Thế nào là một nền nông nghiệp sạch

Trong lịch sử phát triển kinh tế-xã hội của các nước trên thế giới, nông nghiệp luôn được xem là một hoạt động sản xuất cơ bản của con người. Nông nghiệp với chức năng sản xuất ra cái ăn và nhiều sản phẩm thiết yếu của con người, giữ vai trò đảm bảo ổn định kinh tế, ổn định xã hội trong quá trình phát triển.

Cùng với sự phát triển của xã hội, dân số trên trái đất ngày càng tăng, số lượng người phải nuôi sống ngày càng nhiều. Nông nghiệp phải phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đó. Nhiều thành tựu của khoa học và công nghệ được áp dụng để tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Nét đặc trưng của nông nghiệp trong những năm đầu và giữa của thế kỷ 20 là cơ giới hóa, hóa học hóa nông nghiệp. Số lượng máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh được sử dụng trong nông nghiệp ngày càng nhiều. Cùng với việc cơ giới hóa, hóa học hóa, năng suất cây trồng vật nuôi tăng lên đáng kể. Nhu cầu của con người đối với các sản phẩm nông nghiệp về khối lượng được đáp ứng. Tuy nhiên, do dùng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu bệnh nên sau khi thu hoạch, sản phẩm nông nghiệp còn có thể gây ra những tác động xấu cho sức khỏe người sử dụng. Nhiều trường hợp người dùng bị ngộ độc, có người bị nặng có thể chết. Ngoài ra, các chất hóa học này [phân bón, thuốc trừ sâu bệnh] còn có thể gây ra những tác động lâu dài về sau đối với cơ thể người bị ngộ độc, kể cả những tác động di truyền gây hại cho con cái ở thế hệ tiếp theo.

Như vậy, sản phẩm nông nghiệp với lượng tồn dư các chất hóa học là những sản phẩm không còn sạch sẽ đối với người sử dụng và có khả năng gây hại cho cơ thể con người. Để tránh những tác hại trước mắt và lâu dài do các sản phẩm có nhiều tồn dư các chất hóa học gây ra, người ta đề ra hướng mới để tiến hành sản xuất nông nghiệp: nông nghiệp sạch.

Ở nước ta, từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc nông nghiệp có bước phát triển mới. Nông dân quen dần với việc sử dụng phân bón, nhất là các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh cũng được dùng ngày một nhiều hơn. Đặc biệt từ sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, phong trào thâm canh tăng năng suất trong nông nghiệp được đẩy lên bước phát triển mới. Cùng với việc phổ biến rộng rãi các giống cây trồng mới trong sản xuất, lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh được sử dụng ngày càng nhiều.

Ở các vùng trồng rau, nhất là các khu vực trồng rau ven các thành phố lớn, việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh được đưa lên đến mức rất cao. Ngoại thành Hà Nội, nông dân có tập quán bón phân chuồng tươi cho rau. Trong phân chuồng tươi có nhiều vi khuẩn, nấm gây bệnh cho người và trứng các loại giun sán. Sản phẩm rau quả ở những vùng bón phân tươi và phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh, mang bệnh đến cho người sử dụng. Các loại rau quả này không sạch. Mức độ nhiễm chất hóa học trừ sâu bệnh và nguồn sinh vật gây bệnh của rau quả sản xuất từ các vùng này ngày càng tăng. Vấn đề làm nông nghiệp sạch ở các vùng nông nghiệp ven các đô thị lớn, nhất là đối với sản xuất rau, ngày càng được đặt ra một cách cấp thiết.

Định nghĩa nông nghiệp sạch

Khái niệm nông nghiệp sạch mới xuất hiện trong những năm gần đây, cho nên cho đến nay chưa có định nghĩa đầy đủ và được mọi người công nhận. Một số tác giả đưa ra những định nghĩa với những khía cạnh khác nhau tùy theo đối tượng, mục đích nghiên cứu và cách tiếp cận vấn đề.

Viện nghiên cứu rau quả đưa ra “Khái niệm về rau sạch: rau đảm bảo phẩm cấp, chất lượng, không bị hư hại, giập nát, héo úa. Dư lượng thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat và kim loại nặng ở dưới mức cho phép. Không bị sâu bệnh, không có vi sinh vật gây hại cho người và gia súc”.

Cho đến nay, người ta đã nói đến nhiều loại nông nghiệp khác nhau. Có nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hiện đại. Có nông nghiệp hóa học hóa, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh học v.v… Các loại nông nghiệp này được sắp xếp theo cách thức tiến hành sản xuất. Ở đây, chúng tôi không có ý định đi sâu vào việc định nghĩa và làm rõ nội dung các loại nông nghiệp này.

“Nông nghiệp sạch” được đưa ra và xử lý trên bình diện khác. Đối tượng khảo sát của khái niệm này là các loại sản phẩm do nông nghiệp tạo ra. Trong khái niệm nông nghiệp sạch người ta không chú ý nhiều cũng như không giới hạn về cách thức sản xuất nông nghiệp mà đặt trọng tâm chú ý vào sản phẩm của nông nghiệp, vào những hậu quả do nông nghiệp gây ra đối với môi trường.

Như vậy, nông nghiệp sạch là tiến hành sản xuất nông nghiệp với nhiều cách thức khác nhau với mục đích không gây ra ô nhiễm môi trường và để tạo ra những sản phẩm không mang các chất, các sinh vật có hại cho người sử dụng trước mắt cũng như lâu dài.

Thực ra, sản phẩm của nông nghiệp trừ một phần rất ít làm nguyên liệu cho công nghiệp như cao su, sợi thực vật v.v…, còn phần lớn là các loại lương thực, thực phẩm và các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của con người. Vì vậy, nếu hiểu theo nghĩa sạch là không có các chất, các loài sinh vật gây hại cho người thì sản phẩm nông nghiệp bao giờ cũng phải sạch. Nếu vậy, đến nay tại sao vấn đề nông nghiệp sạch lại mới được đặt ra và trở thành hướng phát triển cho nông nghiệp hiện đại?

Trước hết, sạch hay không sạch là xuất phát từ lợi ích con người, từ yêu cầu bảo vệ sức khỏe và bình yên của người sử dụng. Đối với tự nhiên cũng như đối với bản thân cây trồng khái niệm sạch hay không sạch, có hại hay không có hại cần được xem xét dưới góc độ khác. Vì thế, có những chất có ý nghĩa không sạch đối với con người nhưng lại có lợi cho cây. Ngay từng yếu tố một, đối với con người có thể có mặt lợi đi đôi với mặt không lợi [không sạch]. Thí dụ như các alcaloit trong cây có hại cho người, nhưng chúng giúp cây chống được một số sinh vật gây hại. Trong cây nhiều đạm có thể gây hại cho người nhưng nó là yếu tố giúp cây sinh trưởng tốt.

Trước đây, sản phẩm nông nghiệp còn chưa dồi dào, chưa đủ cho các yêu cầu hàng ngày của con người, mục tiêu phấn đấu chủ yếu của con người là có được năng suất cây trồng cao, sản lượng nông nghiệp lớn. Phấn đấu cho mục tiêu năng suất và sản lượng cho nên các mục tiêu khác đành tạm gác lại. Khi đưa được năng suất lên, các loại cây trồng ở mức tạo ra năng suất cao thường dễ bị sâu bệnh hại. Người ta phải phấn đấu để hạn chế tác hại của sâu bệnh, vì nếu không, sản xuất nông nghiệp trở thành bấp bênh, năm ít sâu bệnh thì được mùa, năm sâu bệnh phát triển mạnh thì mất mùa. Trong khi phấn đấu để hạn chế tại hại của sâu bệnh, nhiều trường hợp người ta buộc phải dùng nhiều thuốc trừ sâu bệnh để bảo đảm cho mùa màng không bị giảm sút.

Phải dùng nhiều loại phân bón để có năng suất cao, phải dùng nhiều thuốc trừ sâu để hạn chế tác hại của sâu bệnh, gìn giữ mùa màng là do yêu cầu thúc đẩy của thực tế cuộc sống đòi hỏi phải có khối lượng nông sản lớn. Khi có được khối lượng nông sản lớn người ta mới chú ý đến chất lượng nông sản. Mặt khác, những khối lượng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh được dùng nhiều trong nông nghiệp đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và con người buộc phải nghĩ đến cách khắc phục các hậu quả tiêu cực của việc làm này. Thời gian gây đây, người ta đã đưa ra 4 yêu cầu cần được nêu lên thành mục tiêu phấn đấu cho sản xuất nông nghiệp: năng suất cây trồng cao, chất lượng nông sản tốt, chống chịu được tác hại của sâu bệnh, bảo vệ tốt môi trường sống của con người. Bốn yêu cầu này được nêu lên cho toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp và đòi hỏi sản xuất nông nghiệp ngày càng phải hiểu biết sâu sắc cây trồng, vật nuôi, ngày càng phải nắm bắt và hoạt động phù hợp với các quy luật tự nhiên. Bốn yêu cầu này của nông nghiệp có liên quan với nhau rất mật thiết và chỉ có thể đạt được khi giải quyết tốt các mâu thuẫn giữa chúng với nhau.

Nhiều người muốn dồn tất cả bốn yếu cầu này vào trong các đặc điểm của giống cây. Người ta phấn đấu để tạo ra các giống cây có đủ đồng thời cả 4 đặc tính: có tiềm năng cho năng suất cao, có phẩm chất nông sản tốt, chống chịu được sâu bệnh và cho ra nông sản sạch. Như vậy, khái niệm sạch ở đây còn mang ý nghĩa sinh thái, có nghĩa là bên cạnh việc không gây độc cho người sử dụng còn không gây ô nhiễm cho môi trường. Nhưng cho đến nay ước muốn này chưa đạt được.

Sản xuất nông sản sạch là yêu cầu và là mong muốn của mọi người

Sản xuất nông sản không sạch là một việc buộc phải làm vì chưa tìm ra cách gì hay hơn. Ai chẳng muốn ăn ngon, ăn sạch. Buộc phải sản xuất nông sản không sạch là do cần phải có khối lượng nông sản lớn để đáp ứng các nhu cầu không thể thiếu được. Trong chừng mực nhất định sự bắt buộc này mang tính khách quan. Tất nhiên là trừ trường hợp những kẻ chạy theo lợi nhuận và khi biết rằng mình không sử dụng những nông sản do mình sản xuất ra, họ chỉ nhằm đạt được nhiều nông sản để bán và không cần để ý gì đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trường hợp này trong thực tế vốn có, nhưng không nhiều và việc làm đó thuộc về lĩnh vực đạo đức xã hội, lĩnh vực luật pháp.

Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân phải giải quyết nhiều bài toán không đơn giản. Trước hết nông nghiệp cần sản xuất ra khối lượng nông sản lớn. Mà trong một giống cây thì tiềm năng cho năng suất cao thường mâu thuẫn với đặc điểm cho phẩm chất nông sản tốt. Có nghĩa là một giống cây có khả năng cho năng suất cao thường có phẩm chất nông sản không tốt. Giống lúa lai Trung Quốc cho năng suất cao nhưng gạo ăn không ngon. Ngược lại giống cho phẩm chất nông sản tốt thì năng suất không cao. Gạo tám ngon cơm nhưng năng suất chẳng vượt hơn 30 tạ/ha. Như vậy, khi cần có khối lượng nông sản lớn, người ta đành hy sinh một phần chất lượng nông sản.

Giống có năng suất cao thường yếu chống chịu sâu bệnh. Giống có năng suất cao và chất lượng nông sản khá lại càng yếu chống chịu sâu bệnh. Ngược lại, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh cao thì cho năng suất không cao và chất lượng nông sản không tốt. Bản thân các đặc tính chống chịu sâu bệnh, một số trực tiếp ảnh hưởng đến phẩm chất nông sản [thí dụ các alcaloit, các hợp chất phenol trong nông sản có hàm lượng cao…].

Trong một giống cây là như vậy. Trong toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp những mâu thuẫn tương tự cũng diễn ra ở mọi khâu áp dụng các kỹ thuật canh tác. Các biện pháp tác động theo hướng làm tăng năng suất như tăng lượng phân bón, tăng thuốc trừ sâu bệnh đều làm cho phẩm chất nông sản giảm xuống, thậm chí còn làm cho nông sản trở thành không sạch. Loại mâu thuẫn này thường chỉ xuất hiện khi vượt qua ngưỡng giới hạn nhất định. Dưới ngưỡng đó, có thể tác động để làm tăng năng suất mà chưa có ảnh hưởng gì đến chất lượng nông sản. Nông nghiệp hiện nay đã vượt qua khá xa ngưỡng này.

Phòng trừ sâu bệnh là công việc thường xuyên của nông dân. Các tác động của biện pháp bảo vệ thực vật thường góp phần làm tăng năng suất cây trồng và có ảnh hưởng không tốt đến phẩm chất nông sản. Phun thuốc trừ sâu bệnh không những ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nông sản mà còn làm ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, để bảo vệ cây trồng không thể không áp dụng các biện pháp bảo vệ thực vật, không thể không phun thuốc trong nhiều trường hợp, nếu không muốn cây trồng bị sâu bệnh phá hại nặng.

Tuy không ai muốn sản xuất ra nông sản không sạch. Nhưng thực tế khách quan cho thấy chúng ta đang sản xuất ra những nông sản không sạch lắm. Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những nguyên nhân khách quan, như đã nói trên đây khi chúng ta buộc phải phấn đấu để sản xuất ra khối lượng lương thực lớn. Có những nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân chủ quan bao hàm 3 tiền đề: do thiếu hiểu biết các quy luật khách quan, do vô tình, thiếu trách nhiệm, do chạy theo lợi nhuận.

Trong bất cứ tình huống nào chúng ta cũng phải phấn đấu để làm nông nghiệp sạch vì sức khỏe của thế hệ hôm nay, vì một môi trường sống trong lành và vì các thế hệ ngày mai. Cần sớm và kiên quyết loại bỏ các nguyên nhân chủ quan. Phấn đấu vươn lên không ngừng để khắc phục và vượt qua các nguyên nhân khách quan, khắc phục được các nguyên nhân làm cho nông sản không sạch là điều không dễ. Tuy vậy, với những tiến bộ khoa học và công nghệ đã có, với những hiểu biết đang được tích lũy ngày càng nhiều, trình độ nông dân đang ngày càng được nâng lên, chúng ta có thể thực hiện được một “nền nông nghiệp sạch”.

Xuống ruộng giải "ngố"

Như Quỳnh, một cô gái 22 tuổi Hà Nội gốc. Quỳnh là sinh viên học viện Ngân Hàng vừa mới tốt nghiệp.

Chưa từng một lần biết đến cấy lúa là gì, chưa bao giờ phải tự tay đi chợ mua rau hay lựa chọn thực phẩm tươi ngon để nấu cơm, nhưng cơ duyên đã đưa cô đến với nông nghiệp sạch với vai trò cộng tác viên.

Trước đây, Quỳnh nghĩ: "Làm nông là công việc lam lũ, vất vả, bán mặt cho trời, nhưng từ sau khi biết đến Nông Nghiệp Sạch, mình thấy rằng nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực".

Diệu Linh, 23 tuổi là một cô gái Quảng Ninh, lớn lên trong gia đình không hề có truyền thống làm nông nghiệp. Ở nhà, Linh hầu như không phải mó tay vào bất cứ công việc gì. Cô gái này còn mang trong mình ước mơ với nghề MC.

Mới bước chân vào nghề 3,4 tháng, Linh đã biết tới và muốn được tham gia Nông Nghiệp Sạch – chương trình truyền hình thực tế mới triển khai từ tháng 11 năm 2016 do Đài truyền hình Việt Nam và Bộ NN & PTNT phối hợp chỉ đạo thực hiện.

Vượt qua vòng casting với hơn 20 MC khác cả có kinh nghiệm và thực tế, Linh hào hứng với công việc đi tìm hiểu về nông nghiệp sạch.


Hình ảnh Diệu Linh trong một chương trình Nông Nghiệp Sạch về mô hình nuôi cá tại Phú Thọ. Ảnh: Bizmedia

Nội dung chương trình Nông Nghiệp Sạch là phản ánh tới khán giả khắp cả nước những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hay chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.

Tham gia với vai trò MC, Linh sẽ phải trải nghiệm thực tế cách bón phân, hái rau, cho lợn ăn, trồng cây hay tham gia vào các công đoạn trong quy trình làm ra một sản phẩm.

Đi cùng hơn 20 số phát sóng của Nông Nghiệp Sạch: "Tình yêu của em với những con người bình dị, những công việc bình dị ấy bỗng nảy nở" - Linh chia sẻ.

Làm nông nghiệp phải bằng cả trái tim

"Tham gia vào nông nghiệp sạch, em cảm thấy như mình có trách nhiệm hơn, cảm nhận được tình yêu và cả con tim của người nông dân gửi gắm trong chính từng cọng rau, con lợn, con gà mình nuôi" – Thùy Linh bồi hồi kể lại những cảm nhận khó quên của mình sau một chuyến đi quay Nông Nghiệp Sạch.

"Cứ tưởng làm nông đơn giản lắm, đến vụ thì gieo trồng, hết vụ thì thu hoạch, ai dè bắt tay vào tìm hiểu mới biết từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng trừ sâu bệnh đều có những kỹ thuật riêng mà phải không ngừng học hỏi mới làm được"- Hoàng Nguyên, sinh viên năm cuối trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ thêm khi nói về dự định vào Lâm Đồng học làm nông nghiệp của mình.


Các mô hình sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng đã và đang thu hút nhiều người trẻ tới học tập cách làm nông nghiệp sạch. Ảnh: Bizmedia

Đóng góp cho nền nông nghiệp sạch theo những cách khác nhau

Ngày nay, bên cạnh cách làm nông truyền thống, còn có nhiều bạn trẻ ứng dụng kiến thức và khoa học công nghệ vào cách làm nông nghiệp hay tham gia vào các hoạt động làm nông nghiệp sạch như sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Các hoạt động này không những tạo ra thêm giá trị trực tiếp cho xã hội mà còn mang lại thu nhập khá cho bản thân và nhiều lao động.

Dù bằng cách trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất như Quỳnh, Nguyên hay các hoạt động truyền thông cho nông nghiệp sạch như Diệu Linh, những người trẻ này cũng chính là một trong nhiều những viên gạch khác tiếp tục đặt nền móng để nền nông nghiệp sạch Việt Nam trong tương lai.

Video liên quan

Chủ Đề