổi trung niên, hậu trung niên, thậm chí lão niên hay không?

Mời bạn tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ câu chuyện cùng diễn đàn "Có nên ly hôn khi đã xế chiều?".

Bài viết xin gửi qua địa chỉ email . Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.

Tú - một phụ nữ trung niên, nhân viên một bưu điện huyện - trợn mắt: “Điên hay sao mà lại lấy chồng, bấy nhiêu đó chưa đủ sao”. “Bấy nhiêu đó” là những điều chị Tú đã trải qua trong hôn nhân, để khi bước ra, chị thấy mình may mắn.

Ai dại, ai khôn?

Ảnh minh họa

Lần kết hôn đầu, người ta về với nhau khi tuổi đời còn khá trẻ, tâm trạng hồ hởi, tình yêu ngời trong mắt. Sau đổ vỡ, hầu như ai cũng tin mình đã rút được một ít kinh nghiệm. Nhưng “có huông hay sao ấy”, chị Nguyễn Hằng - giám đốc dự án một công ty xuất nhập khẩu ở Tân Bình [TP.HCM] - nói về cuộc hôn nhân lần hai của mình.

“Tưởng sẽ không bao giờ lấy chồng nữa, vì cuộc hôn nhân kia đã quá ê chề. Sợ bị phản bội, sợ những cơn ghen giết lần giết mòn mình trong những đêm dài. Tôi nói với cha mẹ sau khi ly hôn, sẽ ở vậy nuôi con. Vậy mà tình yêu đến, lúc mình thấy cần một người đàn ông đi ra đi vào, thấy con trai cần có một người đàn ông định hướng. Nhưng mọi thứ dường như đi vào vết xe đổ. Chồng sau không trăng hoa, nhưng lại không thể thương con trai tôi. Cậu bé cũng không thể chấp nhận một người lạ chiếm lấy tình thương của mẹ mình. Anh ấy đánh con khi tôi không có nhà. Thằng bé cứ âm thầm chịu đựng đến trầm cảm. Nhưng có lẽ, đã ly hôn một lần, những lần sau, có bỏ nhau, tôi nghĩ cũng vậy thôi” - chị Hằng kể. Hơn một năm hôn nhân lần hai cho chị thêm một cô con gái và thêm hàng vạn ngày xỉ vả mình vì đã tái hôn.

Khôn dại trong đời chẳng thể nào định nghĩa, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Khi đã sa vào mớ cảm xúc rối rắm đó, làm sao chúng ta đủ dũng khí để khước từ. Nhưng kết hôn lần nữa lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bao nhiêu người, chưa kịp “hoàn hồn” đã vội tái hôn, rồi chưa kịp tận hưởng hạnh phúc mới, lại đường ai nấy đi.

Không là phép thử

Chưa có thống kê về số người đi bước nữa sau ly hôn. Cũng không ai khẳng định đó là thiên đường cuộc sống, là tìm thấy ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Nhưng thực tế, có rất nhiều người xem hôn nhân như phép thử của cuộc sống.

An Như - nhân viên kiểm nghiệm thực phẩm - thấy mình đã hơn 30 mà vẫn “rảnh” nên khi được mai mối một anh tài xế đường dài, đã nhanh chóng gật đầu. Cô chép miệng: “Ở không được thì bỏ, để khỏi mang tiếng ế chồng”. Như ở không được thật. Phép thử của cô đã thành công, nhưng Như bảo, cô không lấy chồng nữa, vì quá phức tạp. Dễ gì có ai đó yêu mình, thương con và hiểu được những trục trặc của cuộc hôn nhân trước để hạn chế những xung đột không đáng. Như cũng ngại phải làm quen, đãi bôi với một gia đình mới, những lời xì xầm mới. Chưa kể chuyện con em, con anh, con chúng ta; làm sao để con mình không thiệt thòi, để người ta không nhìn mình là “dì ghẻ”, để những đứa trẻ không khó khăn khi sống chung nhà với nhau. Có đáng không khi phải cộng thêm vào đời mình một người nữa? Không muốn thất bại, tốt nhất là đừng làm.

Minh Châu - giao dịch viên ngân hàng S., mới 36 tuổi đã kết hôn đến lần thứ tư. Ngoài ngoại hình xinh đẹp, Châu là con gái độc nhất trong một gia đình khá giả. Cuộc hôn nhân lần hai, Châu có một bé gái, những tưởng đã yên, vậy mà vẫn chia tay. Nhiều thứ lặp đi lặp lại đến mức Châu nghi ngờ chính bản thân không biết sống, không biết chấp nhận những bất ổn thường có của hôn nhân. Rồi Châu nghiệm ra, dường như càng kết hôn nhiều lần, người ta lại thường so những mặt không được của người kia với người cũ, lại khó chấp nhận nhau, khó dung hòa. Nên “tốt nhất là đừng tái hôn” - Châu ngậm ngùi đúc kết.

Để đừng bước hụt

Quanh ta có nhiều mẹ đơn thân rất thành công, con cái ngoan ngoãn. Họ hầu như không lo chuyện kiếm cha cho con mình. Những bé trai lớn lên từ những ngôi nhà đó vẫn yêu mẹ, vẫn hiếu thuận và vẫn trưởng thành. Những người biết rút kinh nghiệm từ hôn nhân, để bước ra và sống cuộc đời ung dung, tự chủ sẽ làm việc mình thích, ăn mặc theo ý mình, đi chơi khi thấy mệt... Mẫu số chung của phụ nữ ly hôn sống một mình là xinh hơn, trẻ trung hơn và thần sắc tốt hơn. Họ không cần kết hôn nữa.

Thực ra, tái hôn không phải là điều to tát, nếu chúng ta luôn sống tích cực, quan niệm thoáng hơn, đồng thuận trong việc xây dựng hạnh phúc mới thì kết hôn cũng vui và nên làm. Nên xem cuộc hôn nhân trước như bài học lớn để điều chỉnh cho cuộc hôn nhân sau. Nhưng cũng đừng vì hạnh phúc của mình mà vội bỏ con, chạy tìm hạnh phúc mới, khiến chúng tổn thương.

Trước cánh cửa hôn nhân mới, bước vào hay không là do mình. Ngôi nhà mới là thiên đường hay địa ngục cũng do mình. Hạnh phúc trong tay, giữ bằng cách nào là cả một nghệ thuật. Bằng không, tự mình thôi, cũng đủ một đời rồi. 

Lan Khôi

Video liên quan

Chủ Đề