Danh sách thoái vốn SCIC 2021

SCIC sẽ thoái vốn tại 88 doanh nghiệp trong năm 2021
Chuyển giao 218 tỷ đồng vốn nhà nước về SCIC
Xuất khẩu vẫn là lực kéo chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2021
Theo dự báo, thương vụ thoái vốn tại Sabeco sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2021.

Ảnh: ST

Gọi tên hàng loạt doanh nghiệp xây dựng

Theo danh sách thoái vốn được SCIC công bố, năm 2021, doanh nghiệp này sẽ thoái vốn tại 88 đơn vị [nhiều hơn 3 doanh nghiệp so với danh sách thoái vốn của năm 2020]. Trong danh sách này, một loạt ông lớn sẽ được SCIC rút vốn theo lộ trình được quy định tại Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2020 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Liên quan đến công tác thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài [NĐTNN], SCIC cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, NĐTNN đã tham gia mua phần vốn của SCIC trong một số đợt thoái vốn tại các DN lớn như Vinamilk [năm 2016, 2017], Nhựa Bình Minh [năm 2018]... Giá trị thu về qua các đợt thoái vốn lớn này đạt 22.600 tỷ đồng, gấp gần 15 lần so với giá vốn [1.508 tỷ đồng]. Tuy nhiên, hiện có nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách cũng như việc thực hiện trong thu hút NĐTNN tham gia mua cổ phần của DN, cụ thể như quy định đặt cọc, đồng tiền đặt cọc, đồng tiền thanh toán, mã giao dịch

Không khó để nhận ra các doanh nghiệp thuộc họ xây dựng trong danh sách này với một loạt DN đình đám, dẫn đầu là Tổng công ty Sông Đà CTCP. SCIC hiện đang quản lý gần 4.486 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước, chiếm tới 99,79% vốn điều lệ của Tổng công ty Sông Đà. Cùng với đó là Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 [FICO] - CTCP với số vốn nhà nước do SCIC quản lý là 509 tỷ đồng, chiếm 40,08% vốn điều lệ; Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam CTCP hiện có gần 570 tỷ đồng vốn nhà nước, chiếm 98,16% vốn điều lệ của đơn vị này và Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP với khoảng 312 tỷ đồng vốn nhà nước, chiếm 87,32% vốn điều lệ. 4 doanh nghiệp này vừa được Bộ Xây dựng chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước về SCIC vào tháng 9/2020. Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại 4 doanh nghiệp này là hơn 5.900 tỷ đồng.

Bên cạnh các DN lớn nêu trên, một loạt DN ngành xây dựng cũng xuất hiện trong danh sách thoái vốn năm 2021 của SCIC như: CTCP Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp [KCN] Cần Thơ, CTCP Địa ốc Vĩnh Long, CTCP Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương, CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Đắk Lắk, CTCP Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương, CTCP Vật liệu Xây dựng Bến Tre, CTCP Xây dựng và phát triển đô thị Châu Đức, CTCP Xây dựng và phát triển đô thị Cần Thơ, CTCP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa, CTCP Phát triển hạ tầng KCN Thái Nguyên... Danh sách thoái vốn lần này cũng điểm tên Tổng công ty Licogi CTCP. DN này đã cổ phần hóa từ 2016 và được Bộ Xây dựng chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước về SCIC từ năm 2018. Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Licogi chuyển giao về SCIC là 366,4 tỷ đồng, chiếm 40,72% vốn điều lệ của Licogi.

Danh sách thoái vốn của SCIC trong năm nay cũng có nhiều DN trong ngành giao thông như Tổng công ty XDCT Giao thông 8; Tổng công ty Thăng Long; CTCP Quản lý cầu đường bộ II Quảng Ninh; CTCP Bến xe Kon Tum, CTCP Bến xe Quảng Ngãi, CTCP Quản lý và XD đường bộ Lâm Đồng, CTCP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng; các CTCP Quản lý đường thủy nội địa số 4, 7, 9, 10, 11, số 12, 13, 14 và 15...

Nhiều ông lớn sẽ lên kệ hàng hóa

Đáng chú ý nhất trong danh sách thoái vốn của SCIC năm nay xuất hiện ông lớn Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn [Sabeco]. Hiện SCIC đang quản lý số vốn nhà nước lên tới 2.300 tỷ đồng [chiếm 36% vốn điều lệ của Sabeco] với tổng số cổ phần Nhà nước nắm giữ gần 231 triệu cổ phần. Trước đó, tháng 8/2020, Sabeco đã được Bộ Công Thương bàn giao về SCIC theo Quyết định 908 để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Tính theo thị giá cổ phiếu SAB tại thời điểm hiện tại là 150,2 nghìn đồng/cổ phiếu thì tổng giá trị số cổ phiếu này đạt gần 34.546 tỷ đồng. Dự báo, việc bán vốn tại DN này sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, bởi trước đó, trong lần thoái vốn tại Sabeco năm 2017, Bộ Công Thương đã thu về gần 110 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, độ hot của Sabeco năm nay đã giảm nhiệt so với thời kỳ 2017, vì thế việc bán vốn cần được tính toán cẩn trọng.

Cùng với Sabeco, năm nay, SCIC tiếp tục thoái vốn tại một loạt đại gia như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam [hiện số vốn nhà nước do SCIC quản lý gần 2,68 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ]; Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP [Seaprodex] hiện SCIC nắm giữ 792 tỷ đồng vốn nhà nước, chiếm 63,38% vốn điều lệ của DN; CTCP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam với 442 tỷ đồng vốn nhà nước, chiếm 36,30% vốn điều lệ. CTCP Nhựa TN Tiền Phong cũng nằm trong danh sách SCIC sẽ thoái vốn năm nay với số tiền hơn 437 tỷ đồng, chiếm 37,10% vốn điều lệ của DN.

Năm nay, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại FPT, DN hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông và giáo dục của Việt Nam. Dự kiến, đây cũng sẽ là tên tuổi đình đám trong mùa thoái vốn năm 2021 của SCIC. Hiện SCIC nắm giữ số vốn nhà nước lên tới hơn 460 tỷ đồng, chiếm 5,93% vốn điều lệ của DN này. Nếu thoái vốn thành công, với giá tham chiếu hiện tại là 93.800 đồng/cổ phiếu, ước tính SCIC có thể thu về tới hơn 4.314 tỷ đồng nếu thoái vốn trọn lô thành công. Danh sách thoái vốn năm 2021 SCIC còn xuất hiện các ông lớn ngành bảo hiểm như CTCP Bảo Minh, số vốn nhà nước do SCIC nắm giữ là 463 tỷ đồng, chiếm 50,70% vốn điều lệ và Tập đoàn Bảo Việt với hơn 221 tỷ đồng vốn nhà nước, chiếm 3,26% vốn điều lệ.

Hoài Anh

Video liên quan

Chủ Đề