Điểm giống nhau giữa pháp nhân và thương nhân

Phân biệt tổ chức và pháp nhân

  • 1. Phân biệt khái niệm pháp nhân và tổ chức
  • 2. Tổ chức không có tư cách pháp nhân là gì ?
  • 3. Phân biệt việc tham gia vào quan hệ thương mại, kinh doanh
  • 3.1 Sự giống nhau:
  • 3.2 Sự khác nhau:
  • 4. Điều kiện để có tư cách pháp nhân
  • Tổ chức phải được thành lập theo quy định của pháp luật
  • Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
  • Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
  • Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập
  • 5. Các quy định về pháp nhân
  • Quốc tịch của pháp nhân
  • Tài sản của pháp nhân
  • Thành lập, đăng ký pháp nhân
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
  • Đại diện của pháp nhân
  • Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân
  • Trách nhiệm dân sự của pháp nhân
  • Hợp nhất pháp nhân
  • Sáp nhập pháp nhân
  • Chia pháp nhân
  • Tách pháp nhân
  • Chuyển đổi hình thức của pháp nhân
  • Giải thể pháp nhân
  • Phá sản pháp nhân
  • Chấm dứt tồn tại pháp nhân

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.6162

1. Phân biệt khái niệm pháp nhân và tổ chức

Trả lời:

Về tổ chức: Tổ chức là tập hợp người được tổ chức lại, hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm một mục đích chung.

Về pháp nhân: Pháp nhân là một tổ chức thong nhất, độc lập, hợp pháp có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Căn cứ quy định tại Điều 74 bộ luật dân sự năm 2015 thì:

1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, trước tiên bạn cần hiểu pháp nhân là một tổ chức có điều kiện theo quy định của pháp luật. Xem chi tiết quy định về: Pháp nhân là gì ? Quy định pháp luật về điều kiện hình thành pháp nhân.

2. Tổ chức không có tư cách pháp nhân là gì ?

Bên cạnh cá nhân và pháp nhân là những chủ thể phổ biến nhất tham gia quan hệ pháp luật dân sự, thực tiễn còn cho thấy xuất hiện sự tham gia của các tổ chức như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức từ thiện, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Các tổ chức này tham gia quan hệ pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Thực tiễn cho thấy, để giảm thiểu và tránh những rủi ro pháp lý không đáng có khi tham gia các quan hệ pháp luật nói chung cũng như quan hệ pháp luật dân sự nói riêng, một tổ chức phải đảm bảo những điều kiện nhất định để có tư cách pháp lý độc lập tham gia xác lập và chịu trách nhiệm về những vấn đề pháp lý có thể phát sinh. Những điều kiện này có thể kể đến như: tổ chức phải có năng lực chủ thể để tham gia quan hệ dân sự và tham gia các quan hệ tố tụng có liên quan; thành viên của tổ chức cũng như người sẽ nhân danh tổ chức tham gia xác lập các hành vi pháp lý phải minh bạch, xác định cụ thể; tài sản của tổ chức phải độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Với đặc trưng chung, các tổ chức không có tư cách pháp nhân đều chưa đáp ứng được những điều kiện trên. Do đó, cách thức tham gia quan hệ pháp luật cũng như tư cách pháp lý của những tổ chức này cũng có những điểm đặc thù nhất định - phân biệt với trường hợp tổ chức có tư cách pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện quan hệ pháp luật dân sự.

3. Phân biệt việc tham gia vào quan hệ thương mại, kinh doanh

Về điều kiện thành lập, hoạt động của pháp nhân được pháp luật quy định chặt chẽ. Cụ thể, Pháp nhân được quy định chặt chẽ trong chương IV Bộ luật dân sự từ việc thành lập, tên gọi, điều lệ và trách nhiệm dân sự. Trái lại, việc thành lập một tổ chức chủ yếu không bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện của các thành viên, quá triình hoạt động của tổ chức chủ yếu xuất phát từ sự thống nhất của các thành viên.. Do vây, chúng tôi có thể nêu một số điểm giống và khác giữa pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ thương mại như sau:

3.1 Sự giống nhau:

Về cơ bản, Pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân có cơ cấu tổ chức gồm nhiều thành viên, có bộ máy hoạt động và mục tiêu hoạt động rõ ràng. Các thành viên trong pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân chủ yếu tham gia vào các hoạt động một cách tự nguyện hoặc theo nhiệm vụ nhất định. Khi tham gia vào hoạt động thương mại, pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân đều có quyền hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch.

3.2 Sự khác nhau:

Sự khác nhau cơ bản giữa pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ thương mại là ở chế độ pháp lý.

Thứ nhất, Về điều kiện thực hiện các giao kết thương mại:

Pháp nhân khi thực hiện các hoạt động thương mại phải nhân danh chính pháp nhân, sử dụng tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

Tổ chức khi thực hiện các hoạt động không chịu sự ràng buộc nhất định của pháp luật về tài sản, tư cách tham gia.

Thứ hai, về chủ thể tham gia giao kết:

Pháp nhân khi tham gia các hoạt động thương mại phải có năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 86 Bộ luật dân sự như sau:

" 1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình.

2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

3. Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự."

Tổ chức khi tham gia hoạt động thương mại thường chỉ yêu cầu năng lực dân sự của cá nhân đại diện tham gia thực hiện giao kết đó

Thứ ba, về việc chịu trách nhiệm:

Việc tách bạch tài sản của chủ sở hữu với pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân thì không có sự tách bạch này. Vì vậy, tổ chức có tư cách pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn còn tổ chức không có tư cách pháp nhân thì phải chịu trách nhiệm vô hạn. Điển hình, nói tới các hoạt động thương mại, hoạt động kinh tế các pháp nhân tham gia chủ yếu là các doanh nghiệp. Theo quy định luật doanh nghiệp năm 2020 hiện nay thì công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân còn doanh nghiệp tư nhân thì không. Có nghĩa khi doanh nghiệp phá sản thì chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm giới hạn với phần vốn mà mình bỏ vào doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân ngoài khoản tiền đầu tư kinh doanh thì chủ sở hữu còn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản mình có. Doanh nghiệp tư nhân không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp mà chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân của chủ doanh nghiệp đó là một lợi thế nhưng đổi lại thi nhiều rủi rõ hơn.

4. Điều kiện để có tư cách pháp nhân

Theo điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đủ 4 điều kiện sau:

“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Chúng ta cùng đi phân tích 4 điều kiện để trở thành pháp nhân để có thể phân biệt được các tổ chức là pháp nhân hay không.

Tổ chức phải được thành lập theo quy định của pháp luật

Theo như định nghĩa thì rõ ràng pháp nhân không phải là một người (một cá nhân) mà phải là một tổ chức. Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.

Ví dụ: khi thành lập doanh nghiệp, công ty cổ phần hay công ty TNHH (các pháp nhân) đều phải được thành lập hợp pháp. Tức là phải đăng ký và được Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố mà nơi công ty đóng trụ sở cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Theo điều 83 Bộ luật dân sự 2015, pháp nhân phải là một tổ chức có cơ cấu quản lý chặt chẽ:

“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.”

Như vậy một tổ chức muốn trở thành pháp nhân phải có điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải có quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành pháp nhân.

Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó, nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.

Ví dụ: Khi mở công ty cổ phần, các cổ đông mua cổ phần, góp vốn vào công ty. Thì tài sản này phải độc lập với tài sản của các cổ đông. Công ty chịu trách nhiệm với tài sản của công ty.

Hoặc một trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân dù được thành lập hợp pháp là Doanh nghiệp tư nhân. Vì tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách biệt với tài sản cá nhân – chủ doanh nghiệp tư nhân đó.

Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập là một trong những điều kiện quan trọng để có tư cách pháp nhân.

Vì pháp nhân là một tổ chức độc lập, được quyền giao dịch, xác lập quyền và nghĩa vụ nên bắt buộc nó có thể tự nhân danh chính mình.

Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật.

5. Các quy định về pháp nhân

Một số quy định về pháp nhân quan trọng khác như: Quốc tịch của pháp nhân, tài sản của pháp nhân, thành lập, chi nhánh, đại diện pháp nhân….

Quốc tịch của pháp nhân

Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.

Tài sản của pháp nhân

Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Thành lập, đăng ký pháp nhân

Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.

Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.

Người đứng đầu chi nhánh công ty, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền.

Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

Đại diện của pháp nhân

Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và các luật chuyên ngành như: Luật doanh nghiệp…

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự.

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Hợp nhất pháp nhân

Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới.

Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.

Sáp nhập pháp nhân

Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập).

Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.

Chia pháp nhân

Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân.

Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

Tách pháp nhân

Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân.

Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

Chuyển đổi hình thức của pháp nhân

Pháp nhân có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác.

Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập; pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi.

Giải thể pháp nhân

Pháp nhân giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Theo quy định của điều lệ;

b) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản.

Thanh toán tài sản của pháp nhân bị giải thể

1. Tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Chi phí giải thể pháp nhân;

b) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

c) Nợ thuế và các khoản nợ khác.

2. Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể pháp nhân và các khoản nợ, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Trường hợp quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ quy định tại khoản 1 Điều này, tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác có cùng mục đích hoạt động.

Trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước.

Phá sản pháp nhân

Việc phá sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

Chấm dứt tồn tại pháp nhân

1. Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:

a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể công ty, pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật dân sự;

b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

2. Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn, xin đảm bảo tất cả những thông tin tư vấn hoàn toàn đúng theo tinh thần pháp luật. Chúng tôi rất mong nhận được hồi âm của bạn về vấn đề này và luôn sẵn sàng trao đổi những thông tin cần thiết (Hãy gọi: 1900.6162). Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty tư vấn của chúng tôi.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê