Đặng xương hùng là ai

LỜI TÒA SOẠN.- Bài viết dưới đây vừa được phổ biến ngày 27/11/2019. Tác giả Đặng Xương Hùng nguyên là một nhà ngoại giao cao cấp của chế độ CSVN, đã tuyên bố rời bỏ đảng Cộng Sản và xin tỵ nạn tại Thụy Sĩ vào đầu năm 2014. Bản tin của ký giả Thụy My trên Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp [RFI] viết về vụ đào tỵ này như sau:

“Theo hãng tin Pháp AFP hôm nay 03/02/2014, trả lời trong chương trình “Le grand Genève à chaud” của đài truyền hình Léman Bleu tối qua, cựu lãnh sự Việt Nam tại Genève, ông Đặng Xương Hùng cho biết đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị tại Thụy Sĩ.

Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève từ năm 2008 đến 2012, nói rằng ông đã đến Thụy Sĩ hôm 18/10/2013 và đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Với hành động này, ông tố cáo sự độc tàicủa chế độ Hà Nội, đã đe dọa và cầm tùcác nhà đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền. Ông hy vọng quyết định này sẽ khiến một số người khác noi theo.

Cựu lãnh sự từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1983 và vừa từ bỏ đảng Cộng Sản tuyên bố: Đất nước chúng tôi đã rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tất cả mọi người đều hy vọng sẽ có thay đổi, nhưng mới đây đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi cách cai trị độc tài và chế độ độc đảng. Cuộc khủng hoảng này là toàn diện vì vừa là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, đồng thời còn trong lãnh vực giáo dục và y tế“.

Ông Đặng Xương Hùng đã quyết định hợp tác với phe đối lập Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Thụy Sĩ – Việt Nam [COSUNAM] được thành lập cách đây 25 năm. Tổng thư ký ủy ban này là ông Nguyễn Tăng Lũy cho rằng việc xin tỵ nạn của ông Đặng Xương Hùng là một sự kiện đặc biệt, và nói thêm Phía cuối đường hầm dường như đã cận kề.

Sự kiện nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng xin tỵ nạn chính trị diễn ra trong lúc Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 05/02/2014 sẽ xem xét tình hình thực hiện các quyền cơ bản tại Việt Nam nhân cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập [UPR] diễn ra bốn năm một lần“.

[Xin đọc thêm phần phụ đính dưới bài viết này: Thư Ngỏ năm 2017 của cựu lãnh sự Đặng Xương Hùng gửi các đồng nghiệp trong ngành ngoại giao].

THÀNH ĐÔ – ĐẶC KHU – SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG

Mới đây, một anh bạn của tôi tỏ ý không tin là có Thành Đô. Anh lập luận, chỉ còn một tháng rưỡi nữa là đến năm 2020, đâu thấy có dấu hiệu gì Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc đâu?

Tôi không hẳn chỉ muốn phản bác lại anh, mà là cố gắng xâu chuỗi lại các sự kiện để cùng anh đi đến kết luận : nguy cơ mất nước đang hiển hiện 100% và đảng cộng sản Việt Nam phải chịu tội này trước dân tộc Việt Nam.

Tôi đã nhắc lại với anh:

– Cuộc gặp bí mật tại Thành Đô [Trung Quốc] là có thật 100%. Họ đến đó để cầu xin, quy phục cộng sản Trung Quốc. [Tôi muốn anh tìm đọc Hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ].

– Khi nhắc đến Hiệp ước Thành Đô thì ta không nên hiểu đó chỉ là một văn bản Hiệp ước được ký kết ngay cuộc gặp này, mà phải hiểu là tổng hợp tất cả những cam kết bằng miệng và bằng giấy tờ tại Thành Đô và tại những cuộc trao đổi giữa hai bên những năm sau đó trong quá trình đạt được bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

– Bức tường Berlin sụp đổ. Đảng Cộng Sản Việt Nam thấy rõ nguy cơ đe dọa. Họ đã chọn giải pháp quy hàng cộng sản Trung Quốc để có thể tiếp tục tồn tại. Trong ngoại giao chúng tôi gọi đó là giải pháp đỏ [hợp tác giữa những người cộng sản tại CPC và giữa Trung Quốc – Việt Nam].

– Họ chả có gì đủ mạnh để hy vọng đổi được sự che trở của Trung Quốc ngoài việc hứa đưa Việt Nam về chung ngôi nhà với Trung Quốc, tiến tới một thế giới cộng sản đại đồng. [Tôi khẳng định 100% đây là suy tính của những người lãnh đạo chóp bu lúc bấy giờ].

Tôi cũng chia sẻ thêm với anh:

– Lãnh đạo Việt Nam là những kẻ tiểu nhân, hứa thật cao để đạt được mục đích, sau nuốt hoặc trì hoãn thực hiện lời hứa là chuyện bình thường.

– Tuy nhiên, thâm nho như Tàu thì có mà chạy đằng giời, mọi món nợ đã trói chặt Việt Nam trong vòng kiểm soát của Trung Quốc. Những sự kiện cho thấy việc dần phải quy tụ lại với Trung Quốc, trong những năm qua, là rất rõ ràng:

+ Nhượng đất, nhượng biển đảo.

+ Cờ 6 sao [cố tình hay nhầm lẫn mà những ba bốn lần]

+ Chuyển đổi quân phục quân đội giống y Trung Quốc.

+ Bắt buộc học tiếng Trung.

+ Liên minh ngân hàng, tiêu tiền Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.

+ Hợp tác truyền hình, phát sóng tiếng Trung.

+ Hiệp định dẫn độ.

+ Người Trung Quốc tự do tràn ngập, có cả khu tự trị của người Trung Quốc, người Việt Nam không được vào.

+ Mọi dự án quan trọng đều lọt vào tay Trung Quốc.

[Danh sách này vẫn còn chưa đủ, mời quý độc giả bổ sung]

Bây giờ, tôi mới quay lại chủ đề chính của bài viết: Thành Đô – đặc khu – sách trắng quốc phòng.

Như chúng ta đều biết, vào năm ngoái Luật đặc khu bị người dân phản đối kịch liệt. Người dân chả cần phải cao siêu gì người ta cũng đều nhận xét, ký luật đặc khu là bán nước. Và mọi người đều biết suy luận, đó là hậu quả của Thành Đô.

Tưởng chừng trước sức ép của người dân như vậy lãnh đạo Việt Nam cũng phải dè chừng trong câu chuyện đặc khu. Nhưng không, với bản chất của những kẻ tiểu nhân, chẳng bao giờ biết thành thật, chỉ biết dối trá, lừa dối cả chính nhân dân mình, họ đã đánh tráo khái niệm, thay đổi câu chữ, thay đổi quy trình, giữa tháng 11/2019, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lấp liếm ký rất “nhanh lẹ”, “kín đáo” câu chuyện đặc khu.

Cùng với nó, quốc hội Việt Nam, ngày 25/11/2019, đã thông qua luật sửa đổi cho phép người nước ngoài được miễn thị thực khi họ đến các “khu kinh tế đặc biệt trên biển”. Thật là một sự phối hợp “nhịp nhàng” và thông điệp cũng khá dễ để suy luận: những đặc khu này chỉ là dành cho Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là tại sao họ phải làm mọi cách để thông qua câu chuyện đặc khu một cách mau lẹ như vậy, câu trả lời chỉ có thể là đặc khu là thành tố rất quan trọng trong quy trình quy tụ Việt Nam về với Trung Quốc, và với sức ép từ phía Trung Quốc, nó không thể chần chừ thêm được nữa.

Như chúng ta đều biết, một hai tháng trước đây, câu chuyện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở bãi Tư Chính đẩy quan hệ hai nước căng như dây đàn, tưởng chừng như sắp có chiến tranh đến nơi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng rốt cuộc rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Quan hệ hai nước lại quay về chỗ cũ như thể chưa từng có một cuộc… “ra tay”.

Tại sao lại như vậy? Rất khó hiểu và cũng rất dễ hiểu. Thông điệp dằn mặt, nắn gân của Trung Quốc với Việt Nam thì chỉ có người Việt Nam hiểu, hoặc phải cam chịu mà hiểu. Thông điệp phản đối, đáp trả của phía Việt Nam thì cũng rất “khôn khéo” chỉ đủ để cho người Trung Quốc hiểu là được. Tóm lại, Việt Nam đã rất hài lòng chấp nhận với chính sách “gác tranh chấp cùng khai thác” mà Trung Quốc từng đưa ra, có thể bỏ qua câu chuyện chủ quyền.

Những phản ứng của ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Liên Hiệp Quốc thực chất cũng chỉ để nhằm đối phó với nhân dân mà thôi. Đại diện phía Trung Quốc vẫn ngồi nguyên trong diễn đàn để nghe phản ứng của ngoại trưởng Phạm Bình Minh cơ mà. Phải chăng thông điệp chính thức của phía Việt Nam muốn gửi cho phía Trung Quốc đã đi đêm qua kênh khác rồi.

Kế tiếp, cũng trong ngày 25/11/2019, Bộ quốc phòng Việt Nam cho công bố sách trắng quốc phòng. Người quan sát tình hình, chả cần phải quá thông thái mới nhận ra rằng: công bố sách trắng khẳng định chính sách 4 không lúc này là không đúng lúc. Trong khi Trung Quốc ngang ngược phản đối Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính, trong khi Trung Quốc đang làm hết sức, khiêu khích công khai, để khẳng định đường lưỡi bò của mình, thì Việt Nam lại ra sách trắng công khai tuyên bố chính sách 4 không, khẳng định không liên minh quận sự.

Tại sao từ chính sách ba không chuyển thành bốn không, chả có gì thật sự là mới mà Việt Nam lại phải ra sách trắng vào thời điểm này? Câu trả lời chỉ có thể là họ muốn chính thức chuyển một thông điệp làm yên lòng Trung Quốc: chúng tôi chấp nhận không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc, Hiểu một cách khác, chúng tôi sẽ không làm gì với những tranh chấp chủ quyền mà Trung Quốc mới tuyên bố tại biển Đông, chúng tôi gác vấn đề chủ quyền để cùng Trung Quốc khai thác hưởng lợi tại biển Đông.

Cuối cùng, tại sao Việt Nam phải hối hả làm cùng một lúc một loạt những việc liên quan đến Trung Quốc như kiểu “cưới chạy tang” vào thời điểm cuối năm 2019 như vậy? Câu trả lời dễ chỉ có thể là năm 2020 đã quá gần, sức ép ông chủ Trung Quốc ngày càng lớn. Những gì thuộc quy trình Thành Đô như: đặc khu kinh tế trên biển, miễn thị thực, cam kết lời hứa năm xưa phải được thực hiện, để chứng minh sự trung thành với Trung Quốc.

Tóm lại, tôi và anh bạn của tôi thống nhất khẳng định: nói về Thành Đô là nói đến việc, đảng Cộng Sản Việt Nam vì sự tồn tại của mình, đã lấy đất nước Việt Nam ra để ngã giá, đổi lại sự che chở của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Tôi đoán biết, các bạn tôi tại Bộ Ngoại giao, trước sau cũng sẽ đọc được bài viết này của tôi. Tôi thiển nghĩ, các bạn nên đưa những gì tôi viết ở trên ra mổ xẻ, phân tích, tìm ra lối tránh vết xe đổ mù quáng của lớp lãnh đạo trước đây. Nếu để đất nước chìm sâu vào sự lệ thuộc Trung Quốc, chính các bạn là người có lỗi đầu tiên, như tướng Lê Mã Lương nhận định, vì các bạn là những người hiểu biết, tỉnh táo và sáng sủa nhất trong giới lãnh đạo hiện nay.

Đặng Xương Hùng [Genève, 27/11/2019]

* PHỤ ĐÍNH

VÀI HÀNG TÂM SỰ CÙNG CÁC BẠN LÀM Ở BỘ NGOẠI GIAO [14-8-2017]

* Nguồn: Báo điện tử Tiếng Dân

Đã từ lâu tôi muốn viết những dòng tâm sự này. Tôi vẫn còn nuôi một hy vọng có thể làm lay động con tim và trí óc của các bạn.

Quyết định là ở các bạn, nhưng điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ cùng các bạn, đó là: các bạn đang xuôi theo một dòng chảy đi ngược lại với văn minh của nhân loại.

Các bạn đang cố gắng đối phó để chữa cháy cho sự tồn tại của một chế độ công an trị, ngày càng rõ nét tại đất nước Việt Nam của chúng ta.

Các bạn ạ, hãy bắt đầu bắt tay vào chỉnh sửa chế độ theo đúng như con tim và trí óc của các bạn mách bảo đi.

Hãy tự vấn mình bằng câu hỏi, tại sao ta cứ phải nhất nhất tuân thủ với những quyết định đưa ra bởi những con người kém cỏi hơn chúng ta.

Họ đang làm tan nát đất nước ta, bằng những quyết định hèn hạ và tăm tối: bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa lòng châu Âu, ngừng thăm dò dầu khí tại Trường Sa, bắt bớ và bỏ tù vô tội vạ những người dân vô tội.

Các bạn có buồn khi toàn những nhân vật công an lên làm lãnh đạo không? Những Trần Đại Quang, Nguyễn Đức Chung … với những danh hiệu choang choang, nào là giáo sư, nào là tiến sĩ, mà chúng ta biết tỏng đó là những bằng cấp mua qua tại chức.

Lẽ ra những chức vụ đó phải dành cho các bạn, 100% các bạn xứng đáng hơn, nếu chúng ta được sống trong một xã hội dân chủ, văn minh.

Các bạn có buồn khi Đại học Công an và Học viện An ninh lại đắt giá không? Thí sinh phải đạt điểm tối đa 30 điểm mới vào được những nơi đó, trong khi Đại học sư phạm chỉ cần 12 điểm. Thật là đau lòng có phải không các bạn.

Vừa nay, người bạn cũ của tôi là Phạm Sanh Châu đang tranh cử vào chức Tổng giám đốc UNESCO. Tôi biết tin này với hai cảm xúc trái ngược. Trong khi tôi muốn chia sẻ thành công cá nhân của Châu. Cá nhân Châu đã vươn ra tầm quốc tế. Thành công này thật sự xứng đáng với Châu, người bạn mà tôi luôn khâm phục.

Ngược lại, tôi phải thốt thầm lên rằng: Châu ơi, mày càng giỏi, những người như mày càng giỏi thì lại càng kéo dài sự tồn tại của chế độ thối nát này.

Rất dễ có nguy cơ Châu biến những trò gian dối của lãnh đạo Việt Nam thành sự thật.

Bộ mặt thật của cá nhân Châu tạo nên cái mặt nạ cho chế độ, đánh lừa thiên hạ quốc tế.

Các bạn hãy nhìn cách chế độ đối xử với nhân tài Ngô Bảo Châu, để có được một nhận xét cho riêng mình.

Đừng để sự hèn hạ lấn át lòng tự trọng.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, các bạn không phải là tác giả, nhưng rõ ràng các bạn đã trở thành tòng phạm.  Trịnh Xuân Thanh đã được dẫn giải vào Đại sứ quán và nhiều nhân viên ngoại giao đã dính dáng vào vụ này.

Để cứu vớt quan hệ Việt – Đức, cách duy nhất khôn ngoan là nhận lỗi.

Các bạn cứ thử mà xem, Bộ ngoại giao Việt Nam sẽ lại được quốc tế hoan nghênh, nếu các bạn dũng cảm thành thật nhận lỗi.

Hãy kiến nghị lên trên: nhận lỗi.

Hãy hành động khác biệt.  Hãy cho mọi người thấy, cho dù ở đâu thối nát, Bộ Ngoại giao vẫn là nơi còn tốt đẹp. Làm như vậy, các bạn bắt đầu chỉnh sửa đất nước Việt Nam.

Tâm sự thì ngắn, nhưng chất chứa nhiều thông điệp và cả một niềm hy vọng.

Hy vọng của cá nhân tôi và có thể của cả một dân tộc.

Chúc may mắn và thành công đến với các bạn.

Đặng Xương Hùng
[Thụy Sĩ,
14/8/2017]

Video liên quan

Chủ Đề