Nguyên nhân tai nạn đường thủy

(Haiphong.gov.vn) – Liên quan đến vụ việc tai nạn giao thông đường thủy trên Vịnh Lan Hạ vào sáng 19/6/2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ vừa có chỉ đạo, yêu cầu Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo lực lượng y tế kịp thời hỗ trợ các nạn nhân vụ va chạm bảo đảm điều kiện chữa trị tốt nhất.

Sở Giao thông vận tải chủ trì cùng Công an thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố và UBND huyện Cát Hải khẩn trương xác định nguyên nhân vụ tai nạn và thực hiện khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vụ việc tương tự, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách tham quan du lịch.

Trước đó, vào hồi 9 giờ 15 phút, ngày 19/6/2022 trên tuyến tham quan các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, tàu Hồng Vân 89 – HP4610 trọng tải đăng ký 48 khách của Công ty TNHH Giấc mơ Cát Bà, do ông Bùi Văn L là thuyền trưởng điều khiển xảy ra va chạm với Tender Mạnh Đạt 01 – HP4872, trọng tải đăng ký 12 khách, do ông Nguyễn Văn L trú tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải làm chủ phương tiện điều khiển. Khu vực xảy ra tai nạn, lối vào Năm Cửa, vịnh Lan Hạ, thuộc địa giới hành chính xã Việt Hải.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, UBND huyện Cát Hải đã khẩn trương chỉ đạo Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và Đồn Biên phòng Cát Bà huy động lực lượng, phương tiện kịp thời ra ứng cứu, cứu được 11 người, trong đó có 3 nạn nhân (gồm, 01 phụ nữ và 02 trẻ em bị ngạt nước) được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cát Hải cấp cứu kịp thời, đảm bảo tính mạng.

Riêng trường hợp của bà Bùi Thị B, sinh năm 1966, trú tại phường Tân Thịnh, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị thiệt mạng, tìm thấy thi thể trong khoang tàu vào lúc 12 giờ 30 cùng ngày. Hiện, thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình. UBND huyện Cát Hải đã chỉ đạo xe cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện đưa thi thể nạn nhân về địa phương.

Trâm Bầu

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020), toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người.

So với 6 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 1.595 vụ (giảm 19,02%), số người chết giảm 568 người (giảm 14,91%), số người bị thương giảm 1.419 người (giảm 22,32%).

Báo cáo cụ thể về tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đường bộ xảy ra 3.775 vụ, làm chết 3.165 người, bị thương 1.918 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 523 vụ (-12,17%), giảm 573 người chết (-15,33%), giảm 371 người bị thương(-16,21%).         

Đường sắt xảy ra 44 vụ, làm chết 37 người, bị thương 9 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 31 vụ (giảm 41,33%), giảm 16 người chết (-30,19%), giảm 21 người bị thương (giảm 70%).

Trong khi đó, đường thuỷ xảy ra 38 vụ, làm chết 33 người, làm bị thương 4 người. So với cùng kỳ trước tăng 13 vụ (tăng 52%), tăng 17 người chết (tăng 106,25%), tăng 1 người bị thương (33,33%).

Cùng với đó, hàng hải xảy ra 7 vụ, làm chết 7 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ (tăng 16,67%), tăng 4 người chết và mất tích (tăng 133,33%.

Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, nguyên nhân trực tiếp trong các vụ TNGT đường thuỷ chủ yếu là do vi phạm quy tắc tránh vượt, chở quá tải trọng, quá số người cho phép, thiếu trang thiết bị an toàn.

Nguyên nhân gốc của tình hình này chính là có sự buông lỏng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về ATGT đường thuỷ ở một số địa phương. Đồng thời, quy định hiện hành về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy  định ATGT đường thuỷ còn chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về trang thiết bị an toàn đối với phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ khi tham gia giao thông đường thuỷ.

Bên cạnh đó, chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ. Tình trạng phương tiện dân sinh tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông, được người dân sử dụng để đi lại, sản xuất phục vụ đời sống còn khá phổ biến. Người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức về an toàn.

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ TNGT đường thuỷ, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, Ủy ban ATGT Quốc gia đã công văn đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp.

Cụ thể, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường thuỷ nội địa đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thuỷ nội địa. Tập trung xử lý nghiêm các vi phạm đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện, không hướng dẫn, sắp xếp hành khách ngồi trên phương tiện và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi…

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa như Đoạn, tuyến sông văn hóa – an toàn, cụm cảng, bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn.../.