Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo

Ngày 14/3, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo tại hội trường công an 63 tỉnh, thành phố có đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ cấp tỉnh, thành phố; đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương; đại diện một số sở, ngành liên quan… Tổng số đại biểu tham dự hội nghị cả Trung ương và địa phương lên đến hơn 6.100 đại biểu.

Trung tướng Lê Quốc Hùng nêu rõ, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở rất quan trọng, góp phần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Quan điểm xây dựng lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, cụ thể hóa các quy định tại các Điều 46, 64, 68 của Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, thực tiễn bảo vệ an ninh đã khẳng định những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một số vùng, liên vùng và toàn quốc. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính một bộ phận người dân tại địa bàn cơ sở trước những tác động trái chiều, sự lôi kéo, hướng lái, kích động của các đối tượng xấu, thế lực thù địch và các loại tội phạm… Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết.

Đã có 54 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo tập trung phân tích, làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và vị trí, vai trò, tầm quan trọng của dự án Luật đối với đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng; xây dựng luận cứ khoa học, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động tốt hơn.

Đồng thời, các tham luận từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự đã có nhiều phân tích, luận giải cơ sở thực tiễn, nhiều bài học kinh nghiệm được đưa ra để có thêm được những vấn đề trọng tâm và phương hướng xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở thời gian tới.

Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở

Tại hội thảo, khẳng định sự cần thiết phải có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Luật góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện quy chế và pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống của người dân, ổn định và phát triển đời sống người dân, ổn định và phát triển cộng đồng vừa góp phần xây dựng công an nhân dân từ cơ sở, đến toàn quốc, tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh đến sự cần thiết, cấp thiết và bức xúc của việc xây dựng, ban hành, thực hiện Luật, cần tiếp tục làm rõ nội dung các mục, các điều khoản trong cơ cấu văn bản luật, các điều kiện cần và đủ để xây dựng và thực hiện Luật trong thực tế.

Việc quán triệt, thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ đối với công an, nhất là tư tưởng “công an là bạn dân”, “phục vụ và bảo vệ dân”, “dựa vào lực lượng của dân, tổ chức và đoàn kết được dân thì mọi việc sẽ thành công”. Do đó, “phải hiểu dân, gần dân, kính trọng, lễ phép với dân”.

Đồng thời cần thấm nhuần để làm rõ vai trò, sự tham gia của dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong xây dựng Luật, nhất là khi Luật ban hành, có hiệu lực. Phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền trong lực lượng công an nhân dân, trong xã hội về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm thường xuyên và có hiệu quả. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong ngành, nhất là đối với đội ngũ công an chuyên trách, bán chuyên trách ở xã. Tận dụng các phương tiện báo chí truyền thông trong việc quảng bá, tuyên truyên về luật và thi hành Luật… 

Hơn 6.100 đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương và các địa phương

Từ điểm cầu Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Công an tỉnh Thái Nguyên hết sức ủng hộ việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. 

"Sự ra đời của Luật là vì sự đảm bảo an ninh của các địa phương để phát triển kinh tế-xã hội. Việc đầu tư về mặt ngân sách là tương xứng, hiệu quả. Một đồng bỏ ra nhưng hiệu quả về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì còn hơn thế nhiều. Lực lượng này sẽ cùng với dân quân tự vệ gánh vác thêm các nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự cho bà con ở địa bàn",  Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận định.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp [Bộ Công an] cũng khẳng định cần thiết phải ban hành một đạo luật để điều chỉnh, tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; sắp xếp, kiện toàn các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả giảm số lượng, tăng tính tự quản của cộng đồng dân cư.

"Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức như vậy không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có, không làm tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở", Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nhấn mạnh.

Từ điểm cầu Quảng Trị, ông Lê Lập Vũ Quỳnh, Chủ tịch UBND Phường 1, thị xã Quảng Trị đề nghị Bộ Công an phối hợp với các cấp, các ngành sớm hoàn thiện, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và quy định thống nhất với các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng nhằm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, đồng bộ. Đây là những lực lượng quần chúng nòng cốt ở cơ sở, có vị trí, nhiệm vụ tương đồng trong hỗ trợ lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

                                                                                                                                         Nhật Nam


TĐKT - Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Công an long trọng tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương [CATW], Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, nguyên lãnh đạo Bộ Công an; thủ trưởng Công an các đơn vị thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác công an và phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2021; đánh giá kết quả năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong Công an nhân dân [CAND]; sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị và Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ; phổ biến tinh thần nội dung cơ bản Đề án về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” và phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2022 trong lực lượng CAND.

Năm 2021, lực lượng CAND đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm ANTT, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Toàn lực lượng đã chủ động, nhanh chóng, linh hoạt “chuyển trạng thái”, phát huy vai trò nòng cốt, tuyến đầu xung kích, tích cực tham gia, đóng góp toàn diện trong phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai thực hiện quyết liệt, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia ở cấp độ cao nhất, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026…

Công tác phòng, chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra; kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tích cực, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.

Công tác quản lý nhà nước về ANTT đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, hoàn thành chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước; triển khai cấp số định danh cá nhân trên toàn quốc; kết nối với các bộ, ngành có đủ điều kiện khai thác hiệu quả ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ công tác nghiệp vụ và quản lý xã hội, nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ được tăng cường, tai nạn giao thông giảm trên cả3 tiêu chí… Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy hiệu quả các cơ chế phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương; huy động được cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà lực lượng CAND đã đạt được trong năm qua.Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, lực lượng CAND tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả đến tận cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực công tác công an.

Lực lượng CAND phải chủ động nắm chắc, đánh giá và dự báo sát, đúng tình hình, tham mưu với Đảng và Nhà nước các chủ trương, giải pháp kịp thời, nhất là tham mưu chiến lược; giữ vững thế chủ động, sẵn sàng các phương án, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống đe dọa đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích hợp pháp của chúng ta, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác nắm tình hình và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân" trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, trọng tâm là các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và đô thị lớn. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT; từng bước đẩy lùi các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tội phạm ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao...; không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động "lộng hành" theo kiểu "xã hội đen", bảo đảm trật tự, kỷ cương, cuộc sống bình yên, an toàn cho nhân dân. Triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo ANTT, chủ động ngăn chặn, phát hiện đấu tranh, không được để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để hình thành điểm nóng về ANTT trên địa bàn cả nước. Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước. Đặc biệt, chú ý đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong tham gia tấn công, trấn áp tội phạm và phòng, chống dịch.

Đặc biệt, lực lượng CAND phải tiếp tục thể hiện tốt vai trò nòng cốt, trọng yếu, tuyến đầu; đẩy mạnh sử dụng công nghệ cao, phối hợp cùng các lực lượng khác, các địa phương trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa CAND và Quân đội nhân dân và các ban, bộ, ngành trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa… Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành hoạt động của bộ máy, bảo đảm tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực không ngừng nghỉ, quyết tâm chính trị rất cao, và với tinh thần mới, khí thế mới, động lực mới; công tác công an sẽ có nhiều chuyển biến mới, mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn. Lực lượng CAND sẽ phát huy cao độ truyền thống quý báu "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu Lực lượng CAND anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Nguyệt Hà

Video liên quan

Chủ Đề