Chineesn luoc toàn cầu có nghĩa là gì năm 2024

Ngày 28-6-2016, Liên minh châu Âu công bố Chiến lược toàn cầu mới với trọng tâm là đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện hơn vì một châu Âu hùng mạnh. Đây được xem là sự thay đổi có tính nền tảng về chính sách đối ngoại và an ninh của châu Âu kể từ năm 2003 đến nay và được dự báo, sẽ có tác động mạnh mẽ tới cục diện an ninh quốc tế.

Chineesn luoc toàn cầu có nghĩa là gì năm 2024

Các nhà lãnh đạo EU tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Bỉ hôm 28-6-2016. (Ảnh: AFP)

Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, với tiêu đề: “Tầm nhìn chung, hành động chung, vì một châu Âu hùng mạnh”, Chiến lược toàn cầu mới của Liên minh châu Âu (EU) bao hàm nội dung quan trọng về việc áp dụng “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc” đối với các thách thức quốc tế tại những khu vực láng giềng gần châu Âu và cả khu vực châu Á. Điều này có nghĩa Chiến lược mới này sẽ không chỉ đẩy mạnh gắn kết kinh tế giữa EU với các nước trên thế giới, mà còn hướng tới giải quyết những thách thức an ninh mới trên các khu vực, nhất là ở châu Á, nhằm tăng cường sức mạnh, vị thế và tầm ảnh hưởng của châu Âu trong tương lai.

1. Bối cảnh ra đời Chiến lược

Hơn một thập kỷ sau khi Chiến lược An ninh châu Âu được công bố (năm 2003) và sau một thập kỷ Ủy ban châu Âu công bố tài liệu chính sách định hướng hợp tác với Trung Quốc (năm 2006), thế giới đã có những thay đổi căn bản. Đó là, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ; Nga khôi phục vị thế cường quốc thế giới; Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương và trung tâm địa - chính trị, địa - kinh tế của thế giới có xu hướng dịch chuyển về châu Á. Trong khi đó, bản thân EU cũng gặp phải những biến động sâu sắc, mà điển hình là cuộc đại khủng hoảng nhập cư vào lục địa già, các cuộc khủng bố đẫm máu tràn lan ở châu Âu. Đặc biệt, việc cử tri Anh quyết định rời EU (Brexit) tạo nguy cơ ảnh hưởng đến chiến lược quốc phòng mới của châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trên thực tế, vương quốc Anh là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất trong EU và là một trong năm quốc gia EU có vai trò quan trọng nhất trong chỉ huy chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Theo con số thống kê, Anh là một trong những nước có đóng góp lớn nhất vào các chiến dịch do EU đứng đầu, với quy mô tương đương 15% tổng chi phí của toàn Liên minh. Hiện tại, Anh cũng đứng đầu chiến dịch chống cướp biển (Operation Atlanta) của EU ở vùng Sừng châu Phi, đóng góp các tàu tuần tra ở Địa Trung Hải và cam kết cung cấp binh sĩ, vũ khí, phương tiện cho lực lượng chiến đấu của EU. Nói cách khác, việc không có Anh trong EU sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển của toàn Khối, gây cản trở nỗ lực tăng cường an ninh tập thể, bao gồm cuộc chiến chống lại lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và thành lập mặt trận thống nhất tại khu vực gần biên giới Nga.

Tất cả các biến cố trên đang thử thách sự tồn tại và phát triển của EU. Trước bối cảnh đó, EU nhận thấy cần phải có chiến lược mới, với một tầm nhìn và hành động mới để không chỉ đảm bảo cho EU đủ sức đối phó với các thách thức mà còn tạo nên một châu Âu hùng mạnh hơn, có sự kết nối trực tiếp giữa sự thịnh vượng của châu Âu và an ninh của châu Á. Vì thế, sự ra đời của Chiến lược được chính giới châu Âu đánh giá là có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Bởi lẽ, nó đã suy xét lại cách thức mà EU đang hành động; chỉ rõ EU đại diện cho điều gì và hy vọng đạt được điều gì trong thế giới đương đại; đồng thời, đặt ra phương hướng hoạt động, các nguyên tắc, lợi ích và ưu tiên trong quan hệ song phương và đa phương của Liên minh, cả trong nội bộ các nước thành viên EU, cũng như giữa EU với phần còn lại của thế giới.

2. Mục tiêu của Chiến lược

Trong Chiến lược mới của mình, EU đã đề ra nhiều mục tiêu, cả mục tiêu tổng quát, cốt lõi và các mục tiêu khác, nhằm làm cho châu Âu hùng mạnh hơn. Trong đó, cùng với quan tâm tới các khu vực láng giềng gần châu Âu, việc hướng tới châu Á cũng được Chiến lược mới thể hiện tương đối rõ nét, với các nội dung chủ yếu sau. Thứ nhất, tăng cường sự hiện diện về kinh tế của EU tại châu Á nhằm duy trì vai trò nổi trội trong kinh tế thế giới. Thông qua đó, cho phép EU chăm lo những lợi ích của mình cũng như nhận được sự tôn trọng hoàn toàn của khu vực then chốt này ngay từ đầu thế kỷ XXI. Thứ hai, góp phần vào sự ổn định ở châu Á bằng cách khuyến khích hợp tác và hiểu biết lẫn nhau ở cấp độ quốc tế. Thứ ba, khuyến khích sự phát triển kinh tế của các nước và khu vực kém thịnh vượng nhất. Các thành viên EU sẽ tiếp tục góp phần làm giảm nghèo nàn, tạo tăng trưởng bền vững của các nước và nhóm nước ở khu vực này. Thứ tư, củng cố và thúc đẩy phát triển nền dân chủ, nhà nước pháp quyền cũng như các phương tiện tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác ở châu Á.

Như vậy, có thể thấy, sự cụ thể hóa về mục tiêu trong Chiến lược mới của EU đối với châu Á chứng tỏ Liên minh này đang tiến thêm một bước quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh chung của mình. Các nhà quan sát cho rằng, thông qua các mục tiêu của Chiến lược mới, EU đã, đang chuyển mình vươn lên, từng bước tách khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ, vươn tầm hoạt động vào các khu vực đầy tiềm năng, nhằm củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của mình trước thềm thế kỷ XXI.

3. Nội dung cơ bản của Chiến lược

Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, EU đưa ra hàng loạt chính sách và cũng là nội hàm chủ yếu của Chiến lược, nhằm giải quyết những thách thức quốc tế tại các khu vực trên thế giới, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với các nước, nhóm nước có nhiều tiềm năng, như: Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, v.v.

Đối với Trung Quốc, Chiến lược toàn cầu mới của EU xác định cơ sở quan hệ EU - Trung Quốc từ nay đến năm 2020, với các nội dung trọng tâm, như: thúc đẩy các lợi ích, mở rộng hợp tác và kêu gọi Trung Quốc tham gia có trách nhiệm giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo đó, EU đưa ra 6 nguyên tắc chính trong quan hệ với Trung Quốc: (1). Đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên theo nguyên tắc cùng có lợi, “có đi có lại”; trong đó, EU cam kết hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của Trung Quốc; đặt ưu tiên ký Hiệp định đầu tư toàn diện và đàm phán Hiệp định Thương mại tự do. EU cho rằng, sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, bên cạnh các cơ hội về kinh tế sẽ có nhiều tác động về địa - chính trị, đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng quy luật thị trường và chuẩn mực quốc tế, nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên; (2). Trung Quốc phải hành xử có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế; (3). Nội bộ EU phải có tiếng nói thống nhất; (4). Hai bên cam kết thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; (5). EU tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, thực hiện công thức “một quốc gia, hai chế độ”, tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan; (6). Tăng cường phối hợp chính sách với Mỹ trong chính sách tổng thể của EU đối với Châu Á - Thái Bình Dương và với các đối tác khác, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Ô-xtrây-li-a, v.v.

Đối với Nga, Chiến lược toàn cầu mới của EU xác định Mát-xcơ-va là một “thách thức chiến lược”. Trong đó, việc Nga sáp nhập Crưm và gây bất ổn tại miền Đông U-crai-na là những hành động thách thức nền móng trật tự an ninh tại châu Âu. EU có kế hoạch sử dụng hai Hội nghị thượng đỉnh riêng rẽ của EU và NATO để thúc đẩy các cuộc cải cách của hai trụ cột an ninh, nhằm giảm sự phụ thuộc của EU đối với Mỹ. Việc này nhằm thực hiện chủ trương liên kết giữa NATO với một EU hùng mạnh hơn trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư cũng như những hành động của Nga mà họ cho là “gây hấn”. Thực chất, đó là cách để EU có thể tiến hành các “hoạt động độc lập” khi cần thiết. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, EU kêu gọi ủng hộ “sự hợp tác có chọn lọc” với Nga trong các lĩnh vực có lợi ích song trùng, bao gồm: biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, giáo dục và giao lưu nhân dân, v.v.

Đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á, EU dự kiến sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải và ủng hộ “cấu trúc an ninh do ASEAN dẫn dắt”. Đồng thời, tăng cường hợp tác với Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a và các nước khác, tiến tới thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và ASEAN.

Chiến lược toàn cầu mới của EU còn nhấn mạnh rằng, các nước thành viên có toàn quyền về chính sách quốc phòng của mỗi nước, nhưng phải hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ “một nền công nghiệp quốc phòng châu Âu”, góp phần quan trọng đối với quyền tự chủ khi thực thi các quyết định của EU. Cùng với đó, EU kêu gọi các nước thành viên gia tăng chi phí quốc phòng nhằm đối phó với các khủng hoảng bên trong và bên ngoài EU, cũng như đáp ứng cam kết dành 20% ngân sách quốc phòng chung cho việc mua sắm các trang bị, thiết bị quân sự và phát triển công nghệ tiên tiến.

Như vậy, cốt lõi của Chiến lược toàn cầu mới của EU là tăng cường vai trò an ninh - phòng thủ nội khối, tăng cường hợp tác an ninh giữa EU với NATO; đồng thời, gia tăng năng lực triển khai các hoạt động quân sự độc lập của Liên minh. Bên cạnh đó, thông qua Chiến lược, EU quyết tâm thực hiện tham vọng gia tăng sự hiện diện và đóng góp thực chất hơn vào vấn đề an ninh châu Á. Mặt khác, với việc dành mối quan tâm nhiều hơn đối với Trung Quốc, Chiến lược toàn cầu mới của EU đã thể hiện rõ tính chất vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ với Trung Quốc. EU ủng hộ Trung Quốc gia tăng vai trò quốc tế nhưng lo ngại về cách hành xử của nước này. Để kiềm chế Bắc Kinh, EU chủ trương tăng cường phối hợp với Mỹ, đòi hỏi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế; trong khi tiếp tục cấm vận vũ khí và chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức độ thành công của Chiến lược toàn cầu mới đầy tham vọng của EU lần này đến đâu, theo giới quan sát, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy cực hữu, sự phổ biến của chủ nghĩa hoài nghi và cả những bất lực của EU trong giải quyết vấn đề nhập cư, cũng như việc ra đi của nước Anh,… tất cả đang tạo nên sự cộng hưởng tiêu cực có nguy cơ đưa EU lâm vào một cuộc khủng hoảng đa phương diện của chính mình. Và cũng theo các nhà phân tích, thay vì hướng tới những mục tiêu lớn lao của Chiến lược, EU cần ưu tiên khởi động lại các cuộc thảo luận một cách sâu sắc về sự cân bằng giữa vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữa mở rộng và củng cố Liên minh, v.v. Đó mới là những vấn đề cấp thiết, bảo đảm cho EU ổn định, đứng vững trước khi đề cập đến mục tiêu “đưa châu Âu hùng mạnh hơn” trong một tương lai gần.