Các nước oecd là gì

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là gì?

  • 1. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là gì?
  • 2. Mục tiêu chính của OECD
  • 3. Các nội dung về OECD
  • 4. Cơ cấu tổ chức
  • 5. Tài chính
  • 6. Nội dung hoạt động
  • 7. Cơ chế hợp tác giữa OECD và các nước không thành viên
  • 8. Mục đích hoạt động:
  • 9. Lợi ích thành viên:
  • 10. Quan hệ Việt Nam – OECD

Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162

1. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là gì?

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong tiếng Anh là Organization for Economic Cooperation and Development; viết tắt là OECD.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập theo một hiệp định kí tại Paris vào ngày 14 tháng 12 năm 1960 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Tổ chức thành lập nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của các nước thành viên và thế giới, tăng cường thương mại quốc tế. OECD có trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp).

2. Mục tiêu chính của OECD

Mục tiêu chính thức của OECD được ghi trong Điều 1 Hiệp định thành lập là phối hợp chính sách nhằm:

- Đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo công ăn việc làm và nâng cao mức sống cho người dân ở các nước thành viên, trong khi vẫn duy trì được ổn định tài chính, và qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới.

- Góp phần vào sự lớn mạnh vững chắc về kinh tế của các nước thành viên và các nước không phải là thành viên trong quá trình phát triển kinh tế.

- Góp phần vào sự mở rộng thương mại thế giới trên cơ sở đa phương, không phân biệt đối xử phù hợp với các cam kết quốc tế.

Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

3. Các nội dung về OECD

Về đối nội, tổ chức xác định sứ mệnh của mình là tập hợp các nước có cam kết chặt chẽ với dân chủ và nền kinh tế thị trường. Không giống như Liên minh Châu Âu, OECD là một tổ chức liên chính phủ, không phải là một tổ chức đứng trên quốc gia.

Trên thực tế, OECD đưa ra các khuyến nghị không mang tính chất ràng buộc cho các nước thành viên. OECD cũng được xem là một diễn đàn quan trọng cho các nước thành viên phối hợp các chính sách kinh tế, trao đổi ý kiến, thảo luận các thỏa thuận liên quan đến thương mại và các vấn đề khác, xây dựng các mối liên hệ giữa các nước thành viên với các nước không phải là thành viên.

Ngoài trọng tâm về kinh tế, OECD gần đây mở rộng nhiệm vụ của mình sang các vấn đề xã hội, chính trị, và văn hóa. OECD còn được xem là nguồn thông tin kinh tế và thống kê rất có giá trị cho các nước thành viên cũng như cho các tổ chức và cá nhân có quan tâm.

Về đối ngoại, OECD hiện có quan hệ hợp tác với hơn 70 nước không phải là thành viên của tổ chức này. OECD cũng duy trì mối quan hệ mật thiết với các tổ chức dân sự và các nghị viện như Hội đồng châu Âu và Hội đồng NATO.

Ngoài ra, OECD cũng có mối quan hệ chính thức với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Nông lương (FAO), Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Trong quan hệ Bắc – Nam, các nước OECD được xem là đại diện cho nhóm lợi ích đối trọng với các nước đang phát triển.

Các quốc gia phải nộp đơn xin gia nhập và phải đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu và các tiêu chuẩn khác; họ được hưởng lợi từ các nghiên cứu của nhóm và từ uy tín của việc là một thành viên OECD. OECD hiện có 35 thành viên, với Latvia là quốc gia thành viên mới nhất gia nhập vào năm 2016. OECD đưa ra các tiêu chuẩn về (chống) hối lộ, bảo vệ người tiêu dùng và khai thác khoáng sản có trách nhiệm, bên cạnh nhiều tiêu chuẩn khác. (Việc áp dụng những tiêu chuẩn này là hoàn toàn tự nguyện.)

4. Cơ cấu tổ chức

OECD có 03 cơ quan chính là Hội đồng OECD, Ban Thư ký và các Ủy ban Chuyên môn.

+ Hội đồng OECD: là cơ quan có quyền ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận bao gồm một đại diện của mỗi nước thành viên và một đại diện của Ủy ban Châu Âu. Hội đồng OECD họp cấp Bộ trưởng mỗi năm một lần để thảo luận những vấn đề quan trọng và quyết định hoạt động ưu tiên của OECD.

+ Ban Thư ký OECD: là cơ quan phối hợp các hoạt động của OECD và hỗ trợ cho hoạt động của các Ủy ban, gồm có Tổng Thư ký và 4 Phó Tổng thư ký. Hiện nay, Tổng Thư ký là ông Donald J. Johnston (quốc tịch Canada).

+ Ủy ban Chuyên môn: OECD có 12 ủy ban chuyên môn về các lĩnh vực: kinh tế, thống kê, môi trường, hợp tác phát triển, quản lý công và phát triển lãnh thổ, thương mại, tài chính và doanh nghiệp, chính sách thuế, khoa học công nghệ và công nghiệp, việc làm - lao động và xã hội, giáo dục, lương thực - nông nghiệp và ngư nghiệp.

Ngoài ra OECD còn có 6 cơ quan tương đối độc lập gồm: Cơ quan Năng lượng quốc tế, Cơ quan Năng lượng nguyên tử, Hội nghị Bộ trưởng Giao thông các nước Châu Âu, Trung tâm Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Giáo dục, Câu lạc bộ vùng Sahel và Tây Phi.

5. Tài chính

Tài chính của OECD do các nước thành viên đóng góp theo quy mô của nền kinh tế. Năm 2003, tổng ngân sách của OECD khoảng 200 triệu USD, trong đó Mỹ góp 25%, Nhật Bản 23%, còn lại là các nước Châu Âu.

6. Nội dung hoạt động

Hoạt động của OECD tập trung vào thảo luận và trao đổi giữa các nước về nghiên cứu và phân tích chính sách, chú trọng vào các vấn đề về chính sách kinh tế, kinh tế và phát triển, tiền tệ và hối đoái, chính sách môi trường, hóa chất, viện trợ phát triển, quản lý công, thương mại, đầu tư quốc tế và công ty đa quốc gia, lưu chuyển vốn, bảo hiểm, thị trường tài chính, ngân hàng, cạnh tranh, chính sách thông tin, truyền thông, tiêu dùng, công nghiệp, du lịch, việc làm, lao động xã hội, giáo dục, nông nghiệp…

7. Cơ chế hợp tác giữa OECD và các nước không thành viên

Một là Trung tâm Hợp tác với các nước không thành viên (CCNM): OECD có quan hệ với khoảng 70 nền kinh tế không phải là thành viên, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ thông qua CCNM. Chương trình hoạt động của CCNM được chia thành 2 loại chính gồm Diễn đàn Toàn cầu OECD và Các chương trình quốc gia và khu vực:

- Diễn đàn toàn cầu OECD: là diễn đàn các nước thành viên và không phải thành viên (không hạn chế) thảo luận và đối thoại chính sách hợp tác và phát triển kinh tế. Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức các cuộc gặp, trao đổi, thảo luận không chính thức giữa các quan chức, các nhà nghiên cứu. Diễn đàn hiện tập trung thảo luận 5 chủ đề chính: Phát triển bền vững, Kinh tế tri thức, Quản lý, Thương mại, Đầu tư Quốc tế.

- Các chương trình quốc gia và khu vực: OECD hiện ưu tiên cho khu vực Châu Âu, Trung Á, Châu Á và Nam Mỹ. Trong mỗi khu vực, OECD lựa chọn một nước để xây dựng chương trình quốc gia (ở Châu Á là Trung Quốc). Chương trình quốc gia được triển khai dưới hình thức hội thảo, diễn đàn, bàn tròn chuyển giao kiến thức và công nghệ, nghiên cứu, khảo sát. Về cơ chế tài chính, theo thông lệ, nước chủ nhà sẽ chịu chi phí trong nước (địa điểm họp, mời đại biểu trong nước…), OECD chịu chi phí liên quan đến yếu tố quốc tế.

Hai là, Trung tâm Phát triển OECD: được thành lập năm 1962, đến nay có 27 nước tham gia trong đó có cả những nước không thành viên như Thái Lan (quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á hiện đang tham gia).

8. Mục đích hoạt động:

- Tăng cường quan hệ đối thoại giữa giới nghiên cứu và quan chức lãnh đạo của các nước về những vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển;

- Nghiên cứu, phân tích, tổ chức đối thoại để dự báo, cảnh báo các nguy cơ đối với phát triển;

- Xây dựng và tăng cường quan hệ đối tác giữa OECD với các nước đang phát triển;

- Tư vấn cho OECD trong việc hoạch định chính sách hợp tác liên quan đến phát triển;

9. Lợi ích thành viên:

- Được tham gia vào việc định hướng hoạt động của Trung tâm;

- Được ưu tiên trong việc tham khảo các tư liệu của OECD về kinh nghiệm, mô hình phát triển của các nước thành viên và không thành viên OECD;

- Phổ biến chiến lược, chính sách phát triển của các nước thành viên Trung tâm.

Thủ tục kết nạp: nước xin gia nhập gửi thư ngỏ tới Tổng thư ký OECD. Hội đồng nguyên thủ OECD xét duyệt thông qua. Tổng Thư ký gửi thư mời gia nhập. Nước xin gia nhập sẽ trở thành thành viên chính thức sau khi có thư hồi âm gửi Tổng thư ký khẳng định việc gia nhập.

Lệ phí: 5.000 Euro/năm đối với nước không thành viên có thu nhập thấp và 25.000 Euro/năm đối với nước không thành viên có thu nhập trung bình (căn cứ theo báo cáo chỉ số phát triển của Ngân hàng Thế giới).

10. Quan hệ Việt Nam – OECD

Việt Nam đã có quan hệ với OECD trong nhiều năm thông qua sự tham gia của đại diện các Bộ, Ngành vào một số diễn đàn và chương trình khu vực của OECD như Diễn đàn toàn cầu về Đầu tư quốc tế (Ấn Độ, 10/2004), Hội nghị bàn tròn Đầu tư Châu Á (Indonesia, 2/2005), Diễn đàn Cạnh tranh toàn cầu (Pháp, 2/2005)… Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam tạm thời chưa có chương trình tổng thể về hợp tác với OECD.

OECD đánh giá cao chính sách và các thành tựu của Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam. Để thống nhất triển khai hợp tác với OECD, chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối trong quan hệ với OECD và cử điều phối viên quốc gia của Việt Nam làm việc tại Ban Thư ký OECD. OECD đã đồng ý chọn Việt Nam là một trong những chủ đề chính của chương trình 2005-2006 của Trung tâm Hợp tác với các nước không thành viên (CCNM).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập