Minh chiet là ai

07:27, 05/12/2009 [GMT+7]

Trước hết, xin đặt một câu hỏi: “Minh triết là gì?”. Theo Trung Quốc Bách khoa Toàn thư, thì minh triết là khôn ngoan, kiến thức, trí tuệ. Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học [Vietlex], Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2007, thì minh triết lại có nghĩa: sáng sủa, rõ ràng.

Vậy thì, tôi đã hiểu nghĩa hai chữ minh triết theo kiểu của tôi: Minh triết của một người là bản năng gốc [BNG] của người đó và những tích biến từ xã hội, cuộc đời. Minh triết của một dân tộc là BNG của dân tộc đó, được tích biến qua bề dày của lịch sử đất nước. Minh triết đứng ngoài tri kiến kinh viện và được lưu truyền chủ yếu là qua dân gian.

Việt Nam với một bề dày lịch sử dằng dặc, tất nhiên là dân tộc Việt Nam tích biến vô số những khôn ngoan, kiến thức để làm nên trí tuệ. Và với trí tuệ đó, con người Việt Nam sẽ thực hiện cho đất nước những điều sáng sủa, rõ ràng… Và Từ điển Việt-Anh, chỉ gọn ghẽ giải nghĩa minh triết là Wisdom. Từ điển Webster trong giải nghĩa đầu tiên từ wisdom là như thế này: “Chất lượng của sự khôn ngoan; tri kiến, và khả năng để làm cho việc sử dụng nó thích đáng; sự am hiểu trong những mục đích tốt nhất và các phương tiện tốt nhất; sự sáng suốt và lương tri; sự suy xét chính chắn; sự minh mẫn; kỹ năng; khéo léo” [bản dịch].

Tất cả những thứ trên có đủ để làm nên một minh triết cho Việt Nam? Chỉ là, theo tôi, cần phải có cái BNG làm chủ đạo. BNG là gì? Là cái chân tính, cái tính thật hay là cái nhân tính nguyên thủy của dân tộc Việt. Khi chúng ta đã có khôn ngoan và kiến thức qua những trải nghiệm, để kết tụ thành trí tuệ. Trí tuệ lúc ấy sẽ cần chân tính để dẫn dắt thực hiện những sự việc sáng sủa, rõ ràng cho dân tộc đất nước bằng Wisdom- tức là minh triết.

Minh triết sinh động trong từng giây phút của đời sống văn hóa thường ngày. Tranh gà Đông Hồ phải giữ được phẩm chất truyền thống và càng ngày phải càng đẹp hơn. Bánh tôm Hồ Tây càng ngày phải càng ngon hơn, hay ít ra cũng không dở đi.

Mì Quảng, Cao Lầu của Quảng Nam-Đà Nẵng không được biến chất. Hiện nay, theo tôi nhận thấy, có nhiều người đã vì tham đắm những lợi lộc nhất thời mà đánh mất cái minh triết trong đời sống thường nhật của con người Việt Nam. Ngay cả trong lĩnh vực văn học, nhiều tác giả đã tự hài lòng với chính mình quá sớm và quá dễ dàng, đã quên đi cái minh triết: “Thức khuya mới biết đêm dài; đường xa mới biết ngựa giỏi”. Minh triết của cha ông nằm trong những tục ngữ, phương ngữ dân gian.

Ngày 23-6-2009, tôi đọc trên trang web //vietsciences.free.fr bài “Bệnh giả dối đang trở thành quốc nhục”. GS Hoàng Tụy đã nói về sự giả dối tồn tại trong ngành và toàn xã hội: “Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục, trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc”.

Bệnh giả dối đã lần mòn giết chết từng giây cái minh triết của Việt tộc. BNG của con người Việt Nam là chân thật và dũng cảm. Do đó, tôi đã nói ở bên trên, minh triết của dân tộc Việt hiện nay, lại chỉ được thể hiện trong đời sống dân gian. 

Những người đã hội “khôn ngoan, kiến thức, trí tuệ” để có thể “sáng sủa, rõ ràng” mà hành xử trong đời sống, nhưng nếu thiếu cái chân tính, sự chân thật BNG của dân tộc thì coi như không thể nào thể hiện được cái minh triết. Một doanh nhân trá ngụy bằng những sản phẩm không có hàm lượng tốt như đã quảng cáo. Một nghệ sĩ phải trá ngụy với chính mình bằng những tác phẩm không “thực sự” được sản sinh ra bằng trái tim và tấm lòng chân thực, lừa đảo người đọc. Những gì có liên quan đến trá ngụy và lừa đảo, thì không thể nào là minh triết.

Ở câu nói: “Cái gì phải thì thôi” trong dân gian, có mang hàm lượng nhẹ của câu “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc của Trần Bình Trọng”. Nó chứa đựng cả tình lẫn lý một cách trọn vẹn. Phải thì tôi chịu nghe theo, không phải thì tôi sẽ đương cự tới cùng.

Tôi hiện đang sống ở Hội An, thành phố nhỏ vùng biển. Những người dân nghèo, lao động ở đây thật thà, chất phác và rất tự trọng. Tôi chỉ đi xe đạp, và thi thoảng mang xe ra góc đường Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt gần nhà để nhờ bơm lốp xe. Cậu sửa xe độ gần 30 tuổi, không có một cửa tiệm đàng hoàng, mà chỉ bày dụng cụ đồ lề ở góc đường và hành nghề. Mỗi lần cậu bơm bánh xe cho tôi, cậu lấy 1 ngàn, nhưng tôi thường đưa 2 ngàn. 

Một lần, cái xe đạp tôi thắng không ăn nữa, tôi mang ra cậu. Cậu xem xét rồi buông thõng: “Tuột thắng chú à!” Sau đó cậu loay hoay sửa khoảng 15 phút rồi bóp bóp hai tay thắng, xong quay sang tôi: “Tốt rồi đó chú!”. Tôi hỏi: “Tôi thiếu em bao nhiêu?”. Cậu khoát tay, nói: “Không lấy tiền. Chú cho tiền bơm hơi lâu nay nhiều rồi!”. Cậu không nhìn tôi, lại vớ lấy cái xe máy của một khách đang chờ và tiếp tục làm việc. Còn không ít những con người Việt lao động nghèo khó khác mà tôi gặp đã thể hiện cái lý, cái tình, cái minh triết một cách thật hồn nhiên.

Trước ngày tôi viết bài này, tôi và một cậu em ra góc đường Nguyễn Công Trứ - Hai Bà Trưng ăn tiết canh cháo lòng. Khi gọi tính tiền, cậu con nói thưa chú 36 ngàn. Tôi đưa tờ 500 ngàn. Bà chủ lại không có tiền thối. Cậu em thì không mang tiền theo. Bà mẹ quay lại cười nói: “Ông về đi mai mốt trả”. Tôi nói:

“Bà đâu biết tôi là ai sao dám cho thiếu?”. Bà cười: “Đâu có bao nhiêu, tôi tin ở ông mà”. Ngoài cái tình, cái lý, con người ta sống còn cần sự tin tưởng ở nhau. Mà dường như, những người Việt Nam lao động, nghèo khó thường có đủ cái tình chân thật để thể hiện cái lý, tin ở một người không quen biết. 36 ngàn đối với một người buôn gánh bán bưng như mẹ con bà tiết canh cháo lòng không phải là không bao nhiêu. Tôi biết nhiều khi bán từ chiều cho tới khuya kiểu như mẹ con bà, chỉ kiếm được vài ba trăm ngàn tính luôn cả vốn liếng trong đó.

Tinh túy của nền tảng minh triết Việt Nam hiện nay, theo tôi thấy, nó bàng bạc nhiều nhất trong giai tầng những con người Việt Nam nghèo khó, lam lũ.

Trần Nghi Hoàng

[*] Bài viết nhân Hội thảo “Minh triết trong tiến trình lịch sử-văn hóa Việt Nam. Những vấn đề cơ bản” do Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Minh triết Việt chủ trì, tổ chức tại Huế ngày 24 tháng 11 năm 2009.

Cuộc hội thảo đầu năm của Trung Tâm Minh Triết Việt nam đã được tổ chức tại 53 Nguyễn Du Hà nội vào ngày 25-02-2011. Hội thảo đã thống nhất cần có định nghĩa “Minh triết là gì?”, hơn nữa “Minh triết Việt là gì?”. Những câu hỏi đó rất khó và rất lớn, chắc sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Cũng như có đến hàng trăm định nghĩa về văn hóa, minh triết chắc cũng sẽ có rất nhiều định nghĩa. Dẫu sao, dưới đây chúng tôi xin có vài ý kiến về định nghĩa Minh triết, dù có thể rất thô thiển.

Trong hội thảo, nhiều người nói Minh triếtcó hai đặc điểm là khôn và sáng. Đấy là vế trước, vế của “minh”. Còn vế đầu là triết cơ mà. Vậy trong định nghĩa phải có cả minh và cả triết nữa. Từ minh triết có lẽ đã tồn tại trong tiếng Việt trước khi chúng ta tiếp xúc với triết học phương Tây. Do đó, triết trong minh triết hiểu theo tiếng Việt có lẽ gần với triết lọc tinh túy. Triết trong minh triết phải là những lẽ phải được đúc kết trong cuộc sống thực mà có. Những lẽ phải đó gần với đạo, gần với qui luật. Do đó suy ra, trong định nghĩa minh triết phải có triết học. Phải từng trải, phải học nhiều mới thấu được đạo, mới dần dần tiếp xúc được với các qui luật của tự nhiên và xã hội. Học để biết được đạo thì phải tích lũy kiến thức thuộc nhiều ngành, nếm trải nhiều thất bại, nhiều vấp ngã. Vậy muốn có minh triết trước hết phải học, phải “tích”. Còn khi hành xử thì phải khôn ngoan, phải có văn hóa. Nếu đạt đến độ mà mỗi hành xử đều cận nhân tâm thì đạt đến “minh”. Vậy, từ “minh” trong minh triết thuộc về “tản”. Do đó, minh triết có hai vế tích/tản. “Tích” để không ngừng hiểu biết thêm về các qui luật của thiên nhiên và xã hội. “Tản” sao cho cận nhân tâm. Tích/tản theo tiêu chuẩn đó thì đạt đến khôn sáng. Sáng gần nghĩa với tỏa ra, tản ra.

Có một người nếm trải hơn ba mươi năm, vững tin là sẽ hành xử minh triết trong nhiều bối cảnh, nên năm 1941 ông đã đặt tên tự cho mình là “Chí Minh”. Người ấy họ Hồ. Mà chúng ta vẫn gọi con người vĩ đại ấy là Hồ Chí Minh.

Còn Đức Phật bảo rằng đa số chúng sinh đang bị màn vô minh che phủ. Vậy chúng ta là kẻ Vô Minh. Chúng ta muốn dùng Minh Triết để đi từ bờ Vô Minh đến bến Chí Minh. Vậy Minh Triết là công cụ của kẻ Vô Minh.

Kẻ Vô Minh tích lũy cái khôn ngoan, sáng suốt của tự nhiên và xã hội để thành kẻ Minh Triết. Nhưng đấy là họ đang tích lũy lý thuyết. Cho dù đó là các qui luật, các phạm trù [triết học], hay là các bài học ứng xử của người đời [kinh nghiêm mà mình chưa trải nghiệm] vẫn chỉ là lý thuyết mà thôi. Mà lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Mang cái lý thuyết xám [khôn ngoan của kẻ khác, khôn ngoan của sách vở] áp vào đời thì e rằng sẽ bị sai. Cho nên, phải lọc xám, để cho lý thuyết thích hợp với cuộc đời đang biến đổi hàng ngày. Vậy Minh Triết chính là “phép lọc xám”. Phép lọc xám nằm ở khâu trung gian của tích/tản. Tích rất nhiều, lọc xám cho kỹ, tản cho đắc nhân tâm ấy là Minh Triết. Vậy, có thể xem ba bước hành động trên là một định nghĩa thô về Minh Triết.

Phép lọc xám sẽ mãi mãi là công việc khó khăn nhất của mỗi người trên đường tiến tới minh triết. Phải kiên định lọc xám, mỗi ngày, mỗi giờ, trong mọi hành xử với từng cá nhân, với cả cộng đồng. Nếu kiên định như vậy chúng ta sẽ dần dần đi về phía minh triết, tiệm cận để có thể hiểu gần đúng minh triết là gì. Đó chính là ba bước niệm - định - tuệ đã được trình bày trong các kinh Phật giáo. Niệm nghĩa là quan niệm về minh triết cho rộng rãi. Định là kiên định trên con đường “lọc xám”, không thành kiến, không bảo thủ, không ngộ nhận, không lầm ngón tay đang chỉ mặt trăng là mặt trăng. Cuối cùng, Tuệ là thời điểm bừng tỉnh đạt tới trí tuệ tỏa sáng soi rõ chân lý. Thời điểm đạt “tuệ” ấy sẽ đến với bạn khi bạn đã dày công “tích” lũy các qui luật biến dịch trong cuộc sống, khi bạn dã hành [“tản” các hành xử] cho cận nhân tâm.

Cập nhật lúc:07:08 CH @ 16/03/2014

Video liên quan

Chủ Đề