Vì sao nên phát hiện ung thư sớm

Phát hiện ung thư sớm có thể cứu sống được mạng người. Ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trước khi khối u có cơ hội phát triển quá lớn hoặc di căn quá xa, có thể được điều trị thành công. Trong trường hợp ung thư di căn, điều trị sẽ trở nên rất khó khăn, và khả năng sống sót sau khi điều trị ung thư là thấp hơn rất nhiều.

Tầm soát ung thư sớm có thể nâng cao khả năng sống sót

Dưới đây là một số ví dụ về tầm quan trọng của việc tầm soát để phát hiện ung thư sớm:

Ung thư ruột

Hơn 9 trong 10 bệnh nhân mắc các bệnh ung thư ruột sống sót hơn 5 năm kể từ khi kết thúc điều trị bệnh nếu được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

Ung thư vú

Hơn 90% phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn đầu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này và tiếp tục sống khỏe mạnh hơn 5 năm sau khi kết thúc điều trị ung thư. Trong khi đó, chỉ có 15% phụ nữ có thể khỏi bệnh khi phát hiện ung thư ở giai đoạn cuối.

Ung thư buồng trứng

Chỉ có 5% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn cuối có thể chữa bệnh thành công. Đây là điều đáng buồn vì khi ung thư buồng trứng được phát hiện ở những giai đoạn sớm hơn, có tới 90% số phụ nữ mắc bệnh khỏi bệnh và sống khỏe mạnh đến hơn 5 năm sau khi kết thúc điều trị.

Ung thư phổi

Khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi có thể vượt qua khỏi bệnh ung thư và kéo dài được sự sống ít nhất trên một năm nếu phát hiện ung thư phổi và điều trị bệnh ở những giai đoạn đầu. Bệnh nhân phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn thì chỉ có khoảng 14% số đó có thể chữa khỏi bệnh.

Phát hiện sớm ung thư khiến khả năng sống sót được nâng cao. Tuy nhiên, tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh chỉ là bước đầu trong quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân còn phải nhận được phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của mình để có được kết quả tốt nhất. Ví dụ, đối với trường hợp ung thư giai đoạn cuối, khi khối u đã di căn đến những vị trí hiểm hóc trong cơ thể, khiến mỗi lần sinh thiết trở nên khó khăn và đau đớn thì có thể cân nhắc sinh thiết lỏng. Lấy máu và xét nghiệm giải trình tự gen giúp hỗ trợ quá trình điều trị ung thư giai đoạn cuối, mang lại kết quả chính xác đến hơn 99% về bệnh mà không cần xâm lấn như sinh thiết mô thông thường.

Tại sao ung thư lại thường được phát hiện trễ?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến ung thư chỉ được phát hiện ở những giai đoạn muộn. Đa phần bệnh nhân phát hiện ung thư khi các triệu chứng đã quá rõ ràng, dẫn đến việc phải nhập viện. Những bệnh nhân nhập viện này thường có khả năng sống sót thấp hơn những bệnh nhân chủ động tầm soát ung thư và phát hiện bệnh sớm.

Một số lý do khiến bệnh nhân trì hoãn việc phát hiện ung thư sớm bao gồm:

  • Hiểu biết kém về các triệu chứng của bệnh ung thư khiến bệnh nhân chủ quan về bệnh và không tiến hành tầm soát ung thư sớm
  • Một số người trì hoãn việc tầm soát ung thư vì lo sợ kết quả sẽ không như mong muốn. Một số khác quá tự tin với sức khỏe và không muốn phí thời gian của bác sĩ khi phải hỏi làm thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư.
  • Các cuộc xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tổng quát có thể không tìm ra các triệu chứng của ung thư ở giai đoạn sớm và bác sĩ có thể trì hoãn việc thực hiện thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư.
  • Trì hoãn do các lý do khách quan khác như các cuộc hẹn ở bệnh viện bị chậm trễ

Không nên chỉ dựa vừa bác sĩ để phát hiện bệnh sớm. Mỗi cá nhân nên chủ động tìm hiểu về bệnh ung thư, các triệu chứng lâm sàng, và các xét nghiệm tầm soát ung thư sớm. Hiện nay  lĩnh vực di truyền đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát hiện sớm ung thư và điều trị ung thư giai đoạn cuối, điển hình là các xét nghiệm gen và xét nghiệm sinh thiết lỏng để biết được nguy cơ mắc các loại ung thư di truyền của bản thân và điều trị một cách ít đau đớn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Cần lưu ý các thay đổi bất thường ở cơ thể bạn để thông báo cho bác sĩ vì chúng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.

Những triệu chứng tưởng chừng như không đáng lo ngại có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
  • Bất kỳ ai cũng có thể mắc ung thư, tuy nhiên bệnh sẽ dễ xảy ra hơn khi ta càng lớn tuổi. Đa phần các ca ung thư xảy ra ở bệnh nhân từ 50 tuổi trở đi.
  • Đừng chủ quan và nghĩ rằng một số thay đổi chỉ là do tuổi già và các căn bệnh không nguy hiểm khác mà không đến khám. Khi phát hiện các triệu chứng mới và kéo dài, lập tức đến khám bác sĩ.
  • Các triệu chứng bệnh được kể ra dưới đây có thể là triệu chứng của các bệnh nhỏ và không nguy hiểm như ung thư, tuy nhiên chúng có thể là dấu hiệu của ung thư và vẫn cần được lưu ý
  • Phát hiện sớm ung thư khiến khả năng điều trị bệnh thành công tăng cao lên rất nhiều

Các triệu chứng giúp phát hiện ung thư sớm

Dưới đây là một số triệu chứng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Các triệu chứng phổ biến như khối u có thể cảm nhận được thường khiến nhiều bệnh nhân bỏ qua các triệu chứng nhỏ khác. Nên hiểu về tất cả các triệu chứng để có được sự chủ động để phòng ngừa ung thư.

  • Khó thở: Đôi lúc cảm thấy khó thở là điều thường gặp nhưng nếu triệu chứng xảy ra nhiều hơn và cường độ ngày càng nặng thì nên đi khám để có thể phát hiện ung thư liên quan đến đường hô hấp hoặc phổi. Sự xuất hiện của khối u có thể khiến bệnh nhân khó thở.
  • Chảy máu bất thường ở âm đạo: Nếu phát hiện chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ, hoặc sau khi đã mãn kinh
  • Vã mồ hôi nhiều về đêm: Đổ mồ hôi có thể là triệu chứng của các nhiễm trùng hoặc có thể là triệu chứng phụ khi sử dụng một số loại thuốc nhất định. Đây cũng là tình trạng thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ bắt đầu mãn kinh. Tuy nhiên, vã mồ hôi nhiều về đêm có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư và cần được kiểm tra thêm.
Vã mồ hôi thường xuyên, đặc biệt là về đêm thì cần lưu ý.
  • Giọng khàn và khô rát cổ: Đây có thể chỉ là triệu chứng của bệnh cảm thông thường. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài mãi không khỏi thì nên nói rõ với bác sĩ để được kiểm tra thêm nhằm phát hiện ung thư ở khu vực cổ và vòm họng.
  • Tim đập nhanh và khó tiêu: Sau khi ăn một bữa no nê nhiều dầu mỡ thì đây là những triệu chứng bình thường và sẽ biến mất sớm. Tuy nhiên nếu cơ thể thường xuyên cảm thấy tim đập nhanh và khó tiêu, dù không ăn no, và kèm theo các triệu chứng đau thì nên đi khám.
  • Lở miệng mãi không hết: Các vết lở miệng thường hết sau khoảng 2 tuần. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các mô ở vùng miệng tự lành. Nếu các vết sưng và lở miệng không khỏi sau 3 tuần thì nên đến khám bác sĩ.
  • Đầy chướng bụng: Phụ nữ thường cảm thấy bị đầy bụng và triệu chứng thường khỏi nhanh. Tuy là khỏi ngay nhưng nếu bụng bị chướng thường xuyên cũng cần phải lưu ý vì có thể là dấu hiệu sớm của tổn thương khu vực bụng có thể dẫn tới ung thư, hoăc sự xuất hiện của khối u gây chèn ép khoang bụng. Không nên chủ quan và bỏ qua triệu chứng chướng bụng vì nó có thể giúp bạn phát hiện ung thư sớm.
  • Khó nuốt: Một vài chứng bệnh có thể gây khó nuốt, nếu triệu chứng kéo dài và ngày càng nặng, đây có thể là dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng hay ung thư thực quản.
  • Thay đổi trong việc đi đại tiện: Táo bón, phân lỏng, hoặc đi ngoài nhiều hơn bình thường có thể do ngộ độc thực phẩm hoặc mức độ co bóp không tốt của ruột. Thay đổi thói quen đi đại tiện là một trong những dấu hiệu sớm nhất để phát hiện ung thư dạ dày hay ung thư đại trực tràng.
Khó chịu ở vùng bụng và thay đổi thói quen đi đại tiểu tiện có thể là dấu hiệu để phát hiện ung thư sớm.
  • Vết thương không lành: Da lành khá nhanh và các vết thương thường khỏi trong vòng khoảng một tuần. Khi một vết xước hoặc vết cắt không tự lành, kể cả khi vết thương không đau, thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra.
  • Không thèm ăn nữa: Khi bỗng dưng không còn thèm ăn, ít đói và ăn ít đi mà không rõ nguyên do thì nên kiểm tra sức khỏe của mình để tìm bất thường.
  • Thay đổi bất thường ở vùng ngực: Các khối u xuất hiện ở “núi đôi” không chỉ là dấu hiệu đáng lo ngại duy nhất của bệnh ung thư. Cần để ý thêm đến các bất thường như thay đổi về kích thước, hình dạng, hoặc cảm giác lồi lõm ở vú. Thay đổi ở bề mặt như da nhăn, tấy đỏ cũng có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Sưng hoặc đau nhức cũng là những triệu chứng đáng lo ngại. Cũng đừng quên các thay đổi ở nhũ hoa, đặc biệt là trường hợp chảy dịch. Đi khám ngay khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào.
  • Máu ở trong phân: Nguyên nhân phổ biến nhất khi đi ngoài ra máu là bệnh trĩ. Tuy nhiên, đây còn là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh ung thư. Bác sĩ cần biết thông tin này càng sớm càng tốt. Tiểu ra máu cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại. Dù đó có thể không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư thì cũng là “điềm báo” của các bệnh khá nghiêm trọng khác cần được điều trị càng sớm càng tốt.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Nếu bạn không muốn giảm cân và đột nhiên sụt ký mà không rõ nguyên nhân thì nên lưu ý. Nên đi khám để nếu không phát hiện ung thư thì có thể chữa trị ngay các bệnh lý khác.
  • Nốt ruồi mới hoặc thay đổi ở những nốt ruồi cũ: Đa số các nốt ruồi là vô hại trong suốt cuộc đời ta. Nhưng hãy đặc biệt lưu ý đến bất kỳ nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi hiện có đột nhiên thay đổi về kích thước, hình dạng, hoặc màu sắc. Nốt ruồi chảy máu hoặc tiết dịch thì nên sớm đi khám.
  • Ho kéo dài và ho ra máu: Nếu tình trạng ho kéo dài, và cơn ho càng ngày càng nặng đến mức ho ra máu thì nên đi khám.
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân: Đau nhức là cách mà cơ thể nói cho chúng ta biết là có điều không ổn đang diễn ra và cần sự trợ giúp. Càng lớn tuổi thì càng gặp nhiều cơn đau. Nhưng khi gặp những cơn đau không rõ nguyên nhân, kéo dài không hết, hoặc các cơn đau đứt quãng nhưng xảy ra trong thời gian dài, thì vẫn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Đau nhức không rõ nguyên nhân ở bất cứ đâu là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Hiểu về cơ thể và sức khỏe của bản thân và triệu chứng bệnh ung thư giúp bạn chủ động hơn trong việc tự kiểm tra và phát hiện ung thư sớm. Bất kỳ bất thường nào xuất hiện cũng có thể là dấu hiệu sức khỏe của bạn đang cần sự giúp đỡ.

Tự kiểm tra và sàng lọc ung thư

Những triệu chứng nêu trên giúp tự kiểm tra cơ thể tại nhà, và cũng là “còi báo hiệu” cho các xét nghiệm và kiểm tra tiếp theo sau đó tại bệnh viện. Sàng lọc ung thư là việc chủ động đến khám trước khi triệu chứng xuất hiện và ngay cả khi cơ thể vẫn đang khỏe mạnh.
Sàng lọc giúp  tìm kiếm các dấu hiệu sớm có thể cho thấy bệnh ung thư đang phát triển và giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi mà việc điều trị có nhiều khả năng thành công hơn và cơ hội sống sót cao hơn nhiều khi so với phát hiện ung thư trễ. Trong một số trường hợp, sàng lọc ung thư thậm chí có thể hoàn toàn ngăn ngừa ung thư phát triển bằng cách phát hiện các tế bào ung thư nguy hại và loại bỏ trước khi chúng phát triển thành ung thư.

Một số người có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn do một bệnh sử gia đình với nhiều trường hợp mắc ung thư, đặc biệt là các loại ung thư có tính di truyền cao như hội chứng ung thư vú và buồng trứng di truyền hay hội chứng Lynch ở ung thư đại trực tràng. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị những người này thực hiện một số xét nghiệm bổ sung khác để tìm nguy cơ ung thư.

Cho dù bạn ở độ tuổi nào đi chăng nữa, khi nhận thấy bất cứ điều gì không bình thường ở cơ thể thì điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ ngay. Phát hiện sớm ung thư có thể cứu sống bạn.

Nguồn: Cancer Research

Video liên quan

Chủ Đề