Giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay

     Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” [Nghị quyết số 33-NQ/TW], các cấp ủy đảng tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người trên địa bàn tỉnh phù hợp trong giai đoạn mới; chú trọng phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nét văn hóa đặc trưng của địa phương và đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.

     Những năm qua, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng, phát triển văn hóa, con người một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh và đất nước. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm nền tảng trong công tác xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 [khóa VIII] và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XII] về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị [khóa XII] về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phòng, chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sắc màu Việt Bắc”
tại Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XII - Thái Nguyên 2021

     Công tác xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; chất lượng xây dựng gia đình văn hóa ngày càng nâng lên, đã xây dựng được nhiều mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu; các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý từng bước được đẩy lùi, góp phần làm trong sạch môi trường văn hoá, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và bền vững. Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên. Tỷ lệ người dân tham gia tập thể dục, thể thao thường xuyên được nâng lên; 100% số trường học các cấp đảm bảo công tác giáo dục thể chất có chất lượng; 100% cán bộ chiến sĩ quân đội, công an rèn luyện thân thể thường xuyên… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; việc xây dựng các hương ước, quy ước làng, xóm, cụm dân cư, khối phố văn hóa được các địa phương chú trọng thực hiện, đảm bảo đúng quy định; hằng năm tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt văn hóa và gia đình văn hóa đều đạt trên 90%. Qua đó, đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
     Xác định xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy đảng chỉ đạo đưa nội dung xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả.
     Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử ngày càng được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Đến nay, Thái Nguyên có 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 247 di tích được xếp hạng [trong đó, có 01 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 46 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 200 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh]. Việc sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống, làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chú trọng. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên góp phần bảo tồn một số văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một.
     Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực văn hóa của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: một số cấp uỷ, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người đối với sự phát triển của tỉnh, của đất nước nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý có lúc, có nơi chưa thường xuyên, liên tục. Còn có cán bộ, đảng viên biểu hiện tiêu cực, thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống và trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt trái nền kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông, hội nhập quốc tế sâu rộng, sản phẩm văn hóa độc hại, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lối sống thực dụng tác động mạnh mẽ vào các tầng lớp xã hội, nhất là đối với thanh, thiếu niên.
     Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau:
     Một là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với công tác văn hóa.
     Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa; rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, con người của tỉnh phù hợp với thực tiễn địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, đất nước. Khuyến khích, nâng cao chất lượng sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật; bảo tồn phát huy giá trị tốt đẹp, di sản văn hóa các dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc và xây dựng, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
     Ba là, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội hóa nhằm đầu tư xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người tại địa phương. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa cho Nhân dân; duy trì hoạt động hiệu quả của các câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
     Bốn là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống; tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi số của tỉnh; vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ, chủ động đấu tranh phòng, chống văn hóa độc hại, sự áp đặt văn hóa của các nước lớn, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại, tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên nhằm thu hút đầu tư, du lịch, nâng cao vị thế của tỉnh trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển.
     Năm là, thường xuyên, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình số 30-CTr/TU và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh nhằm phát hiện các gương người tốt, việc tốt, nhân tố điển hình tiêu biểu và kịp thời, giải quyết khó khăn vướng mắc, vụ việc phức tạp. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; nâng cao chất lượng quản lý, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân...

Nguyễn Thị Thủy
[Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy]

Video liên quan

Chủ Đề