Vương tiến dũng là ai

Căn nhà tập thể cũ trên gác hai khu tập thể Xã Đàn 2 [Đống Đa, Hà Nội] là nơi mà HLV Vương Tiến Dũng cùng vợ sống nhiều năm qua. Trước khi xảy ra biến cố, hàng xóm ngày nào cũng thấy ông Dũng xách giày ra sân bóng, hay ngồi nhâm nhi cốc bia hơi Hà Nội mát lạnh.

Nhưng giờ thì vị thượng tá quân đội đang vật lộn với bệnh tật. Ông Dũng phải di chuyển bằng xe lăn, khi nào khoẻ lắm mới dùng được nạng nhưng phải có hai người đỡ.

Cuộc chiến với bạo bệnh của cựu thuyền trưởng CLB Thể Công là một câu chuyện kỳ diệu nhưng cũng đầy nước mắt. Ông Dũng thều thào: “Tôi tưởng như chết, chết mấy lần nhưng may sống lại…”.

Biến cố xảy ra với ông Dũng đã gần 3 năm nhưng nỗi sợ hãi vẫn nguyên vẹn. Vị tướng già ở tuổi thấp thập cổ lai hy tay run run cầm ly trà nóng nhấp môi, rồi hít một hơi dài kể lại cái ngày mà mình gặp hạn.

“Giữa hè năm 2018, thời tiết buổi trưa khá nóng, tôi bỗng thấy mắt mình tối sầm lại. Tôi chỉ kịp biết mình đổ gục xuống đất, chân tay gần như không cử động được. Cả đời chưa bao giờ bị ốm, vì thế tôi nghĩ ngay mình bị nặng rồi.

Rất may lúc đó tôi có điện thoại. Lấy hết sức lực, tôi ú ớ kêu cứu. Nếu không có cuộc điện thoại đến đúng lúc đó, có lẽ tôi đã không còn ngồi ở đây”, ông Dũng kể lại chi tiết.

Xem video cuộc trò chuyện với HLV Vương Tiến Dũng:

May mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng cuộc chiến giành giật lại sự sống của HLV Vương Tiến Dũng mới chỉ bắt đầu. Khi mới vào viện, ông Dũng được chẩn đoán bị chảy máu não. Các bác sĩ chỉ định nếu ông rơi vào hôn mê thì buộc phải phẫu thuật hộp sọ. 

Bà Hằng – vợ của HLV Vương Tiến Dũng, là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện đáng quên xảy ra với gia đình mình. Là phụ nữ, nhưng lúc đó bà Hằng phải là người mạnh mẽ hơn chồng. Nhưng nước mắt cứ thế tuôn ra, bà Hằng chỉ mong điều xấu không đến. Nếu phẫu thuật, rủi ro là rất lớn.

Trời không phụ lòng người, như một phép màu, HLV Vương Tiến Dũng dần hồi phục. Các bác sĩ quyết định chỉ cần điều trị tích cực, tuy nhiên phải xác định mất nhiều thời gian mới có hy vọng trở lại bình thường.

Cuộc chiến trên giường bệnh của vị thượng tá quân đội không chỉ có vợ và các con bên cạnh. Những ngày ông Dũng nằm viện, đồng đội, bạn bè, học trò và cả những người ở nơi xa đã tới thăm ông.

Hình ảnh một nhà cầm quân đầy kiêu hùng năm nào giờ gần như nằm bất động trên giường bệnh với ống xông còn gắn chặt ở mũi, dây dợ loằng ngoằng ở cánh tay, khiến ai cũng cảm thấy xót thương.

Phần lớn thời gian trên giường bệnh ông Dũng chìm sâu vào giấc ngủ. Ông mệt! Nhưng khi tỉnh, ông Dũng biết tất cả mọi thứ. Giọng ông thều thào, đứt đoạn, đôi khi chỉ là ánh mắt, nhưng những ai đến thăm đều kiên nhẫn trò chuyện và chia sẻ cùng người bạn già.

Từ lần đầu nhập viện, HLV Vương Tiến Dũng không nhớ bao nhiêu lần ra ra, vào vào thăm khám, điều trị ở viện Quân y 108. Do sức khoẻ hồi phục chậm, hai vợ chồng ông Dũng quyết định chuyển sang bệnh viện Châm cứu Trung ương. Tại đây, HLV lão làng lên cơn co giật, bác sĩ “bó tay” phải trả về viện Quân y 108. Năm 2019, ông Dũng phải cấp cứu trong tình trạng khá nguy kịch, nhưng một lần nữa người lính già đã chiến thắng “tử thần”.

“Trong cái rủi có cái may, nếu tôi không phải là một cầu thủ vốn được rèn luyện rất kỷ luật, có lẽ khó có thể vượt qua. Các bác sĩ cũng nói rằng tôi là trường hợp đặc biệt”, HLV Vương Tiến Dũng khẽ cười khi mình cao số.

5/7/2020 là một ngày đặc biệt với HLV họ Vương. Sau khi sức khoẻ tạm ổn định, ông Dũng đến sân Hàng Đẫy xem Viettel FC đấu Hà Nội FC trong trận derby Thủ đô. Hình ảnh người tướng già được các CĐV đẩy xe lăn vào sân chính là khoảnh khắc xúc động nhất trận đấu.

Nhiều phóng viên trẻ không biết ông Dũng là ai, còn những phóng viên kỳ cựu thoáng chút giật mình khi nhà cầm quân từng là một tượng đài bóng đá Thể Công khác xưa nhiều quá.

Trước trận đấu, nhiều người tới bắt tay hỏi thăm sức khoẻ ông Dũng, trong đó đa số là học trò, nay đã theo nghiệp cầm quân. Tất cả ôm chặt lấy người thầy cũ, trò chuyện như không muốn rời nhau.

Ông Dũng khóc. Ông khóc như một đứa trẻ mà tay yếu không tự lau được nước mắt. Nhớ lại kỷ niệm ấy, ông thầy sinh năm 1950 mắt đỏ hoe vì quá xúc động. Lần này ông tự lấy giấy khô lau, ánh mắt sáng lên trong niềm hạnh phúc khó tả.

“Với tôi, Thể Công ngày xưa và Viettel bây giờ mãi trong trái tim”, ông thầy họ Vương xúc động nói.

Nói về Thể Công, ông Dũng kể chuyện đến say mê, kể như chưa bao giờ được kể, dù giọng ông liên tục ngắt quãng vì mệt. Ông Dũng kể về chuyến du đấu Triều Tiên năm 1965, kể về lần cuối dẫn dắt Thể Công vô địch, về những đồng đội, đối thủ, và sự phát triển cũng như hạn chế của bóng đá Việt Nam.

Thỉnh thoảng, bà Hằng lại ngắt lời chồng vì biết ông không đủ sức để nói nhiều. Cầm chiếc khăn lau mặt cho ông Dũng tỉnh táo, người vợ tần tảo khoe: “Bóng đá ăn vào máu nhà tôi rồi. Ông ấy ngay cả lúc nửa tỉnh nửa mê vẫn nhắc tới Thể Công”.

Người tính không bằng trời tính, dù muốn gắn bó trọn đời với Thế Công nhưng HLV Vương Tiến Dũng vẫn phải chia tay đội bóng áo lính. Ngã rẽ đó đến giờ vẫn khiến ông Dũng nhói đau, nhưng cũng mở ra một chương mới đầy hào hùng, vinh quang với nhà cầm quân quê Bắc Giang.

Bóng đá Hải Phòng thời hoàng kim gắn liền với cái tên Vương Tiến Dũng. Được "trao ấn kiếm", ông giúp Hải Phòng bước lên đỉnh cao với tấm HCĐ năm 2008 và đặc biệt là ngôi Á quân năm 2010, chỉ về sau Hà Nội T&T ở vòng đấu cuối.

Ba lần đến rồi đi, Hải Phòng trở thành mảnh đất nhiều duyên nợ với tướng Dũng. Nói như nhà cầm quân này, Hải Phòng là nơi mà mình đến giờ vẫn chan chứa nỗi niềm, với nhiều kế hoạch dang dở.

HLV Vương Tiến Dũng nói rằng ông không sợ cái chết sau nhiều biến cố cuộc đời. Nhưng khi đã vượt qua những “khúc cua tử thần”, ông Dũng lại càng khát khao được sống, được trở lại với trái bóng tròn.

“Tôi cứ nghĩ rằng cuộc sống đã kết thúc, nhưng lại được hồi sinh. Mong ước của tôi giờ đây đơn giản lắm, chỉ muốn được tự mình chạy xuống nhà xem bọn trẻ đá bóng, được sút quả bóng đã đi theo mình quá nửa đời người”, HLV Vương Tiến Dũng bùi ngùi.

Nhà cầm quân kỳ cựu trong giây phút thăng hoa với cảm xúc, chợt nhớ về những người bạn, những người đồng nghiệp. Tất cả như ùa về khiến vị tướng già càng mong mỏi một ngày được gặp cố nhân.

Ông Dũng thương Điệp “lùn” của Công an Hà Nội đã mất sau nhiều năm sống thực vật trong vô vọng, ông muốn gọi điện hỏi thăm Hải “lơ” nhưng sợ nói không thành lời, rồi ông nhớ về những cuộc chạm trán nảy lửa với Từ Như Hiển trên sân Hàng Đẫy – cầu thủ mà đến giờ vẫn là trung phong số 1 của bóng đá Việt Nam trong con mắt của HLV Vương Tiến Dũng.

Từng ngày trôi qua và cuộc chiến trên giường bệnh của HLV Vương Tiến Dũng vẫn tiếp tục. Cơn sóng dữ của cuộc đời vẫn có thể ập tới, nhưng trong tình cảnh ngặt nghèo nhất người lính già luôn sẵn sàng đối mặt, như khi ông từng cầm quân vậy.

Bài: Song Ngư

Thiết kế:  Phạm Luyện

“Chuyện Nguyên Phong” của HLV họ Vương dành cho tôi hôm nay là Thể Công của một thời hào hùng năm 1998, khi mà ông dẫn dắt thế hệ vàng của Thể Công gồm Hồng Sơn, Đức Thắng, Việt Hoàng, Mạnh Dũng… vô địch năm 1998. Câu chuyện của người lính già về một đội bóng áo lính đậm chất lính tráng kiêu hùng nhưng không ngăn được những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt vừa qua ngưỡng “cổ lai hy”. Tuổi già giọt lệ như sương, nhưng dường như, khi chạm vào Thể Công, nguồn cảm xúc của ông vẫn tràn đầy, tươi mới như xưa. 

“Tôi được đến với Thể Công là cơ may lớn”

Thật sự tôi vẫn nghĩ rằng việc mình đến với Thể Công là một vinh dự và cơ may lớn nhất cuộc đời. Gia đình tôi vốn là Việt kiều ở Thái Lan về nước, sau đó bố tôi đóng quân ở Nghệ An nên gia đình sống ở thành phố Vinh. Khi đó, tôi theo học ở trường năng khiếu của tỉnh. 

Năm 1964, đội Thể Công vào Vinh để thi đấu với đội Quân khu 4 ở một giải đấu của quân đội. Khi nhìn thấy tôi tập bóng ở đây, các anh, các chú ở Thể Công liền hỏi “Có muốn vào Thể Công không?” và tôi liền gật đầu. 

Sau đó, ông Quýnh [cố danh thủ Ngô Xuân Quýnh] đã viết thư cho gia đình tôi để xin tôi lên Thể Công và bố tôi liền đồng ý. Ở thời điểm này, đội Gang Thép Thái Nguyên cũng về Vinh để xin tôi nhưng bố khuyên tôi hãy gia nhập Thể Công. Tôi chính thức trở thành cầu thủ Thể Công năm 1965 và thi đấu đến năm 1978, sau đó được cử sang Liên Xô học tập ở trường ĐH Thể dục Thể thao quân sự của Liên Xô đến năm 1983.

Đến năm 1984, tôi được giao huấn luyện lứa cầu thủ trẻ của Thể Công gồm Thanh Hải, Trần Xuân Lý, Đặng Văn Dũng. Rồi đến lứa thứ hai vào năm 1988 gồm Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng… Đến năm 1998, tôi lại gặp lại lứa học trò này ở Thể Công nhưng với vai trò HLV trưởng. 

Thể Công khi đó đang rơi vào tình trạng bế tắc. Khi tôi được giao dẫn dắt Thể Công, đội bóng đang trải qua thời kỳ suy thoái nặng nề từ năm 1994 đến 1997. Năm 1995, Thể Công phải đá “chung kết ngược” để tranh suất trụ hạng với Hải Quan. 

Còn mùa 1996 và 1997, Thể Công cứ đá là thua, thậm chí suýt xuống hạng. Cho nên, dư luận và báo chí “đánh” Thể Công tơi tả, khiến cho bên Bộ Quốc Phòng rút lại phiên hiệu Thể Công, chuyển tên đội bóng thành CLB Quân Đội, bởi “Thể Công làm sao có thể thi đấu yếu kém như thế”. 

“Chức vô địch 1998 rất ý nghĩa”

Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi và BHL ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình cho nên đã chuẩn bị rất kỹ càng. Hai tháng trước mùa giải 1998, tôi quyết định không để đội ở Hà Nội nữa mà kéo lên Việt Trì để tập luyện rồi sau đó di chuyển vào Hà Tĩnh tập huấn tiếp đến 27-28 Tết Mậu Dần.

Lúc đó, các cầu thủ cũng rất bức xúc vì không được về nhà dù Tết cận kề. Nhưng do tình thế cấp bách, không thể để lãng phí thời gian tập luyện, nên phải đến chiều 28 tháng Chạp năm 1997, chúng tôi mới về Vinh để làm bữa tất niên rồi về Hà Nội. Tuy nhiên, ngay cả khi đã về thủ đô, toàn đội phải ăn ở tập trung bên Gia Lâm, hôm nào thi đấu mới di chuyển về sân Cột Cờ và thi đấu xong lại trở về Gia Lâm.

Kể lại chuyện này để thấy toàn đội quyết tâm cao như thế nào nhằm chấn chỉnh kỷ luật và xốc lại tinh thần chiến đấu. Mùa đó, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, trận nào cũng tấn công ồ ạt với nền tảng thể lực tuyệt vời không chỉ trong 90 phút mà từ đầu giải đến cuối giải. Chúng tôi đã giành chức vô địch rất xứng đáng vào tháng 6/1998. 

Nhờ thành tích và lối chơi uy dũng của đội bóng, Bộ Quốc Phòng ký quyết định đồng ý sử dụng lại tên hiệu Thể Công thay CLB Quân Đội vào ngày 15/8/1998. Đây là điều rất có ý nghĩa với toàn đội và bản thân tôi bởi đã hoàn thành được nhiệm vụ của một người lính Thể Công.

Riêng tôi, còn có niềm tự hào khác bởi lứa cầu thủ năm đó chính là lứa cầu thủ trẻ nhập ngũ năm 1988 do tôi đào tạo. Đây có thể gọi là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam với Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng và  những cầu thủ trẻ hơn như Triệu Quang Hà, Trần Tiến Anh, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng… Thế hệ này cũng đã trở thành trụ cột của ĐT Việt Nam ở SEA Games 1999 tại Brunei.

Niềm vui nhân đôi của lứa 1965

Hơn 10 năm sau, Thể Công bị xóa tên. Chúng tôi đều cảm thấy xót xa. Tôi rời Thể Công để đi làm HLV của gần 10 đội bóng khác trước khi giải nghệ vào năm 2014. Nhưng tôi vẫn suy nghĩ về Thể Công hàng ngày. 

22 năm sau chức vô địch của Thể Công, chúng tôi mới được hưởng lại niềm vui khi CLB Viettel vô địch V.League 2020. Đó cũng là ngày kỷ niệm 55 năm ngày thế hệ nhập ngũ năm 1965 của chúng tôi trở thành người Thể Công. Và càng hạnh phúc hơn khi Trương Việt Hoàng là HLV của Viettel. 

Phải nói rằng, lứa cầu thủ vô địch năm 1998 có nhiều tố chất để trở thành HLV giỏi như Việt Hoàng, Đức Thắng, Hồng Sơn, Quang Hà. Các em đã trải qua thời kỳ khó khăn nên có được bản lĩnh, cộng thêm được đào tạo bài bản nên có năng lực và kiến thức tốt để huấn luyện đội bóng. 

Cho dù CLB Viettel chưa có được sự uy dũng như Thể Công khi xưa, nhưng Việt Hoàng đã làm rất tốt những gì tôi đã từng làm với Thể Công 22 năm trước. Với phẩm chất Thể Công của Việt Hoàng và cách làm bóng đá hiệu quả của tập đoàn Viettel, tôi cho rằng, chỉ 1-2 năm nữa thôi, Thể Công lẫy lừng của ngày xưa sẽ trở lại. 

Video liên quan

Chủ Đề