Cảm tử quân là gì

19/07/2021 18:08

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ [07/5/1954] của quân dân ta, Hiệp định Genève về “Đình chỉ chiến sự, tái lập hòa bình trên bán đảo Đông Dương” được ký kết và có hiệu lực thi hành vào ngày 20/7/1954, đánh dấu việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. 

Theo nội dung Hiệp định, vĩ tuyến 17 được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên chuyển quân tập kết, sau đó tiến hành Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào năm 1956. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã thừa cơ nhảy vào miền Nam và dân tộc ta phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến tận năm 1975, non sông thu về một mối. Trong số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Trà Vinh tập kết ra Bắc, rồi trở về Nam chiến đấu, có người chiến sĩ cảm tử Lê Văn Chữ [Năm Lôi]. Hơn 40 năm quân ngũ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Chữ đã có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên quê hương Trà Vinh anh dũng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Chữ.

Ngày 16/8/1946, có lẽ là thời khắc không thể nào quên đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Chữ và là thời điểm mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của quân dân Trà Vinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau Hiệp định Sơ bộ [06/3/1946], từ căn cứ U Minh trở về, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Trà Vinh tập hợp lực lượng, xây dựng đơn vị “Bộ đội Trà Vinh” cấp đại đội, do đồng chí Phạm Văn Châu [Đội Châu] chỉ huy. Đơn vị được đưa về huấn luyện ở vùng tự do Nhị Long, thì ngày 14/8/1946, phát hiện qua nguồn tin điệp báo, thực dân Pháp tung một tiểu đoàn Lê dương hành quân bao vây Rạch Rô - Nhị Long [Càng Long], quyết tiêu diệt lực lượng vũ trang còn non trẻ của ta. Mặc dù quân số ít, vũ khí thô sơ nhưng nhờ mưu trí, dũng cảm, thông thuộc địa hình, bộ đội ta kiên cường chiến đấu suốt một ngày trời, diệt gần 140 tên địch, thu 15 khẩu súng. Ngay đêm đó, đại đội trưởng Phạm Văn Châu thu quân về Lo Co [An Trường] để củng cố lực lượng. Sáng hôm sau, địch đưa thêm một tiểu đoàn Lê dương tăng viện, đánh vào Lo Co. Lại một ngày đọ sức với quân thù, bộ đội Trà Vinh tiêu diệt thêm hàng chục tên nữa, rồi khi đêm xuống, bí mật chuyển quân về Cả Chương [Phong Thạnh, Cầu Kè], tránh sự truy kích của kẻ thù. Tại đây, nguồn lương thực, đạn dược, thuốc men… đã cạn, lại được tin quân thù tăng viện, quyết tâm tiêu diệt đơn vị bộ đội Trà Vinh. Ban Chỉ huy quyết định chỉ để lại một tiểu đội, do đồng chí Năm Lôi chỉ huy, làm nhiệm vụ cản hậu, còn đại bộ phận đơn vị chủ động lợi dụng bóng đêm, rút khỏi trận địa.

Sáng ngày 16/8/1946, sau nhiều đợt pháo, bộ binh địch tiến vào Cả Chương. Tiểu đội của đồng chí Năm Lôi bám trận địa chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của địch nhưng do tương quan quá chênh lệch, hơn chục đồng chí hy sinh, chỉ còn lại tiểu đội trưởng và hai chiến sĩ quốc tế người Nhật, mà mỗi người chỉ còn vỏn vẹn vài viên đạn. Giữa lúc đó, địch cho một máy bay đầm già đến quan sát trận địa. Khi máy bay địch sà xuống thấp, tiểu đội trưởng Năm Lôi và hai chiến sĩ nổ súng. Chiếc đầm già trúng đạn, cố cất lên nhưng vẫn chúi mũi, rơi ngay trận địa. Tên sĩ quan Pháp kinh hoàng bỏ chạy nhưng vẫn không quên gởi lại lời hăm dọa sẽ tàn sát cả xóm, nếu xác chiếc máy bay nằm đó mất đi bất kỳ chiếc đinh ốc nào [?]. Theo phát động của đồng chí Năm Lôi, nhân dân Cả Chương chất rơm đốt cháy rụi phi cơ địch, vừa cho người hộc tốc chạy ra báo làng, báo quận rằng quân Việt Minh về đông hàng trăm người, khiến địch hoảng sợ, không dám hành quân lấy xác máy bay cũng như khủng bố quần chúng.

Đây là chiếc máy bay thứ hai của quân Pháp bị bắn hạ tại chiến trường Nam bộ và là chiếc đầu tiên rơi tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau trận đánh này, đồng chí Năm Lôi được Ban Quân sự tỉnh Trà Vinh cử đi học Trường Quân chính Quân khu Trung Nam Bộ [tức Chiến khu Tám], tại Mỹ Tho. Khi lớp học chuẩn bị bế giảng, ngày 22/01/1947, ông cùng các học viên khác tham gia trận đánh Cổ Cò [Cai Lậy, Tiền Giang], dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến. Đây là trận đầu tiên bộ đội ta đánh giao thông và cũng là trận đầu tiên giáp mặt với thiết giáp địch [lúc ấy là xe nồi đồng], trong khi trang bị của đơn vị chủ yếu là súng trường và lựu đạn. Khi trận đánh diễn ra, ta nổ súng nhưng không làm suy suyển được nên bốn chiếc xe nồi đồng của địch dẫn đầu đoàn xe quân sự, vẫn ào ào tiến vào trận địa. Trước tình thế nguy cấp đó, đồng chí Năm Lôi tự mình xung phong, băng qua làn mưa đạn của địch, leo lên chiếc nồi đồng đi đầu, mở nắp tung lựu đạn vào diệt gọn bọn lính bên trong. Ông tiếp tục tiêu diệt chiếc thứ hai bằng cách đánh mưu trí, dũng cảm đó. Đến chiếc thứ ba, ông bị địch bắn xuyên thủng từ bụng trổ ra phía sau lưng nên ngả xuống đất, bất tỉnh.

Những chiếc xe nồi đồng đi đầu bị tiêu diệt, khiến cho cả đoàn xe quân sự phía sau bị dồn cục lại, đưa lưng hứng trọn những đợt xung phong anh dũng của bộ đội. Kết quả trận đánh, ta diệt 14 xe quân sự, trong đó có 02 xe nồi đồng cùng 180 tên địch, thu hơn 100 súng các loại. Chiến thắng Cổ Cò vang dội, lần đầu tiên diệt xe quân sự địch trên chiến trường Nam Bộ, ngày nay đã được Đảng bộ, quân dân Tiền Giang trân trọng dựng bia tưởng niệm. Riêng đồng chí Năm Lôi được Tổng bộ Việt Minh tặng Huy hiệu Tổ quốc ghi công [lần đầu tiên, danh hiệu này được tặng cho người đang sống, kèm theo những ưu đãi đặc biệt được ghi rõ trong Quyết định: Một là, được ngồi ghế danh dự bất cứ hội nghị nào, từ Trung ương xuống; Hai là, được hưởng mọi chánh sách ưu đãi của Nhà nước; Ba là, nếu hy sinh, vợ con được Đảng, Nhà nước chăm sóc] và danh hiệu Chiến sĩ cảm tử diệt xe tăng. Sau trận đánh, người chiến sĩ cảm tử quân ấy được kết nạp vào Đảng, được thăng vượt cấp từ trung đội bậc phó lên đại đội bậc phó]. Riêng cách đánh xe tăng mưu trí, táo bạo của ông được bộ đội Nam Bộ, rồi bộ đội cả nước phát động học tập, áp dụng thành công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.

Đồng chí Năm Lôi - người chiến sĩ cảm tử quân năm ấy - tên thật là Lê Văn Chữ, sinh năm Quí Hợi- 1923, tại làng An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình nông dân nghèo. Đến tuổi thanh niên, ông trôi dạt lên Sài Gòn kiếm sống và tham gia cách mạng, dưới sự dìu dắt của nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông. Đầu năm 1945, khi trở về nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Dương Quang Đông mang theo người học trò mà ông hằng tin cậy. Ngày 28/8/1945, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh được thành lập, đồng chí Lê Văn Chữ là một trong những cán bộ, chiến sĩ thế hệ đầu tiên. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã chiến đấu vào sanh ra tử trên khắp chiến trường sông nước Cửu Long, mà đặc biệt là vùng đất Trà Vinh, nơi ông xem như quê hương thứ hai của mình. Trong lửa đạn chiến đấu, ông trưởng thành từ người chiến sĩ, trải qua nhiều cương vị chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn. Dù ở cương vị nào, trên chiến trường nào, phẩm chất nổi trội, xuyên suốt và nhất quán nơi ông là luôn có mặt tại điểm nóng nhất của chiến trường, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, không quản gian khổ hy sinh vì đồng đội và vì chiến thắng cuối cùng.

Trở lại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, người chiến sĩ cảm tử quân năm ấy được giao nhiệm vụ thành lập và chỉ huy Tiểu đoàn T70 - tiểu đoàn chủ lực độc lập đầu tiên của khu Tây Nam Bộ thời kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 1966, ông được đề bạt làm Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng RV5 Quân khu. Trên những cương vị này, ông đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu hàng chục trận chống địch càn quét, chống gom dân lập ấp chiến lược, tập kích các cứ điểm quân sự trọng yếu của địch, góp phần cùng quân dân khu Tây Nam bộ và cả nước bẻ gãy chiến lược chiến tranh Đặc biệt và chiến tranh Cục bộ của Mỹ ngụy. Điển hình là các trận tập kích trường huấn luyện biệt kích Mỹ tại Huyện Sử [Cà Mau], tiêu diệt Tiểu đoàn “Tàu phù” [lính Tưởng Giới Thạch] khét tiếng ác ôn…

   

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau chiến thắng Cổ Cò, đồng chí Lê Văn Chữ, với cương vị đại đội phó, rồi Đại đội trưởng đại đội 993, đại đội trưởng 937 và Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 308 cùng đơn vị tham gia hầu hết các trận đánh lớn, lập nên nhiều chiến công vang dội trên chiến trường Vĩnh Trà như trận La Bang, Chiến dịch Bắcsama - Cầu Kè, Chiến dịch Trà Vinh…

Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc và được Quân đội đưa sang học trường Lục quân đang đóng tại một nước bạn láng giềng. Năm 1962, ông được chỉ định làm Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 15 [thuộc Đoàn Phương Đông], vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu. Trong thời gian tập luyện leo núi trước khi lên đường, không may bị thương gãy xương bàn chân nhưng ông vẫn cố nén đau, làm ra vẻ bình thường để được về Nam, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu.

Tấm gương bất chấp khó khăn gian khổ, kiên quyết lên đường về Nam chiến đấu của đồng chí Lê Văn Chữ được Đoàn Phương Đông, Đoàn 559 biểu dương và phát động học tập trong cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

 

Giai đoạn 1966 - 1971, đồng chí Lê Văn Chữ được Quân khu điều về tăng cường cho chiến trường Trà Vinh, giữ trọng trách Tỉnh đội phó, rồi Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Trà Vinh. Khi chiến dịch Xuân Mậu Thân nổ ra, ông được phân công trực tiếp làm Thị đội trưởng Thị đội Trà Vinh, cùng các cánh quân chiến đấu ngay trên chiến trường tỉnh lỵ nhiều tháng ròng. Sau đó, ông đã trực tiếp tham gia chỉ huy trận chiến chống càn quét của Lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tại chiến trường Nhị Long - Đại Phước - Đức Mỹ [Càng Long].

Năm 1986, đại tá Sư đoàn phó Sư đoàn 868 bộ đội chủ lực Quân khu 9 được quyết định của Quân đội cho nghỉ hưu. Ông trở thành Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Cửu Long. Sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập, người chiến sĩ cảm tử quân năm ấy trở về sống an vui cùng vợ con tại Phường 1, thị xã Trà Vinh cho đến khi từ trần, tháng 12/2011.

Với những chiến công hiển hách của một cuộc đời binh nghiệp kéo dài 40 năm, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên chiến trường Trà Vinh, chiến trường Tây Nam bộ, ngày 26/4/2005, người chiến binh cảm tử năm xưa Lê Văn Chữ [Năm Lôi] đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký Quyết định số 634/2005/QĐ.CTN tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 Bài, ảnh: TRẦN DŨNG

Video liên quan

Chủ Đề