Trong chiến dịch điện biên phủ, quân pháp có hơn ta 1 quân chủng

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

[ĐCSVN] - Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

[Ảnh: hochiminh.vn]

Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam châu Á.

Thấy rõ vị trí quan trọng đó của Điện Biên Phủ, ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 tên. Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng. Tám cụm cứ điểm họp thành ba phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương và nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Pháp và Mỹ đã được đưa vào tác chiến ở Điện Biên Phủ.

Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là "một tập đoàn cứ điểm đáng sợ", "một pháo đài bất khả xâm phạm". Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, công việc chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1953.

Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được". Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Đảng uỷ và Chỉ huy trưởng mặt trận.

Chính phủ quyết định tổ chức Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch và Hội đồng cung cấp Mặt trận các cấp.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch.

Đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch [Him Lam và Độc Lập], sau đó, làm tan rã thêm một tiểu đoàn địch và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo. Ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch. Trong đợt tiến công mở đầu này, Phan Đình Giót đã nêu gương chiến đấu dũng cảm, lấy thân mình lấp lỗ châu mai tạo điều kiện cho toàn đơn vị tiến lên tiêu diệt địch.

Ngày 16-3-1954, địch cho 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống tăng viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 30-3-1954, ta mở đợt tiến công thứ hai đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm.

Đánh vào khu đông, ta tiêu diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các điểm cao quan trọng ở phía đông, củng cố từ trên đánh xuống, tạo thêm điều kiện chia cắt, bao vây, khống chế địch, chuyển sang tổng công kích tiêu diệt địch.

Để tăng cường cho Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ tăng viện gấp cho Pháp 100 máy bay oanh tạc chiến đấu, 50 máy bay vận tải và cho Pháp mượn 29 máy bay C119 có cả người lái; lập cầu hàng không chở dù từ Nhật và Mỹ sang mật trận Điện Biên Phủ. Đế quốc Mỹ còn đưa 2 tàu sân bay vào vịnh Bắc Bộ diễn tập "đổ bộ ào ạt vào Đông Dương".

Về phía ta, qua hai đợt chiến đấu, lực lượng không ngừng được củng cố. Bộ đội ta đã có những cố gắng phi thường, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công rực rỡ. Tuy vậy, do cuộc chiến đấu liên tục, kéo dài và ác liệt, khó khăn về cung cấp tiếp tế cũng tăng thêm nên đã phát sinh tư tưởng tiêu cực, ngại thương vong, mệt mỏi.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, một đợt sinh hoạt chính trị được tiến hành sâu rộng từ các cấp uỷ đến chi bộ, từ cán bộ đến chiến sĩ trong tất cả các đơn vị trên toàn mặt trận. Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực bị phê phán sâu sắc tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng được phát huy mạnh mẽ.

Ngày 1-5-1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Quân ta lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía đông và phía tây, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch.

Ngày 4-5-1954, địch thả tiểu đoàn dù dự bị cuối cùng xuống Điện Biên Phủ.

Ngày 7-5-1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng Đờ Cáttơri [De Castries] và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 353 sĩ quan từ thiếu uý đến thiếu tá, 16 trung tá và đại tá, 1 thiếu tướng. Tổng cộng, số lượng địch bị tiêu diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương, 20% lính Âu - Phi. Ta hy sinh 4.200 đồng chí, mất tích 792 đồng chí, bị thương 9.118 đồng chí.

Ta thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại.

Tại các chiến trường phối hợp trong toàn quốc, ta tiêu diệt 126.070 tên địch.

Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, là chiến thắng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta. Điện Biên Phủ ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam.

Trong con mắt của các học giả nước ngoài, "Điện Biên Phủ là trận Vanmy của các dân tộc da màu”, "trên thế giới, trận Oatéclô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hoà. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.938-943, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Những yếu tố lần đầu tiên xuất hiện trong chiến dịch Điện Biên Phủ

[ĐCSVN]Tính từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam [22/12/1944] cho đến thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử [từ 13/3 đến 7/5/1954], chỉ mới 10 năm, nhưng Quân đội ta đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã lần đầu tiên xuất hiện những vũ khí mới, chiến thuật mới và phương thức tiến hành chiến tranh mới… tuy so với quân Pháp vẫn còn thua kém, nhưng đã làm cho quân Pháp từ bất ngờ, ngỡ ngàng đến hoảng sợ và cuối cùng phải chịu thất bại.

Pháo cao xạ 37 ly của quân ta lần đầu tiên xuất trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ
đã làm cho quân Pháp hết sức bất ngờ, bối rối và bị thiệt hại đáng kể
[Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam]


1. Lần đầu tiên đánh theo lối chính quy; phối hợp quân, binh chủng

Mặc dù trước chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta cũng đã tiến hành một số chiến dịch có quy mô lớn và giành được thắng lợi, tiêu biểu là chiến dịch Biên giới năm 1950, quân ta giành thắng lợi, giải phóng toàn bộ vùng biên giới phía bắc, mở thông cánh cửa nối liền với các nước XHCN anh em… Trong chiến dịch này, trận tiến công cứ điểm Đông Khê, ngày 16/9/1950, quân ta đã sử dụng lối đánh công kiên quy mô tương đối lớn, có hợp đồng quân binh chủng. Nhưng đó mới chỉ là một trận đánh đơn lẻ, chứ chưa phải quy mô toàn chiến dịch. Phải đến chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta mới chính thức lần đầu tiên sử dụng lối đánh công kiên quy mô lớn và cũng là lần đầu tiên phối hợp quân binh chủng quy mô cấp chiến dịch.

Trước đó, quân ta chủ yếu sử dụng lối đánh du kích. Theo giải thích một cách rất ngắn gọn của Bác Hồ, đánh du kích là "Dùng phương pháp đánh úp, mai phục, hoặc đánh chớp nhoáng thiệt mau làm cho quân địch hoảng khiếp, dao động, làm cho quân ta chiến thắng quân địch một cách dễ dàng..."[1].

Theo từ điểm bách khoa Quân sự Việt Nam thì "đánh công kiên là đánh địch phòng ngự trong công sự kiên cố. Đây là cách đánh theo lối chính quy, hiện đại, có sự phối hợp quân binh chủng…".

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lực lượng ta tham gia chiến dịch, bên cạnh9 Trung đoàn bộ binh trực thuộc 3 Đại đoàn [308, 312, 316], có một Đại đoàn Công - Pháo [351] và một Trung đoàn pháo cao xạ [367]. So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch ở chiến trường Điện Biên Phủ: ta có ưu thế về bộ binh; về lực lượng pháo binh ta và địch tương đương nhau; về phương tiện chiến đấu, địch chiếm ưu thế tuyệt đối về xe tăng và máy bay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong chiến đấu chính là việc sử dụng lực lượng, vận dụng cách đánh chiến dịch phù hợp.

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Bí thư Đảng uỷ mặt trận Điện Biên Phủ đã nhận xét về chiến dịch Điện Biên Phủ như sau: "Đây là trận công kiên có quy mô lớn nhất từ khi quân đội ta thành lập cho đến thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi mở đầu chiến dịch ta mới chỉ đánh từng trung tâm đề kháng, từng tiểu đoàn đóng riêng lẻ, lần này ta đánh vào một khu vực gồm nhiều trung tâm đề kháng với nhiều tiểu đoàn" [2].

2. Lần đầu tiên công binh thực hiện mở mới đường giao thông

Trước cách mạng tháng Tám năm 1954, hệ thống đường giao thông của nước ta chủ yếu do thực dân Pháp thiết kế. Sau cách mạng tháng Tám, chúng ta bước vào cuộc kháng chiến 9 năm. Vùng đồng bằng, trung du cơ bản do Pháp làm chủ, còn vùng rừng núi cơ bản do ta làm chủ. Hệ thống đường giao thông vùng rừng núi trước đây do Pháp thiết kế, nay do ta quản lý sử dụng, nhưng vì ta không có đủ điều kiện và lực lượng để sửa chữa nên hệ thống đường này đều rất xuống cấp.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để phục vụ cho xe hành quân kéo pháo vào trận địa, lần đầu tiên, công binh của ta đã phải mở mới một số tuyến đường, trong đó tiêu biểu là tuyến đường Tuần Giáo – Điện Biên dài hơn 80 km và 6 tuyến đường dành riêng cho xe bí mật kéo pháo vào bố trí trên những điểm cao xung quanh lòng chảo Điện Biên. Riêng tuyến đường Tuần Giáo – Điện Biên được thi công mở mới theo một phương thức rất đặc biệt. Đó là sau khi khảo sát, phóng tuyến, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã huy động một lực lượng rất lớn cả công binh, bộ binh, dân công cùng thi công một lúc trải dài trên toàn tuyến hơn 80 km, chứ không thi công theo kiểu cuốn chiếu làm từ điểm đầu đến điểm cuối như truyền thống. Kết quả chỉ trong hơn 20 ngày, toàn bộ hơn 80 km đường đã được hoàn thành, đảm bảo tất cả các yêu cầu kỹ thuật cho xe kéo pháo vào vị trí tập kết [3].

Tuy nhiên, xe ô tô chỉ kéo pháo vào cách Điện Biên Phủ 15 km, sau đó để bảo đảm bí mật, bộ đội đã dùng tay không để kéo tiếp pháo vượt núi vào trận địa. Đây cũng là hình thái lần đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh hiện đại. Trên thế giới, quân đội các nước đều dùng ngựa hoặc phương tiện cơ giới để kéo pháo. Chỉ duy nhất ở Việt Nam, quân ta đã dùng sức người để kéo pháo. Thậm chí, pháo còn được tháo rời, dùng sức người khênh, vác vượt núi, băng rừng, dùng bè, mảng chở xuôi theo dòng sông vào trận địa rồi lắp ráp lại.

3. Lần đầu tiên xây dựng được hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cho chiến dịch

Tính đến thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên cơ quan tham mưu chiến dịch đã tổ chức một hệ thống thông tin quy mô lớn như thế. Để bảo đảm cho công tác chỉ huy chiến dịch, hệ thống thông tin đã được thiết kế gồm đường thông tin nối liền Bộ Chỉ huy chiến dịch xuống các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ, hệ thống thông tin hợp đồng giữa các đơn vị, các binh chủng [đặc biệt là giữa các đại đoàn bộ binh với các tiểu đoàn lựu pháo], hệ thống thông tin giữa Bộ Chỉ huy chiến dịch với các cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ở phía sau, giữa Đảng uỷ mặt trận với Trung ương, giữa mặt trận Điện Biên Phủ với Tỉnh uỷ và Tỉnh đội Lai Châu, Huyện uỷ và Huyện đội Điện Biên, với các chiến trường phối hợp trong cả nước và các chiến trường bạn.

Nhờ có hệ thống thông tin hoàn chỉnh trên đây mà từ Sở Chỉ huy ở Mường Phăng, Bộ Tổng Tư lệnh tiền phương vẫn theo dõi sát sao và chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường trọng điểm Điện Biên Phủ với các chiến trường trong cả nước, từ đồng bằng Bắc bộ, Tây Nguyên, Nam bộ và hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam trên các chiến trường bạn ở Trung Lào, Hạ Lào, Tây - Bắc và Đông - Bắc Campuchia[4].

4. Lần đầu tiên có binh chủng pháo cao xạ 37 ly; pháo hoả tiễn H.6 xung trận

Gần như trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, quân Pháp luôn dựa vào trang bị của Mỹ, vẫn làm chủ bầu trời, khiến cho ta gặp không ít khó khăn trong tác chiến, nhất là trên chiến trường trung du và đồng bằng. Các đại đoàn của ta chỉ mới được trang bị súng máy cao xạ 12,7 ly. Đầu năm 1953, một số nước anh em XHCN đã viện trợ cho ta6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly. Một binh chủng mới ra đời. Một số cán bộ từ các đơn vị bộ đội được điều về để học tập làm chủ binh chủng kỹ thuật mới này. Ngày 1/4/1953, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập trung đoàn cao xạ đầu tiên của quân đội ta, đặt tên là Trung đoàn 367. Phiên hiệu đó mang truyền thống của các binh đoàn ra đời trước, bắt đầu bằng con số 3. Một điều lý thú lần này là phiên hiệu 367 còn nói lên vốn liếng ban đầu của chúng ta chỉ có6 tiểu đoàn pháo 37 ly[5].

Việc pháo cao xạ 37 ly lần đầu xung trận, bí mật tiến sát vào cánh đồng Mường Thanh đã làm cho quân Pháp vô cùng bất ngờ và bối rối. Pháo cao xạ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, gây thiệt hại to lớn cho quân Pháp, làm cho máy bay của Pháp và máy bay của Mỹ viện trợ cho quân Pháp không còn làm chủ được bầu trời, không còn tự do oanh tạc vào trận địa của quân ta. Chính phía Pháp đã phải thừa nhận và công bố, trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có 62 máy bay của quân Pháp bị bắn rơi và 167 chiếc khác bị bắn hỏng. Trong cuốn "Điện Biên Phủ, một góc của địa ngục", tác giả Béc-na Phôn gọi đó là "cuộc tàn sát những máy bay" [le massacre des avions]. Đến gần cuối cuộc chiến, khi diện tích chiếm đóng của quân Pháp bị thu hẹp, phần khác do pháo cao xạ của ta hoạt động quá hiệu quả nêngần 1/2 số dù tiếp tế của quân Pháp đã rơi vào tay quân ta.

Cùng với pháo cao xạ 37 ly, thì 20 giờ, ngày 6/5/1954, lần đầu tiên 12 dàn hoả tiễn 6 nòng đã xung trận. Quân ta gọi là hoả tiễn H.6, đó chính là pháo Ca-chiu-sa mà Liên Xô vừa viện trợ cho ta. Tiếng rít như xé gió, đuôi lửa đỏ rực trong đêm tối và tiếng nổ dữ dội, vang rền của loại pháo này đã làm cho quân Pháp trên đồi A1, C1 vô cùng khiếp đảm. Hoả tiễn H.6 và khối thuốc nổ 1.000 kg trên đồi A1 đã góp phần quan trọng giúp quân ta tiêu diệt quân địch trên đồi A1,đánh tanchiếc lá chắn quan trọng cuối cùng bảo vệ Sở Chỉ huy của Tướng Pháp Đờ Cát-xtơ-ri ở trung tâm Mường Thanh, để rồi hôm sau, ngày 7/5/1954, quân ta đã tổng công kích giành toàn thắng[6].

5. Lần đầu tiên xuất hiện chiến thuật "đánh dúi"

Việc đào chiến hào thì không chỉ có quân ta khi đó mới sử dụng, mà trong lịch sử chiến tranh hiện đại, quân đội nhiều nước trên thế giới đều sử dụng chiến thuật này. Nhưng "đánh dúi" thì có lẽ đây mới là lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, được Việt Minh sử dụng. Đánh dúi nghĩa là khi đường hào lộ thiên đã đào vào sát hàng rào của địch, đương nhiên quân địch sẽ quyết liệt ngăn chặn, gây thương vong rất lớn cho những chiến sỹ đào hào. Để khắc phục khó khăn này, quân ta đã có sáng kiến đào hào ngầm dưới đất, nghĩa là để lại một lớp đất mỏng bên trên, cách một đoạn trích một lỗ thông hơi. Đường hào ngầm dưới đất này sẽ chui xuyên qua hàng rào và bãi mìn của địch, vào sát lô cốt mà địch vẫn không hề hay biết, hoặc chỉ nghe thấy tiếng đào đất mà không biết đào ở đâu. Chính những tiếng đào đất "thình, thịch" hằng đêm, cứ ngày một gần và rõ hơn đã làm cho quân Pháp vô cùng hoảng hốt[7].

Trong các ngày từ 14 – 22/4, quân ta lần lượt triệt hạ một số cứ điểm thuộc cụm cứ điểm Huyghét, trong đó, trận quân ta tiêu diệt cứ điểm Huyghét 1 vào đêm 22/4/1954 là một thành công điển hình của chiến thuật "đánh dúi". Quân ta đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận trong đồn địch, đến nỗi quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "đội đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Trong vòng không đầy một giờ, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn Huyghét 1. Phần lớn số 177 lính lê dương bảo vệ vị trí bị bắt sống. Bộ đội ta đã tiêu diệt được một vị trí quan trọng do một đơn vị lê dương sừng sỏ của Pháp bảo vệ với tổn thất không đáng kể. 22 giờ đêm, quân ta chiến được đồn, vậy mà đến tận sáng, Sở Chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri ở Mường Thanh vẫn chưa hề biết tin, mãi đến 7 giờ sáng ngày 23/4/1954, khi một số tên lính Pháp thoát chết chạy về đây báo tin thì Sở Chỉ huy của Pháp mới biết. Cái chết không kịp cất tiếng kêu của Huyghét 1 đã làm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ bàng hoàng. Từ giờ phút đó trở đi, mỗi khi đường hào của ta tới gần, quân Pháp ở trong cứ điểm không còn chỉ thấy đây là mối đe dọa mà chính là cái chết đã tới, một cái chết không báo trước, xuất hiện từ lòng đất[8].

6. Lần đầu tiên tiêu diệt và bắt sống tù binh với số lượng lớn

Trong lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã nhiều lần quân và dân ta chiến thắng quân xâm lược, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tù binh, tiêu biểu là các trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, v.v… Còn trong thời đại Hồ Chí Minh và trong chiến tranh hiện đại, chiến dịch Điện Biên Phủ là lần đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam còn non trẻ, chỉ với 10 năm thành lập [1944 – 1954], đã tiêu diệt và bắt sống tới 16.000 tên địch, trong đó 1.500 sỹ quan các cấp, tổng cộng là 21 tiểu đoàn [10 tiểu đoàn bộ binh cơ động, 7 tiểu đoàn dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, gần 1 tiểu đoàn công binh; riêng 7 tiểu đoàn dù, là toàn bộ số quân nhảy dù Âu – Phi tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương]. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương tínhđến thời điểm năm 1954[9].

7. Đòn nghi binh chiến lược nhưng đã giải phóng 1/2 diện tích và dân số của nước bạn Lào

Trong chiến tranh Đông Dương, quân Pháp không chỉ xâm lược, chiếm đóng Việt Nam, mà còn xâm lược và chiến đóng cả Lào, Campuchia. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26/1/1954, sau khi quyếtđịnh tạm hoãn cuộc tấn công, ra lệnh "kéo pháo ra, bộđội lui quân về vị trí tập kết", chuyểntừ phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc",Bộ Chỉ huy mặt trận đãlệnh choĐại đoàn 308 tiến quân về phía Tây, sang phía Thượng Lào để đánh đòn nghi binh chiến lược. Tuy là nghi binh, nhưng trên đường tiến công, quân ta đã cùng với bộ đội Pathét Lào tiêu diệt và đánh tan 17 tiểu đoàn của địch, thừa thắng giải phóng luôn vùng Thượng Lào. Kết quả là hơn 1/2 diện tích và gần 1/2 dân số của nước Lào đã được giải phóng. Việc này thời gian trước đó bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathét Lào nhiều lần chưa thực hiện được[10]./.


------------------------------------------------

Chú thích:

[1]
Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, T.3, Tr. 278;

[2], [6], [8] Theo Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004;

[3] Theo Hồi ký "Mở đường thắng lợi" của Đại tá Ung Răng, Nguyên Tiểu đoàn trưởng Triểu đoàn Công binh 444. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004;

[4], [5] Theo Hồi ký "Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử" của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004;

[7] Theo Hồi ký "Đánh lấn" của Đại tá Trịnh Tráng, Nguyên Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004;

[9], [10] Trích Báo cáo kết luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 28/7/1954. "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004.

Video liên quan

Chủ Đề