Có bao nhiêu yếu tố thuộc chuẩn trí tuệ phổ quát?

Posted on by Civillawinfor

   BÙI KIM TRỌNG

Trích dẫn tác phẩm là một phần của quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng các hoạt động nghiên cứu, kế thừa, sử dụng ý tưởng của tác giả trước đó đều có liên quan đến việc trích cứu hợp lý tác phẩm, nhất là trong thời đại kỹ thuật số, môi trường internet thì mọi thông tin đều có thể truy cập và trích dẫn một cách dễ dàng.

Do đó, việc trích dẫn này như thế nào để đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, không làm sai lệch ý tưởng của tác giả và đúng được ý đồ của người trích dẫn là việc không đơn giản.

1. Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ được pháp luật bảo hộ. Quyền sở hữu trí tuệ được định nghĩa là tập hợp các quyền đối với tài sản vô hình là thành quả lao động sáng tạo hay uy tín của các chủ thể, được pháp luật bảo hộ [1].
2. Khái niệm quyền tác giả

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu[2].
3. Khái niệm trích dẫn hợp lý tác phẩm

Là sự tái tạo chính xác một đoạn văn bản mà không có sửa chữa gì, phân biệt với đoạn văn bản xung quanh bằng dấu trích dẫn hoặc các yếu tố định dạng, dựa theo một nguồn đáng tin cậy[3].
Trích dẫn tài liệu là phương pháp được chuẩn hóa trong việc ghi nhận những nguồn tin và ý tưởng mà người viết đã sử dụng trong bài viết của mình trong đó người đọc có thể xác định rõ từng tài liệu được trích dẫn, tham khảo. Các trích dẫn nguyên văn, các số liệu và thực tế, cũng như các ý tưởng và lý thuyết lấy từ các nguồn đã được xuất bản hoặc chưa được xuất bản đều cần phải được trích dẫn[4]

4. Những quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm

4.1. Quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm theo Công ước Berne năm 1886

Điều 10 Công ước Berne năm 1886 quy định một số trường hợp sử dụng tự do tác phẩm: 1. Trích dẫn; 2. Minh hoạ phục vụ giảng dạy; 3. Chỉ dẫn nguồn gốc và tác giả.
Được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới hình thức điểm báo[5].

4.2. Những quy định của pháp luật Việt Nam về trích dẫn hợp lý tác phẩm

Luật Sở hữu trí tuệ nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến các quyền sở hữu trí tuệ và quy định các trường hợp khi sử dụng tác phẩm đã công bố thì phải xin phép, trả nhuận bút và thù lao, thế nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là trích dẫn hợp lý tác phẩm. Điểm b Khoản 01 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về việc trích dẫn hợp lý tác phẩm:
“Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình”[6] thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Điều 24 Nghị định số 100 ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó, trích dẫn hợp lý phải là:

1. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải phù hợp với các điều kiện sau:


a. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình;
b. Số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn[7]. Như vậy, việc trích dẫn ngoài việc không làm sai ý của tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả và phù hợp với đặc điểm của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn thì việc trích dẫn đó phải không nhằm mục đích thương mại.

Ngoài ra, những thông tin được xem là kiến thức phổ quát thì không cần trích dẫn, tuy nhiên làm thế nào để nhận ra đâu là kiến thức phổ quát vì kiến thức phổ quát là vấn đề mà hầu như được nhiều người biết đến và rất dễ nhầm lẫn giữa kiến thức phổ quát và kiến thức cần trích dẫn. Ví dụ, tại Giáo trình của một tiến sĩ có đoạn trích dẫn “Khái niệm về bản quyền, sáng chế xuất hiện từ thế kỷ 17 và thế kỷ 18” và ghi chú đầy đủ nguồn thông tin được trích dẫn. Mặc dù qua việc nghiên cứu, truy cập thông tin, tác giả của Giáo trình trên cũng có thể kết luận nội dung này và đây cũng có thể được xem là kiến thức phổ quát vì thông tin đó không thuộc của riêng ai và cũng không phải ý tưởng của bất kỳ tác giả nào. Thế nhưng việc trích dẫn và giữ nguyên giá trị của tài liệu được trích dẫn thể hiện sự tôn trọng và quá trình nghiên cứu nghiêm túc của tác giả đối với tác phẩm được trích dẫn. Đồng thời tuân theo những tiêu chuẩn của việc nghiên cứu, thể hiện tính chính xác của nguồn thông tin dựa trên các luận cứ trước đó.

Chính việc trích dẫn nghiêm túc tác phẩm sẽ hạn chế được vấn đề đạo văn. Vấn đề đạo văn ở Việt Nam là vấn đề thời sự. Tháng 10 năm ngoái xảy ra một vụ tai tiếng về một nhóm tác giả với 3 bài báo khoa học bị rút lại sau khi đã công bố trên một tập san quốc tế.  Nạn đạo văn ở nước nào cũng khá phổ biến, nhưng ở nước ta cường độ thì có lẽ cao hơn nhiều so với các nước khác[8].

Nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, Luật sở hữu trí tuệ quy định các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm: Biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mc độ của hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, để xác định loại vi phạm pháp luật nào được áp dụng và áp dụng như thế nào đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn[9].

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về cách trích dẫn ra sao, và việc chú thích trích dẫn đó như thế nào cho phù hợp, tên tác giả trước hay tên tác phẩm trước; trường hợp trích dẫn liên quan đến số trang thì ghi trang tài liệu được trích dẫn trước [trang số mấy] hay ghi số trang sau cùng, sử dụng bao nhiêu từ thì phải trích dẫn… Từ các vấn đề trên cần phải có các chế tài đủ mạnh và xử lý thật nghiêm túc các trường hợp sử dụng tác phẩm của người khác mà không trích dẫn hoặc trích dẫn nhưng làm sai ý nghĩa của tác phẩm được trích dẫn để có sự răn đe và để mọi người thấy được sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, và giá trị của tài sản vô hình này. Cần hoàn thiện những quy định của pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách. Hiện nay để giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ thì chủ yếu do các thẩm phán của của Tòa dân sự đảm nhận, tuy nhiên đội ngũ này lại ít được đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, do đó cần mở các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho đội ngũ Thẩm phán, Điều tra viên về sở hữu trí tuệ, để giải quyết để giải quyết các vụ việc đúng pháp luật và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần định hướng trong tương lai sắp tới nên thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng cao. Cần từng bước nâng cao dân trí, làm cho toàn dân hiểu được tác hại của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân, đơn vị, tổ chức mình[10].

Phải luyện kĩ năng để tự diễn giải thông tin gốc. Có 3 cách để diễn giải thông tin hay câu văn gốc: thay đổi cấu trúc câu văn, dùng những từ đồng nghĩa, và thay đổi dạng của câu văn[11]. Có như vậy mới đảm bảo việc trích dẫn các thông tin mà không làm sai ý tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả.

Kết luận

Mục đích của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không ngoài việc khuyến khích sáng tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức của cộng đồng, cũng như những lợi ích thiết thực khác thông qua các tác phẩm khoa học[12]. Tôn trọng, bảo vệ và sử dụng hợp lý tác phẩm là việc làm cần thiết và tạo động lực để thúc đẩy việc sáng tạo các tác phẩm khoa học cho xã hội và cho cả người trích dẫn tác phẩm. Sở hữu trí tuệ là phương thức bảo hộ một loại tài sản vô hình, một tài sản có giá trị, dễ bị xâm phạm và khó tự bảo vệ. Sở hữu trí tuệ có thể làm phát sinh độc quyền và các hệ lụy xã hội, tuy nhiên nó có thể là động lực để phát huy tính năng động và sáng tạo, hai động lực không thể thiếu của nền kinh tế thị trường.[13] Trích dẫn hợp lý tác phẩm còn thể hiện sự tham khảo sâu rộng của người viết đối với tác phẩm có giá trị trước đó và sử dụng chúng phù hợp với mục đích bài viết của mình, thể hiện quá trình nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và theo những chuẩn mực nhất định.

Đó chính là một nét văn hóa khoa học chẳng xa lạ gì với người Việt chúng ta: nói có sách, mách có chứng[14].

[1] Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ [NXB Hồng Đức, 2015], trang 09.

[2] Khoản 02 Điều 04 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[3] //nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

[4] //www.google.com.vn/#q=trich+dan+hop&start=10

[5] Điều 10 Công ước Berne năm 1886.

[6] Điểm b Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[7] Điều 24 Nghị định số 100 ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

[8] //nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

[9] Tạp Kiểm sát, Một số vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, số chí 04/02.2016.

[10] Tạp Kiểm sát, Một số vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, số chí 04/02.2016.

[11] //nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

[12] Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ [NXB Hồng Đức, 2015], trang 92.

[13] Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ [NXB Hồng Đức, 2015], trang 22.

[14] //nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

=================================================================

SỬ DỤNG HỢP LÝ LÀ GÌ?

“Sử dụng hợp lý” là một ngoại lệ của việc bảo vệ bản quyền theo luật Mỹ. Nó cho phép người ta được sử dụng một sản phẩm có bản quyền với một mức độ nhất định mà không phải xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu. Phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, việc sao chép có thể được coi là hợp lý nếu phục vụ mục đích phê bình, dẫn giải, đưa tin, giảng dạy [bao gồm việc sao chép nhiều lần để sử dụng trong các lớp học], hoặc nghiên cứu.

Báo cáo năm 1961 về đăng ký bản quyền dựa trên sự xem xét tổng quan của Luật Bản quyền Hoa Kỳ trích dẫn các ví dụ về các hành động được coi là “sử dụng hợp lý”. Đó là những hành động như “trích dẫn các phần trong một bài luận hoặc bài phân tích nhằm mục đích minh họa hoặc phê bình, trích dẫn các đoạn văn ngắn trong công trình nghiên cứu kỹ thuật hoặc khoa học nhằm để minh họa hoặc làm rõ hơn nhận định của tác giả; sử dụng để nhại lại một ít nội dung của tác phẩm đó; tóm tắt một bài phát biểu hoặc một bài báo với những trích dẫn ngắn gọn trong một bản tin; việc sao chép lại một phần tác phẩm của thư viện do một số phần đã bị hư hỏng; giáo viên hoặc học sinh sao chép một phần nhỏ của tác phẩm để minh họa cho bài học; sao chép lại tác phẩm trong các vụ kiện pháp lý hoặc các biên bản báo cáo; sao chép lại ngẫu nhiên và tình cờ trong một cuốn phim thời sự hoặc truyền hình, của một cơ quan có địa điểm tại nơi sự kiện được ghi lại”.

Để xem xét liệu việc sử dụng cụ thể một tài liệu có phải là “hợp lý” hay không, tòa án thường căn cứ vào các yếu tố dưới đây:

  • Mục tiêu và mục đích của việc sử dụng, có nghĩa là liệu việc sử dụng là nhằm mục đích thương mại hay là các mục đích giáo dục phi lợi nhuận;

  • Bản chất của công việc sao chép;

  • Khối lượng và thực chất của các phần được sử dụng trong công trình được cấp bản quyền [công trình dài hay ngắn, để xem việc sao chép là toàn bộ hay không, ví dụ như chỉ một hình ảnh hoặc một vài phần của tiểu thuyết dài];

  • Tác động của việc sử dụng trên thị trường tiềm năng đối với công trình được cấp bản quyền hoặc giá trị của công trình đó.

Phân biệt giữa việc “sử dụng hợp lý” và vi phạm có thể không rõ ràng và không dễ gì xác định. Không có các từ ngữ, dòng hoặc ghi chú cụ thể mà có thể sử dụng để biểu thị toàn bộ ý nghĩa, mà không có những ngoại lệ. Ghi ra nguồn tài liệu được giữ bản quyền không thay thế được việc được phép.

Cần phải lưu ý rằng, kể cả trong giáo dục, sẽ không là “sử dụng hợp lý” để sao chép nếu nhằm “mục tiêu thương mại” hoặc sao chép “một cách hệ thống”, hay được hiểu là “khi mục tiêu sao chép là dùng cho việc mua hoặc bán”. Không có yếu tố nào quyết định liệu việc sử dụng này có “hợp lý” hay không. Tất cả bốn nhân tố trên phải được xem xét cùng với nhau trong tất cả các trường hợp. Xem thêm trong thông tư và thư báo về bản quyền của Văn phòng Bảo vệ Bản quyền Mỹ ở: “Thông tư 21 – Sao chép các công trình có bản quyền của các nhà giáo dục và những người làm trong thư viện”.

SỬ DỤNG TRONG LỚP HỌC, LÀM THẾ NÀO CÓ THỂ ÁP DỤNG SỬ DỤNG HỢP LÝ?

Mạng Internet đã tăng cường khả năng sao chép rất nhiều phiên bản hoàn hảo. Điều đó đã thay đổi khái niệm “hợp lý”. Hãy cẩn thận khi sử dụng tài liệu từ mạng Internet; chú ý bốn yếu tố để kiểm tra việc “sử dụng hợp lý”, hoặc xin phép chủ sở hữu. Chương trình Thư viện Kỹ thuật số Quốc gia đã có nỗ lực rất lớn nhằm các định các chủ sở hữu bản quyền tiềm năng đối với một số mục trong bộ sưu tập Ký ức về nước Mỹ, mặc dù chương trình này thường không thể biết chắc chắn quyền của chủ sở hữu vì thời gian tồn tại của tác phẩm. Khi có biết về người chủ sở hữu nào thì chương trình sẽ đưa thông tin đó vào trong các Quy định về giới hạn gắn liền với các bộ sưu tập này.

Bài viết này được trích dẫn từ trang web của Phòng Tác quyền, Quốc hội Hoa Kỳ tại địa chỉ //www.copyright.gov/fls/fl102.html and //memory.loc.gov/ammem/ndlpedu/start/cpyrt/.

TRÍCH DẪN TỪ:  //www.maxreading.com/

=================================================================

TỪ MỘT VỤ KIỆN BẢN QUYỀN: HIỂU LUẬT CÁCH NÀO … CŨNG ĐÚNG!

LAN NGỌC – BÁO VĂN HÓA VÀ THỂ THAO

Hôm 25-12-2006, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên toà xử sơ thẩm vụ kiện xâm phạm quyền tác giả giữa nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân [81 tuổi] và PGS-TS Đào Thái Tôn [63 tuổi].

Thật ra, vụ kiện đã được thụ lý án từ tháng 2-2006. Thế nhưng, do tính chất phức tạp của vụ việc nên toà phải mất gần một năm ròng để đưa ra xét xử, và phải mất hai ngày để nghị án. Rốt cuộc, kết quả là: cho dù đã có phán quyết, song cả bên đương sự lẫn người thực thi pháp luật đều lúng túng trước những rắc rối cụ thể, thực tế của câu chuyện bản quyền…

Đâu là giới hạn của “trích dẫn” và xâm phạm quyền tác giả?

“Ngòi nổ” vụ kiện bắt đầu từ việc nguyên đơn – ông Nguyễn Quảng Tuân cho rằng ông Đào Thái Tôn đã sử dụng bốn tác phẩm báo chí của ông Tuân để in thành sách Văn bản truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận [NXB Hội nhà văn, Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, in năm 2001; tái bản năm 2003] mà không xin phép. Vì vậy, ông Tuân yêu cầu ông Tôn phải công khai xin lỗi ông trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường thiệt hại [vật chất lẫn tinh thần] 75 triệu đồng.

Thế nhưng, câu chuyện không đơn giản chỉ là “xin phép” hay “không xin phép” để có thể kết luận một cách chóng vánh là: không xin phép thì xâm phạm tác quyền và có xin phép tức là không xâm phạm! Thế nên, phán quyết của TAND TP Hà Nội mới không làm thỏa mãn người trong cuộc và cả người tham dự phiên tòa, đến nỗi cả bên nguyên lẫn bên bị đều lăm le kiện tiếp.

Theo phán quyết, ông Đào Thái Tôn phải bồi thường 25 triệu đồng tiền xâm phạm bản quyền cho ông Nguyễn Quảng Tuân, đồng thời phải trả 1.045.400 đồng nhuận bút bốn bài báo cho ông Tuân mà ông Tôn đã sử dụng. Ngoài ra, ông Tôn phải công khai xin lỗi ông Tuân tại nhà riêng của ông Tuân và phải trả 3.730.000 đồng án phí cho toà.

Tuy nhiên, tòa đã bỏ qua điểm mấu chốt là việc ông Tôn cho in bốn bài viết của ông Tuân mà không xin phép thì được coi là hành vi “trích dẫn hợp lý” hay “không hợp lý”? Mà nếu là “trích dẫn hợp lý” [chữ dùng trong Luật Sở hữu trí tuệ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2006] thì không bị coi là xâm phạm tác quyền, và ngược lại. Vậy vấn đề là trích dẫn ở mức độ nào thì được coi là “hợp lý” và mức độ nào là “không hợp lý”? Trích dẫn một câu, một chữ, một đoạn trong tác phẩm, hay trích dẫn cả tác phẩm có được coi là “hợp lý” không? Và nếu coi việc trích dẫn nguyên vẹn cả một tác phẩm để minh họa, bình chú trong một tác phẩm khác là hợp lý thì phán quyết của toà sơ thẩm e là hơi khiên cưỡng! Thế nhưng, đáng tiếc là các bên liên quan đều không giải đáp được khúc mắc này.

Qua vụ kiện hi hữu này, đã làm lộ rõ những bất ổn trong các văn bản qui phạm pháp luật, cũng như hiểu biết hời hợt của người trong cuộc, cả cơ quan quản lý lẫn người thực thi về bản quyền.

Bởi lẽ, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, cơ quan chuyên trách về bản quyền, thì hiểu rằng theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hễ không xin phép mà tự tiện sử dụng tác phẩm là xâm phạm tác quyền.

Trong khi đó, luật sư bào chữa của ông Tôn thì lại hiểu rằng hành vi của ông Tôn là “trích dẫn hợp lý”. Bởi việc đăng nguyên vẹn bốn bài báo của ông Tuân [khoảng 50 trang in] chỉ là nguyên liệu để ông Tôn sáng tạo ra 82 lời bình chú [cũng xấp xỉ 50 trang] chỉ ra những sai lầm, non kém của ông Tuân. Hơn nữa, mục đích công bố bốn bài báo của ông Tuân chỉ để phục vụ tranh luận khoa học. Nếu đặt bốn bài báo của ông Tuân trong tương quan với cuốn sách “Văn bản truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận” và với 82 lời bình chú của ông Tôn thì có thể thấy rõ “tính sáng tạo” của ông Tôn…

Ngoài ra, ông Tôn vẫn để nguyên tên ông Tuân, không hề sửa chữa bất kỳ câu chữ nào của ông Tuân, cũng không hề mạo danh. Do vậy, căn cứ theo Bộ Luật Dân sự năm 1995 và Nghị đinh hướng dẫn thi hành [người sưu tầm tác phẩm đã công bố của người khác để làm tuyển tập, hợp tuyển, sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có tính sáng tạo thì được công nhận là tác giả của tuyển tập hoặc hợp tuyển; và quyền tác giả này không làm ảnh hưởng đến quyền của tác giả tác phẩm gốc] thì ông Tôn không vi phạm.

Mặt khác, cũng theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, khi trích dẫn hợp lý các tác phẩm đã công bố trên phương tiện thông tin đại chúng mà không làm sai ý tác giả, để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình thì người sử dụng không phải xin phép, cũng không phải trả tiền nhuận bút hay thù lao.

Vậy, phải hiểu thế nào đây? Hay là muốn hiểu cách nào thì cũng… đúng?!

Luật cũng “vênh” nhau!

Sự thực, vụ kiện bản quyền giữa ông Tôn và Tuân không đơn giản chỉ là chuyện của hai ông. Bởi, trong các tác phẩm nghiên cứu, biên khảo, trích dẫn là loại tài liệu [tương đối] quan trọng và hầu như không thể vắng mặt, cho dù trích dẫn với mục đích nào chăng nữa [minh hoạ cho một nhận định, hay phê phán một luận điểm…]. Vả lại, trên thực tế, phần lớn giới khoa học xã hội & nhân văn của ta [nếu không muốn nói là toàn bộ], không thể viết sách mà không cần đến bất kỳ một trích dẫn, hay nguồn tài liệu tham khảo nào! Vì thế, mối bận tâm hàng đầu sẽ là sử dụng trích dẫn thế nào để không bị… rắc rối?!

Thế mà, các văn bản quy phạm pháp luật lại không ăn khớp với nhau. Đơn cử trong Bộ luật Dân sự chỉ có cụm từ “trích dẫn”, mà không hề có từ “hợp lý”. Hai từ “hợp lý” mới chỉ xuất hiện trong Luật Sở hữu trí tuệ, song cũng không được giải thích rõ ràng trong Nghị định hướng dẫn thi hành, dẫn đến việc “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Mặt khác, trong Nghị định hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cũng nói: Mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả trước ngày Luật 2005 có hiệu lực sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật có giá trị hiện hành vào thời điểm xảy ra vi phạm. Nếu hiểu theo Nghị định này có nghĩa là vụ việc của ông Tôn phải được xử theo Bộ Luật Dân sự 1995. Mà căn cứ vào điều khoản giới hạn quyền tác giả của Bộ luật Dân sự 1995 [vì sách của ông Tôn xuất bản năm 2001, tức vẫn chịu sự điều chỉnh của luật] và nghị định hướng dẫn thi hành, thì ông Tôn sẽ không bị coi là xâm phạm tác quyền! Song, nếu hiểu theo luật 2005, như cách hiểu của toà sơ thẩm, bỏ qua sự phân tích “trích dẫn hợp lý” hay “không hợp lý” thì tình thế lại xoay ngược 180 độ!

Bất đồng với phán quyết của toà sơ thẩm, cũng không tâm phục khẩu phục ý kiến của Cục Bản quyền, ông Đào Thái Tôn đang xúc tiến mọi thủ tục kiện lên toà phúc thẩm. Chưa biết toà phúc thẩm nghị án ra sao, song qua vụ kiện hy hữu này [lần đầu tiên chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt của giới học thuật chuyển từ mặt báo sang pháp đình], đã làm lộ rõ những bất ổn trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như hiểu biết hời hợt của người trong cuộc, cả cơ quan quản lý lẫn người thực thi về bản quyền…

TRÍCH DẪN TỪ: //tuoitre.vn/tin/phap-luat/20070104/tu-mot-vu-kien-ban-quyen-hieu-luat-cach-nao-cung%E2%80%A6-dung/181045.html

Related

Filed under: LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ & CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ, Tình huống thực tiễn |

Page 2

  • “Tất cả những lực lượng trên thế giới này cũng không mạnh bằng một ý tưởng đến khi đúng thời điểm.

    VICTO HUGO

    More >>>

  • “TP.HCM hiện chi ra gần 8.000 tỉ đồng. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cũng ủng hộ gần 8.000 tỉ đồng. Do đó bảo đảm bà con không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không ai phải khốn khổ”.

    Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTBXH, phát biểu tại Phiên họp HĐND TP.HCM, tháng 10/2021.

    [Source: laodong.vn]

    More >>>

  • LƯU Ý: Nội dung các bài viết  có thể liên quan đến quy phạm pháp luật còn hiệu lực, không còn hiệu lực hoặc mới chỉ là dự thảo.

    KHUYẾN CÁO: Sử dụng thông tin trung thực, không ngoài mục đích hỗ trợ cho học tập, nghiên cứu khoa học, cuộc sống và công việc của chính bạn.

    MONG RẰNG: Trích dẫn nguồn đầy đủ, để kiến thức là năng lực của chính bạn, để tôn trọng quyền của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, cũng như công sức, trí tuệ của người đã xây dựng trang Thông tin này.



Trang đang được xây dựng lại, mong các bạn thông cảm.

Video liên quan

Chủ Đề