Sự khác nhau giữa đạo đức và tôn giáo

GN - Trong thời đại khoa học ngày nay, nhiều người cho rằng tôn giáo là vô nghĩa, vậy thì cơ sở nào cho những giá trị như thế? Làm thế nào để tìm ra cách thúc đẩy chúng ta sống đạo đức mà không cần nhờ vào các tín ngưỡng truyền thống?


Tôn giáo là đời sống tinh thần cơ bản của nhân loại

Mặc dầu nhân loại có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng không thể sống mà không có những giá trị bên trong. Vì thế lập luận của tôi về sự độc lập của đạo đức đối với tôn giáo rất đơn giản.

Theo tôi thấy, đời sống tinh thần có hai chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất là sự an lạc tinh thần căn bản - tôi muốn nói đến sự cân bằng và sức mạnh tinh thần và tình cảm bên trong - không lệ thuộc vào tôn giáo mà xuất phát từ bản chất bẩm sinh của con người, là một chúng sinh có xu hướng tự nhiên là nghiêng về lòng từ bi, nhân ái, và quan tâm đến người khác. Chiều hướng thứ hai là đời sống tinh thần dựa vào tôn giáo và gắn kết với một tôn giáo hay phương cách hành trì đặc thù nào đó.

Sự khác biệt giữa hai chiều hướng này cũng giống như sự khác biệt giữa nước và trà. Đạo đức và các giá trị bên trong không có nội dung tôn giáo giống như nước, là thứ mà chúng ta cần hàng ngày để sống còn và khỏe mạnh.

Đạo đức và các giá trị bên trong trong bối cảnh tôn giáo giống như trà. Trà mà chúng ta uống có thành phần chính là nước, nhưng nó còn chứa vài thành phần khác - lá trà, gia vị, như đường, còn ở Tây Tạng, là muối - và nó làm cho trà giàu chất dinh dưỡng và gia tăng sinh lực hơn, và đó là thứ chúng ta mong muốn hàng ngày. Nhưng dù trà được pha chế thế nào đi nữa thì thành phần chính vẫn là nước.

Trong khi chúng ta có thể sống mà không có trà, chúng ta không thể sống thiếu nước. Tương tự như thế, chúng ta sinh ra không có tôn giáo, nhưng chúng ta không sinh ra mà lại không có nhu cầu về lòng từ bi.

Vì thế, sâu xa hơn tôn giáo là đời sống tinh thần cơ bản của nhân loại. Chúng ta có một xu hướng tự nhiên, nằm trong bản chất con người, là nghiêng về phía tình yêu, lòng tốt, tình thương, bất kể chúng ta có theo một tôn giáo hay không.

Khi chúng ta nuôi dưỡng xu hướng sâu xa nhất này - khi chúng ta có chủ ý vun trồng các giá trị bên trong mà chúng ta ngưỡng mộ ở người khác - thì chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống nghiêng về tinh thần. Vì thế, một thách thức cho chúng ta là tìm ra phương cách để đặt nền tảng cho đạo đức và hỗ trợ cho việc vun trồng các giá trị bên trong, phù hợp với thời đại khoa học, trong khi vẫn không bỏ qua các nhu cầu sâu xa hơn của tinh thần, mà đối với nhiều người thì tôn giáo mới đáp ứng được.

Dalai Lama
[trích Beyond Religion: Ethics for a Whole World,
Trần Ngọc Bảo dịch]

Phân biệt đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội

                      Phân biệt đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội

         Lâu nay nhiều người lầm tưởng rằng tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội như là hiện tượng tàn dư của xã hội cũ, vì thế, đã có xu hướng đối xử với tôn giáo là ‘tả khuynh”. Ở nước ta, phương pháp tiếp cận không đúng đó cùng với thiên kiến cũ trong quan hệ lương giáo đã dẫn đến những hạn chế trong nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nên có thái độ hẹp hòi và thành kiến, phân biệt đối xử giữa người có đạo và người không có đạo.

Sự đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và thực tế tồn tại của tôn giáo là một yếu tố trong kiến trúc thượng tầng. Trong chủ nghĩa xã hội, các yếu tố kinh tế - xã hội cho sự tồn tại của tôn giáo vẫn còn, và có xu hướng phát triển như ở nước ta, điều này đúng như quan niệm của Mác về chủ nghĩa xã hội: “Không phải là, một xã hội cộng sản chủ nghiã đã phát triển trên cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó, là một xã hội về mọi phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần còn mang dấu vết của xã hội cũ, mà nó đã lọt lòng ra”[1]. Sự nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội, cũng như tư duy mới về tôn giáo, chúng ta xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, còn có cơ sở để tồn tại lâu dài, nên chúng ta không tách tín ngưỡng, tôn giáo một cách siêu hình ra khỏi ý thức xã hội trong chủ nghĩa xã hội, mặc dù tín ngưỡng, tôn giáo không thuộc hệ tư tưởng của giai cấp công nhân [chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh]. Ở một mức độ nhất định, thế giới quan và đạo đức tôn giáo vẫn phát huy tác dụng hướng dẫn nhận thức và hành vi của một bộ phận nhân dân có đạo và không có đạo trong cuộc sống hiện thực. Cái mạnh trong truyền thụ đạo đức tôn giáo là ngoài những điều phù hợp với tình cảm, đạo đức của nhân dân, nó lại được thực hiện thông qua tình cảm tín ngưỡng, lòng tin giáo lý. Do đó, tình cảm và đạo đức tôn giáo được tín đồ tiếp thu tạo thành đức tin thiêng liêng bên trong và chi phối hành vi ứng xử của họ trong các quan hệ cộng đồng.

            Ngày nay, việc kế thừa và phát huy hợp lý của đạo đức tôn giáo là hoàn toàn phù hợp trong cách mạng tư tưởng văn hóa, nhằm góp phần xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Ít nhất thì mặt hợp lý đó, giữ vững được trong đồng bào các tôn giáo, cũng là một nhân tố của sức đề kháng chống lại sự xâm nhập của các hiện tượng phi đạo đức hay đạo đức phi nhân bản nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường và đẩy mạnh trong mở cữa hội nhập quốc tế. Hiện nay, ở nước ta có tình hình là bộ mặt đạo đức ở một số vùng tôn giáo tốt đẹp hơn ở một số vùng khác, ở đó trật tự xã hội tốt hơn, con người ta đối xử với nhau hiền hòa và nhân hậu hơn…từ đó lại có người đi đến quan niệm rằng đạo đức tôn giáo cao hơn đạo đức xã hội, đi đến chủ trương phải giáo dục đạo đức tôn giáo cho xã hội…

Không ai phủ nhận đạo đức của tôn giáo, và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận trong nhiều văn kiện của mình rằng: đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Trong giới luật của tôn giáo có nhiều điều nêu lên trách nhiệm đạo đức của tín đồ. Thiên chúa giáo có “thập giới”, trong đó có những yêu cầu đạo đức như: phải hiếu kính với cha mẹ, không được giết người, không được gian dâm, không được trộm cắp, không được làm chứng giả để hại người, không tham vợ con và tài sản của người khác…Phật giáo có “ngũ giới”, hoặc như trong “lục độ’ của đạo Phật cũng nêu lên: phải bố thí, phải nhẫn nhục, chịu đựng…Đó là những điều răn có tính chất đạo đức, và nếu thực hiện được thì xã hội sẽ yên bình, con người sẽ trở nên hiền lành, phúc hậu. Xã hội nào mà chả mong được như thế!

Nhưng, xét về nguồn gốc thì đạo đức của tôn giáo không phải từ trên trời rơi xuống, mà là có gốc rễ ở đời sống xã hội hiện thực. Trong sinh hoạt cộng đồng, người ta thấy rằng con người phải ăn ở tốt với nhau, không xâm phạm đến lợi ích của nhau và của cả cộng đồng thì xã hội mới ổn định và con người mới có hạnh phúc. Đạo đức và pháp luật ra đời là để thực hiện chức năng đó. Giới tôn giáo thấy được yêu cầu đó của xã hội nên đã nêu lên thành giới luật đối với tín đồ, xem đó là điều kiện để được giải thoát, để được về với Phật, với Chúa, với Thánh Ala…về thực chất, đạo đức đó bắt nguồn từ đạo đức xã hội và không thể nào bao quát được hết đạo đức xã hội. Bởi lẽ, ngoài các yếu tố đạo đức đã nêu trong giới luật của tôn giáo, còn có những yếu tố xã hội khác, như “thương người như thể thương thân”, “kính trên nhường dưới”, “đồng cam cộng khổ”, “lá lành đùm lá rách”, “kiên cường bất khuất”… thì không được thể hiện trong giới luật của các tôn giáo. Hơn nữa, hành vi đạo đức của tín đồ tôn giáo thường phải nhờ đến sự chứng giám của “đấng bề trên” – nghĩa là thiếu một phần tự nguyện, tự giác - phần quan trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức. Do đó, không thể nói đạo đức tôn giáo cao hơn đạo đức xã hội, hoặc phải chủ trương giáo dục đạo đức tôn giáo cho toàn xã hội, hoặc cho rằng chỉ có theo tôn giáo thì con người mới giữ được đạo đức.

Xã hội hiện đại rất cần đến đạo đức của mình. Đây đó có nơi, có vùng sa sút về mặt này mặt khác, thì vấn đề đặt ra là phải giáo dục đạo đức cho con người, và người có trách nhiệm phải là người gương mẫu thực hiện. Cơ sở giáo dục đó là tinh hoa của đạo đức truyền thống, kết hợp với tinh hoa của đạo đức thời đại. Trong tinh hoa của đạo đức truyền thống có một phần của đạo đức tôn giáo.

          Sẽ là thiên lệch nếu chỉ nhìn nhận mặt hợp lý của đạo đức tôn giáo, chỉ thấy sự đóng góp của đạo đức đó, bất cứ tôn giáo nào và cả đạo đức của tôn giáo đó cũng có những điểm khác với đạo đức của xã hội ta. Chỉ lấy một tôn giáo làm dẫn chứng - ở Phật giáo tính chất duy tâm, yếm thế, tính chất thần bí đã khiến cho con người không hướng vào hiện thực để giải quyết hiện thực, mà hướng vào nghiệp, quả báo…và nếu có nhìn vào hiện thực, thì Phật giáo cũng chỉ giới hạn trong từng cá nhân, ở nền tảng sinh học của từng cá nhân đó. Vì vậy, sự tìm tòi, khám phá, sáng tạo trên mức độ nhất định đã bị hạn chế.

Đối với Phật giáo, cả trong lịch sử và hiện tại có một vấn đề nếu không làm rõ dễ gây ra sự ngộ nhận ở một số người, và vì thế sinh hoạt tôn giáo [Phật giáo] sẽ có những trở ngại nhất định, đó là vấn đề “nhập thế” của Phật giáo - tức là có hướng vào hiện thực để thực hiện ước mơ về cuộc sống tốt đẹp của con người hay không?

Lâu nay có một số người nghiên cứu thường nói đạo Phật là đạo “nhập thế”. Họ nhận định rằng Phật giáo thời kỳ Lý - Trần [Thế kỷ XII – XIV] là Phật giáo nhập thế, Phật giáo thời kỳ Mỹ - nguỵ ở miền Nam trước đây cũng là Phật giáo nhập thế. Có người còn tự hào về số tăng ni, phật tử tự thiêu để chống lại chế độ Mỹ - nguỵ v.v…

            Đúng là thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần có một số thiền sư như Đỗ Pháp Thuận [915 – 990], Khuông Việt [993 – 1011], Vạn Hạnh [… - 1018] đã từng làm tham mưu chính trị cho các triều đình đương thời. Nhưng đó là những trường hợp đặc biệt, lúc bấy giờ chỉ có họ là những nhà trí thức của thời đại; họ hiểu sâu cả lý thuyết Phật và Nho, họ dựa vào tri thức Nho để bàn chính sự. Về sau khi giới nho sĩ phát triển thì họ nhường vai trò đó cho nhà nho và trở về chuyên làm công việc tu hành. Chính Trần Thái Tông, một vị vua uyên thâm cả Nho lẫn Phật đã nói lên chức năng của hai đạo này trong con người và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ: Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh [Thiền tông chỉ nam tự]*.

         Dưới thời Mỹ - nguỵ, tăng ni và phật tử Huế, Sài Gòn đã từng tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình để chống đối chế độ của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu thì đấy lại là trường hợp khác. Lúc bấy giời các chính quyền này lệ thuộc vào Mỹ và dựa vào Thiên chúa giáo để cai trị đất nước. Nó chèn ép và khống chế các tôn giáo khác, việc đấu tranh chống chính quyền Diệm, Thiệu là những việc làm chính đáng, vừa có ý cứu nước, vừa có ý nghĩa đòi quyền bình đẳng cả các tôn giáo trong các công việc xã hội…

         Xét về mặt triết học, Phật giáo là hệ thống triết học duy tâm có yếu tố vô thần, là sự tổng kết tri thức, tư duy của người Ấn Độ thời kỳ cổ đại. Yếu tố duy tâm đã chi phối thế giới quan và nhân sinh quan của đạo Phật khi xem xét thế giới và con người, dẫn đến tính chất không thực tế của đạo Phật trong đời sống tâm linh và thế tục. Đạo Phật không vượt qua giới hạn không tưởng về sự vật hiện tượng, nên đã phạm sai lầm khi kêu gọi lòng từ bi, bác ái chung chung trong xã hội có phân biệt giai cấp. Với đạo Phật, khi xem xét biện chứng về thế giới trong mối liên hệ đầu tiên được đặt ra trong lịch sử nhân loại. Đáng tiếc tư tưởng của đạo Phật chỉ dừng lại ở cấp độ sơ khai, không thấy được biện chứng của sự phát triển làm cho những phát kiến về “thế giới không do ai sinh ra”, “tính chất không ổn định, có biến đổi, có sinh có diệt của vạn vật”… đã không đóng góp chợ phát triển của khoa học, đôi khi lại có màu sắc hư vô.

         Đạo Phật có tình thương bao la đối với con người, để cho sự bình đẳng giữa chúng sinh; đức Phật không bị thần thánh hoá, không xa lạ, tín đồ tìm thấy ở đức Phật sự khoan dung, khi đức Phật coi chúng sinh là những đức Phật sẽ thành, vạn vật đều có “Phật tính”, đã mang lại cho tín đồ lòng tin về con đường hướng tới niết bàn. Song, điểm quan trọng này lại trở nên mâu thuẫn, vì con đường cứu vớt nhân loại bằng “tu nhân tích đức” không thể giải quyết những vấn đề nảy sinh trong xã hội có đối lập gay gắt về lợi ích.

         Đối với đạo Phật, vai trò của con người đối với xã hội và thế giới khách quan bị phủ nhận vì chúng sinh chỉ là một thế giới có cảm giác; cách giải thích “hữu hình” là sự không ổn định, không có cái nào không từ cái khác sinh ra…đã làm cho tín đồ xa lánh chức phận xã hội, dễ nảy sinh tâm trạng bi quan, yếm thế trước cuộc sống. “Cái tôi hư ảo” của đạo Phật không đem lại niềm tin trần thế, mà còn mang tâm lý “thoát tục”, tín đồ thường lấy cửa Phật làm nơi nương náu, chạy trốn thực tại. Triết lý về tính chất tạm thời của cuộc sống nhân sinh làm cho tín đồ xa lánh cuộc đời, thu mình “mũ ni che tai” trước bất công. Không phải vô cớ khi chủ nghĩa hiện sinh ở thế kỷ XX rất thú vị trước một số triết lý của đạo Phật. 

Video liên quan

Chủ Đề