Thủ phủ của liên bang đông dương đặt ở đâu

PGS.TS. Trần Nam Tiến

  1. Sau khi đánh Đà Nẵng bất thành, tháng 2/1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tiến hành đánh Gia Định. Đến ngày 24/2/1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã làm chủ toàn bộ Gia Định, làm cơ sở để mở rộng chiếm nốt Định Tường và Biên Hòa, sau đó là Vĩnh Long. Trên cơ sở đó, năm 1861, Pháp cho đặt chức Thống đốc đầu tiên tại Gia Định. Chế độ võ quan cai trị Nam Kỳ kéo dài 17 năm với 24 đời sĩ quan, cấp bậc từ Đô đốc đến Thiếu tướng Hải quân. Ngày 9/11/1864, Thống đốc Nam Kỳ [Gouverneur de la Cochinchine] ra Quyết định thành lập Nha Nội chính [Direction de L’Intérieur][1]. Đây là một tổ chức chuyên nghiên cứu, theo dõi và giải quyết tất cả các công việc có liên quan đến thuộc địa. Đến năm 1867, Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, Nha Nội chính quản lý toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh. Tuy nhiên, mãi đến năm 1879, thực dân Pháp mới tạm ổn định được bộ máy thống trị ở Nam Kỳ. Thời điểm này, Pháp mới bãi bỏ chế độ võ quan và thiết lập chế độ văn quan sang nắm quyền ở Nam Kỳ. Giữ chức Thống đốc ngạch văn quan đầu tiên ở Nam Kỳ là Le Myre de Vilers. Trên cơ sở đó, tổ chức của Nha Nội chính liên tục được sửa đổi bởi các Nghị định ngày 20/5/1884 và Nghị định ngày 1/9/1884. Từ Nam Kỳ, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra Bắc Kỳ và toàn Việt Nam.

Ngày 6/6/1884, đại diện triều đình Huế Nguyễn Văn Tường ký với đại diện Pháp Patenôtre bản “hoà ước” bán nước nhục nhã, khẳng định giá trị của Hòa ước Harmand ký năm trước [25/8/1883], thừa nhận sự bảo hộ của Pháp đối với vương quốc An Nam [sau được gọi là Trung Kỳ] gồm cả Bắc Kỳ. Trước đó, thông qua Hiệp ước Giáp Tuất ngày 15/3/1874, Nam Kỳ đã được nhà Nguyễn nhượng hẳn cho người Pháp và chính thức trở thành xứ thuộc địa. Với mục đích “chia để trị”, thực dân Pháp đã chủ động trong việc chia cắt Việt Nam thành ba vùng với những cơ chế quản lý riêng. Tuy nhiên, người Pháp cũng không thể để ba Kỳ ở Việt Nam thành ba thực thể riêng biệt, nhưng cũng không thể tập hợp riêng ba Kỳ thành một liên bang vì như vậy vô hình trung lại là tái lập một Việt Nam thống nhất, điều mà người Pháp hoàn toàn không muốn. “Trên thực tế, khi người Pháp lo chia cắt Việt Nam, họ không bao giờ cho phép nói tới hai chữ Việt Nam mà phải thay bằng Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Hình như người Pháp thật sự tin rằng hễ không nói tới Việt Nam là có thể bóp nghẹt mọi tình cảm dân tộc”[2]. Trước tình hình này, thực dân Pháp đã chủ trương tìm ra rất nhanh cách giải quyết. Năm 1887, thực dân Pháp cho thành lập Liên bang Đông Dương[3], còn gọi là Đông Dương thuộc Pháp, hay như ngày trước thường gọi là xứ Đông Pháp. Liên bang Đông Dương lúc đầu gồm xứ thuộc địa Nam Kỳ và ba xứ bảo hộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên. Đến 1893, Lào được “kết nạp” và từ đó Liên bang Đông Dương thuộc Pháp có tổ chức hoàn chỉnh gồm 5 xứ. Đến năm 1900, Pháp ghép thêm vùng Quảng Châu Loan vào Liên bang Đông Dương. Trên cơ sở đó, thực dân Pháp thiết lập mô hình cai trị ở Việt Nam cũng như các nước Đông Dương theo Hiến pháp 1875, trong đó Tổng thống Pháp có quyền hành rất lớn và đa dạng, trong đó có quyền lập pháp đối với các thuộc địa.

Sau khi Liên bang Đông Dương được thành lập, ngày 29/10/1887, Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh ấn định quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ [Lieutenant-Gouverneur de la Cochinchine]. Theo Sắc lệnh này thì chức Giám đốc Nha Nội chính Nam Kỳ bị bãi bỏ; Quyền hạn của Giám đốc Nha Nội chính trước đây được chuyển giao cho Thống đốc Nam Kỳ. Thống đốc Nam Kỳ đại diện cho Toàn quyền Đông Dương [Gouverneur Général de l’Indochine] ở Nam Kỳ. Thống đốc Nam Kỳ có một Tổng Thư ký phụ tá để thay thế Thống đốc trong trường hợp Thống đốc vắng mặt hoặc bận công tác khác. Các Phòng của Nha Nội chính trước đây được chuyển thành các Phòng của Nha Tổng Thư ký. Ngày 29/9/1894, Tổng thống Cộng hòa Pháp lại ra Sắc lệnh bãi bỏ chức vụ Tổng Thư ký Nam Kỳ. Ngày 13/2/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ấn định nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ. Đến ngày 26/7/1909, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định ấn định tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các Phòng Phủ Thống đốc Nam Kỳ.

Ngày 20/10/1911, Tổng thống Pháp ký ban hành Sắc lệnh quy định quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ và các Thống sứ, Khâm sứ[4]. Sắc lệnh gồm 8 điều, theo đó những xứ thuộc Đông Dương, trong đó có Nam Kỳ có quyền cai trị độc lập về mặt hành chính trong điều kiện quy định. Cụ thể, Thống đốc Nam Kỳ chịu sự quản lý trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Theo điều 5 của Sắc lệnh ngày 20/10/1911, Toàn quyền có thể ủy thác cho họ toàn bộ hoặc một phần quyền lực của mình bằng một quyết định đặc biệt. Thống đốc Nam Kỳ được quyền trực tiếp liên hệ với Toàn quyền, qua đó đảm bảo thi hành các đạo luật và sắc lệnh do chính quyền Chính quốc ban bố tại Đông Dương cũng như các nghị định của Toàn quyền. Trong phạm vi quản lý của mình, Thống đốc Nam Kỳ có quyền đề xuất các biện pháp cai trị và cảnh sát chung trên toàn bộ lãnh địa do mình cai quản, nhưng tất nhiên phải báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương. Thống đốc Nam Kỳ được phép sử dụng và phân bổ nhân sự trên địa bàn của mình quản lý tuỳ theo nhu cầu công việc, trừ khi có quy định ngược lại. Thống đốc Nam Kỳ chịu trách nhiệm giám sát, giữ gìn an ninh trật tự chung và có quyền trưng tập quân đội khi cần thiết; báo cáo Toàn quyền những biến cố có thể gây rối loạn trật tự trị an, đồng thời đề đạt biện pháp khắc phục.[5]

Trên thực tế, Thống đốc Nam Kỳ có Hội đồng Tư mật Nam Kỳ phụ tá. Hội đồng Tư mật được thành lập ngày 21/4/1869. Tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng và các Phòng [Cabinet et des Bureaux] thuộc Phủ Thống đốc Nam Kỳ được Thống đốc Nam Kỳ ấn định và sửa đổi bởi các văn bản sau: Nghị định ngày 1/1/1914, Nghị định ngày 17/3/1914, Nghị định ngày 27/6/1914, Nghị định ngày 26/5/1922, Nghị định ngày 4/8/1925, Nghị định ngày 7/3/1927, Nghị định ngày 9/9/1927 của Thống đốc Nam Kỳ, Nghị định số 527 bis ngày 7/2/1935, Nghị định ngày 12/5/1941, Nghị định ngày 8/6/1942, Nghị định ngày 31/3/1943 của Thống đốc Nam Kỳ, Nghị định ngày 30/5/1945.[6]

Trong thời kỳ này, các tài liệu liên quan đến tổ chức, hoạt động của Liên bang Đông Dương, cũng như mối liên hệ giữa các chủ thể trong Liên bang được lưu trữ tại phủ Thống đốc Nam Kỳ khá phong phú. Đây được xem là nguồn tài liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu về Liên bang Đông Dương, cũng như các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đặc biệt là Việt Nam.

  1. Hiện nay, trong các tài liệu thuộc phông phủ Thống đốc Nam Kỳ lưu trữ, nhóm tài liệu liên quan đến Tổ chức chính quyền Trung ương được xem là nhóm tài liệu quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ tổ chức và hoạt động của Liên bang Đông Dương, trong đó trung tâm là phủ Thống đốc Nam Kỳ[7]. Đây là nhóm tài liệu đề cập khá phong phú về các phương diện từ tổ chức Liên bang ở các cấp từ Trung ương xuống tới các chủ thể thành viên trong Liên bang Đông Dương, Hội đồng Liên bang Đông Dương, Hội đồng Tư mật Nam Kỳ, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ, phủ Thống đốc Nam Kỳ, Hội đồng Tố tụng Hành chánh, tổ chức quân số vệ binh… đến các hoạt động kinh tế của Đông Dương bao gồm thành lập các tổ chức kinh tế, hiệp hội, việc buôn bán giữa các thành viên trong Liên bang Đông Dương…

Trên cơ sở đó, chế độ cai trị của Pháp tại Đông Dương được chính thức thiết lập thông qua việc thiết lập Liên bang Đông Dương thuộc, trong đó đứng đầu toàn Liên bang là một viên chức cao cấp người Pháp, mang chức danh toàn quyền Đông Dương do Tổng thống Pháp bổ nhiệm bằng sắc lệnh, thông qua Hội đồng Bộ trưởng Pháp. Toàn quyền Đông Dương nắm toàn bộ các quyền lập pháp, lập quy, hành pháp, tư pháp ở Đông Dương. Để thực hiện hiệu quả và gọn nhẹ quyền lực của mình, toàn quyền Đông Dương thi hành chính sách “địa phương phân quyền” trên địa bàn cai trị của mình. Liên bang Đông Dương bị chia làm 5 xứ theo các thể chế chính trị khác nhau. Đứng đầu mỗi xứ là một viên Thống đốc [cho Nam Kỳ, vì đây là nhượng địa] hoặc Thống sứ [cho Bắc Kỳ], nếu là xứ có vua thì mang tên Khâm sứ [ví dụ như Khâm sứ Trung Kỳ, Khâm sứ Ai Lao…]; đứng đầu mỗi tỉnh ở Bắc và Trung Kỳ là một viên Công sứ, chính quyền bảo hộ không đặt tới cấp huyện mà do quan lại bản xứ điều hành dưới sự chỉ đạo của công sứ, chủ yếu để làm những việc tạp dịch như hộ đê, thu thuế, trị an. Tuy Bắc và Trung kỳ vẫn còn các quan Nam triều cấp tỉnh [tổng đốc, tuần phủ, án sát, bố chính] nhưng quyền lực không hơn gì mấy viên tri huyện. Riêng Hà Nội và Hải Phòng là nhượng địa, do một viên đốc lý [thị trưởng] người Pháp đứng đầu. Về nguyên tắc, Toàn quyền Đông Dương chỉ cần nắm lấy 5 viên chức chóp bu đó. Đến lượt mình, mỗi viên chức đứng đầu mỗi xứ đó lại nắm lấy mạng lưới những viên quan cai trị thực dân đứng đầu cấp tỉnh thuộc xứ mình cai trị. Hệ thống vua quan người “bản xứ” đều trở thành công cụ thống trị của các viên chức Pháp kể trên.[8]

Trong nhóm tài liệu về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Liên bang Đông Dương, Hội đồng Tư mật Nam Kỳ, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ, trong đó nói rõ về đại diện bản xứ Nam Kỳ tại Hội đồng Tối cao Pháp quốc Hải ngoại.[9] Về tổ chức của Liên bang Đông Dương, đứng đầu là viên Toàn quyền và Tổng thư ký, tức Phó Toàn quyền. Chức toàn quyền được giao quyền lực rất lớn vì là người đứng đầu về hành chính lẫn quân sự. Hỗ trợ cho chức vụ này là Hội đồng Tối cao [Conseil supérieur]. Hội đồng Tối cao bao gồm: Toàn quyền [Chủ tịch], Tổng tư lệnh quân đội, Thiếu tướng hải quân chỉ huy hạm đội của Pháp ở Viễn Đông, Thống đốc Nam Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ, Thống sứ Ai Lao, Thống Sứ Cao Miên, Khâm sứ Trung Kỳ, Chủ tịch Đại hội đồng Kinh tế Tài chính cùng bốn người bản xứ đặc bổ. Theo hạn định, Hội đồng Tối cao họp hai năm một lần, một tại Hà Nội và một tại Sài Gòn, để ban hành các đạo luật và tính toán ngân sách chung và riêng của từng xứ. Cấp Liên bang còn có hai nghị hội, gồm Hội đồng Chính phủ” [Conseil de Gouvernement de l’Indochine] và Đại hội đồng Kinh tế Đông Dương [Grand Conseil des Intérêts économiques et Financiers de I’Indochine][10], thành lập năm 1928. Hai hội đồng này chủ yếu đóng vai trò tư vấn và thảo nghị chứ không phải có chức năng lập pháp.

Về mặt tư pháp thì ở cấp Liên bang có hai tòa án thượng thẩm đặt ở Hà Nội và Sài Gòn để nhận các bản kháng án từ những tòa án địa phương. Hệ thống tư pháp này duy trì trật tự công lý. Trong các vụ kháng án, các quan tòa người Âu được sự hỗ trợ từ quan lại người bản xứ. Về nguyên tắc, Liên bang này hoàn toàn theo chế độ tòa án và luật pháp của Pháp. Ngoài quyền đại diện liên lạc với chính quốc, ứng xử ngoại giao và điều hành quân đội, chính quyền Liên bang còn có toàn quyền tài chính. Trong nhóm tài liệu về Hội đồng Tố tụng Hành chánh, Hành chánh Pháp viện tại Đông Dương, các tài liệu cũng nêu rõ về tổ chức và hoạt động của Tham Chánh Viện, các qui định của Tham Chánh Viện về tài phán. Đặc biệt, nhóm tài liệu này còn lưu giữ các vụ kiện của các cơ quan và cá nhân kiện Chính phủ Toàn quyền và Chính phủ Nam Kỳ, cùng các các vụ kiện tụng của các cơ quan Chính phủ và các cá nhân.

Về tổ chức tư pháp, Nam Kỳ là khu vực người Pháp chiếm được sớm nhất tại Việt Nam [1867] và là thuộc địa do người Pháp trực tiếp cai trị với một hệ thống luật pháp khác hẳn hệ thống được áp dụng tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngày 25/7/1864, ngay sau khi bình định được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp ban hành Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức tư pháp ở những vùng đất này. Theo đó, có 2 hệ thống song song tồn tại: 1. Hệ thống toà Tây án: chuyên xét xử người Pháp do quan tòa chuyên nghiệp phụ trách, xét xử theo luật của nước Pháp. Các quan toà chuyên nghiệp trực thuộc viên Tổng Biện Lý. Tổng Biện lý đặt dưới quyền chỉ đạo của Thống đốc Nam Kỳ. 2. Hệ thống toà Nam án: chuyên xét xử người Việt và người Âu cư trú tại Nam Kỳ do các quan cai trị-chủ tỉnh thực dân phụ trách, xét xử theo thể chế của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Các quan chủ tỉnh trực thuộc Giám đốc Nha Nội chính. Sau khi Liên bang Đông Dương thành lập, ngày 17/6/1889, Tổng thống Pháp ký ban hành Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp tại Nam Kỳ. Có thể nói, mảng tài liệu này rất cần thiết cho việc nghiên cứu về hệ thống tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp của Pháp ở Đông Dương.

Nhóm tài liệu gồm Sắc lệnh của Thủ tướng Pháp về việc thành lập các hiệp hội cũng là đáng được chú ý. Nhóm tài liệu này bao gồm các sắc lệnh, chỉ thị của Pháp đối với việc thành lập, tổ chức, giải tán và hoạt động của các hiệp hội ở Đông Dương, trong đó chủ yếu là ở Việt Nam. Chính quyền Pháp tổ chức quản lý các hiệp hội thông qua các sổ kiểm soát các hiệp hội được lưu lại tại phông Thống đốc Nam Kỳ. Đặc biệt, trong nhóm tài liệu này còn lưu giữ Điều lệ Hội Tương tế những người Trung Hoa tại Thái Lan và những báo cáo về hoạt động của Hội các nhà báo Nhật tại Sài Gòn.[11] Năm 1942, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 1/12/1942 thành lập Ủy ban Ngũ cốc [Comité dé Céréales] Đông Dương. Cơ quan này trực thuộc Giám đốc Nha Kinh tế [Services Économiques] bao gồm một số cơ quan chấp hành như Hiệp hội các nhà sản xuất gạo và ngô [l Association Professionnelle de Producteurs de Riz et Mais], các tiểu ban về vận chuyển, xay xát và các hội buôn [Comptoir] thóc lúa, gạo và ngô. Ủy ban Ngũ cốc đảm nhiệm những chức năng xuất khẩu ngũ cốc ra nước ngoài, chủ yếu là Nhật, giải quyết vấn đề cung cấp lương thực ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ theo kế hoạch của chính quyền Đông Dương, nghiên cứu và đề xuất với chính quyền những vấn đề liên quan đến tổ chức các thị trường mua bán thóc gạo ở Đông Dương, chủ yếu là Nam Kỳ. Đến ngày 24/12/1943, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cải tổ Ủy ban Ngũ cốc với những biện pháp nhằm tạo điều kiện kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hơn nữa năng lực độc quyền kiểm soát mọi lĩnh vực liên quan đến vấn đề sản xuất, mua bán, xay xát và đặc biệt là vận chuyển lúa gạo ở Nam kỳ cũng như ở Nam kỳ ra toàn Đông Dương và tới các cảng xuất khẩu.[12]

Ngoài ra, nhóm tài liệu về Tổ chức chính quyền Trung ương trong phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ còn có các tài liệu, báo cáo liên quan đến đường biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia, cũng như ranh giới giữa Nam Kỳ [thuộc địa] và Trung Kỳ [bảo hộ]; các tài liệu về tổ chức, cải tổ Phủ Thống đốc Nam Kỳ, các tài liệu về việc cải tổ hành chánh các tỉnh, thành lập, bãi bỏ các quận, các trung tâm hành chánh; tách, sáp nhập, bãi bỏ, đổi tên các làng ở các tỉnh Nam Kỳ; nhóm các tài liệu về việc đề nghị và ân thưởng huy chương cho người Âu và người Đông Dương; tài liệu về tổ chức, quân số vệ binh, danh sách nhân viên các đội vệ binh phục vụ ở các tỉnh Nam Kỳ cũng như báo cáo thanh tra các đội vệ binh.[13] Các tài liệu này mô tả phong phú các hoạt động quản lý của chính quyền Trung ương trên các lĩnh vực cụ thể, có thể khai thác phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về tổ chức chính trị của Liên bang Đông Dương nói chung và Nam Bộ nói riêng.

  1. Có thể nói, nhóm tài liệu liên quan đến Tổ chức chính quyền Trung ương trong phông phủ Thống đốc Nam Kỳ là nhóm tài liệu được các nhà nghiên cứu khai thác khá nhiều, đặc biệt là các học giả phương Tây. Nhiều tài liệu trong nhóm này được các nhà nghiên cứu khai thác tại các kho lưu trữ tại Pháp. Trên thực tế, ngày 15/6/1950, Chính phủ Bảo Đại và đại diện Chính phủ Pháp ở Đông Dương là Cao ủy Léon Oignon đã ký một hiệp ước gồm 7 chương, 17 điều khoản có liên quan đến sự phân chia những tài liệu bảo quản tại Kho lưu trữ Trung ương ở Hà Nội và Kho lưu trữ Nam Kỳ ở Sài Gòn.[14] Dựa vào Hiệp ước này, Pháp đã cho mang về nước tổng số 163 hòm tài liệu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và của Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội. Tuy nhiên, người Pháp chưa kịp mang đi số tài liệu lưu trữ của Kho Lưu trữ Trung ương ở Sài Gòn. Do đó, nguồn tài liệu tại phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ khá phong phú, và là nguồn tài liệu quan trọng phục vụ tốt cho việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, rộng hơn là cả khu vực Đông Dương thời kỳ cận đại.

Nhìn chung, nhóm tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ bao gồm các tài liệu được lưu trữ trong quá trình hoạt động của phủ Thống đốc Nam Kỳ, kể từ khi người Pháp có mặt ở Nam Kỳ cho đến năm 1945. So với các kho lưu trữ khác ở Việt Nam, khối tài liệu phông Thống đốc Nam Kỳ còn khá toàn vẹn, gần như là duy nhất nói về tổ chức, hoạt động của Liên bang Đông Dương nói chung và Phủ Thống đốc Nam Kỳ nói riêng. Bên cạnh đó, khối tài liệu này còn phản ánh một bình diện lớn hơn – lịch sử cận đại của xứ Đông Dương thuộc Pháp, Việt Nam và đặc biệt là vùng đất Nam Bộ ngày nay. Qua các tài liệu, đặc biệt là nhóm tài liệu về Tổ chức chính quyền Trung ương, chúng ta có thể thấy một quá trình tiếp xúc, giao thoa văn hóa đầu tiên giữa hai nên văn minh Đông – Tây, trong đó văn hóa chính trị Việt Nam cũng bắt đầu có một bước phát triển mới trên cơ sở tiếp biến với văn hóa chính trị phương Tây. Đây cũng là cơ sở quan trọng, giúp Việt Nam có thể đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập thành công. Đây cũng là mảng đề tài quan trọng cần triển khai trong quá trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận đại.

Hiện nay, mảng đề tài nghiên cứu về mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam, Lào và Campuchia trong Liên bang Đông Dương, quá trình tiếp biến văn hóa, cũng như những biến đổi về kinh tế-xã hội của ba nước trước tác động bởi quá trình cai trị của thực dân Pháp… vốn rất cần thiết nghiên cứu. Tuy nhiên, mảng đề tài này vẫn chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm, do đó các công trình nghiên cứu về mảng đề tài này vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, về mảng đề tài này, tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ khá phong phú, đáp ứng tốt cho việc nghiên cứu. Đây cũng là gợi ý để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kinh tế… có thể khai thác tốt các tài liệu tại phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ phục vụ cho việc nghiên cứu các đề tài trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Sách chỉ dẫn các phông, sưu tập lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2007.
  2. Dương Kinh Quốc, Việt Nam – Những sự kiện lịch sử [1858-1918], Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
  3. Dương Trung Quốc,Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
  4. Đinh Xuân Lâm – Dương Lan Hải [chủ biên], Nghiên cứu Việt Nam – một số vấn đề lịch sử kinh tế – xã hội – văn hóa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1998.
  5. Đinh Xuân Lâm [chủ biên], Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.

[1] Dương Kinh Quốc, Việt Nam – Những sự kiện lịch sử, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, tr. 68.

[2] Helen B. Lamb, Vietnam’s Will to Live: Resistance to Foreign Aggression from Early Times through the Nineteenth Century, New York: Monthly Review Press, 1972, p. 247.

[3] Liên bang Đông Dương được thành lập chính thức vào ngày 17/10/1887, tồn tại trên thực tế cho đến năm 1954, lúc đầu thủ phủ đặt tại Sài Gòn [1887-1901] sau chuyển ra Hà Nội [1902-1954]. Có ý kiến cho rằng việc thiết lập Liên bang Đông Dương một phần là vì lý do tài chánh khi chính giới Pháp muốn dùng lợi nhuận từ Nam Kỳ để tài trợ kinh phí cai trị Bắc và Trung Kỳ thay vì chính quốc phải chi thêm để trang trải. Xem Pierre Brocheux – Daniel Hémery, Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954, Berkeley: University of California Press, 2009, pp.78-79.

[4] Công báo Hành chánh Nam Kỳ [Bulletin Administratif de la Cochinchine], năm 1911, tr. 3208-3210.

[5] J 1069 – Journal officiel de l’Indochine française, 1911, tr. 2488-2489. Xem thêm Hoàng Hằng, “Chức năng, quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ, Thống sứ và Khâm sứ qua tài liệu lưu trữ”. //www.archives.gov.vn/Pages/Tin%20chi%20ti%E1%BA%BFt.aspx?itemid=243&listId=c2d480fb-e285-4961-b9cd-b018b58b22d0&ws=content [truy cập ngày 24/2/2014]

[6] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Sách chỉ dẫn các phông, sưu tập lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 36-37.

[7] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Sđd, tr. 39-41.

[8] Xem Đinh Xuân Lâm – Dương Lan Hải [chủ biên], Nghiên cứu Việt Nam – một số vấn đề lịch sử kinh tế – xã hội – văn hóa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1998, tr. 68-71.

[9] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Sđd, tr. 39.

[10] Hội đồng Kinh tế Đông Dương gồm có 51 thành viên: 28 người Pháp và 23 đại biểu của ba xứ Việt, Miên, Lào, trong đó người Việt chiếm 17 hoặc 18 ghế tùy thời điểm. Xem thêm Vu Tam Ich, “A Historical Survey of Educational Developments in Vietnam”, Bulletin of the Bureau of School Service, Vol. XXXII, No. 2. Lexington, KY: University of Kentucky, College of Education, 1959, p. 60.

[11] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Sđd, tr. 40-41.

[12] Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 360.

[13] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Sđd, tr. 40-41.

[14] Convention relative aux services d’archives relevant, en ce quy concerne le Vietnam, de la Direction des Archives et Bibliothèques de l’Indochine. Xem thêm Đào Thị Diến, “Tài liệu về Việt Nam ở kho lưu trữ Aixen-Provence – Khối tài liệu đặc biệt có giá trị đối với nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cận đại”, 2009, tr. 76. //lib.ussh.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/2437/1/11.pdf

Video liên quan

Chủ Đề