Taập quên đi quá khú là lời bài hát gì

Trân trọng kính mời Anh/Chị và các bạn đến tham dự Chương trình Giao lưu “CÂN BẰNG TRONG KHỦNG HOẢNG” với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và Nhà văn Nguyễn Tường Bách:

Sẽ có nhiều vấn đề được đặt ra trong buổi Trò chuyện thân mật này với các “diễn giả”:

– Thời gian qua, thế giới chúng ta đang sống liên tục chịu nhiều tổn thương [dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh…]. Những vấn đề đó ảnh hưởng ra sao đến tâm thức xã hội?

– Tình trạng mất cân bằng hiện nay thực sự đến từ những nguyên nhân khách quan hay từ chính bên trong chúng ta?

– Làm cách nào để con người tìm lại sự cân bằng trước những biến động?

– Thiền có phải là lối thoát cho cuộc khủng hoảng này?

– Khoa học nhìn nhận như thế nào về khả năng điều trị thực tế của thiền?

– Làm gì để có thể vững tâm đối diện với các biến cố tương tự có thể sẽ còn gặp lại trong tương lai?…

Trân trọng,

BTC

Ghi chú: Vào cửa tự do.

Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,

Dà, rất vui được anh Ngọc nhắc trong Thư gởi bạn xa xôi vừa rồi. Xin đa tạ bác sĩ nhiều lắm!

Thật tình là bây giờ ở tuổi ngoài 80 này thì cái gì cũng ngán hết bác sĩ ơi! Thấy cục đá chắn ngang lối đi cũng sợ vấp té! Thấy cái cây đang cần nước phải tưới gấp vậy mà muốn lấy cặp gàu gánh nước dưới mương để tưới vài gàu cho cây chống chọi với nắng gắt năm ba ngày mà cũng ngán, làm hổng nổi!

Còn ba cái vụ sách vở lại càng ngán ngẩm dữ lắm nữa vì tuổi già mắt kém, tai điếc, nên đọc sách nhiều lúc đọc bên này chữ chạy qua bên kia, ít khi còn nhớ mình đọc gì nhưng nhờ có cái vui là hối đó tới giờ, tôi có thói quen đọc sách là ngồi xuống ghi lại cảm tưởng của mình hoặc có cây viết trên tay rồi chỗ nào hay là mình gạch đít để dành có khi mình sẽ đọc lại, có khi lâu ngày mình ngồi xuống chép lai và nhờ vậy mà mấy chục năm nay có được bộ sách NGƯỜI ĐỌC & NGƯỜI VIẾT bốn cuốn I, II, III và IV như Bác sĩ nhắc bên trên.

Bộ sách đó chỉ là những cảm nghĩ vụn vặt khi đọc sách, ở đó không phải là văn chương mà là những cảm tưởng rất thực tình của một người đọc nhà quê già khú đế mê đọc sách từ hồi còn trẻ tới giờ mà cũng là cái thú vui của tuổi già khú đế này khi mấy đứa con giúp ba của các cháu in được thành sách để dành kỷ niệm trong gia đình.

Ngoài ra, tôi cũng có ghi chép một số cảnh vật cùng đời sống dân quê tôi qua những mùa màng rồi gom góp lại in được đâu cũng chừng bảy tám cuốn và có lần mới đây tôi có ghi lại “Thử nhìn lại các tựa sách của mình” trong đó có đoạn:

“Hôm nay ngồi nhìn lại các cuốn sách có trước mặt [mà tôi không dám gọi đó là những tác phẩm vì thực ra đó chỉ là những trang viết lan man chơi thôi chứ không có dụng ý làm văn làm sách gì nên hổng dám nhận là tác phẩm là do vậy]; thiệt tình đó là món quà vô cùng quý báu mà mình không ngờ thực sự nó đã có trước mặt mình như vậy!

Việc đánh giá sách hay hoặc sách dở, sách có giá trị hay không có giá trị là do ở người đọc; còn riêng tôi, tôi không biết nó hay hoặc dở thế nào, nhưng chắc chắn ở trong mỗi trang sách ấy dường như là mỗi trang đời mà mình có lúc hít thở cùng nhịp sống chẳng những mình đang sống với chính những gì mình đã ngồi chép lại mà nó còn là những kỷ niệm, những trang đời mà có lúc mình đã sống qua với chính nó; ở đó chắc chắn là những chất liệu sống rất thật, không màu mè, không tô vẽ, không thêm thắt, không trau chuốt để cho các trang sách ấy thành văn, thành sách mà cốt chỉ như một thú vui, một cách trị bịnh mau quên khi tuổi già cứ theo thời gian vùn vụt ùa lên tóc mỗi ngày, mỗi ngày… không kịp thở vậy! Có lẽ chính vì thế mà các trang sách vừa gom góp lại được này, cách nào đó nó rất hợp với cái chất hiền hòa, chất phác của mình mà cũng hợp với những tình cảm nhớ nhung, những suy nghĩ từ một người nhà quê già như mình có lúc đã sống và đã suy nghĩ như vậy.”

Vài hàng kính gởi san sẻ cùng Bác sĩ và một lần nữa xin chân thành cảm ơn Bác sĩ nhiều lắm là lúc nào cũng nhớ và nhắc người đọc sách nhà quê già khú đế này vậy.

Thân mến, Hai Trầu Lương Thư Trung

Houston [Lấp Vò], ngày 19/12/2023.

Thầy Tuệ Sỹ, nơi bàn làm việc tại chùa Già Lam Photo by nt khánh minh [2009]

Vâng, chóng đến nỗi tôi nghĩ đó là giấc mộng, giấc mộng thiện hảo quý báu quá khiến tôi tiếc ngẩn ngơ sao chóng đến vậy.

Đó là buổi ra mắt tập thơ của tôi tại quán cà phê Du Miên. – Chỉ với 50 ấn bản Bùa Hương do Ý Thức Bản Thảo ấn hành 2009 – với sự có mặt của các anh chị Đỗ Hồng Ngọc-Ngọc Bích, Lê Ký Thương-Kim Quy, anh Nguyên Minh và anh Lữ Kiều, và tôi. Bảy người, đối với riêng tôi, số 7 khiến tôi liên tưởng đến bảy sắc cầu vồng, bảy nốt trong âm nhạc, thất bảo, của một buổi sáng tuyệt vời.

Và bản quý duy nhất, Bùa Hương, được ấn chứng bằng những chữ ký thân tình. Buổi sáng đẫm hương bằng hữu. Nó không chỉ chấm dứt vào buổi trưa khi chia tay. Nó kéo dài cho tới bất cứ lúc nào hồi ức tôi lay động.

Sau buổi sáng, anh Lữ Kiều bảo, giờ anh sẽ đưa em đến chùa Già Lam, – Thầy Tuệ Sỹ ạ? – Ừ, mình cùng đi với Giai Hoa.

Lòng tôi vừa bồi hồi vừa lâng lâng khó tả. Run run. Vì sắp được gặp một người mà mình nghĩ rằng khó có cơ hội được diện kiến. Chùa Già Lam. Có đóa sala rụng ở sân chùa, cầm trong tay thơm ngát. Ép vào sách, đến giờ giở ra còn nghe thơm. Thơm phút giây nhặt nó ở sân chùa, thơm vì nó cùng tham dự với tôi buổi trưa độc nhất ấy, nơi có vị sư của những lời thơ Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ/ Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn… [Tuệ Sỹ, Không Đề] Đã bao trăng tàn bên chiếc lan can này nghe Sư nói chuyện một mình? Hai bóng sáng hòa âm trong đêm, để lại cho đời những lời thơ bất hủ, theo mãi trong lòng người hình bóng một vị chân tu.

Chúng tôi ngồi ở đó, ban công trước phòng Sư, trông xuống một vườn cảnh nhỏ, gió buổi trưa hiu mát, trái tim tôi như chiếc lá bay. Sư và anh Lữ Kiều, Giai Hoa đang bàn về chương trình buổi ra mắt tập thơ Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, tập thơ tôi được Sư tặng sau đó.

Tôi tặng Sư tập thơ Bùa Hương, và tôi có được chữ của Sư trong bản duy nhất kia. Chữ của Sư, chữ Hán lẫn Việt, lấp lánh dưới nắng trưa: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về. Nét chữ có linh hồn của sự cương nghị bất khuất và u ẩn một điều cưu mang…

Mỗi khi giở xem lại nét chữ ấy lòng run run như đang mở xem điều gì đó vô cùng quý báu.

– Giai Hoa là người phụ đạo piano cho thầy-. Anh Lữ Kiều nói. Rồi, chúng tôi được nghe và thấy Sư ngồi đàn, một Nhà Thơ gõ trên phím những nốt nhạc của tâm hồn, Sư ngồi đó, Sư đang ở đó, như vừa mới đến, như vừa ra đi trong âm ba tiếng nhạc. Không gian thời gian như nhập lại một dòng trôi vi diệu vô thường…

Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng… ôi, Như Lai đâu có đi có đến…

Thời gian tiếng dương cầm, giờ như đang đọng từng hạt vàng trong nắng Già Lam. Đó Ngày Mộng của tôi. Ngày mộng khởi duyên cho bao thiện lành trong từng bước tu hướng về Người…

ĐỈNH ĐÁ NÀY VÀ HẠT MUỐI ĐÓ CHƯA TAN [Tuệ Sỹ, Khung Trời Cũ]

Tôi kính ngưỡng nỗi u ẩn trong tình tự hạt muối chưa tan. Ôi biển đời kia xô động…

Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư,

Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi [Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm]

Bước độc hành như sương hạt rơi khuya, như tiếng mõ trầm trầm hun hút ở rừng thẳm, ở núi cao… nhưng khó làm sao để tường tận cái chấp chới của vạt áo tỳ khưu đẫm ánh trăng đêm, của một vì sao bên khoé miệng rưng rưng, thấp thoáng ẩn hiện. Hiện lên Người và ẩn một cõi thơ tịnh tĩnh. Khó làm sao lọt được vào cõi im lặng tủy đá ấy…

Có chăng, tôi lần theo bằng nhịp đập của trái tim thơ khởi đi từ hạt lệ mở đường,

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn…

Cô quạnh và tự tại của hạt lệ đèn hòa thanh ánh trăng, và câu chuyện gì khiến thế gian nhỏ lệ? Đọc thơ Người thấy mình nhỏ bé quá dưới cái huyễn lộng, hay chỗ nào, vì sao hay, hỏi như hỏi mây xanh bay, theo như đuối dòng nước trôi hoài kia. Chuyện trăng tàn là chuyện gì, chưa nghe thấu nỗi đã rúng động. Trăng tàn giật mình sững sờ cái núi lạnh biển im, tấm lòng băng khiết?

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan…

Hỏi, tại sao, vì đâu lòng muối kiên định… để bất khuất chưa tan?

Tưởng chỉ là Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ, bỗng vầng trăng vụt sáng mới hay Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu! [Tóc huyền] Cô liêu tóc trắng ấy cũng ngang ngửa với cái cô quạnh nghìn năm viên đá cuội. Nghe quá cảm khái trong câu hỏi hồn tôi đâu…

Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường? [Dạ Khúc]

Hay đó là mênh mang sầu của cánh mỏng về đâu, là chiếc lá xa mùa đau lòng phận nước?

Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa… [Mưa cao nguyên]

Tôi sứ giả hư vô Xin gởi trong đôi mắt bà Một hạt cát [Hạt cát]

Sứ giả của hư vô, gửi vào đôi mắt một hạt cát, để khơi lệ huyễn mộng rực rỡ không dấu chấm hết? Một hạt cát chứa vô biên không gian thời gian.

Tất cả câu hỏi về thơ Người, chỉ có thể tìm được câu trả lời qua những bước chân cô độc kiên trì trên con đường dài Người đã đi, qua tấm lòng băng khiết Người đã sống với Đạo với Đời, qua nếp sống giản dị thanh bạch của hạt cát tinh tuyền, giờ hạt cát ấy đã lồng lộng hư vô, nhưng âm thanh của cát vẫn vang động. Nếu chúng ta cùng nghe được âm vang của một hạt cát thì sứ giả hư vô ấy là trái tim son sắt của Người.

NHỚ BUỔI NGHE SƯ ĐÀN

Cùng nhà thơ Lữ Kiều và Giai Hoa, 20.9.2009, tại cốc của sư trong vườn chùa Già Lam

Buổi trưa ngồi nghe sư đàn Trăm con lá rớt. Tình tang cõi ngoài Mùa đâu hốt đã thu phai Một phương viễn mộng. Đọa đày*. Bao thu

Viên đá cuội nghìn năm*. Ru Niềm cô quạnh. Dấu biệt mù. Âm xưa Trăng tàn nhỏ lệ đèn khuya Hắt con bóng dựng đá chờ nước non

Áo tỳ khưu. Dặm mỏi mòn Trùng khơi. Hạt muối đó còn chưa tan…

Nguyễn Thị Khánh Minh 9.2020

* Thơ Tuệ Sỹ: Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở/… Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh/ Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường…

[Nguồn: tranthinguyetmai.wordpress.com]

Thư gởi bạn xa xôi [tháng 12.2023]

BÀY ĐẶT VẼ… VỜI

Bạn hỏi đang làm gì ư? Thì làm biếng chớ làm gi nữa! Nhiều bạn cùng lứa U90 kêu giờ chả biết gì, chỉ biết già! Vậy mà có anh Hai Trầu, ít hơn mình vài tuổi vẫn tự hào cái sự “già khú đế” của anh. Già khú đế gì mà một lúc vừa tung cuốn Người đọc & Người viết IV, liền quảng cáo tiếp cuốn V, VI… sắp ra nữa, rồi còn hẹn tái bản một lô một lốc sách xưa nay của anh nữa trời ạ!

Mình lúc này hay đi về quê ở Lagi, cách Saigon chừng 160km, nay có cao tốc đi vài giờ thôi. Về ăn bánh căn, tắm biển, đi xe bò… rồi nằm võng đu đưa dưới bóng dừa cũng hay.

Cao hứng, bày đặt vẽ… vời nữa chớ! Mua hộp sơn dầu [thứ của trẻ con], rồi lấy ngón tay quẹt quẹt, bôi bôi, trét trét một lúc là xong một bức tranh… “trời ơi” ngay! Các bạn hoạ sĩ thứ thiệt của mình đừng la rầy chi nhe.

À, mà thú vị. Cũng là một cách “chánh niệm tỉnh giác” rất Thiền đó nhe. Chừng một lúc đã vào… Tứ thiền hổng hay đó chớ chẳng chơi!

Không dám cho ai coi. Vừa rồi, một nhà “phê bình” tình cờ xem, đã kêu lên: “Anh có một cái bàn vẽ thật đẹp!”. Vậy đó. Thôi kệ.

Kỷ niệm chuyến đi về Cao nguyên Đá ở Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc đó nhe.

Gởi bạn vài bức coi vui,

Lagi 2023

Đường đi Mèo Vạc

Đèo thẩm mã

Tam giác mạch

Sông Lô [Hà Giang]

Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc.

Thư gởi bạn xa xôi [tiếp theo]

Một Ngày Ở Hà Nội

Từ Mèo Vạc, trở về Đồng Văn tính ghé Sông Nho Quế, tiện thì đi thuyền trên dòng sông tuyệt đẹp giữa hai vách núi dựng đứng đó nhưng sương mù dày đặc, đành uống Cafe ở Panorama mà nhìn Nho Quế mờ mờ nơi xa… Tiếc quá! Thời gian lại gấp rút, phải về Hà Nội ngay trong đêm. Đến Hà Giang còn bị kẹt đường vì núi lở, phải đợi. Trên đường, ghé Seo Mẩy mua ít quà bánh làm bằng Tam giác mạch về tặng bạn bè.

Đến Hà Nội đã gần nửa đêm. Oải, rả rời. Thế mới biết “già mà ham” leo đồi leo núi ỏ Cao Nguyên Đá cho đã đời là vậy! Tuy vậy, sáng Chủ nhật 5.11.23 khi nghe tiếng chuông Nhà thờ lớn đổ lúc 6h30, cũng vội vả đến Nhà Thờ lớn thăm chút, rồi ghé Chùa Bà Đá cũng gần đó. Thả dọc ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Đã nhộn nhịp. Quán cafe Lạc Thuỳ ở bờ hồ đã đông đúc. Vài bà đẩy xe bán bánh cam, cốm vòng… và những cô nàng quang gánh cốm vòng mùa thu đợi khách như cái thuở trong tiểu thuyết của Hà nội 36 phố phường quen thuộc ngày xưa… nhờ đọc Tự lực văn đoàn hồi còn nhỏ! Gởi bạn vài hình ảnh sinh hoạt coi vui nhe.

Thân mến

Đỗ Hồng Ngọc

Bờ hồ Hoàn Kiếm

Cốm Vòng

Cầu Thê Húc.

Các bé thực hành tiếng Anh với du khách nước ngoài

Các bạn trẻ rất thích xăm hình

Vẽ chân dung

Mình đến phố Đinh Lễ, khu sách cổ [thiệt ra sách loại nào cũng có!] tình cờ bước vào Sách Mụ Hoa. Sách chồng chất từ sàn nhà lên tới nóc, chừa lối đi hẹp lé, mua cuốn nào trên cao thì nữ gia chủ trèo thang lên lấy, đúng ngay cuốn đó! Giỏi thiệt!

Rồi thăm hỏi. Chị kêu: Ối là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, “Già sao cho sướng” đó à? Tôi thì thấy chả có ai là già cả! Ở đây tôi có đến 30 tựa sách của anh rồi đó. Mình hỏi tại sao chị lấy tên “Mụ Hoa” có phải muốn ví mình là Cô Mụ, nâng đỡ và chăm sóc cho sách không? Chị cười to: “Đúng vậy đó, nhưng không dám nói ra. Nay mới thấy anh nói đó…!”.

Mình bèn tặng bà cuốn Bản thảo: “Một ngày kia… đến bờ” và bà không quên tặng lại một gói Cốm Vòng thiệt to! Vậy đó.

Thư gởi bạn xa xôi [11.2023]

Vài cảm nghĩ nhân chuyến đi Đồng Văn, Mèo Vạc [Hà Giang]

Y như là có “thần giao cách cảm”. Đang loay hoay chọn vài hình ảnh để kể cho bạn xa xôi nghe về chuyến “phiêu lưu” về thăm Đồng Văn, Mèo Vạc [Hà Giang] của mình thì được ngay thư của anh Hai Trầu. Lạ thiệt.

“Dà, anh Ngọc ơi, anh chị dạo này có đi chơi đâu hông? Đang mong “Thư gởi bạn xa xôi tháng 11…” của anh Ngọc đây. Lương Thư Trung [11.11.2023]”

Muốn làm biếng cũng không được nữa rồi!

MÌnh vừa viết “chuyến phiêu lưu” thì bạn hiểu rồi đó. Tuổi mình mà còn tính chuyện leo Cao Nguyên Đá Đồng Văn, Mèo Vạc, thăm Dinh vua Mèo, thăm nhà Pao, dốc Thẩm Mã, sông Nho Quế… thì không phải “phiêu lưu” chớ là gì? Già cả lụm cụm rồi, khớp bắt đầu sinh sự rồi, huyết áp trồi sụt bất thường rồi, thế mà nghĩ lại, bây giờ mà không đi một chuyến… thì còn chờ đến bao giờ nữa…! Nhân có thằng con nghỉ phép mấy ngày chịu “dẫn đường” cho Ba Má thì còn gì hay hơn. Dặn trước, chỗ nào khoẻ, đủ sức thì đi, chỗ nào mệt thì thôi. Do vậy, mình cũng không thể đi theo “tua” cùng mấy bạn trẻ [dưới 80] được nữa rồi. Phải tự tổ chức “tua” riêng mà thôi.

Bạn nhớ Sông Lô không? Nhớ Trường ca Sông Lô của Văn Cao không? Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu… Và Tiếng hát Sông Lô của Phạm Duy Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như xưa/ Sau lúc phong ba, thuyền tôi qua bến qua bờ … mà ngay từ hơn 70 năm trước bọn mình đã nhớ lõm bõm, nay thì Sông Lô đây rồi, mênh mông, xanh mướt. Cứ tưởng Sông Lô chỉ có ở Phú Thọ, Việt Trì, ai dè Sông Lô dài dằng dặc, xuyên suốt các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…

Sông Lô [Hà Giang]

Lạ, ở TP Hà Giang có Cột mốc “Cây số 0 Km” được nhiều du khách chụp hình kỷ niệm. Mình hơi ngạc nhiên, không biết Cây số 0Km này nghĩa là sao. Ở Mũi Cà Mau, cực Nam, mình cũng có đến Cây số 0 Km, là đánh dấu cột mốc biên giới. Xưa, ở tả ngạn sông Bến Hải, cũng có Cột cây số 0 Km, lúc chia đôi hai bờ Nam Bắc. Hỏi ra mới biết Cột số 0 Km này chỉ có nghĩa là trung tâm Thành phố Hà Giang, từ đó toả đi các nơi. Nghe nói Hà Nôi cũng sẽ có Cây số 0 Km ở Hồ Hoàn kiếm thì phải?

Nghỉ đêm ở khách sạn Yên Biên, rất đẹp. Nhìn núi non tầng tầng lớp lớp. Núi vắt qua mây, núi bay trên mây… thật khác những nói khác, mây bay lửng lờ trên núi.

Hà Giang 2.11.2023

Thú vị, Hà Giang có Yên Biên, thì Kiên Giang có An Biên, An Giang có Tịnh Biên… Quả là niềm mơ ước lớn! Lạ nữa, ở Tiền Giang có Xẻo Mây [Cái Bè], thì ở Hà Giang có Seo Mẩy! Trời đất. Nơi Xẻo Mây, nơi Seo Mẩy. Thiệt là dễ thương hết sức!

Đi ngang Tuyên Quang, còn di tích thành Nhà Mạc, thế kỷ 15. Chỉ còn chút kỷ niệm.

Đã quá trưa, ghé vào một quán ven đường: cá suối, tôm sông, gà đồi, cua đay, rau luộc… tuyệt vời! Xôi thì xôi ngũ sắc, chè cũng chè ngũ sắc…

Đường sá ở Hà Giang nghe nói đã khá nhiều lắm rồi đó. Mà đi vẫn rợn người. Đèo cao, vực sâu, hun hút. Sương mù giăng mắc khắp nới. Núi “tai mèo” nhô lên trùng trùng điệp điệp, còn hở chút hẻm đất đá nào thì trồng bắp, trồng tam giác mạch [Kiều mạch]. Có những khu vườn Tam giác mạch rực rỡ mùa hoa. Tuyệt đẹp.

Hoa tam giác mạch [Kiều mạch]

Đèo Thẩm Mã có lẽ là đèo đẹp nhất, lãng mạn nhất. Nghe nói xưa, là nơi thử sức ngựa.

Đèo Thẩm Mã

Núi đôi ở Quản Bạ là một kỳ quan. Bắt đầu thu rồi, hình như núi đôi cũng bớt khoe sắc.

Mã Pì Lèng xuống sông Nho Quế sương mù dày đặc. Đành chịu, đứng nhìn từ quán Cafe Panorama.

Đến Đồng Văn đã tối. Mọi người dùng món đặc sản Lẩu gà đen. Mình chịu. Chỉ quen ăn cháo buổi tối. Rồi “tranh thủ” đi tham quan Phố Cổ Đồng Văn vào ban đêm. Có vẻ như… massage chân là đông khách nhất. Nhậu, nhảy nhót, ca hát… từng bừng. Những ngày Chủ nhật, Rằm… nghe nói nhiều chương trình đặc sắc lắm.

Phố cổ Đồng Văn

Sáng sớm, đi Mèo Vạc. Con đường đèo cam go, nay đã được mở rộng, nhưng vẫn rất… rùng rơn.

Pả Vi, H’mong là một khung cảnh đẹp.

Ngày thứ 3, từ Mèo Vạc về Đồng Văn rồi về lại Hà Nội, gần đến nửa đêm. Khá vất vả.

Hẹn thư sau nhe.

Thân mến.

Đỗ Hồng Ngọc

[11.11.2023]

Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn

Đỗ Hồng Ngọc

Thị giả của Thầy Tuệ Sỹ nhắn tin tôi: Thầy Tuệ Sỹ đang ở Sài Gòn. Mời Bác đến Hương Tích chơi. Tôi đến. Tuệ Sỹ gầy ốm, xanh xao lắm. Nhưng vui vẻ, hoạt bát, thông tuệ như bao giờ!

Thầy Tuệ Sỹ và Đỗ Hồng Ngọc [ảnh Quảng Ngộ, 9.2023]

Thầy viết tặng tôi tập Thơ song ngữ: Dreaming the Mountain do Nguyễn Bá Chung và Martha Collins dịch [2023], cùng với cuốn Phạm Công Thiện của Nohira Munehiro [Võ Thị Vân Anh dịch] và Phật Học Luận Tập, số mới nhất.

Phần tôi, gởi tặng Thầy bản thảo “Một ngày kia… đến bờ” vừa mới viết xong. Trong đó tôi viết: Phật cũng già, cũng bệnh và… cũng chết; viết về Phật là Như Lai nhưng… Như Lai không phải Phật; về Thiền và những hormones hạnh phúc; về “Chất lượng cuộc chết” v.v…

Thầy đưa tôi coi mấy phiếu xét nghiệm và cười, nói: “Chỉ còn một nửa”. Đúng. Chỉ còn một nửa. Hématocrite chỉ còn 17%, Hémoglobine còn 7g/dL…

Mấy ngày sau tôi nghe sức khoẻ thầy đang rất yếu. Đã phải vào bệnh viện và được truyền 3 đơn vị hồng cầu lắng.

Trong bản thảo “Một ngày kia… đến bờ”, tôi có nhắc Je pense donc je suis của Descartes: Tôi tư duy, vậy có tôi. Vậy không tư duy là không… có tôi! Ta cũng có thể nói như một thầy thuốc: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn ở trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Vậy phải chăng cái thời tôi… hết thở, tôi ngừng thở, thì tôi không còn nữa? Còn chứ! Tôi lúc đó lại trở về bào thai Mẹ, bào thai Như Lai [Tathagata-garbha] đó chứ!

Tuệ Sỹ viết trong Tổng quan về Nghiệp [2021], Thời kinh nói: “Thời gian đến, chúng sinh chín muồi; thời gian đi, chúng sinh bị hối thúc. Thời gian thức tỉnh chúng sinh…” Đây là tri giác về thời gian theo chu kỳ sống chết của sinh loại. Tri giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết. Thời gian được biết đến từ tri giác về sự sinh thành và hủy diệt của một đời người.

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng

Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.

Thì ra là lời của kinh Kim Cang đó:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc như điện.

Ưng tác như thị quán!

Thành ngữ kālaṃ karoti, “nó tạo tác thời gian”, nghĩa là nó chết. Đây không phải là tri giác mà là ám ảnh về thời gian như một thứ định mệnh không thể tránh, rồi ai cũng phải chết. Cho nên, về mặt ngữ nguyên, kāla, nghĩa là thời gian mà cũng có nghĩa là màu đen tối, màu của đêm tối, của sự chết. Kāla cũng được hiểu là do gốc động từ kal [kalayati] thúc giục, hối thúc, sự chết đang hối thúc ta [Tổng quan về Nghiệp,Tuệ Sỹ].

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế

Một kiếp người ray rứt bụi tro bay

[Ngồi giữa bãi tha ma]

Trong bài “Phương nào cõi tịnh”, Tuệ Sỹ viết từ cảm hứng khi đọc cuốn “Cõi Phật Đâu Xa” của tôi về Kinh Duy Ma Cật [2017], ông dẫn 4 câu thơ, trích từ Giấc Mơ Trường Sơn:

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,

Ngoài hư không có dấu chim bay?

Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,

Thắp tâm tư thay ánh mặt trời.

[Giấc Mơ Trường Sơn]

Phải, chỉ có Trí Tuệ [thắp tâm tư thay ánh mặt trời] mới có thể Từ Bi giúp ta vượt thoát màu đen đất khổ đó vậy!

Tuệ Sỹ cho rằng, “vì trình độ ngôn ngữ và năng lực tư duy của chúng ta vốn hữu hạn, cho nên bằng con đường nghệ thuật mà đi vào ngõ đạo có thể tương đối dễ hơn” [Phương nào cõi tịnh], ông chủ trương thơ, nhạc, vũ, kịch… có thể là “ngõ đạo”.

Ông thường nói về vở nhạc vũ kịch Duy Ma Cật, ở đó có hình tượng một Thiên nữ rải hoa trời tán thưởng một lời không nói [của Duy Ma…] và cõi của một lời không nói đó chính là cõi thơ.

Giữa thế giới Ta-bà và cõi Phật Chúng Hương, tòa sư tử và thành Tì-la-da, cái vô cùng lớn đến trong cái vô cùng nhỏ, và cái nhỏ đi vào trong cái lớn: đây cũng là cặp phản diện bối cảnh làm lộ rõ thể tính tồn tại của thế gian, vũ trụ. Bằng hình ảnh đó mà tập luyện cho tư duy vượt ngoài khuôn sáo ước lệ, vượt qua thế giới thường nghiệm để vươn lên cảnh giới siêu nghiệm, bất khả tư nghị.

Như thế, đọc Duy-ma-cật sở thuyết như đang xem một kịch bản, với những nhân vật và bối cảnh phản diện, với những biến cố mang đầy kịch tính, đó là cách tự huấn luyện và tự trang bị cho mình một công cụ định hướng tư duy để vươn lên chiều cao của giác ngộ.

Da mồi tóc trắng, chính là cảnh giới của Duy Ma. Cảnh giới đó là cõi đối biện thượng thừa; cõi im lặng vô ngôn bát ngát của cư sĩ Duy Ma Cật. Và cũng là cõi tịch mặc nhưng tráng lệ của thi ca.

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

[Khung trời cũ]

Tâm Thiền thì không có ngôn ngữ gì khác biệt với ngôn ngữ thường tình. Nhưng còn ngại rằng khi đã cạo tóc mà tình thơ vẫn còn. Thôi thì, thiền đạo và thi ca là đồng hay là khác, cũng chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi.

Có lẽ “Những phím dương cầm” là bài thơ rất tình của ông tay em run trên những phím lụa ngà, anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt, nhưng ông đã dặn “chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi” rồi đó!

Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca

Tay em run trên những phím lụa ngà

Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn

Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt

Mờ phố thị những chiều hôn mái tóc

Sóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa

[Những phím dương cầm]

Bởi theo ông, đạt tới cõi thượng thừa của Thơ, như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo; cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm, ba mươi năm đày đọa thân tâm, mà không thành. Phẫn chí, bỏ đi; bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông! Muốn cho lời thơ tuyệt diệu, thì phải là đừng gò ép, vừa Không và vừa Tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động. Không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời, mà thấy mình như nằm trên chóp đỉnh mây cao. Đủ hết các thứ mặn nồng, chua chát; trong đó có cái hương vị tuyệt vời. Thơ và Pháp [Đạo] không chống trái nhau, không hại nhau. [Tô Đông Pha, những khung trời viễn mộng, Tuệ Sỹ]

Đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi thường ngẫm ngợi tại sao thơ ông thường nhắc đến ngày hội lớn, cung trời hội cũ?

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

[Khung trời cũ].

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao

[Một thoáng chiêm bao]

Ngày hội lớn đó ở đâu? Cung trời hội cũ ở chỗ nào đó vậy? Sao nghe thấy quen quen!

A, có phải buổi hôm đó, dưới cội Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo, Ngài nói đó là “quả an vui”, ở Hội thứ nhất của Avatamsaka, một thế giới hoa tạng mở ra bát ngát, Như Lai đã hiện tướng thành một vị Phật mắc biếc, ngây thơ, tủm tỉm cười… như hồi còn là chú bé 7, 8 tuổi ngồi xem Lễ Hạ Điền mà nhập định không hay?

Còn cung trời hội cũ kia phải chăng là Hội thứ chín, nơi rừng Thệ Đa, khi người ta nhập pháp giới, đi vào cuộc Lữ, để thấy được pháp giới thể tính mà thõng tay vào chợ?

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Trên đỉnh Hy-mã-lạp- sơn kia là những vỏ sò và dưới đáy biển sâu thẳm nọ là những hạt muối lâu đài thành quách…

Cõi thơ, có đến và có đi, nhưng không hề có dấu vết. Một cánh chim Nhạn, một cánh chim Hồng ngoài ven trời vạn dặm.

Tôi vẫn nghĩ, chính cõi thơ “không hề có dấu vết” kia đã “cứu rỗi” Tuệ Sỹ, một cánh chim Nhạn, một cánh chim Hồng ngoài ven trời vạn dặm, để ông được trở về với mái nhà tranh quen thuộc của mình mà “nâng chén trà lão Triệu”. [Phương nào cõi tịnh, Tuệ Sỹ].

Đỗ Hồng Ngọc

[Saigon, tháng 9.2023]

Đỗ Hồng Ngọc: Thi Sĩ và Hơi Thở “Pranasati”

Ngân Hà

Có lần lên thăm Thầy Thích Phước An trên Đồi Trại Thủy ở Nha Trang, Thầy nói: “Thi ca là một con đường khác để mình có thể đi vào trong chiều sâu của Phật Pháp”. Một vị cao tăng nói như vậy thì hiểu theo trải nghiệm của mỗi người chứ không nhất thiết là phải tranh luận thêm, và tôi vẫn tập tành trên con đường này để được trở về bên trong mình. Cho đến khi lớn lên, bỗng một ngày gặp thêm một vị đã tìm vào Phật Pháp bằng cả hai con đường: Y Khoa và Thi ca: bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

  1. Cái “thật tướng” mới đẹp làm sao

Trong số 7 cuốn thi ca và hơn 60 đầu sách về 3 lĩnh vực Y, Văn và Phật của tác giả Đỗ Hồng Ngọc, tôi đọc được khoảng… một phần ba các tác phẩm này thôi, còn thì đọc thêm trên trang nhà dohongngoc của ông nữa cũng lai rai thì không tính. Nhưng hễ có đầu sách mới ra là tôi chờ đợi, tò mò, mong được khám phá “Như Lai Tạng” của ông, các “Pháp” của ông biện biệt trong thi ca hay từng trang ông viết về sức khỏe thân tâm. Đọc ông viết về Phật Pháp dưới góc nhìn của một bác sĩ thì thấy được cái “điên đảo mộng tưởng”. Đọc ông viết về Phật Pháp dưới góc nhìn của một thi sĩ thì “còn nhớ trên đầu một chữ Như”. Đọc ông viết về Phật Pháp mà dưới góc nhìn của con người với tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì “Hóa ra chỉ có một sự chân thành từ một tấm lòng mới đến được với tấm lòng”. Cuối cùng đi từ biện biệt để đạt đến một sự thinh lặng như không, chẳng còn lời giải thích nào nữa, là Thiền.

Ông cũng viết về Thiền và hành Thiền, và ông nắm nguyên tắc Thiền Anapanasati với câu chú tự trong ông miên mật “Thả lỏng toàn thân, thả lỏng chưa?”. Sau đó là bài vè mà ông sáng tác có tên “Pranasati” đúc kết các kỹ thuật Thiền:

Thả lỏng toàn thân/ Như treo móc áo/ Ngồi xếp bằng tròn/ Vai ngang lưng sổ/ Dõi theo hơi thở/ Như mượn từ xa/ Khi vào khi ra/ Khi sâu khi cạn/ Chú tâm quãng lặng/ Pranasati/ Hơi thở xẹp xì/ Thân tâm an tịnh/ Không còn ý tưởng/ Chẳng có thời gian/ Hạt bụi lang thang/ Dính vào hơi thở/ Duyên sinh vô ngã/ Ngũ uẩn giai không/ Từ đó thong dong/ Thõng tay vào chợ…

Định nghĩa về sức khỏe của ông cũng là một sự đúc kết từ chính cuộc đời mình mà ông đã tự bạch trong bài viết “Tôi bây giờ” năm 2023: “Khỏe là một trạng thái hoàn toàn sảng khoái [well-being] về thể chất, tâm thần và xã hội”. Nghe có vẻ rất… dễ hiểu đấy, nhưng mà sống chất lượng như thế thì phải luyện rèn chứ không thể chỉ nói suông và nghe suông. Trải nghiệm là lối đi của người trí đến với huệ, của tia chớp đạt ngộ khi nhận ra “cái thật tướng ấy mới đẹp sao” thì mới thấy “Tất cả mọi sự ở đời như giấc mộng, như huyễn, như bèo bọt, như ảo ảnh, như sương mai, như điện chớp…” nhận ra để không còn bám chấp hay ảo vọng thì mới thật có đời sống “Well-being”.

Người học Thiền ngày càng nhiều, đi hành Thiền ngày càng đông, nhưng để chuyển hóa thành thi ca với cái tên gọi riêng từ tiếng lòng mình đặt ra thì có lẽ tôi mới có biết được mỗi một mình ông.

  1. “Ở đó, ta có quãng lặng”

Nhà thơ William Blake đã có 4 câu thơ được truyền tụng đến ngày nay: “Thấy thế giới trong một hạt cát nhỏ/ Và thiên đường trong mỗi đóa hoa tươi/ Giữ Vô hạn trong bàn tay hé mở/ Và Thiên thu trong khoảnh khắc cuộc đời”, nhưng ít ai đọc được điều này từ Blake: “Trong vũ trụ, có những thứ đã được biết đến, và những thứ chưa được biết đến, và ở giữa, có những cánh cửa”.

Có lẽ thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng đã tìm ra con đường của mình để đi vào những cánh cửa ở giữa đó: “Và tôi, nhờ cái vốn y học, đã tìm trong Cơ thể học, Sinh lý học, Thần kinh học, Tâm lý học… từ đó mà thấy con đường rất khoa học Phật đã dạy cho Thiền Định: Anapanasati, Quán niệm hơi thở… Từ đó tôi nghiền ngẫm thực hành và đặt một từ cho riêng mình: “Pranasati”: đặt Niệm vào khoảng trống ở giữa hai hơi thở vào và hơi thở ra. Khi vào Định thì không còn “nhớ nghĩ” gì đến hơi thở nữa… Đó có thể coi là một bardo, trung gian giữa hai hơi thở vào và hơi thở ra. Ở đó, ta có quãng lặng, không thở, ngưng thở, một “quãng chết ngắn”. Đó là cách “tập chết” hiệu quả mỗi ngày mà có lẽ các hành giả Mật thừa trải nghiệm quá trình sự chết, học tập sự chết… Pranasati cũng được người xưa coi là “Nguồn sống” ấy là cõi không thở, cõi trước khi thở… Đây cũng chính là giai đoạn người ta sống trong bào thai mẹ, hay trở về bào thai Như Lai, Như Lai tạng”.

Cái “quãng lặng” ấy thật vi diệu và sâu thẳm tận cùng. Trong âm nhạc, quãng lặng để cảm xúc được giữ lại ngưng đọng rồi vọt trào. Trong hội họa, quãng lặng là những tiếng thở cuối cùng đọng lại khi ta rời khỏi tác phẩm. Trong thi ca, khoảng lặng chính là “đêm tối với khoảng trống trần gian” của Rilke. Trong quãng lặng của Đỗ Hồng Ngọc, ta chẳng thấy gì nữa khi đã thực sự bước qua bờ bên kia nhờ “Nguồn sống” Pranasati.

Trong kinh Luận Vãng Sanh mà tôi từng đọc trong những ngày đầu sau người thân lìa đời, bài kinh dài với nhiều từ ngữ liệt kê, tôi nhận ra mình đã vô cùng kinh ngạc khi đọc câu: “Cái không” không thể nào hủy diệt “cái không”. Chính lời này đã giúp cho tôi và người đã ra đi được an lành đến cõi sáng.

Đó phải chăng chính là khởi sự cho sự chết bắt đầu bằng sự sống quy hồi vĩnh cửu?

Chỉ trong khoảng vài trăm chữ ngắn ngủi, nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã mô tả rõ ràng về cái chết và sự tái sanh liền kề trong chứng nghiệm của riêng ông. Nếu một y sĩ mà không đi vào các Pháp bằng con đường của thi ca, thì ông sẽ chứng nghiệm thế nào? Đó là câu hỏi mà tôi dành lại cho sự chứng nghiệm của các bạn đọc, bởi vì tôi, sau khi đọc những dòng trên thì đã tự trả lời cho riêng mình rồi.

  1. Hạt bụi và cánh bướm

Mở đầu tác phẩm “Triết học về Tánh không”, thầy Tuệ Sỹ ghi vài dòng lời của triết gia Martin Heidegger mà tôi tạm dịch là: “Vào một ngày hè, con bướm đậu trên bông hoa và khép cánh, đung đưa theo gió đồng cỏ nội” [Aus der Erfahrung des Denkens – Kinh nghiệm Tư tưởng]

Tác phẩm này Ôn Tuệ Sỹ viết ở tuổi hai mươi lăm với câu kết “Nếu ta coi nó như là ngón tay chỉ mặt trăng, vậy thì mặt trăng đang lơ lửng nơi phương nào?…”

Tôi đọc một câu mang tư tưởng triết lý mà nghe ra trong đó có thi ca, âm nhạc và cả hội họa. Hình ảnh cánh bướm, sự tĩnh tại khi đong đưa đôi cánh theo hơi thở đồng nội thanh tân. Tôi càng cảm khái hơn khi đọc những dòng tác giả Đỗ Hồng Ngọc trong bài “Con đường trung đạo”, ông ghi lại hình ảnh Đức Phật lúc mới khoảng 10 tuổi, theo vua cha làm lễ Hạ Điền đầu năm, “ngồi dưới bóng cây giữa cánh đồng mát mẻ, không bị “dính mắc” gì với buổi lễ Hạ điền dưới kia, lúc đó Ngài chẳng biết gì về tham thiền, nhập định hay tứ thiền bát thiền gì cả vì hãy còn rất nhỏ, chỉ biết hồn nhiên, trong sáng, vậy là đã ly dục, ly tầm ly tứ, vào sự sảng khoái lâng lâng gọi là hỷ lạc và đã thực sự thanh tịnh… Nếu sống hồn nhiên như một em bé thảnh thơi, thanh tịnh thì đã vào Tam muội Phổ Hiền rồi vậy!”.

Cho nên, đối nghịch với cái ngây thơ trong sáng tĩnh lặng thảnh thơi ấy, con người tự đọa mình vào những “hì hục từng bước từng cấp, tu đến “xì khói” với bao mong cầu ước nguyện…, “Ngã” cứ ngày càng to đùng ra, nào chùa to Phật lớn, nào lên chức lên lon, huênh hoang màu mè diêm dúa, rồi hù dọa chúng sanh để vinh thân phì gia… thì không còn hành trì Chánh pháp nữa”, bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc viết.

Bài viết cuối cùng trong tập bản thảo Một Ngày Kia Đến Bờ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đặt tựa “Tôi bây giờ”, còn tôi thì mạo muội thêm vào vế sau “chính là Như Lai – Nó đến vậy đó” như nguyên nghĩa của “như lai”. Và tôi thấy ông đang có đời sống trẻ thơ “Từ tuổi 60 đến giờ bệnh lai rai. Tôi kệ nó. Tôi không thích mấy thứ xét nghiệm nọ kia. Và rất hạn chế dùng thuốc. Nhất là không ưa mấy thứ quảng cáo bổ dưỡng này nọ, theo tôi, không bằng ăn cơm với cá kho, với khô nướng, rau luộc, khoai lang, bắp và chè các thứ…”. Mà lại càng đúng bởi đã sống sau một lục thập hoa giáp, thì từ sáu mươi trở đi là trở về lại làm đứa trẻ hát ca lang bạt kỳ hồ cho đến một ngày kia đến bờ… gaté gaté paragaté parasamgaté bodhi svaha” thôi chứ còn tham sân si với hỉ nộ ái ố làm chi. Đã biết sống hạnh phúc “well-being” thì sẽ rời đi trong niềm vui “well-dying”.

Như cánh bướm mùa hè yên lặng đong đưa trong gió đồng nội thổi tới của Heidegger, như W. Blake “thấy thế giới trong một hạt cát nhỏ và Thiên đường trong mỗi đóa hoa tươi”, thì thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã trở mình với “Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc/ Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ…” [trích Thơ Đỗ Nghê].

Cánh bướm, hạt bụi, hoàng hôn, sóng vỗ… trong cõi vô cùng vô tận của vũ trụ càn khôn này, có phải chăng cũng chính là ưu tư về Tánh Không Luận của Tuệ Sỹ đã tự đặt câu hỏi và trả lời ở tuổi hai mươi lăm: “Trong tư tưởng, mọi sự trở thành cô liêu và lững thững”.

Còn tôi thì xin tặng bài “vè” này cho tác giả Đỗ Hồng Ngọc:

Thì giờ đây mọi sự đã rõ rồi Tôi là tôi, Tôi Bây Giờ là tôi Tôi là Nó cùng đến như vậy đó [Tịnh Thủy]

Ngân Hà

[phatviet.info 3.10.2023]

.

Thư gởi bạn xa xôi [9.2023 tiếp]

Bạn thân mến,

Thứ bảy rồi, 23.9.23 mình có buổi “Trò chuyện” cùng các bạn trong Lớp Phật học & Đời sống ở chùa Xá Lợi, Tp. HCM. Lớp được Thầy Đồng Bổn trụ trì chùa Phật học Xá Lợi cho phép thực hiện từ 2017, đến nay cũng đã được 6 năm rồi chớ ít gì! Trước kia, tuần nào mình cũng có một buổi trao đổi rất “sôi nổi” vói các bạn, với sự trợ giúp của Cư sĩ Minh Ngọc và Cư sĩ Trí Tâm [Tô Văn Thiện]. Các buổi thảo luận Phật pháp “ứng dụng” vào Đời sống này còn được Nguyễn Văn Quyền quay video clip đưa lên youtube với hơn 50 buổi để chia sẻ cùng bạn bè ở xa hoặc chưa có cơ hội đến lớp. Lúc đầu mình đặt tên lớp là “Lớp Lỏng Lẻo”, nghĩa là ai muốn học thì đến, cùng học, cùng chia sẻ với nhau, không ghi danh, không học phí… vậy mà cũng khá đông các bạn tham gia tích cực. Vài năm nay mình đã “già yếu”, không còn đến Lớp thường được như xưa, anh em bạn bè nhắc…

Buổi sinh hoạt Phật học & Đời sống ngày Thứ bảy 23.9.2023 tại chùa Phật học Xá Lợi.

Mình đọc một bài Thơ của Thầy Thích Từ Thông, Như Huyễn Thiền sư để các bạn cùng thảo luận. Thầy Từ Thông, sinh 1927 tại Trà Vinh, nay đã 96 tuổi, ở Lâm Đồng. Xưa, có lần được gặp Thầy ở Tân Uyên, Bình Dương lúc thầy hãy còn trẻ, ngoài 70. Lần đó thầy bảo sách của thầy đầy tủ, muốn lấy cuốn nào thì lấy. Lúc đó mình ôm cũng chừng 5,7 cuốn “Trực Chỉ” của Thầy, giảng kinh rất sâu sắc mà phóng khoáng. Thầy đã từng là Hiệu trưởng Trường Phật học Trung Cấp nhiều năm.

Thầy có bài thơ gần đây rất thú vị, nói về chuyện “tụng”:

Ta và Nó [Lời than của Phật]

Ta nói Kinh cho chúng nó nghe

Ai dè chúng Tụng bắt Ta nghe

Tuổi già tám chục nghe gì nữa?

Chín tiếng ngồi trân sụm bánh chè!

[Như Huyễn thiền sư].

Phật “nói” ra thì đã thành Kinh sách. Nói để dạy Đạo, dạy cách sống, giải thoát khổ đau cho kiếp người. Khi Phật nhập Niết bàn, được các đệ tử ghi chép lại thành Kinh. Bây giờ thiên hạ “tụng” không ngớt và mỗi lần Tụng kinh thì “thỉnh Phật” chứng giám. Đã mấy ngàn năm qua, người ta vẫn tụng, vẫn thỉnh Phật để Phật cùng “nghe”. Tuổi 80, Phật nhập Niết bàn, vẫn phải tiếp tục ngồi nghe… đến bây giờ!

Thầy Như Huyễn Thiến Sư gốc Trà Vinh, lời thơ có những từ rất Nam bộ như “bắt Ta nghe”, “sụm bánh chè” rất thú vị. Ngồi “trân” là ngồi ngây đơ,cứng ngắt, đứng dậy sụm đầu gối…

Vấn đề thảo luận là nên đọc Kinh cách nào cho hữu ích? Nhớ rằng, nhờ đọc kinh ê a mà tâm lắng đọng, nhờ đọc kinh to tiếng mà Huệ Năng nghe trộm câu Kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà giác ngộ. Nhưng nếu đọc Kinh mà thành mê tín, dị đoan, vì không hiểu ẩn nghĩa, từ ngữ trong Kinh thì chỉ thêm mệt mỏi, đau ốm rồi “đổ thừa” Phật. Trước khi nhập Niết bàn Phật nói, ta chưa hề nói điều gì, ta chưa dạy ai điều gì, bởi vì Phật biết sau này có Internet, có AI… dễ bị xuyên tạc, làm sai, rồi đổ thừa lắm!

Trong tập Như Huyễn Thiền Sư Thi Tập, trang 320, có khác vài chữ. Trực Chỉ là lời giải của Thầy.

NHƯ HUYỄN THIỀN SƯ THI TẬP [TRỌN BỘ] – HT.TỪ THÔNG

TA VÀ NÓ. [Lời than của Phật]

Ta nói kinh nhằm dạy nó nghe, Nào ngờ nó lại bắt ta nghe. Tuổi già tám chục nghe gì nữa? Chín tiếng ngồi trân sụm bánh chè!

TRỰC CHỈ.

Kinh :Gọi đủ là KHẾ KINH. Kinh là dùng văn tự ghi chép lời Phật dạy, do hàng đệ tử Phật kiết tập sau này. Sinh tiền Phật chỉ nói chớ chẳng thèm ghi. Bởi vì, những gì Phật nói không phải của Phật. Đó là tài sản chung của loài người, là tánh vốn có của vũ trụ thiên nhiên.

Tụng kinh, đọc kinh, nghe kinh, học kinh cốt để biết, để nhớ, để ứng dụng qua đời sống thực tiễn của con người. Ứng dụng lời Phật, ý kinh con người sẽ cởi mở, buông bỏ, gột rửa những nguyên nhân và quả khổ ràng buộc, bức bách , khổ đau trong cuộc sống. Chủ đích của sự tụng nghe, học kinh là ở đó.

Tụng kinh không cần thỉnh Phật nghe, Phật thuộc rồi mới nói ra, đệ tử ghi lại đó chứ. Tám mươi tuổi rồi. Từ khi viên tịch đến thế kỷ XXI này, hơn hai ngàn năm rồi. Vậy mà mời Phật dự những buổi tụng kinh 8, 9 tiếng đồng hồ, hãy tưởng tượng Như Lai chịu sao cho nổi? Mà Như Lai nghe để làm gì? Như Lai nghe để khen và ban phước ư? Như Lai không làm được điều đó!

Tu học Phật cốt yếu là “sửa” mình, sửa thân, khẩu , ý. Mong chờ ở đạo Phật cái gì khác sẽ thất vọng cho đến lúc vĩnh biệt trần gian.

NHTS.

…………………………………………….

Rồi nhớ tháng trước, mình có dịp đi cùng các bạn trẻ thăm Sư Viên Minh. Hôm đó Thầy tặng mình cuốn Thi kệ của Thầy, và thầy đọc cho mọi người nghe mấy câu thi kệ ở trang 330.

Bỏ Tông, về lại chính mình

Bỏ Dòng, bỏ Phái, bỏ Kinh ngôn từ

Ngay đây thấy pháp vốn như

Tuyệt không sở đắc: Vô Dư Niết-bàn!

Sư Viên Minh

Bạn nghĩ thế nào?

Thăm Sư Viên Minh ở Chùa Bửu Long, Q9,

Một bài kệ của Thầy Viên Minh trong cuốn Thi kệ Chân Như Thực Tại, trang 330

Vậy nhé,

Chúc An Vui,

Đỗ Hồng Ngọc.

Thư gởi bạn xa xôi [9.23]

Thân gởi bạn,

Đã lâu. Thật có lỗi. Người hiền lành như anh Hai Trầu mà cũng phải cằn nhằn. “Tui mong Thư gởi bạn xa xôi của anh để biết anh… còn khoẻ không và đang làm gi, mà mãi chẳng thấy…”. Khoẻ không thì mình cũng hổng biết anh Hai à. Chỉ thấy bây giờ thường uể oải khi thay đổi thời tiết. Làm biếng. Mưa bão triền miên. Saigon ngập lụt. Đà Lạt cũng ngập lụt, lún sụp, sạt lở…

Lúc này có dịp thì chạy về Phan Thiết, Lagi quê mình chơi, thường đi cùng mấy người bạn, tìm chỗ yên tĩnh, cụng cà phê, cụng dừa…

Dịp này mình cũng “ra mắt” tập Bản thảo Tuỳ bút: “Một Ngày Kia… Đến Bờ” vừa in ít mẫu pretesting.

[//thuvienhoasen.org/a40038/mot-ngay-kia-den-bo]

Gởi bạn vài hình coi vui nha.

Cafe Cánh Đồng Lagi 9.2023

Cocobeach Ngô Tiến Nhân và ĐHN

Đập Đá Dựng [từ trái] Thanh Nguyên, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Phi Hùng, Diệu Viên [Mai Thuý], Ngô Tiến Nhân [Nhóm Học Phật chùa Xá Lợi Sàigòn]

Cafe sáng với nhà văn Nguyễn Lệ Uyên bên hồ nước

Vườn cau, ao cá. Tối ếch kêu, sớm gà gáy, đầy tiếng chim…

Đỗ Hồng Ngọc, “nhà quê thứ thiệt” và một chốn thân quen.

Vậy nhe,

Thân mến

ĐHN

MƯA BAY THEO THỜI GIAN

Hoa phượng sân trường

*tặng Duyên.

Những con đường nắng gọi. Leng keng tiếng chuông người đưa thư reo ngát cổng hoa sứ. Những lá thư hẹn hò năm tháng. Ta yêu nhau tuổi hai mươi. Trời sài gòn rất thơ. Nắng Sài Gòn rất lụa. Nên em hoài áo trắng. Nên anh yêu mầu áo ấy vô cùng.* Ơi thi sĩ nhịp tim dịu mềm cỏ mật.

Những con đường mưa xanh. Trời sài gòn rất nhạc. Nhạc sài gòn rất mộng rất điên mơ… thà như giọt mưa rơi trên mặt duyên em tóc ngắn học bài ngoan bên cửa sổ người từ trăm năm về ngang trường Luật chút đong đưa tiễn người mai xa phố, mộng mị hành trang nhớ hạt mưa thơm Sài Gòn hút bóng đường xa thương người thơ cô độc.**

Thảng thốt cánh phượng mùa Hè. Trời tung gió chướng. Giấc mơ sai bè thanh xuân cụt giọng đồng ca những nốt ngày rụng rơi bóng tối. Trời Sài Gòn phượng tan mùa nắng lửa. Đường Sài Gòn cuồn cuộn biển đưa chân. Ta chạy mòn hơi. Mưa khô trên tượng đa*** những duyên Sài Gòn những hạt mưa trong…

Run rẩy thời gian nghe thanh xuân chớm chở nhánh thu đông. Lá thư xưa giấy mềm như bụi những hẹn hò chờ mãi lãng quên. Mầu áo lụa phai rồi sắc nắng lời thơ người khô tượng đá xanh. Hạt mưa còn thơm trên mặt duyên để nghe Sài Gòn âm vang điệu thanh bình cũ ơi đâu rồi nước mắt mỏng tơ sương?

Con bọ cam trên chiếc lá đầy gai sáng nay gọi mặt trời thức dậy. Khóa Sol búng mình nhấp nháy. Một vòng mùa đệm mới những bổng trầm reo khúc hát thanh tân, những nốt nhạc long lanh hạt mưa trong ngày ấy. Ơi duyên những hạt mưa qua mùa. Sống sót. Ngân thời gian lệ vĩnh cửu hồn nhiên.

Em thấy anh trên con đường bình minh. Nắng tháng 3 anh đem tới. Mùa Xuân mở vàng daffodil. Và em. Vừa qua giấc ngủ đông. Mọc lên trái tim thanh khiết.

Trở lại. Cùng tháng năm. Mùa Xuân khoan thai khúc dạo đầu. Ta cũng vừa kịp tới. Rất đúng nhịp. Mưa mùa xuân rất trong. Trời Calif. rất xanh.

22.3.2017

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

[Nguồn: sangtao@org]

* Nguyễn Thị Khánh Minh

** Thơ Nguyên Sa.

*** Thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy

[nguồn: Nguyễn Xuân Thiệp phovan]

Bây Giờ Ngày Nửa Ngày Thôi

Bây giờ… ngày nửa ngày thôi: sáng e ấp nắng, trưa trời âm u. Sẵn sàng để đón mùa Thu, lá xanh đang úa rồi từ từ rơi…

Bây giờ, ngày nửa ngày thôi. Dẫu còn một nửa hơn ngồi phủi tay? Triệu người đi đó đi đây, sống tha hương để thấy ngày tha hương!

Dĩ nhiên ai cũng nói buồn, may ra đám trẻ đến trường thì vui? Chiếc xe bus vàng thả hơi khói xanh mấy cọng chút bùi ngùi bay…

Hôm nay tôi nói về ngày: chút gang tấc đủ ngất ngây it nhiều! Mai không có sáng, còn chiều, mùa Thu, Đông vẫn cố phiêu phiêu bồng!

Em à, thương chẳng nên đong… bởi bao nhiêu nhớ ở cùng tóc xanh! Bờ sông gió có rập rình đủ khuây khỏa nhé lòng mình xót xa!

Chủ Đề