Vì sao gọi là khơ me đỏ

Năm 1966, Pol Pot rút cơ quan đại diện bên cạnh Trung ương Cục miền Nam về nước và từ đó, quan hệ của Đảng ta với Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia càng có nhiều trắc trở. Trong thời kỳ này, ở vùng Đông Bắc và Đông Campuchia, chính quyền Vương quốc thỏa thuận cho Việt Nam đặt hậu cứ, kho tàng, trạm cứu thương… Lợi dụng điều kiện vùng hành lang là khu vực rừng rậm, binh lính Pol Pot lúc thì công khai, lúc thì đóng giả làm lực lượng của các phe nhóm khác, đã cướp kho tàng, phục kích các nhóm hành quân lẻ của bộ đội Việt Nam.

Từ năm 1970 đến 1973, khi bộ đội Việt Nam tập trung lực lượng đánh Mỹ và tay sai ở chiến trường Campuchia thì lính Pol Pot đã gây ra 174 vụ khiêu khích, tập kích các hậu cứ, cướp vũ khí, lương thực, giết hơn 600 cán bộ và chiến sĩ Việt Nam. Năm 1972, Pol Pot công khai đề nghị Việt Nam rút quân về nước và có hành động xua đuổiViệt kiềutrong vùng vừa giải phóng. Khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết tháng 1-1973, Pol Pot cho rằng việc ký hiệp định là sự phản bội của Việt Nam với cách mạng Đông Dương và cho cấp dưới tuyên truyền, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối lực lượng Việt Nam đứng chân ở Campuchia.

Lính Pol Pot bị bắt giữ. Ảnh tư liệu.

Trước thái độ thù địch của Pol Pot, tháng 7-1970, trong bức thư gửi cho Trung ương Cục miền Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Với Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, chúng ta cần tìm ra mọi cách tăng cường quan hệ, từng bước tạo ra sự nhất trí về đường lối, chủ trương, đồng thời giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trên bước đường cùng tiến lên của cách mạng, không tránh khỏi những sự khác nhau giữa ta và bạn. Nhưng với đường lối đúng đắn, với tinh thần quốc tế chân chính, với thái độ chân thành, tôn trọng bạn… sẽ xây dựng được tình đoàn kết chiến đấu ngày càng sâu sắc giữa hai Đảng, nhân dân hai nước”[1].

Tuy nhiên, trái với hy vọng của chúng ta, cách mạng Campuchia càng đến gần thắng lợi thì Pol Pot càng ráo riết chuẩn bị kế hoạch chống phá Việt Nam và tiêu diệt lực lượng yêu nước chân chính Campuchia. Ngay sau khi cách mạng hai nước giành thắng lợi [tháng 4-1975], ngày 1-5-1975, tập đoàn Pol Pot đã cho quân xâm phạm nhiều nơi thuộc lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh; tiếp đó đánh chiếm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, triệt phá làng mạc, bắn giết nhiều người dân và bắt đưa đi 515 người khác.

Sau những sự kiện nghiêm trọng trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn hai nước Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục đoàn kết và tăng cường tình nghĩa anh em giữa nhân dân hai nước. Song, do bản chất dân tộc cực đoan, tập đoàn Pol Pot được sự hậu thuẫn bên ngoài tiếp tục có nhiều hành động thù địch chống Việt Nam. Chỉ trong mấy tháng cuối năm 1975 và đầu năm 1976, quân Pol Pot liên tiếp gây ra hơn 250 vụ xâm phạm lãnh thổ, cướp thóc gạo, trâu, bò, tàn sát nhiều người dân Việt Nam.

Từ đầu năm 1977, quân Pol Pot lại mở cuộc tiến công vào các đồn biên phòng Việt Nam ở Bu Prăng [Đắc Lắc], vùng Mỏ Vẹt [Long An] và một số nơi ở Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang. Nghiêm trọng nhất là từ ngày 30-4 đến 19-5-1977, Pol Pot sử dụng lực lượng quy mô sư đoàn tiến công sang đất Việt Nam trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, giết hại 222 người, làm bị thương 614 người, bắt đi 10 người, đốt cháy 552 nhà dân, cướp 134 tấn lúa, phá hoại hàng trăm héc-ta lúa đang đến mùa gặt; cướp phá nhiều tài sản của nhân dân...[2].

Tháng 6-1977, lãnh đạo Khmer Đỏ ra nghị quyết coi Việt Nam “là kẻ thù số một, kẻ thù vĩnh cửu” của Campuchia và từ đây, chúng ngang nhiên mở rộng xung đột thành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mấy tháng cuối năm 1977, quân Pol Pot mở nhiều cuộc tiến công lớn sang Việt Nam trên tuyến biên giới từ Kiên Giang đến Tây Ninh. Riêng tại xã Tân Lập [Tân Biên, Tây Ninh], ngày 25-9-1977, quân Pol Pot đã đốt cháy 400 nóc nhà, giết hơn 1.000 dân thường.

Sau khi bị bộ đội Việt Nam mở đòn tiến công trừng trị hành động xâm lược trên tuyến biên giới, ngày 31-12-1977, tập đoàn Pol Pot đã đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đây, chúng công khai tuyên truyền vu khống Việt Nam, coi Việt Nam là mối đe dọa đối với Campuchia, gắn quá trình phản bội và xâm lược Việt Nam với các cuộc thanh trừng các lực lượng chân chính trong nước.

Chúng ráo riết xây dựng thêm các sư đoàn chiến đấu, đồng thời tập trung 13/18 sư đoàn bộ binh áp sát biên giới Việt Nam, tiến hành khiêu khích, thăm dò, chuẩn bị những cuộc tiến công xâm lược mới. Liên tiếp trong các tháng đầu năm 1978, Pol Pot sử dụng 5 sư đoàn chủ lực cùng 5 trung đoàn địa phương, có pháo binh yểm trợ, luân phiên đánh vào sâu lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, tại xã Ba Chúc [Tri Tôn, An Giang], cách đường biên giới Việt Nam-Campuchia 7km, ngày 18-4-1977, lính Pol Pot đã dồn người dân hiền lành để bắn, giết tập thể bằng những hành động vô cùng dã man, giết hại 3.157 người, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó có hơn 100 gia đình bị giết cả nhà.

Tính từ tháng 5-1975 đến giữa năm 1978, quân Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi hơn 20.000 người; hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá, trâu, bò bị cướp, giết, hoa màu bị phá hoại; hàng vạn héc-ta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới Tây Nam Việt Nam bị bỏ hoang; khoảng nửa triệu dân sát biên giới với Campuchia phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng chạy sâu vào nội địa[3].

Hậu quả mà Pol Pot gây ra cho nhân dân Việt Nam là hết sức to lớn, trong khi nguy cơ diệt vong của dân tộc Campuchia dưới chế độ diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pol Pot đã đến mức nguy kịch. Những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pol Pot là không thể dung tha. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, giúp đỡ những người cách mạng chân chính Campuchia làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội.

Đại táPHẠM HỮU THẮNG

[1]Lê Duẩn:Thư vào Nam,Nxb Sự thật, Hà Nội,1985,tr. 234-235.

[2]Số liệu về quân đội Campuchia vi phạm biên giới Việt Nam từ năm 1975,Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông 82, Đơn vị bảo quản 2325.

[3]Báo cáo về việc lực lượng vũ trang Campuchia tấn công ta ở biên giới,Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Hồ sơ 1172.

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, Pol Pot đã dẫn đầu những lực lượng cộng sản Khơ-me Đỏ vào thủ đô Phnom Penh, bắt đầu một chính quyền độc ác kéo dài 4 năm ở Campuchia. Hơn 1 triệu người đã bị giết chết, tương đương với 1/7 dân số của Campuchia theo những ước tính thận trọng, trong một đất nước không lớn hơn bang Missouri tại Hoa Kỳ. Hầu hết trong số họ bị chết vì đói, suy dinh dưỡng và bệnh tật được chẩn đoán hay điều trị sai. 200.000 người nữa bị hành quyết như là những kẻ thù của nhà nước. Điều này đã diễn ra như thế nào?

Khơ-me Đỏ đang tiến vào Phnom Penh

Bối cảnh

Vào tháng 11 năm 1954, Campuchia được hoàn toàn độc lập sau khi là một nhà nước bảo hộ của Pháp kể từ năm 1863. Điều này đã đánh dấu sự bắt đầu của 16 năm cầm quyền của Hoàng thân Norodom Sihanouk.  Hoàng thân Sihanouk đã chấm dứt một chương trình viện trợ của Hoa Kỳ vào năm 1963 và mối quan hệ giữa Campuchia và Hoa Kỳ đã bị cắt đứt hoàn toàn vào tháng 5 năm 1965.

Trong khi đó, một người tên là Saloth Sar đã trở lại Campuchia sau khi bị ám ảnh nặng bởi chủ nghĩa Mác-xít trong thời gian đi học ở nước ngoài. Ông này lấy một cái tên giả là Pol Pot và tham gia phong trào hoạt động cộng sản ngầm. Vào khoảng năm 1962, Pol Pot đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia, chạy vào rừng để thoát khỏi cơn thịnh nộ của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Trong khi ở trong rừng, Pol Pot đã tổ chức các lực lượng vũ trang được biết với cái tên Khơ-me Đỏ và bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống lại chính quyền Sihanouk.

Vào năm 1970, Hoàng thân Sihanouk bị các lực lượng quân sự cánh hữu được Mỹ ủng hộ lật đổ nên đã trả đũa bằng cách tham gia với Pol Pot để chống lại chính quyền quân sự mới. Cùng năm này, Hoa Kỳ đã tiến quân vào Campuchia để tìm cách quét sạch quân Bắc Việt ra khỏi những doanh trại quân đội dọc theo biên giới hai nước. Điều này chỉ khiến cho quân Bắc Việt tiến sâu hơn vào Campuchia nơi họ đã liên kết với Khơ-me Đỏ.

Hoa Kỳ bất ngờ đánh bom những nơi ẩn náu của quân Bắc Việt ở miền đông Campuchia từ năm 1969 đến năm 1973, gây ra cái chết của tới 150.000 nông dân Campuchia. Do mối đe dọa này, hàng trăm ngàn nông dân đã rời bỏ vùng nông thôn để định cư ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Sự kết hợp của những sự kiện này đã gây ra sự suy thoái kinh tế và quân sự ở Campuchia và dẫn tới việc dân chúng ủng hộ Pol Pot.

Sự bắt đầu của nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia

Hoa Kỳ đã rút binh lính của mình khỏi Việt Nam vào năm 1975 và chính quyền ở Campuchia cũng mất sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. Pol Pot đã lợi dụng cơ hội này và dẫn quân đội Khơ-me Đỏ của ông ta, chủ yếu bao gồm lính du kích vốn là thanh thiếu niên nông dân dưới 20 tuổi, vào Phnom Penh. Vào ngày 17 tháng 4, Khơ-me Đổ đã thành công trong việc chiếm quyền kiểm soát Campuchia.

Pol Pot, được truyền cảm hứng bởi cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc cộng sản, sau đó đã cố gắng xây dựng xã hội nông nghiệp không tưởng của chính mình ở Campuchia, mà ông ta đã đổi tên thành Cộng hòa Dân chủ Campuchia.

Pol Pot tuyên bố bắt đầu năm số 0 và bắt đầu cuộc “thanh lọc” xã hội ghê gớm. Để hỗ trợ cho một hình thức cực đoan của chủ nghĩa cộng sản nông dân, những ảnh hưởng của phương tây như chủ nghĩa tư bản và cuộc sống đô thị bị tiêu huỷ, chấm dứt và tiêu diệt.  Tôn giáo và tất cả những người nước ngoài đều bị cấm. Các đại sứ quán bị đóng cửa, và ngay cả việc sử dụng các thứ tiếng nước ngoài ở Campuchia cũng bị cấm. Các nguồn truyền thông và tin tức không còn được phép nữa và việc liên lạc qua thư từ hay điện thoại bị giới hạn. Tất cả các doanh nghiệp đều bị đóng cửa, giáo dục cũng bị dừng lại, chăm sóc y tế biến mất, và quyền hạn của cha mẹ bị hủy bỏ. Bất cứ sự trợ giúp nào của nước ngoài về kinh tế hay y tế cũng bị khước từ.  Vì thế, Campuchia trở nên bị phong kín khỏi thế giới bên ngoài.

Tất cả các thành phố ở Campuchia đều bị cưỡng chế di tản. Hai triệu người dân ở Phnom Penh đã phải đi bộ rời khỏi thành phố đến vùng nông thôn dưới họng súng. Ước tính rằng khoảng 20.000 người đã bị chết trên đường đi.

Hàng triệu người dân thành phố ở Campuchia giờ bị bắt phải lao động chân tay như nô lệ ở các vùng nông thôn. Vì 2 ngày họ mới được chia một khẩu phần cơm khoảng 180 gam, họ đã nhanh chóng bắt đầu chết vì bệnh tật hay vì phải làm việc quá sức và bị thiếu dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao lại có những “cánh đồng giết người”.

Pol Pot dẫn đầu quân lính Khơ-me Đỏ

“Những gì thối rữa phải bị vứt bỏ”.

Trên khắp Campuchia, các cuộc thanh lọc chết người đã được thực hiện để phá bỏ tất cả những gì còn lại của “xã hội cũ”. Người ta bị hành quyết chỉ bởi vì họ được giáo dục hay có của cải, hay là bị giết dựa trên nghề nghiệp của họ, như cảnh sát, bác sĩ, luật sư, giáo viên, và các quan chức chính quyền cũ. Những người lính chế độ cũ bị giết chết cùng với cả nhà vợ con. Bắt cứ ai bị nghi ngờ là không trung thành với Pol Pot, mà cuối cùng bao gồm cả nhiều lãnh đạo trong chính lực lượng Khơ-me Đỏ, đều bị giết chết.

Ba dân tộc thiểu số đông nhất – người Việt, người Hoa và Hồi giáo Chàm – là đối tượng của cuộc thanh lọc này, cũng như hai mươi nhóm người nhỏ hơn khác. Trong số 425.000 người Hoa sống ở Campuchia năm 1975, một nửa đã bị giết chết. Khơ-me Đỏ đã thực hiện nhiều điều tàn bạo đối với những nhóm người thiểu số này, bao gồm việc ép buộc người Hồi giáo ăn thịt lợn và bắn chết những ai từ chối.

Tại sao?

Khơ-me Đỏ coi thành phố, đô thị là trái tim của chủ nghĩa tư bản và vì vậy phải bị nhổ tận gốc. Quân lính Khơ-me Đỏ gọi Phnom Penh là “con điếm lớn của Mekong”. [theo tác giả Chandler, sách Bi kịch của Lịch sử Campuchia, trang 247]. Những người dân thường bị đuổi ra khỏi thành phố để sống và lao động ở nông thôn như những người nông dân nhằm để tạo ra một xã hội cộng sản lý tưởng. Mục đích của việc biến tất cả mọi người thành nông dân là do thực tế là giai cấp này được tin là “đơn giản, không được giáo dục, chăm làm và không có xu hướng bóc lột những người khác”. Họ đã phải sống như vậy trong nhiều năm và luôn luôn phải cố gắng sống cho qua ngày. Vì lý do này, Khơ-me Đỏ gọi những người nông dân là “những người cũ” và coi họ như những người cộng sản lý tưởng cho nhà nước Campuchia mới.

Người dân thành thị Campuchia bị ép phải di tản về nông thôn

Những người sống ở các thành phố bị coi là “những người mới” và bị Khơ-me Đỏ xem như “gốc rễ của mọi cái xấu của chủ nghĩa tư bản”. Những người mới là tinh hoa của chủ nghĩa tư bản và vì thế là kẻ thù của chế độ Pol-Pot.  Bất kể nghề nghiệp của họ là gì – giáo viên, thợ may, công chức hay hòa thượng – đều không quan trọng. Theo Khơ-me Đỏ, những người mới này đã quyết định sống ở thành phố, chứng tỏ họ trung thành với chủ nghĩa tư bản. Vì thế, hàng trăm ngàn người Campuchia đã tự động bị gán mác là kẻ thù của nhà nước cộng sản mới và bị giết chết.

Khi kế hoạch xây dựng xã hội thiên đường của Pol Pot không thành công, ông ta không chịu nhận sai lầm hay quy tội cho đồng chí của mình hay cho chính bản thân kế hoạch đó. Ông ta đã quyết định rằng có những kẻ thù trong hàng ngũ cũng như trong cái mà ông ta coi là một phe ủng hộ Việt Nam đang nổi lên ở bên trong Đảng Cộng sản Campuchia. Một phần khác của sự đổ tội là tầng lớp cao của xã hội, là những người vẫn còn lại từ chế độ trước. Kết quả là, ông ta đã loại bỏ khỏi đảng của mình những thành viên ủng hộ Việt Nam và kết án tử hình họ, bao gồm cả một số đồng sự lâu năm nhất của ông ta. Giống như bàn tay sắt Stalin, Pol Pot trở nên hoang tưởng hơn bao giờ hết và bắt đầu tin rằng xung quanh ông ta là những kẻ thù khi Campuchia có dấu hiệu tan rã.  Điều này đã tăng số lượng những vụ giết người và bắt bớ và biến đảng này thành một triều đại tàn bạo đến kinh hoàng tồn tại cho đến khi Việt Nam tiến đánh quân Pol-pot vào tháng 1 năm 1979.

Theo www.mtholyoke.edu

Nhật Minh dịch

Xem thêm:

Video liên quan

Chủ Đề