Trong nhà nước pháp quyền, tất cả mọi công dân đều được

Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên long trọng tuyên bố "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" [Ðiều 1]. Nguyên tắc đó được tiếp tục khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và hoàn thiện, phát triển sâu sắc hơn ở Hiến pháp năm 1992 [sửa đổi năm 2001]: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" [Ðiều 2].

Nhờ đứng vững trên quan điểm và nguyên tắc đó mà nhà nước ta không ngừng lớn mạnh, vượt qua được muôn vàn khó khăn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên, trong điều kiện mới, điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế thì nguyên tắc "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" đòi hỏi phải có những nhận thức mới, nội dung mới sâu sắc hơn.

Hiến pháp năm 1992 [năm 2001 sửa đổi, bổ sung một số điều] đã nhấn mạnh quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công và phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nhưng nhân dân trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho các cơ quan tư pháp. Chứ không phải nhân dân trao hết thảy quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, rồi đến lượt mình, Quốc hội lại trao quyền cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp.

Theo Ðiều 84 Hiến pháp năm 1992, nhân dân chỉ trao cho Quốc hội ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ: quyền hạn và nhiệm vụ về lập hiến, lập pháp, quyền hạn và nhiệm vụ về giám sát tối cao và quyền hạn và nhiệm vụ về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quan niệm đó hoàn toàn phù hợp với dân chủ XHCN. Bởi vì, dân chủ XHCN đòi hỏi nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ bằng hình thức dân chủ đại diện mà còn bằng cả dân chủ trực tiếp, trong đó có trưng cầu ý dân. Có như vậy, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mới đúng, mới bảo đảm thực hiện đầy đủ, không hình thức.

Như vậy, thống nhất quyền lực nhà nước được hiểu là toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tập trung thống nhất ở nhân dân chứ không phải thuộc về Quốc hội. Quan niệm đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực. Trước hết, điều đó chỉ ra rằng quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là nhân dân, đều do nhân dân ủy quyền, giao quyền.

Do vậy, nói quyền lực nhà nước là thống nhất trước hết là sự thống nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước. Cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tuy có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở mục tiêu chính trị chung là xây dựng một nhà nước "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" như Ðảng ta đã chỉ ra.

Quan niệm quyền lực nhà nước là thống nhất như nói trên là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đề cao trách nhiệm trước nhân dân, hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ mà nhân dân đã ủy quyền. Ðó cũng là cơ sở để không có chỗ cho các yếu tố cực đoan, đối lập, thiếu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các quyền, nhất là giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Ðồng thời, đó cũng là điều kiện để hình thành cơ chế kiểm soát, nhận xét, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các quyền từ bên trong tổ chức quyền lực nhà nước cũng như từ bên ngoài là nhân dân.

Như vậy, quyền lực nhà nước là thống nhất và tập trung ở nhân dân, chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước là quan niệm có ý nghĩa chỉ đạo tổ chức quyền lực nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Mọi biểu hiện xa rời quan điểm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đều dẫn đến tổ chức quyền lực nhà nước kém hiệu quả.

Trong chế độ dân chủ và pháp quyền XHCN thì quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có của nhà nước mà quyền lực được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Vì quyền lực nhà nước là của nhân dân, nhưng nhân dân lại không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước của mình mà lại giao cho nhà nước, nên tất yếu nảy sinh đòi hỏi chính đáng và tự nhiên phải kiểm soát quyền lực nhà nước.

Mặt khác, khi ủy quyền cho nhà nước, quyền lực nhà nước lại thường vận động theo xu hướng tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu [từ của nhân dân là số đông chuyển thành số ít của một nhóm người hoặc của một người]. K.Marx gọi hiện tượng này là sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước suy cho cùng là giao cho những con người cụ thể thực thi. Không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền.

Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền đối với người được ủy quyền. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước không phải là một đại lượng có thể cân, đong, đo, đếm được một cách rạch ròi, vì nó là một thể thống nhất như nói ở trên. Ðiều đó lại càng đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, mâu thuẫn chồng chéo hoặc trùng lắp trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, hạn chế hiệu lực và hiệu quả thực thi quyền lực được nhân dân ủy quyền.

Xuất phát từ các đòi hỏi khách quan nói trên, quyền lực nhà nước thường được lượng hóa, phân định thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân định này là để giao cho các cơ quan nhà nước khác nhau, thay mặt nhân dân thực hiện. Sự phân định các quyền như vậy là điều kiện cơ bản để nhân dân giao quyền mà không bị lạm quyền, nhân dân kiểm soát và đánh giá được hiệu lực và hiệu quả thực hiện các quyền mà mình đã giao.

Ðồng thời cũng là để cho các cơ quan tương ứng được giao quyền đề cao trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực nhà nước và tự kiểm tra việc thực hiện quyền lực nhà nước được giao của mình.

Quyền lập pháp là quyền đại diện cho nhân dân thể hiện ý chí chung của quốc gia. Những người được nhân dân trao cho quyền này là những người do phổ thông đầu phiếu bầu ra hợp thành cơ quan gọi là Quốc hội. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là đại diện cho nhân dân, bảo đảm cho ý chí chung của nhân dân và được thể hiện trong các đạo luật mà mình là cơ quan duy nhất được nhân dân giao quyền biểu quyết thông qua luật.

Quyền biểu quyết thông qua luật là quyền lập pháp, chứ không phải là quyền đưa ra các mô hình xử sự cho xã hội. Vì vậy, quyền lập pháp không đồng nghĩa với quyền làm ra luật. Ðồng thời, là người thay mặt nhân dân giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước, nhất là hoạt động thực hiện quyền hành pháp, để góp phần giúp cho các quyền mà nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước không bị lạm quyền, lộng quyền hay bị tha hóa.

Quyền hành pháp là quyền tổ chức thực hiện ý chí chung của quốc gia do Chính phủ đảm trách. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là quản lý nhà nước mà thực chất là tổ chức thực hiện pháp luật để bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển xã hội. Không có một Chính phủ quản lý nhà nước hữu hiệu, thông minh không thể có một nhà nước giàu có, phát triển ổn định cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội. Thực hiện quyền này đòi hỏi Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải nhanh nhạy, quyết đoán kịp thời và quyền uy tập trung thống nhất.

Quyền tư pháp là quyền xét xử, được nhân dân giao cho tòa án. Ðộc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt và cao nhất trong tổ chức thực hiện quyền này. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức không được phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án. Ðây thực chất là quyền bảo vệ ý chí chung của quốc gia bằng việc xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước. Vì vậy, bảo vệ pháp luật, công lý, tự do của công dân là trách nhiệm hàng đầu của quyền tư pháp. Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ tính pháp quyền và công lý trong các phán quyết của tòa án.

Như vậy, xuất phát từ đặc điểm của quyền lực nhà nước, việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền nói trên là một nhu cầu khách quan, là cách thức tốt nhất để phát huy vai trò của nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Mặc dù có sự phân công ba quyền nhưng cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp không hoàn toàn tách biệt nhau, mà "ràng buộc lẫn nhau", cả ba quyền đều phải phối hợp với nhau, phải hoạt động một cách nhịp nhàng trên cơ sở làm đúng, làm đủ nhiệm vụ và quyền hạn mà nhân dân giao cho mỗi quyền được Hiến pháp quy định. Mục đích của việc phân công quyền lực nhà nước là để nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm cho tính pháp quyền của nhà nước và phát huy dân chủ XHCN, chứ không phải là để thỏa hiệp hay chia rẽ quyền lực nhà nước giữa các quyền.

Ý nghĩa của sự phân công quyền lực nhà nước là để phân định nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, để nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, quyền lực nhà nước ngày càng thật sự là quyền lực của nhân dân.

GS, TS TRẦN NGỌC ÐƯỜNG [Văn phòng Quốc hội]

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng - Nguồn: xaydungdang.org.vn

Những vấn đề đặt ra trong quan hệ giữa công dân và Nhà nước ở Việt Nam hiện nay

Cho đến nay, ở Việt Nam quan điểm và cách thức xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền chủ yếu tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước, mà hầu như chưa chú ý đúng mức đến việc xây dựng thể chế pháp quyền của công dân với tính cách là nền móng và mục đích tổ chức, hoạt động của nhà nước pháp quyền. Hệ quả là, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa [XHCN] đã diễn ra trong hơn 20 năm, nhưng người dân và cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vẫn hầu như chưa quan hệ với Nhà nước bằng quyền công dân theo đúng nghĩa của nó, mà nhiều khi bằng quan hệ mang tính “cộng đồng - tình nghĩa”, “cá nhân - cá thể” và tính bao cấp.

Tính “cộng đồng - tình nghĩa” thể hiện thông qua các quan hệ bác - cháu, chú - cháu, anh - em, chị - em,... trong cả việc công và việc tư ở cơ quan, thậm chí những việc công càng quan trọng thì người ta càng hay dùng đến quan hệ mang tính “cộng đồng - tình nghĩa”. Tính “cá nhân - cá thể” biểu hiện ở chỗ, chỉ tìm cách vun quén cho lợi ích cá nhân. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan chủ yếu “đút chân vào gầm bàn”, làm việc “chiếu lệ” và vô trách nhiệm theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Không ít người chỉ chăm chỉ khi làm việc cho bản thân mình; còn khi “làm công ăn lương” thì lại lười biếng, tìm cách lợi dụng các chế độ, chính sách. Có mặt lãnh đạo cơ quan thì thể hiện tính chuẩn mực công sở; vắng mặt lãnh đạo cơ quan thì láo nháo, giả dối; tính kiên trì và chịu đựng kém; khi thiệt một chút cho mình để lợi cho việc công, cho đồng nghiệp khác là không chịu được. Ở không ít cơ quan, quan hệ giữa các đồng nghiệp theo kiểu “cá mè một lứa” hay tính tôn trọng giữa các đồng nghiệp với nhau kém, nên không giữ được sự tôn trọng và kỷ cương công sở. Hơn thế, ở một số cán bộ, công chức, viên chức, cách ứng xử với người dân cũng kém, thể hiện ở hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, thậm chí có khi còn tìm cách “bóp nặn” người dân.

Tính bao cấp không chỉ đơn thuần là di sản của cơ chế tập trung - bao cấp, mà xét về bản chất, còn vừa là thuộc tính, vừa là “cơ chế” thực hiện tính “cộng đồng - tình nghĩa” và tính “cá nhân - cá thể”. Tính bao cấp thể hiện ở chỗ, sau hơn 20 năm chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xã hội và con người vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cách nghĩ, cách làm có tính bao cấp. Nhiều người trong và ngoài nhà nước vẫn tìm cách bám vào nguồn lực bao cấp về vật chất và tinh thần từ Nhà nước [ngân sách, kinh phí hỗ trợ phát triển, biên chế,...] và cả từ cộng đồng. Khi nắm được các nguồn lực bao cấp từ Nhà nước, cộng đồng thì họ tìm mọi cách có đặc quyền, đặc lợi, lợi ích nhóm, hay tham nhũng, quan liêu, lãng phí; khi không được hưởng các nguồn lực bao cấp thì tỏ ra bất mãn, có những phát ngôn và hành động tiêu cực,...

Có thể nói, quan hệ mang tính “cộng đồng - tình nghĩa”, “cá nhân - cá thể” và tính bao cấp đã làm cho vị trí, vai trò công dân, quan hệ kiểu công dân và tính “kỷ cương, phép nước” hay nói chung là tính pháp quyền, bị lu mờ.

Nguyên nhân là, về mặt khách quan, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp; di sản tâm lý tiểu nông và tàn dư tư tưởng phong kiến còn chi phối trong một bộ phận không nhỏ thành viên xã hội, nhất là với sự tác động của quan hệ cạnh tranh, bươn trải trong kinh tế thị trường. Tất cả những yếu tố đó đã làm cho quan hệ pháp quyền của công dân và thể chế pháp quyền của Nhà nước ở vào tình thế phải cạnh tranh gay gắt với các quan hệ mang tính “cộng đồng - tình nghĩa”, “cá nhân - cá thể” và tính bao cấp của các cá nhân “rời rạc như những củ khoai tây” và cả của nhiều tổ chức nhà nước. Từ đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều phương diện, nhất là đến các quan hệ qua lại giữa Nhà nước và công dân - từ việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật, cho đến thái độ, trách nhiệm, hoạt động của tổ chức nhà nước và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong giải quyết các công việc của Nhà nước và trong quan hệ với người dân.

Về mặt chủ quan, trong xây dựng lý luận và thể chế pháp luật về Nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta chưa chú ý đúng mức đến mối quan hệ bình đẳng bằng pháp luật giữa Nhà nước và công dân trong nhà nước pháp quyền. Chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến xây dựng thiết chế, thể chế pháp quyền của Nhà nước mà không đồng thời quan tâm xây dựng, phát triển quyền công dân, quyền con người và quan hệ công dân, với tính cách là nền móng và mục đích của nhà nước pháp quyền.

Trong khi Nhà nước buộc công dân phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thì ngược lại, trong nhiều trường hợp, Nhà nước, cơ quan nhà nước lại thiếu hoặc gần như thờ ơ trong việc quy định hay thực hiện nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định đối với trách nhiệm bảo đảm quyền của công dân. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN đã và sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn đối với việc giải quyết mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và công dân, như: 1- Quan hệ qua lại giữa Nhà nước - doanh nghiệp - công dân trong việc phát triển và giải quyết các vấn đề kiến tạo phát triển, khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh, hay trực tiếp là thu hồi, đền bù quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; 2- Quan hệ qua lại giữa Nhà nước và công dân trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội; 3- Quan hệ qua lại giữa Nhà nước và công dân trong phát triển và giải quyết các vấn đề hội nhập quốc tế; 4- Quan hệ qua lại giữa Nhà nước và công dân trong việc xác lập vị trí, vai trò của công dân với tư cách là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; 5- Quan hệ bình đẳng giữa các công dân với nhau và quan hệ bình đẳng giữa công dân và các thiết chế, thể chế nhà nước;...

Nhìn chung, có thể nói, cho đến nay ở nước ta dường như người dân quan hệ với Nhà nước theo cách nhìn chủ quan của mình; và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong quan hệ với công dân cũng có phần tùy tiện theo cách nhìn chủ quan của mình. Tình trạng quan hệ có tính chủ quan đó đã kìm hãm sự phát triển của các quan hệ khách quan giữa công dân và Nhà nước; từ đó tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước và của cả công dân nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Xây dựng thể chế pháp quyền của công dân và của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay

Công dân là nền móng và mục đích tồn tại của Nhà nước, và Nhà nước là khuôn khổ pháp lý để công dân tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện mục đích của mình. Vì thế, Đại hội XII của Đảng khẳng định, phải “Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân”[1]. Theo tinh thần này, ở nước ta hiện nay, cần bảo đảm quyền công dân nói chung, để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhưng thực tế cho thấy, việc thừa nhận và xác lập quyền bình đẳng của các công dân đã là một vấn đề không dễ dàng, thì việc thừa nhận và xác lập sự bình đẳng giữa công dân và Nhà nước bằng pháp luật để xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền còn là một vấn đề nan giải hơn. Hiện nay, ở nước ta, để thiết lập quyền bình đẳng giữa các công dân và quan hệ bình đẳng giữa công dân và Nhà nước bằng pháp luật, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế nhà nước pháp quyền, nhằm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân.

Cho đến nay, chúng ta giải quyết mối quan hệ bình đẳng giữa các công dân và Nhà nước chủ yếu là thông qua pháp chế XHCN. Điểm tương đồng giữa pháp chế XHCN và nhà nước pháp quyền là đòi hỏi nhà nước phải có một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh. Pháp chế XHCN yêu cầu các công dân, kể cả công dân là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và cơ quan nhà nước phải tuân thủ nghiêm túc pháp luật; còn nhà nước pháp quyền nhấn mạnh nguyên tắc mọi cơ quan nhà nước phải được đặt dưới pháp luật. Pháp chế XHCN và nhà nước pháp quyền đều yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt pháp luật, đấu tranh chống tình trạng vi phạm pháp luật. Nhưng nhà nước pháp quyền có nội dung rõ hơn, cụ thể hơn và rộng hơn, vì bao gồm cả quan hệ bình đẳng giữa quyền công dân và nghĩa vụ của nhà nước bằng pháp luật. Nhà nước pháp quyền, trong khi khẳng định vai trò cơ quan lập pháp trong tạo lập khung thể chế luật pháp bình đẳng cho mọi tổ chức và công dân hoạt động thì đặc biệt nhấn mạnh vai trò và nghĩa vụ của hệ thống hành pháp, tư pháp trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm bảo đảm quyền công dân và quyền con người nói chung.

Ở Việt Nam, quan điểm về Nhà nước pháp quyền XHCN lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII, ngày 29-11-1991. Điều 2 Hiến pháp năm 1992 [sửa đổi, bổ sung năm 2001] lần đầu tiên đã chế định “Nhà nước pháp quyền XHCN”. Các điều 2, 3 và 4 Hiến pháp năm 2013 đã chế định thể chế nhà nước, công dân và Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 cũng dành Chương 2 để hiến định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, ngay sau hiến định về chế độ chính trị ở Chương 1. Nhưng cho đến nay, thể chế quyền công dân chưa được xây dựng, hoàn thiện tương xứng với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền theo hướng:

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật, để hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh và ổn định, tạo thành hệ thống quy phạm pháp luật được sắp xếp có trật tự sao cho quyền lực của công dân và đặc biệt là của Nhà nước phải chịu sự giới hạn. Trong khuôn khổ đó, thẩm quyền và các quy phạm của các cơ quan nhà nước và của công dân phải được xác định một cách rõ ràng và chỉ có hiệu lực hay chỉ thành pháp quyền với điều kiện tuân thủ toàn bộ các quy phạm có hiệu lực cao hơn [và cả thấp hơn]. Cao nhất của hệ thống khung khổ pháp luật là Hiến pháp với cơ chế bảo hiến có thẩm quyền phán xử minh bạch. Đây là hạt nhân để khung khổ pháp luật mang tính pháp quyền.

- Thể chế hóa khung khổ pháp luật của Nhà nước: Các quyết định của Nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc chịu sự kiểm soát của quyền lực công trong khung khổ pháp luật chung, vốn trước tiên dựa trên các nguyên tắc hiến định. Theo nguyên tắc đó, các cưỡng chế nhắm vào Nhà nước sẽ trở nên mạnh mẽ: các quy định mà Nhà nước đưa ra và các quyết định mà Nhà nước ban hành phải tuân thủ toàn bộ các quy phạm pháp luật cao hơn đang có hiệu lực [các luật, điều ước quốc tế và các nguyên tắc mang tính Hiến pháp], và không được quyền hưởng bất kỳ ưu tiên nào về mặt tài phán. Muốn vậy, cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản là các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân công, phối hợp và kiểm soát nhau trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

- Trong khung khổ pháp luật, các quy phạm pháp luật được sắp xếp có trật tự, để buộc các công dân và nhất là Nhà nước [thiết chế, nhân viên, văn bản quản lý, kể cả những nhân viên nhà nước cao cấp nhất] phải chấp hành pháp luật. Trong khung khổ đó, vai trò của các cơ quan tài phán là vô cùng cần thiết và sự độc lập của tư pháp là mặc nhiên và bắt buộc; bởi chỉ duy nhất có nó được quyền giải thích và phán xử theo luật pháp. Do đó, phải tập trung xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhằm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, của các chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhất là hoàn thiện thể chế [cơ chế] bảo đảm và những ràng buộc pháp lý về chế độ chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước công dân khi có hành vi gây thiệt hại cho công dân trong thi hành công vụ, ở cả 3 phương diện: tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức; văn bản quản lý hành chính [hay văn bản dịch vụ công].

Hiện nay thể chế [cơ chế] nói trên còn nhiều thiếu sót, hạn chế trong cả hai mặt: quy định của pháp luật, nhất là về cơ chế kiểm soát văn bản quản lý của các cơ quan nhà nước; và việc thực hiện trong thực tế. Cho đến nay, Nhà nước đã có một số văn bản liên quan đến thể chế này, như Bộ luật Dân sự quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với việc bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây nên; cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây nên khi tiến hành các hoạt động tố tụng; Luật Hành chính có một số quy định về trách nhiệm bồi thường vật chất của cơ quan và cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho công dân...

Tuy vậy, những quy định nêu trên còn chưa đầy đủ, chẳng hạn như còn thiếu thể chế bảo đảm và những ràng buộc pháp lý về chế độ chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với các văn bản quản lý hành chính của mình. Và vấn đề đáng quan tâm là, mặc dù đã có quy định của pháp luật, nhưng trong nhiều trường hợp, cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước vẫn không muốn thực hiện trách nhiệm của mình, cố tình đổ lỗi, né tránh hoặc đùn đẩy cho cơ quan khác, người khác. Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước giải quyết công việc chậm trễ, dây dưa, quá thời gian quy định, gây tốn kém công sức, thời giờ, tiền bạc,... của người dân mà không phải chịu trách nhiệm đang là vấn đề cần phải được khắc phục trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa quyền con người, quyền công dân và nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân, nhằm hình thành thể chế pháp quyền của công dân.

Một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là phải thể chế hóa các quyền hiến định của công dân trên cả hai tư cách: quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, để các quyền này thực sự được bảo đảm trong thực tế cuộc sống. Đồng thời, cần cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân, sao cho quyền của Nhà nước được bảo đảm bằng nghĩa vụ của công dân và quyền của công dân được bảo đảm bằng nghĩa vụ của Nhà nước.

Cần xây dựng thể chế quyền công dân theo hướng các công dân trong và ngoài cơ quan nhà nước đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong quan hệ với Nhà nước. Cụ thể:

- Các cá nhân cũng như pháp nhân của khung khổ pháp luật đều bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, các cá nhân cũng như pháp nhân của luật đều có thể tranh cãi một cách bình đẳng với các quyết định của cơ quan công quyền.

- Tạo lập sự gắn kết hữu cơ giữa quyền tự do, dân chủ của công dân với quyền của mọi pháp nhân phù hợp với hiến pháp. Muốn vậy, hệ thống quy phạm pháp luật phải được sắp xếp có trật tự, để công dân cả trong và ngoài cơ quan nhà nước đều phải có trách nhiệm với Nhà nước; đồng thời Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, quyền của công dân cả trong và ngoài Nhà nước. Không thể có nhà nước pháp quyền nếu như không có công dân và không có quan hệ bình đẳng giữa công dân với nhà nước.

- Hoàn thiện và cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân theo hướng “công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm”. Xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong quan hệ với Nhà nước, cả với tư cách người dân và cả với tư cách cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp luật về phản biện xã hội, giám sát xã hội, nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là vai trò của báo chí, các trang mạng,... trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Qua đó, phát hiện những vi phạm trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, quyền con người, quyền công dân.

- Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm trước công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Trong đó, đề cao trách nhiệm bảo đảm các quyền của công dân và thái độ dám chịu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, chống hiện tượng khi phải chịu trách nhiệm thì tìm cách “chạy trách nhiệm”, né tránh, đùn đẩy,...; và đặc biệt, vấn đề dám chịu trách nhiệm phải thường xuyên và thực sự được đề cao, trở thành một “danh dự công vụ”.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra đảng các cấp đối với tổ chức đảng và đảng viên giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước, để các cơ quan nhà nước và các đảng viên hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và chịu sự giám sát nghiêm minh của pháp luật. Xử lý nghiêm minh đối với các đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước.

Thứ ba, xây dựng mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước, xã hội và cá nhân [công dân] theo nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

1- Thực hiện sự can thiệp có mức độ và hợp lý của Nhà nước vào khu vực doanh nghiệp và tổ chức xã hội thông qua các biện pháp: Giảm bớt một cách tối ưu việc “hình sự hóa” sản xuất, kinh doanh của người dân; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò, chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và xã hội. Thông qua đó, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước kiến tạo phát triển, nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đúng đắn giữa Nhà nước, xã hội và cá nhân [công dân]. Và trong quan hệ với thị trường, với xã hội và với cá nhân [công dân], Nhà nước chỉ nên đóng vai trò tạo ra “luật chơi”, “sân chơi”, “cách chơi” và tổ chức cung ứng dịch vụ công.

2- Nhà nước can thiệp vào các thiết chế của xã hội chỉ bằng pháp luật. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp, thống nhất giữa quản lý xã hội bằng pháp luật và quản lý xã hội bằng đạo đức. Nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý xã hội, song cũng cần bổ sung bằng cách chắt lọc, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống mà cuộc sống ngày hôm nay vẫn đang cần có chúng. Cách xử lý là lấy pháp luật làm trụ cột, lấy tục lệ bổ sung cho những khiếm khuyết, khoảng trống của pháp luật, hoặc để cụ thể hóa pháp luật [chủ yếu được thực hiện ở địa phương, cơ sở].

Có nhiều cơ chế kiểm soát khác nhau, nhưng dù vận dụng cơ chế nào cũng phải tuân thủ một nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền là: bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật bằng thể chế cụ thể, chứ không chỉ bằng giáo dục, tuyên truyền. Bất cứ cá nhân hay tập thể nào, kể cả cơ quan nhà nước, nếu vi phạm Hiến pháp và pháp luật thì đều bị điều tra và đưa ra xét xử công khai, minh bạch tại tòa án./.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn - Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

------------------------------------

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 137

Theo: tapchicongsan.org.vn

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề