Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều Khách hàng trong thời gian gần đây.

Do vậy, CNC giới thiệu bài viết Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để Khách hàng:

  • Hiểu rõ hơn về Trình tự, Thủ tục Giải quyết Tranh chấp tại VIAC; và
  • Hiểu rõ hơn về những thông tin có liên quan đến chi phí, thời hạn, số bản nộp, lựa chọn trọng tài viên v.v.
  • Lưu ý những kinh nghiệm và những vấn đề pháp lý quan trọng khi giải quyết Tranh chấp tại VIAC.

Đồng thời, CNC cũng hy vọng rằng thông qua bài viết Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam này, Khách hàng có thể:

  • Lựa chọn được cơ quan giải quyết Tranh chấp phù hợp với hoạt động kinh doanh đặc thù;
  • Tuân thủ đầy đủ từng bước, từng tiến trình cụ thể để bảo vệ tốt nhất các lợi ích của mình.

Việc so sánh, đối chiếu Quy trình Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam với một số Trung tâm Trọng tài Quốc tế uy tín khác trên thế giới, chẳng hạn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hongkong (HKIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (ICC) sẽ được chúng tôi giới thiệu ở một bài viết chuyên đề khác.

Cụm từ viết tắt

Để cho người đọc tiện theo dõi, CNC sử dụng những cụm từ viết tắt sau đây:

  • Trung tâm, hoặc VIAC có nghĩa là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Arbitration Center)
  • ICC, có nghĩa là Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce)
  • ICC International Court of Arbitration có nghĩa là Tòa Trọng tài ICC.
  • SIAC, có nghĩa là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (Singapore International Arbitration Center) .
  • Quy tắc VIAC 2017 hoặc Quy tắc VIAC hoặc Quy tắc, có nghĩa là là Quy tắc tố tụng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, được áp dụng từ ngày 01 tháng 03 năm 2017. Ngôn ngữ chính thức của Quy tắc và được CNC sử dụng làm cơ sở tham chiếu trong bài viết Giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam này là tiếng Việt. Ngoài ra, VIAC cũng dịch Quy tắc sang một số ngôn ngữ khác để người sử dụng tham khảo.
    \>>> Xem chi tiết các ngôn ngữ và Quy tắc được thể hiện tại đây.
  • Quy tắc ICC 2021 có nghĩa là Quy tắc tố tụng Trọng tài của ICC.
  • Quy tắc SIAC 2017 có nghĩa là Quy tắc tố tụng Trọng tài của SIAC (phiên bản lần 3), được áp dụng từ ngày 6 tháng 8 năm 2016. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Quy tắc này. Ngoài ra SIAC cũng cung cấp một số bản dịch cho một số ngôn ngữ khác để người sử dụng tham khảo.
  • Luật TTTM 2010 có nghĩa là Luật số 54/2010/QH12, ngày 17 tháng 06 năm 2010.
  • Hội đồng Trọng tài có nghĩa là Bộ phận chuyên trách giải quyết tranh chấp thương mại trong trung tâm trọng tài thương mại, gồm một hoặc một số trọng tài viên, được thành lập theo sự chỉ định của các bên tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật về trọng tài và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài để giải quyết vụ việc.
  • Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài.

Nguồn tài liệu tham chiếu

Trong bài viết này, Quy tắc VIAC 2017 và Luật TTTM 2010 là hai nguồn được sử dụng như là nền tảng pháp lý cơ bản.

Ngoài ra, CNC cũng dựa trên kinh nghiệm và tài liệu mà CNC có được trong suốt quá trình hỗ trợ Khách hàng giải quyết các Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để làm rõ hơn các vấn đề pháp lý có liên quan.

Các tài liệu được CNC sử dụng sẽ được CNC dẫn nguồn trong từng phần tương ứng dưới đây.

Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Cơ sở pháp lý: Quy tắc VIAC năm 2017.

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Sơ đồ 1: Quy trình giải quyết vụ tranh chấp tại VIAC

Xét về các bản đệ trình/trình nộp mà mỗi Bên hoặc Trung tâm có thể thực hiện được Viện nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Viart) giới thiệu bao gồm:

Các bản đệ trình trong tố tụng Trọng tài tại VIAC

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Sơ đồ 2: Các bản trình nộp khi giải quyết vụ tranh chấp tại VIAC | Nguồn: Trung tâm VIART

Tóm lược quá trình giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Quá trình giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trên thực tế có những khác biệt nhất định và thời gian thực hiện của Nguyên đơn, Bị đơn, Trung tâm, Ban Thư ký, hoặc Hội đồng Trọng tài cũng có thể kéo dài hơn so với thời gian được nêu ở lưu đồ nêu trên.

Tuy nhiên, về cơ bản Quá trình giải quyết Tranh chấp tại VIAC có thể được tóm lược thành 6 bước cơ bản sau đây:

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 3: 6 bước giải quyết Tranh chấp tại VIAC

Lưu ý đối với các bản đệ trình

Khi đệ trình các ý kiến, quan điểm của mình cho Trung tâm, Ban Thư ký, hay Hội Đồng Trọng tài thì mỗi Bên, tùy theo khả năng, năng lực, kinh nghiệm của mình, có thể gửi các tài liệu, hồ sơ theo bất kỳ cách thức, hình thức nào.

Tuy nhiên, việc đệ trình bằng email tới Ban Thư ký phụ trách vụ việc trước, sau đó gửi bản chính (hard copy) trở thành thông lệ và phổ biến nhất.

Trong các bản đệ trình, mỗi Bên sẽ cố gắng trình bày vấn đề của mình đáp ứng những yêu cầu cơ bản như sau:

  • Về nội dung: văn bản đệ trình cần tuân thủ với các quy định của Quy tắc, pháp luật có liên quan cũng như các sự kiện, tình huống thực tế, các bằng chứng rõ ràng để bảo vệ cho quan điểm của mình.
  • Về hình thức, cách thức trình bày: Văn bản đệ trình có thể được trình bày theo mẫu do Trung tâm giới thiệu, mẫu do mỗi Bên hoặc cố vấn pháp lý của họ chuẩn bị, hoặc bất kỳ mẫu nào mà Bên thấy phù hợp.

Theo đó:

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 4: Các lưu ý đối với bản trình nộp tại VIAC

Điều kiện nộp Đơn khởi kiện Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Một trong những yêu cầu quan trọng tiên quyết để các bên trong tranh chấp có thể tiến hành khởi kiện tại VIAC là bắt buộc phải có Thỏa thuận trọng tài.

Thỏa thuận Trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp và phải được lập dưới dạng văn bản (Điều 16.2, Luật TTTM 2010). Thỏa thuận Trọng tài có thể là một điều khoản trong Hợp đồng hoặc được lập riêng dưới dạng phụ lục Hợp đồng.

Nội dung Đơn Khởi kiện

Một một Bên nếu muốn khởi kiện ra VIAC để giải quyết Tranh chấp thì Bên đó phải gửi Đơn Khởi kiện với nội dung tuân thủ theo Điều 7.2 Quy tắc VIAC. Bao gồm:

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 5: Các nội dung cơ bản của Đơn Khởi kiện tại VIAC

Trong đó cần lưu ý:

  • Đối với chữ ký: Trường hợp Nguyên đơn là tổ chức thì chữ ký trong Đơn Khởi kiện phải là chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền. Trường hợp Nguyên đơn là cá nhân, chữ ký trong Đơn Khởi kiện phải là chữ ký của cá nhân người người khởi kiện hoặc của người đại diện theo ủy quyền.
  • Đối với số lượng bản trình nộp: Trường hợp HĐTT gồm 1 Trọng tài viên duy nhất thì Nguyên đơn cần chuẩn bị 3 bộ Hồ sơ Khởi kiện, trường hợp có 3 Trọng Tài viên thì cần chuẩn bị 5 bộ Hồ sơ Khởi kiện.

Ý nghĩa pháp lý

Tiến trình Giải quyết Tranh chấp tại VIAC bắt đầu kể từ khi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn theo quy định tại Điều 7.2 Quy tắc VIAC.

Điều khoản mẫu về Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Các điều khoản giải quyết tranh chấp Trọng tài thường đa dạng và có sự khác biệt giữa từng Hợp đồng cụ thể. Để việc tiếp nhận hồ sơ vụ việc được thuận lợi, Điều khoản giải quyết Tranh chấp sau đây có thể áp dụng:

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo các Quy tắc Tố tụng của Trung tâm tại thời điểm giải quyết Tranh chấp.

Tranh chấp sẽ được thực hiện bằng tiếng Việt.

Tranh chấp được giải quyết bởi 3 Trọng tài viên được bổ nhiệm phù hợp với Quy tắc.

Địa điểm giải quyết Tranh chấp là tại Thành phố Hồ Chí Minh.”

Thủ tục tiếp nhận Đơn khởi kiện

Quy tắc VIAC 2017 cũng như Luật TTTM 2010 đều không quy định cụ thể về việc thẩm định, đánh giá sơ bộ của VIAC trước khi tiếp nhận Đơn Khởi kiện. Đồng thời, VIAC cũng chưa công bố nội dung chính thức nào có liên quan đến thủ tục tiếp nhận Đơn Khởi kiện.

Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình CNC nhận thấy, thủ tục tiếp nhận Đơn Khởi kiện tại VIAC sẽ theo trình tự, thủ tục sau đây:

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 6: Thủ tục tiếp nhận Đơn Khởi kiện

Ghi chú về việc nộp và tiếp nhận Đơn Khởi kiện

Việc nộp Đơn Khởi kiện tại VIAC thông thường sẽ thuận tiện hơn so với thủ tục nộp Đơn Khởi kiện tại Tòa án. Nguyên đơn có thể thực hiện việc nộp Đơn Khởi kiện thông qua bưu điện.

Tuy nhiên vì tính chất quan trọng của các hồ sơ, tài liệu trình nộp nên Nguyên đơn thường cử người phụ trách đi nộp Đơn Khởi kiện trực tiếp. Đừng quên xuất trình Căn cước công dân, Hộ chiếu, Thư Ủy quyền, Thư Giới thiệu khi nộp Đơn Khởi kiện.

Về phầm mình, VIAC thông thường sẽ xem xét Đơn Khởi kiện và sẽ có phản hồi cho Nguyên đơn về việc tiếp nhận, không tiếp nhận giải quyết vụ Tranh chấp hoặc cần làm rõ, bổ sung hồ sơ. Tùy thuộc vào mức độ đầy đủ, phù hợp của Đơn Khỏi kiện thì VIAC sẽ có những phản hồi khác nhau.

Khi đó, Nguyên đơn cần hợp tác với VIAC để làm rõ các vấn đề có liên quan đến Đơn Khởi kiện. Đặc biệt ở 3 trường hợp sau đây:

Trường hợp 01 – VIAC Trả lại Đơn Khởi kiện

Nếu tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, thì VIAC sẽ trả lại Đơn Khởi kiện và gửi kèm với lý do.

Ngoài ra, VIAC cũng có thể trả Đơn Khởi kiện trong các trường hợp khác như:

  • Người ký Đơn Khởi kiện không phải là một trong các bên tranh chấp có thỏa thuận Trọng tài hoặc;
  • Các bên trong tranh chấp không có thỏa thuận Trọng tài.

Đối với các trường hợp nêu trên, sau khi nhận lại Đơn Khởi kiện từ VIAC, Nguyên đơn có thể tiến hành gửi Đơn Khởi kiện ra Tòa án hoặc tới Trung tâm có thẩm quyền.

Ngược lại, nếu Nguyên đơn thấy rằng Tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trung tâm hoặc có thể bổ sung bằng chứng về Thỏa thuận trọng tài thì có thể nộp lại Đơn Khởi kiện, theo đó bổ sung các chứng cứ này để VIAC xem xét.

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 7: Các trường hợp VIAC từ chối tiếp nhận Đơn Khởi kiện

Trường hợp 02 – VIAC yêu cầu bổ sung tài liệu, bằng chứng liên quan

Việc Trung tâm làm rõ hồ sơ, tài liệu cũng như việc bổ sung, sửa chữa các tài liệu, bằng chứng không phải hiếm gặp, đặc biệt là đối với các Tranh chấp phức tạp, hồ sơ trình nộp kèm theo Đơn Khởi kiện nhiều.

Những trường hợp thường gặp mà Trung tâm yêu cầu Nguyên đơn bổ sung, sửa chữa tài liệu, bao gồm:

  • Nguyên đơn không chỉ rõ các yêu cầu trong Đơn Khởi kiện
  • Đơn Khởi kiện có các yêu cầu mâu thuẫn nhau
  • Nguyên đơn không chỉ rõ giá trị Tranh chấp
  • Có nhiều phiên bản khác nhau về thỏa thuận Trọng tài
  • Hợp đồng có điều khoản giải quyết Tranh chấp đa tầng
  • Vừa có thỏa thuận giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài tại VIAC vừa có thỏa thuận giải quyết Tranh chấp bằng Tòa án.

Trong những trường hợp đó, VIAC sẽ ra Thông báo đến Nguyên đơn yêu cầu sửa chữa hoặc bổ sung để hoàn thiện Đơn khởi kiện.

Sau khi nhận được Thông báo từ VIAC, nếu Nguyên đơn không tiến hành bổ sung hoặc sửa chữa theo đúng yêu cầu thì VIAC sẽ trả lại Đơn khởi kiện. Nếu Nguyên đơn tiến hành sửa chữa và bổ sung đầy đủ theo yêu cầu thì VIAC sẽ tiến hành tiếp nhận Đơn và ra Thông báo đóng phí Trọng tài.

Trường hợp 03 – VIAC tiếp nhận và ra thông báo đóng phí

Khi tiếp nhận Đơn Khởi kiện của Nguyên đơn, VIAC sẽ có thông báo cho Nguyên đơn để hướng dẫn nộp Phí Trọng tài tại Điều 34, Điều 35 Quy tắc VIAC.

Tiếp đó, trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được Phí Trọng tài, Trung tâm sẽ gửi thông báo đến Bị đơn về việc Nguyên đơn nộp Đơn Khởi kiện để kiện Bị đơn tại VIAC kèm theo đó là toàn bộ Hồ sơ khởi kiện.

Phản hồi của Bị đơn

Các tài liệu mà Bị đơn cần chuẩn bị và trình nộp

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo vụ Tranh chấp, Bị đơn có nghĩa vụ:

  • Nộp Bản tự bảo vệ đối với Đơn Khởi kiện của Nguyên đơn với nội dung quy định tại Điều 9 Quy tắc VIAC;
  • Chọn Trọng tài viên thứ 2 hoặc yêu cầu Trung tâm chọn Trọng tài viên;
  • Nộp Đơn kiện lại (cùng thời điểm với Bản tự bảo vệ);

Lưu ý, trong trường hợp Bị đơn cho rằng Thỏa thuận trọng tài giữa các bên không tồn tại, thỏa thuận Trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn cần nêu rõ việc này trong Bản tự bảo vệ, nếu không Bị đơn sẽ bị xem như mất quyền.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Bị đơn vẫn cần phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chọn Trọng tài viên theo quy định tại Điều 12.2 hoặc Điều 13 Quy tắc VIAC.

Thành lập Hội đồng Trọng tài (HĐTT)

Thành lập Hội đồng Trọng tài luôn là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và cũng là mối quan tâm hàng đầu của Nguyên đơn, Bị đơn cũng như cố vấn pháp lý của họ. Bởi vì, suy cho cùng thì Hội đồng Trọng tài

  • chính là cơ quan trực tiếp giải quyết Tranh chấp mà Các Bên nêu ra, và vì vậy
  • việc thiết lập được một Hội đồng Trọng tài khách quan, công tâm, có chất lượng, uy tín và phù hợp với nội dung, bản chất của vụ Tranh chấp chính là chìa khóa giải quyết Tranh chấp một cách hiệu quả.

Số lượng thành viên Hội đồng Trọng tài

Với nguyên tắc “…ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số”, số lượng Hội đồng trọng tài vì thế sẽ luôn là số lẻ.

Tại VIAC, dựa trên sự thỏa thuận của các bên mà Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ Tranh chấp có thể bao gồm 01 (chẳng hạn trong trường hợp sử dụng Thủ tục rút gọn tại Điều 37 Quy tắc) hoặc 03 Trọng tài viên.

Quy trình thành lập Hội đồng Trọng tài tại VIAC

Việc lập Hội đồng Trọng tài để giải quyết Tranh chấp tại VIAC hoàn toàn phụ thuộc vào các thỏa thuận của Các Bên. Theo đó, trừ các trường hợp đặc biệt khi Các Bên thỏa thuận về quy trình, trình tự, thủ tục lựa chọn Trọng tài viên thì ở hầu hết các trường hợp khác, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc VIAC.

Do vậy, việc thành lập Hội đồng Trọng tài tại VIAC sẽ cần phải trải qua hai bước sau:

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 8: Quy trình thành lập Hội đồng Trọng tài tại VIAC

Quy trình lựa chọn, bổ nhiệm thành viên Hội đồng Trọng tài tại VIAC

Đối với Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên duy nhất thì việc thành lập Hội đồng Trọng tài có phần đơn giản hơn so với Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên. Theo đó, theo quy định tại Điều 13 của Quy tắc thì Các Bên phải thống nhất lựa chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày Bị đơn nhận được Thông báo của Trung tâm.

Hết thời hạn 30 ngày nói trên, nếu Trung tâm không nhận được tên Trọng tài viên do Các Bên lựa chọn thì Chủ tịch Trung tâm sẽ ra quyết định chỉ định Trọng tài viên.

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 9: Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên duy nhất

Ngược lại, việc lập Hội đồng Trọng tài gồm 3 Thành viên sẽ có phần phức tạp hơn. Dưới đây, CNC lần lượt trình bày về các trường hợp xảy ra khi thành lập Hội đồng Trọng tài theo Quy tắc VIAC, đối với trường hợp Hội đồng Trọng tài gồm 3 thành viên.

Qc trong tòa trọng tài có nghĩa là gì năm 2024

Lưu đồ 10: Quy trình lập Hội đồng Trọng tài gồm 3 Thành viên

Đối với việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm 3 Thành viên thì Nguyên đơn và Bị đơn sẽ tiến hành chọn/bổ nhiệm một Trọng tài viên, và hai Trọng tài viên này sẽ thống nhất để cùng bầu ra Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. 3 Thành viên Trọng tài được lựa chọn sẽ tạo thành một Hội đồng Trọng tài, trực tiếp giải quyết vụ tranh chấp.

Tuy nhiên, nếu một Bên hoặc Các Bên không thể tự lựa chọn Trọng tài viên thì Trung tâm sẽ tiến hành chỉ định Trọng tài viên trong thời han 07 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu từ một Bên hoặc Các Bên.

Nếu Trọng tài viên mà các bên lựa chọn không nằm trong danh sách Trọng tài viên của VIAC thì Các Bên phải thông báo cho VIAC biết về địa chỉ của Trọng tài viên cũng như các thông tin khác mà VIAC yêu cầu.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Trọng tài viên được Bị đơn chọn hoặc được Chủ tịch Trung tâm chỉ định nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định, các Trọng tài viên phải bầu người thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài và thông báo cho VIAC. Nếu hết thời hạn này mà chưa thông báo thì Chủ tịch Trung tâm sẽ tiến hành chỉ định Chủ tịch của Hội đồng Trọng tài trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày cuối của thời hạn bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

Tiêu chuẩn của Trọng tài viên

Căn cứ theo Điều 16 Quy tắc VIAC, Trọng tài viên cần phải đảm bảo yếu tố vô tư, độc lập, và minh bạch trong quá trình xem xét và giải quyết vụ tranh chấp. Nếu như Trọng tài viên được các bên lựa chọn hoặc Trọng tài viên được chỉ định thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 và 3 Điều 16 của Quy tắc này thì người được lựa chọn sẽ bị thay thế bởi Trọng tài viên khác.

Ngoài ra, để đảm bảo rằng tranh chấp được giải quyết nhanh gọn, các bên khi chỉ định Trọng tài viên cần lưu ý đến kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của Trọng tài viên đối với lĩnh vực tranh chấp và luật áp dụng cho tranh chấp. Bên cạnh đó, quốc tịch của Trọng tài viên cũng là vấn đề cần lưu tâm. Nhằm đảm bảo tính trung lập, Trọng tài viên không nên cùng quốc tịch với riêng một bên nào (nếu các chủ thể trong tranh chấp không cùng quốc tịch).

Phiên họp giải quyết Tranh chấp tại VIAC

Sau khi xem xét các tài liệu cũng như lắng nghe ý kiến của các bên trong các Phiên họp giải quyết vụ Tranh chấp, trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc Phiên họp cuối cùng Hội đồng Trọng tài sẽ đưa ra Phán quyết Trọng tài giải quyết tất cả các yêu cầu của các bên trong vụ tranh chấp.

Phán quyết Trọng tài phải được lập thành văn bản và phán quyết mang tính chất chung thẩm và có hiệu lực tương đương với Bản án có hiệu lực của Tòa án. Do đó, Phán quyết trọng tài không thể bị kháng cáo, kháng nghị.

Thực tế, nhiều vụ Tranh chấp được giải quyết bằng nhiều Phiên họp khác nhau. Hội đồng Trọng tài có thể ấn định các Phiên họp diễn ra nối tiếp nhau. Tuy nhiên, khi cần bổ sung tài liệu, chứng cứ và được một Bên đề xuất, Hội đồng Trọng tài có thể hoãn Phiên họp giải quyết Tranh chấp sang một thời điểm khác.

Ban hành Phán quyết Trọng tài

Trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc Phiên họp cuối cùng thì Hội đồng sẽ đưa ra Phán quyết trọng tài giải quyết tất cả các yêu cầu của các bên trong vụ tranh chấp.

Sửa chữa và giải thích Phán quyết trọng tài

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, Hội đồng Trọng tài có thể lập Quyết định sửa chữa lỗi chính tả, lỗi in, lỗi đánh máy và các lỗi các có bản chất tương tự, lỗi số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong Phán quyết Trọng tài; hoặc trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, một bên cũng có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài sửa các lỗi kể trên và phải thông báo ngay cho bên kia.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, nếu Hội đồng Trọng tài thấy yêu cầu này là chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia thì phải lập Quyết định sửa chữa.

Tương tự, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài giải thích Phán quyết Trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, nếu Hội đồng Trọng tài thấy yêu cầu này là chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia thì phải lập Quyết định giải thích.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Trọng tài có thể gia hạn thời hạn sửa chữa hoặc giải thích Phán quyết trọng tài.

Phán quyết trọng tài được lập thành văn bản, mang tính chất chung thẩm và có hiệu lực tương đương với Bản án có hiệu lực của Tòa án. Do đó, Phán quyết Trọng tài không thể bị kháng cáo, kháng nghị.

Thi hành Phán quyết Trọng tài

Phán quyết Trọng tài đặt ra một thời hạn để bên phải thi hành, bên thua kiện tự nguyện thực hiện các nội dung trong Phán quyết.

Nếu hết thời gian tự nguyện mà bên phải thi hành, bên thua kiện vẫn chưa thi hành Phán quyết hoặc thi hành chưa đầy đủ nghĩa vụ của mình thì bên được thi hành, bên thắng kiện, có thể gửi Phán quyết Trọng tài đến trực tiếp Cơ quan thi hành án – Cục thi hành án Dân sự để yêu cầu cưỡng chế thi hành án mà không cần thông qua thủ tục xin công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài.

Mẫu văn bản trong quá trình giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Trong quá trình hành nghề của mình, CNC đã may mắn tiếp nhận và học hỏi được một số biểu mẫu có liên quan đến các trình nộp liên quan đến Thủ tục Giải quyết Tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Chúng tôi đã loại bỏ các thông tin riêng tư, nhạy cảm, hoặc được yêu cầu giữ bí mật. Quý Khách hàng có thể tham khảo các tài liệu đính kèm theo đây

Mẫu 01: Đơn Khởi kiện tại đây.

Mẫu 02: Bản Tự bảo vệ tại đây.

Mẫu 02.1: Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại tại đây.

Mẫu 03: Đơn Kiện lại tại đây.

Mẫu 04: Yêu cầu áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời

Mẫu 05: Yêu cầu thay đổi Trọng tài viên

Mẫu 06: Mẫu hoàn phí Trọng tài

Mẫu 07: Mẫu Đơn xin gia hạn Thời gian đệ trình Bản Tự bảo vệ và Đơn Kiện lại

Mẫu 08: Mẫu đơn xin gia hạn Thời gian diễn ra Phiên họp giải quyết vụ Tranh chấp

Mẫu 09: Mẫu đơn Phản đối Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài

Mẫu 10: Mẫu Văn bản ủy quyền.

Mẫu 11: Đề nghị làm rõ Phán quyết Trọng tài tại đây.

Mẫu 12: Đề nghị sửa Phán quyết Trọng tài và lập Phán quyết Trọng tài bổ sung tại đây.

Liên hệ

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức,

Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: (84) 28-6276 9900

Hot line: (84) 916-545-618

Email: [email protected]

Website: cnccounsel

Phụ trách:

Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành

Điện thoại: (84) 916 545 618

Email: [email protected]

Hoặc

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email: [email protected]

Miễn trừ:

Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

Xem thêm thông tin về VIAC tại địa chỉ https://viac.vn

Xem thêm thông tin về ICC tại địa chỉ https://iccwbo.org

Xem thêm thông tin về ICC International Court of Arbbitration tại địa chỉ https://iccwbo.org/dispute-resolution-services/icc-international-court-arbitration/

Xem thêm thông tin về SIAC tại địa chỉ https://siac.org.sg/

Xem thêm thông tin về Quy tắc VIAC 2017 tại đây.

Xem thêm thông tin về các ngôn ngữ của Quy tắc đã được VIAC dịch tại địa chỉ https://www.viac.vn/quy-tac-trong-tai.html.