Mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ta đánh vào đầu

[HBĐT] - Him Lam - căn cứ trọng yếu kiên cố của tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE - "đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” bị tiêu diệt chỉ trong vòng 1 ngày đã khiến Bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ hoang mang cực độ.

Giai đoạn Đông xuân 1953-1954, lực lượng chủ lực của ta đã tiến hành hàng loạt cuộc tiến công chiến lược nhằm vào các mặt trận ở Lai Châu, Trung - Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi đó được xem là "pháo đài không thể công phá” và địch còn chủ quan cho rằng "Việt Minh biết điều thì không nên mở cuộc công kích” nếu quân chủ lực của ta liều lĩnh mở cuộc tấn công thì đây sẽ là "trận tiêu diệt lớn khối chủ lực của Việt Minh”.

Về phía ta, nhận thấy sự chủ quan của địch cộng với thời cơ đã đến nên Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với phương châm "đánh chắc, tiến chắc”, "đánh nhỏ ăn chắc”, "tích cực, chủ động, cơ động linh hoạt”, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3 - 7/5/1954, được chia thành 3 đợt. Cuộc tấn công cụm cứ điểm Him Lam là trận đánh mở màn cho chiến dịch.

Thực hiện kế hoạch tác chiến đã được xác định, ngày 13/3/1954 ta nổ súng tấn công Him Lam - một trung tâm đề kháng mạnh gồm 3 cứ điểm nằm trên 3 quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do Tiểu đoàn 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 [3/13 DBLE] phòng giữ.

Theo đúng kế hoạch, đêm 12 rạng sáng 13/3, bộ binh ta tiến vào đào trận địa tiến công. Phát hiện ta đào trận địa, trưa ngày 13, Đờ-cát điều 1 đại đội lê dương cùng 2 xe tăng từ Mường Thanh tiến ra đánh vào khu vực bàn đạp xuất kích của ta. Để thử súng và bảo vệ trận địa, Bộ chỉ huy chiến dịch cho sử dụng Đại đội 806 lựu pháo 105 bắn vào Him Lam 20 phát. Thiếu tá Pê-gô, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/13 DBLE và 3 sĩ quan khác chết trong hầm chỉ huy vì trúng đạn pháo. Đại đội bộ binh cùng 2 xe tăng địch hoảng sợ quay đầu tháo chạy về Mường Thanh. Đến 17h5’ cùng ngày, pháo binh ta tập trung tiểu đoàn hỏa lực giáng đòn tấp cập mãnh liệt vào tập đoàn cứ điểm.

Trận pháo kích mở màn chiến dịch đã làm cho các trận địa pháo của địch đặt ở trung tâm bị tê liệt hoàn toàn, 1 kho xăng bốc cháy, 5 máy bay nổ tung, toàn bộ đội bay của địch ở Mường Thanh bị loại khỏi vòng chiến đấu, cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo.

Trong khi pháo bắn, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 141 và 209 khẩn trương qua sông Nậm Rốm tiến vào chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Các chiến sỹ sơn pháo 75 đi cùng bộ binh cũng nhanh chóng khiêng vác từng bộ phận của pháo vào, tiến hành lắp ráp ngay trước cứ điểm địch để ngắm bắn trực tiếp tiêu diệt vào các lô cốt, ụ súng đã được đánh số chi viện cho bộ binh mở cửa và xung phong vào cứ điểm địch.

Từ 18h30’, bộ binh ta bắt đầu mở cửa, Trung đoàn 209 do đồng chí Hoàng Cầm làm Trung đoàn trưởng sử dụng Tiểu đoàn 130 đột phá từ hướng Bắc tiêu diệt cứ điểm 3. Được hỏa lực pháo binh và các đơn vị trợ chiến yểm hộ, các tiểu đội bộc phá nối tiếp nhau tiến lên dùng thuốc nổ dọn sạch một con đường xuyên qua hàng trăm m rào dây kẽm gai. Cửa mở vừa mới khai thông, Tiểu đội trưởng Trần Can mang cờ "quyết chiến quyết thắng” cùng tiểu đội lao thẳng lên đỉnh đồi cắm cờ lên giữa cứ điểm địch. Đó là lá cờ đầu tiên của quân ta được cắm trên các trận địa phòng ngự của địch trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau 1 giờ chiến đấu, đại đội lê dương số 11 bị tiêu diệt gọn, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 hoàn toàn làm chủ cứ điểm 3.

Trên hướng chủ yếu của trận đánh tấn công, Trung đoàn 141 do đồng chí Quang Tuyến làm Trung đoàn trưởng sử dụng Tiểu đoàn 11 đánh chiếm và Tiểu đoàn 428 đột phá từ hướng đông - nam tiêu diệt cứ điểm 2. Tại đây, khi cửa mở được khai thông, các chiến sỹ xung kích Tiểu đoàn 428 lao vào thì gặp phải 1 hỏa điểm địch bắn dữ dội, để tiếp tục cho đồng đội mở đường, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót đã dùng tiểu liên, lựu đạn để diệt hỏa điểm địch. Khi hết đạn mà vẫn chưa diệt được mục tiêu, anh đã lấy thân mình để chèn lỗ châu mai khiến cho bọn địch ở trong không bắn ra được. Hành động của Phan Đình Giót đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ Tiểu đoàn 428 xông lên tiêu diệt địch. Đến 22h30’ tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tại cứ điểm 3, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt hơn. Đây là điểm phòng ngự chính của trung tâm đề kháng Him Lam và là mục tiêu cuối cùng tại khu vực chưa bị đánh chiếm nên địch dồn hết lực lượng đánh trả quyết liệt. Pháo binh của địch ở Mường Thanh sau khi bị hỏa lực của ta tấn công bất ngờ đã rơi vào tình thế khó khăn, tuy nhiên, địch cũng đã cố gắng chấn chỉnh lực lượng đánh chặn đường tiến quân của Tiểu đoàn 11 qua sông Nậm Rốm. Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 11 đã chiến đấu dũng cảm và bị thương vong một số.

Để giải quyết gọn mục tiêu Him Lam trong đêm 13, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu. Trung đoàn trưởng 141 cũng ra lệnh cho Tiểu đoàn 428 mở một mũi đột phá từ cứ điểm 2 sang cứ điểm 1, phối hợp với đơn vị bạn. Trong khi Tiểu đoàn 428 và tiểu đoàn dự bị còn đang vượt qua hệ thống hầm hào chằng chịt của địch để sang cứ điểm 3 thì cùng thời gian đó, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 11 đã đột phá thành công vào chiếm nốt mục tiêu cuối cùng này.

Trận đánh mở màn chiến dịch kết thúc vào hồi 23h30’. Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt, Tiểu đoàn 3/13 DBLE bị xóa sổ. Việc 1 căn cứ trọng yếu rất kiên cố của tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE - "đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” bị tiêu diệt quá nhanh làm cho Bộ chỉ huy quân đội Pháp và toàn bộ binh lính ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hết sức lo sợ. Thắng lợi này là cơ sở cho quân chủ lực của ta củng cố thêm niềm tin chiến thắng trong đợt 2 và đợt 3.

Đinh Hòa [TH]

Vào ngày này 60 năm trước, ngày 13/3/1954, trận đánh mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu…
 Những chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam ào ạt tấn công đồi Him Lam. Đây là 1 trong 3 trung tâm đề kháng tại cửa ngõ Tập đoàn cứ điểm. Him Lam được quân Pháp xây dựng trên điểm cao gần 500m, gồm 3 cứ điểm trên 3 quả đồi nằm giáp cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5km. Với vị trí "'đầu sóng ngọn gió'' nên Him Lam được Pháp xây dựng thành vị trí kiên cố bậc nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 60 năm đã đi qua, khói lửa không còn trên đồi Him Lam, nhưng mãi mãi vẫn còn đó chiến công lẫy lừng của những người Chiến sĩ Việt Nam kiên cường, giàu lòng yêu nước, mở đầu cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân có tác dụng rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của Pháp và cả Mỹ ở vùng Đông Nam Á. Lực lượng của địch ở Điện Biên phủ lúc đầu có 6 tiểu đoàn, sau tăng lên dần để đối phó với cuộc tấn công của ta, 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, bố trí thành Tập đoàn cứ điểm Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm và nếu khả năng âm mưu của địch cũng biến thành cơ hội để quân ta tiêu diệt sinh lực tinh nhuệ của địch. Đầu tháng 1/1954, ta tập trung 5 đại đoàn [sư đoàn] chủ lực [308, 312, 316, 304 và đại đoàn pháo binh 351] tại chiến trường Điện Biên Phủ bao vây Tập đoàn cứ điểm, không cho chúng rút vì nếu chúng rút, ta chỉ giải phóng đất đai thôi thì cuộc bao vây thất bại. Địch rút an toàn, chúng lại chiếm đóng nơi khác. Chiều ngày 25/1/1954, quân ta nổ súng mở màn cuộc tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà mọi cán bộ, chiến sĩ rất mong đợi nhưng trước đó vài giờ, cuộc tiến công lại hoãn. Ta chuyển từ "tiến nhanh, giải quyết nhanh” sang "tiến chắc, giải quyết chắc”. Và nguyên nhân sâu xa thì sau này mới biết rộng rãi. Trong ngày 25/1/1954 trước khi mở cuộc tấn công dự tính vào buổi chiều, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định "đánh chắc, tiến chắc” và không thực hiện phương châm "đánh chớp nhoáng theo giải pháp chớp nhoáng”.  Các tư lệnh, chính ủy đại đoàn chấp hành lệnh của Đại tướng và chỉ băn khoăn đã kéo pháo vào trận địa, kéo trọng pháo 105 ly nặng hơn 2 tấn rất gian nan, kéo bằng tay. Đại tướng lệnh ngay tức khắc kéo pháo ra và hoãn cuộc tấn công. Cố vấn Trung Quốc vẫn giữ quan điểm "Đánh nhanh, tiến nhanh”, "Đánh chớp nhoáng theo giải pháp chớp nhoáng” nhưng không còn đi ngược lại với quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ ta thay đổi chiến thuật và chuẩn bị đánh chắc ăn từng trận bằng cách tiến vững vàng.  Từ ngày 25/1/1954, bộ binh, pháo binh đều tranh thủ xây dựng trận địa, pháo 105 ly không còn lộ thiên, khi bắn dễ bị máy bay địch phát hiện và pháo địch sẽ hủy diệt pháo ta ngay. Xây dựng hầm pháo 105 ly tại sườn núi đối diện với tập đoàn cứ điểm, trên nóc chịu đựng mọi sức phá hủy của các cỡ đạn pháo của địch. Các cán bộ trọng pháo 105 ly đã nhiều lần đo đạc tính toán, kiểm tra kỹ lưỡng các phần tử bắn [các số liệu về tầm, hướng mà các pháo thủ lấy lên pháo để bắn, chuẩn bị bắn thật trúng đích]. Bộ binh đào hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào, tiến đến đâu giao thông hào đào đến đó. Hơn một tháng rưỡi sau, khi bộ đội ta đã hoàn thành công cuộc chuẩn bị chiến đấu theo phương châm "Đánh chắc, tiến chắc” chiều 13-3-1954, ta mới chính thức mở màn cuộc tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.  Mục tiêu cuộc tiến công của ta là trung tâm đề kháng Him Lam và toàn bộ phân khu bắc. Him Lam nằm bên đường 41, cạnh bản nhỏ Him Lam, bộ đội đã lấy tên bản này đặt cho vị trí địch. Him Lam giữ vị trí chủ yếu ngăn chặn chủ lực ta từ Tuần Giáo theo đường 41 tiến vào đồng thời là một đài quan sát phát hiện ta từ xa cho pháo binh ở Mường Thanh kết hợp với máy bay đánh phá. Binh lực chiếm đóng ở Him Lam là tiểu đoàn dù lê dương thứ nhất thuộc bán lữ đoàn lê dương thứ 13, một đơn vị mà theo lịch sử xâm lược của quân đội viễn chinh Pháp, đã được xây dựng gần 100 năm, gồm 4 đại đội lê dương tinh nhuệ nhất, rất thạo về phòng ngự. 

Bộ đội ta xung phong trên đồi Him Lam

Đại đoàn 312, được vinh dự đánh trận mở màn, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn lo lắng sương mù phủ kín các mục tiêu của pháo binh trước giờ nổ súng. Đồng chí thấy cần hỏi ý kiến Bộ Tư lệnh đại đoàn pháo binh. Chuông điện thoại đổ hồi. Anh chiến sĩ thông tin trẻ tuổi giữ máy vội đưa ống nghe lên tai rồi mới nói với Đại đoàn trưởng: - Báo cáo đồng chí nói chuyện với anh Ngọc [Tướng Giáp]. Đại đoàn trưởng đến cầm ống nghe. Anh đã biết rõ trước một trận đánh quan trọng, Tổng Tư lệnh thường hay trực tiếp kiểm tra quyết tâm của người chỉ huy: - Đồng chí Tấn đấy phải không? Bộ đội đã sẵn sàng chưa?. - Báo cáo các đơn vị xung kích và hỏa lực của trung đoàn sẵn sàng, chỉ chờ pháo ta bắn là tiến ra trận địa xuất phát xung phong. - Sương mù đã xuống nhiều, pháo binh đề nghị cho nổ súng sớm để nhìn rõ mục tiêu, bộ binh có đánh sớm được không? - Báo cáo đồng chí, chúng tôi cũng đang định đề nghị với trên cho nổ súng ngay từ bây giờ. - Được, đồng chí ra lệnh ngay cho đơn vị chuẩn bị. Chúc các đồng chí chiến thắng một trận thật giòn giã để mở màn cho chiến dịch. Lúc 17 giờ ngày 13/3/1954, khói đen trùm lên cụm cứ điểm Him Lam. Những đơn vị hỏa lực nhanh nhẹn rời chỗ ẩn náu bên sườn đồi, tiến xuống trận địa xuất phát xung phong. 3 tiểu đoàn bộ binh tiến thành 3 mũi, 3 mũi do Trung đoàn trưởng Quang Tuyến chỉ huy, 1 mũi do Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm chỉ huy cùng tiến về phía cứ điểm địch.  Trên dòng sông Nậm Rốm phía Tây Nam cứ điểm nhanh chóng xuất hiện một chiếc cầu. Cũng trên sông này, cách dăm chục mét về phía Bắc, một cánh quân của ta đang chạy trên mặt nước, vượt qua sông trên chiếc cầu chìm như đi giữa đường băng. Từ đêm hôm trước, các chiến sĩ công binh của ta đã bí mật làm xong 2 cây cầu trên con sông, một cầu chìm và một cầu nổi. Các bộ phận của chiếc cầu nổi được giấu kín trong những đám lau lách dọc bờ sông và lắp ráp lại khi trọng pháo 105 ly bắt đầu bắn vào vị trí địch.  Sau khi thấy chiếc cầu nổi xuất hiện trên sông, địch tập trung hỏa lực pháo ngăn chặn đường tiến quân của ta tại hướng này. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đề nghị Bộ Chỉ huy mặt trận cho trọng pháo 105 ly bắn mạnh kiềm chế pháo binh địch và quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu tại các cứ điểm 2 và 3 nhanh chóng tiêu diệt nốt toàn bộ quân địch rồi từ đây mở đường đánh sang cứ điểm 1. 22 giờ, tiểu đoàn 428 báo cáo đánh chiếm xong toàn bộ cứ điểm 2 nhưng cả tiểu đoàn 428 tại đây và tiểu đoàn dự bị đã tiến vào cứ điểm 3 đều không vượt được qua những công sự dầy đặc và rất phức tạp của địch để mở đường sang cứ điểm 1. 

Đồi Him Lam sau trận chiến đêm 13/3/1954

22 giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện thoại cho Đại đoàn trưởng đại đoàn 312 hỏi tình hình chiến đấu, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn trả lời: - "Báo cáo đồng chí, bộ đội đã chiếm được hoàn toàn cứ điểm 2 và cứ điểm 3. Cứ điểm 1 vẫn chưa giải quyết xong”. - Tại sao? - Đại đoàn chưa nắm được cụ thể tình hình đơn vị. - Phải cử ngay người vào cứ điểm nắm tình hình chiến đấu xem sao. Các đồng chí cần gì thì đề nghị. Cần giải quyết cho gọn trong đêm nay. Trước mắt các chiến sĩ bộc phá chỉ còn lại một hàng rào cuối cùng. Tổ trưởng bộc phá Thuyết ôm bộc phá xông lên bị một viên đạn sượt bụng, anh cúi gập người xuống và vẫn tiếp tục chạy lên lao ống bộc phá xuống dưới hàng rào, hoàn thành nhiệm vụ mở cửa. Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Oanh dẫn đầu một số chiến sĩ đánh thốc vào cứ điểm. Trận đánh Him Lam đã kết thúc lúc 22 giờ 30 phút. Chiến thắng Him Lam thu hút mọi người nhưng những chiến thắng của pháo binh ngày 13/3 đâu chỉ có ở Him Lam. Khu trung tâm Mường Thanh có hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, cũng là nơi tập trung lực lượng trọng pháo 105 ly và 155 ly của địch đã trúng pháo 105 ly của ta nhiều nhất ngày 13/3. Năm máy bay tại sân bay lần lượt bị phá hủy và các trận địa pháo của địch đều lộ thiên, một số đã bị pháo ta phá hủy. Trong giờ đầu tiên của cuộc tiến công của ta, pháo địch ở khu trung tâm bị tê liệt, pháo thủ của địch phải nấp dưới hầm tránh đạn. Tên trung tá Langlais, chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13 đang tắm bỗng tiếng nổ khủng khiếp của đạn pháo ta, trúng nơi chỉ huy của hắn. Langlais hoảng loạn vội lao vào hầm, thoát chết.  Tên trung tá Gaucher, chỉ huy phân khu trung tâm đã được trung úy De Veyes cảnh báo về pháo Việt Nam, tại Him Lam, quan tư Pégause, chỉ huy tiểu đoàn lê dương thứ 3 và mấy sĩ quan dưới quyền đã chết vì pháo 105 ly. Gaucher tỏ ý giận dữ, càu nhàu: "Tôi đã nhắc là các hầm ở Him Lam quá mỏng, quá sơ sài”. Ngay sau đó pháo của ta đã bắn trúng nơi chỉ huy của Gaucher. Trời đã tối, điện lại tắt. Gaucher bị thương rất nặng, không còn hai cánh tay và máu ra rất nhiều. Gaucher chỉ kịp thều thào: "Lau mặt cho tôi, cho tôi uống nước”. Sau đó lịm đi rồi tắt thở. Mọi tội lúc này đều đổ dồn cho đại tá Piroth, chỉ huy lực lượng pháo binh. Piroth rất được Đờ Cát nể trọng vì là sĩ quan có kinh nghiệm về pháo binh, xông pha trận mạc nhiều. Đờ Cát và các tướng, tá hỏi Piroth về pháo binh Việt Nam, Piroth đều chủ quan, nhún vai coi thường. Pháo 105 ly, bộ đội Việt Nam đưa lên đến Điện Biên phủ sao nổi, qua bao đèo rất cao, suối sâu.  Về phía ta càng làm cho Piroth tự cao, tự đại vì cho đến ngày 13/3/1954, ta chỉ sử dụng pháo 75 ly vác vai, ta chưa hề bắn một viên đại đại bác 105 ly nào. Chính vì vậy, ngày 13/3, pháo 105 ly bắn ào ạt, cấp tập vào vị trí Him Lam và khu trung tâm Mường Thanh, bắn rất trúng đích, làm cho địch vô cùng kinh ngạc, Piroth không sao hiểu nổi. Suốt ngày 13/3 rồi 14/3, các sĩ quan đều hỏi Piroth pháo 105 ly của Việt Nam từ những đâu bắn tới vậy? Có cách nào làm pháo Việt Nam ngừng hoạt động không? Sao pháo của Pháp rất mạnh lại không làm "câm miệng” pháo Việt Nam. Piroth ú ớ không sao trả lời được, đành chỉ lên các đỉnh núi. Piroth quá ngượng ngập với các sĩ quan, lần đầu tiên pháo binh do hắn chỉ huy chịu thất bại ê chề và lại là đối thủ mới dùng trọng pháo trận đầu. Về hầm, Piroth chỉ nằm và bỏ ăn.  Sáng 15/3, cần vụ của Piroth nghe trong hầm của hắn có tiếng nổ, vội chạy vào thì thấy Piroth đã chết, mặt, ngực và bàn tay đã nát bét. Piroth đã tự kết liễu đời hắn bằng một quả lựu đạn. Mới đến ngày thứ ba của cuộc tiến công, cái chết thảm hại của đại tá chỉ huy lực lượng pháo binh địch đã chứng minh phương châm của chiến dịch "Đánh chắc tiến chắc” là hoàn toàn đúng đắn.  Đó là tư tưởng quân sự Việt Nam, bắt nguồn từ truyền thống chiến tranh nhân dân của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, có dấu ấn Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, đã thực hiện đến nơi đến chốn lời căn dặn của Bác trước khi Đại tướng lên đường đến Điện Biên Phủ, trực tiếp chỉ huy chiến dịch: Thắng lợi mới đánhKhông thắng không đánh

[Đại Đoàn kết]

Video liên quan

Chủ Đề