Cách lựa chọn bài hát để dạy trẻ

HÌNH THỨC GÕ ĐỆM KHI HÁT CÁC CA KHÚC CHO TRẺ MẦM NON VÀ CÁCH HƯỚNG DẪN SINH VIÊN THỰC HÀNH HIỆU QUẢ

Âm nhạc là một trong những hoạt động nghệ thuật phát triển năng lực, cảm xúc, trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ ở trường mầm non, là phương tiện giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh, phát triển ngôn ngữ, quan hệ trong giao tiếp, trao đổi tình cảm, từ việc cảm nhận cái đẹp trong âm nhạc giúp trẻ dần biết khám phá sự phong phú, đa dạng của cuộc sống.

Dưới sự tác động của âm nhạc thông qua nhịp điệu, tiết tấu, giai điệu, lời ca, trẻ biết bộc lộ cảm xúc, ý nghĩ bằng những cử chỉ, vận động của tay, chân, đầu, cơ thể một cách tự nhiên, ngẫu hứng. Trong các hoạt động vận động theo nhạc, gõ đệm kết hợp với bài hát là một trong những hoạt động vận động phổ biến trong các trường Mầm non hiện nay. Thông qua hoạt động hát kết hợp vận động gõ đệm, trẻ biết bộc lộ cảm xúc, mạnh dạn, tự tin, có lối sống vui tươi, hồn nhiên, hòa nhập cộng đồng.

Để hoạt động giáo dục âm nhạc ở trường mầm non đạt chất lượng, hiệu quả mong muốn, cần đào tạo được đội ngũ giáo viên có kĩ năng thực hành âm nhạc tốt. Một trong những kĩ năng thực hành âm nhạc mà sinh viên ngành Giáo dục mầm non cần thành thạo là gõ đệm kết hợp khi hát những ca khúc cho trẻ mầm non.

Các hình thức gõ đệm phổ biến bao gồm: gõ đệm theo nhịp, theo phách, tiết tấu chậm, tiết tấu nhanh, tiết tấu kết hợp và tiết tấu lời ca. Tùy theo đặc điểm độ tuổi, khả năng họat động âm nhạc của trẻ và tính chất bài hát, mà chúng ta lựa chọn từng dạng vận động gõ đệm cho phù hợp. Qua thực tế giảng dạy chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm trong việc hướng dẫn sinh viên thực hành gõ đệm kết hợp bài hát cho trẻ mầm non như sau:

Thứ nhất: Phương pháp thực hành gõ đệm kết hợp bài hát.

Sinh viên cần tiến hành theo trình tự như sau:

Bước 1: Nhận biết note nhạc trên khuông, xử lí cao độ, trường độ, tiết tấu

Bước 2: Tập hát đúng giai điệu và thuộc lời bài hát

Bước 3: Tập gõ đệm riêng từng cách vỗ tay cho thuần thục

Bước 4: Xác định ca từ ứng với từng động tác gõ đệm và đánh dấu [x] vào các ca từ gõ đệm tương ứng.

Bước 5: Gõ đệm ghép với lời ca: vừa hát vừa gõ đệm theo từng câu ngắn [sinh viên thực hiện chậm và đều nhịp].

Bước 6: Hát kết hợp gõ đệm hoàn chỉnh bài hát. Có thể hát kết hợp gõ đệm với nhiều nhạc cụ gõ khác nhau.

Lưu ý: Để luyện tập kỹ năng gõ đệm, sinh viên cần thực hiện: gõ đệm một cách cho nhiều câu hát và gõ đệm nhiều cách cho một câu hát.

Thứ hai: Sử dụng nhạc cụ gõ đệm

Để tạo sự hấp dẫn cho tiết học cần sử dụng các nhạc cụ gõ đệm một cách linh hoạt, phong phú. Chúng ta có thể sử dụng những nhạc cụ gõ có sẵn hoặc các nhạc cụ gõ tự tạo. Trong quá trình thực hiện gõ đệm, sinh viên cần linh động và luôn tạo sự đa dạng trong các hình thức thể hiện. Ví dụ như: cùng một cách gõ đệm, chúng ta có thể cho trẻ sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau. Cụ thể như: Bài hát Tập đếm chia thành 4 câu, thực hiện hát kết hợp gõ đệm theo tiết tấu kết hợp.

Câu 1: Hát kết hợp gõ đệm bằng thanh phách

Câu 2: Hát kết hợp gõ đệm bằng trống lắc

Câu 3: Hát kết hợp gõ đệm bằng gáo dừa

Câu 4: Hát kết hợp gõ đệm bằng lon

Hoặc có thể mỗi nhóm sử dụng một loại nhạc cụ gõ đệm. Sau đây là một số nhạc cụ gõ tự tạo của sinh viên lớp Giáo dục mầm non khóa học 2016 2019 của Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Cà Mau:

Nhạc cụ tự tạo của sinh viên lớp 17MA [Ảnh: Tuyết Đào]

Để có thể tực tạo ra những nhạc cụ gõ đa dạng, phong phú, sinh viên cần vận dụng sáng tạo những kĩ năng của môn học Kỹ thuật làm đồ chơi. Sinh viên có thể tận dụng những vật liệu tái chế có sẵn như: Vỏ lon, vỏ chai nhựa, gáo dừa, để tiết kiệm chi phí.

Thứ ba: Sử dụng bài hát và cách vỗ tay, gõ đệm trong quá trình dạy trẻ ở trường mầm non.

Ví dụ 1: Bài hát Vườn trường mùa thu Sáng tác: Cao Minh Khanh

Về chủ đề: Chúng ta có thể sử dụng vào các chủ đề: Trường mầm non, Nước và một số hiện tượng tự nhiên, Thế giới động vật.

Đối tượng trẻ: Dạy cho đối tượng trẻ khối Lá [5 6 tuổi].

Vận động vỗ tay, gõ đệm: Ứng dụng được cả sáu cách vỗ tay, gõ đệm theo nhịp, phách, tiết tấu lời ca, tiết tấu chậm, tiết tấu nhanh, tiết tấu kết hợp.

Dạy tích hợp: Bài hát có thể dạy tích hợp vào các môn học: Khám phá khoa học, làm quen văn học, tạo hình, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời

Ví dụ 2: Bài hát Tập đếm Sáng tác: Hoàng Công Sử

Về chủ đề: Chúng ta có thể sử dụng vào các chủ đề: Bản thân

Đối tượng trẻ: Dạy cho đối tượng trẻ khối Mầm, Chồi [3-4 tuổi và 4-5 tuổi].

Vận động vỗ tay, gõ đệm:

Đối với trẻ khối Mầm: Chủ yếu ứng dụng được bốn cách vỗ tay, gõ đệm theo nhịp, phách, tiết tấu lời ca, tiết tấu chậm.

Đối với trẻ khối Chồi: Chủ yếu ứng dụng được bốn cách vỗ tay, gõ đệm theo nhịp, phách, tiết tấu lời ca, tiết tấu chậm. Tuy nhiên, nếu khả năng hoạt động âm nhạc của trẻ tốt, giáo viên có thể hướng dẫn trẻ tập thêm cách gõ đệm theo tiết tấu nhanh và tiết tấu phối hợp.

Dạy tích hợp: Bài hát có thể dạy tích hợp vào các môn học: Làm quen với toán, làm quen văn học, khám phá khoa học, thể dục, tạo hình, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời

Để tổ chức và hướng dẫn tốt các hoạt động âm nhạc cho trẻ tại trường mầm non, trong quá trình học tập, sinh viên cần có thái độ và phương pháp học nghiêm túc, có ý thức tự học, tự rèn luyện nâng cao các kĩ năng thực hành âm nhạc, kĩ năng vận động gõ đệm kết hợp bài hát cho trẻ mầm non theo từng chủ đề và ở các độ tuổi khác nhau. Đồng thời, biết kết hợp các hình thức gõ đệm với nhiều nhạc cụ tự tạo khác nhau. Sự phong phú, đa dạng âm sắc của các nhạc cụ trong quá trình thực hành gõ đệm sẽ luôn tạo thêm sự hấp dẫn và sinh động cho bài hát và tiết học âm nhạc.

Tài liệu tham khảo

1. Hữu Du, [2011], Giáo dục âm nhạc trong trường mẫu giáo, NXB Giáo dục.

2. Phạm Thị Hoà, [2008], Giáo dục âm nhạc tập II. NXB Đại học Sư phạm.

3. Phạm Thị Hòa, [2014], Tổ chức hoạt động cho trẻ mầm non, NXB Giáo dục Việt Nam.

4. Hoàng Văn Yến [2010], Nghệ thuật âm nhạc với trẻ mầm non, NXB Giáo dục.

5. Hoàng Văn Yến, [2012], Tuyển tập bài hát Mầm non, NXB Giáo dục.

6. Trung tâm nghiên cứu và chương trình GDMN, [2019], Tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non theo hướng tích hợp, NXB Giáo dục.

Video liên quan

Chủ Đề