Nhà nước quản lý xã hội một cách dân chủ và hiệu quả nhất là quản lý bằng

Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ. Nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp trên với việc mở rộng dân chủ cho cấp dưới, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Nguyên tắc này được thể hiện trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở một số khía cạnh cơ bản như sau:

– Thứ nhất, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước do nhân dân xây dựng nên. Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc này. Nhân dân bầu ra đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Cơ quan quyền lực nhà nước lại bầu ra các thành viên của Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp là những cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trên nguyên tắc tập trung – dân chủ. Như vậy, nguyên tắc này được tuân thủ trong toàn bộ máy nhà nước.

– Thứ hai, quyết định của cấp trên, của trung ương buộc cấp dưới, địa phương phải thực hiện. Đây là biểu hiện của sự tập trung quyền lực vào cơ quan cấp trung ương, đồng thời dân chủ trong việc huy động sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện quyết định của các cấp địa phương.

– Thứ ba, những vấn đề quan trọng của cơ quan nhà nước phải được đưa ra thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Đây là biểu hiện của sự tập trung trong việc thống nhất ý kiến, dân chủ trong việc đóng góp ý kiến và quyết định cuối cùng.

– Thứ tư, mọi vấn đề quan trọng của đất nước phải được Quốc hội thông qua, trước khi Quốc hội thảo luận và thông qua phải được đưa ra trưng cầu ý kiến của nhân dân. Biểu hiện của tập trung thông qua quyết định tối cao của Quốc hội, đồng thời dân chủ thể hiện trong việc lấy ý kiến của nhân dân.

2. Vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước:

Đây là nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp trên với việc mở rộng dân chủ cho cấp dưới, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Dân chủ là bản chất của nhà nước XHCN, có đảm bảo dân chủ mới có thể tập trung sức mạnh của tập thể và phát huy trí tuệ, phát huy tính chủ động và sức sáng tạo của nhân dân. Quản lí nhà nước, quản lí xã hội đòi hỏi phải có sự tập trung quyền lực, có tập trung quyền lực mới quản lí được xã hội, mới thiết lập được trật tự xã hội.

Tập trung và dân chủ là hai mặt của một thể thống nhất kết hợp hài hòa với nhau. Nếu thiên về tập trung mà không chú trọng tới dân chủ sẽ dẫn đến tập trung quan liêu, độc đoán trái với bản chất của nhà nước ta. Ngược lại nếu quá thiên về dân chủ mà coi nhẹ tập trung sẽ dẫn đến dân chủ quá trớn làm cho hoạt động của nhà nước kém hiệu quả. Vì vậy, tập trung phải luôn gắn liền với dân chủ. Tập trung và dân chủ là hai mặt của một thể thống nhất không thể tách rời.

3. Phân tích nguyên tắc tập chung dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước:

Nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước là sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ. Nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước được biểu hiện ở những nội dung sau:

a, Sự  phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.

Xem thêm: Quản lý hành chính nhà nước là gì? Đặc điểm quản lý hành chính nhà nước?

Hiến pháp 1992 quy định : “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.”

Như vậy, Hiến pháp quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước do chính họ bầu ra để thay mặt mình trực tiếp thực hiện những quyền lực đó. Ðể thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được thành lập và nó luôn có sự phụ thuộc vào các cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.

+ Tập trung được thể hiện ở việc các cơ quan quyền lực nhà nước có những quyền hạn nhất định trong việc thành lập, sáp nhập hay giải thể các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp. Ở trung ương Quốc hội thành lập ra Chính phủ và trao cho nó quyền hành pháp. Ở địa phương các UBND do HĐND cùng cấp bầu ra và thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước ở địa phương.

Ví dụ: Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân quy định:

Khoản 3 Điều 17 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh: “Phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp theo hướng dẫn của Chính phủ”

Điều 2: “Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên.

…Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở”.

Tập trung còn được thể hiện trong hoạt động, các cơ quan hành chính nhà nước luôn chịu sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình với cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp. Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định:

Xem thêm: Khái niệm và các phương pháp quản lý hành chính nhà nước

Điều 1:  “Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân,…”

Điều 120: “Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và Chính phủ.”

+ Dân chủ được thể hiện trong việc cơ quan quyền lực nhà nước trao quyền chủ động sáng tạo cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện hiến pháp, luật và các văn bản khác của cơ quan quyền lực nhà nước.

Khoản 1 Điều 94 Luật tổ chức HĐND và UBND quy định nhiệm vụ quyền hạn của UBND cấp tỉnh như sau: “Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở địa phương”

Thêm vào đó, cơ quan quyền lực nhà nước còn tạo điều kiên thuận lợi cần thiết để các cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là quản lí hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó được thể hiện trong việc: Chính phủ, bộ và các cơ quan ngang bộ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Tất cả sự phụ thuộc này nhằm mục đích bảo đảm cho hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân lao động, bảo đảm sự tập trung quyền lực vào cơ quan quyền lực, cơ quan do dân bầu và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

b, Sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, của địa phương đối với trung ương.

Nhờ có sự phục tùng này cấp trên và trung ương mới tập trung quyền lực nhà nước để chỉ đạo, giám sát hoạt động của cấp dưới và của địa phương, nếu không có sự phục tùng sẽ xảy ra tình trạng cục bộ địa phương, tùy tiện, vô chính phủ. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản sau:

Xem thêm: Quản lý tài chính trong các cơ quan hành chính nhà nước là gì? Đối tượng quản lý

+ Tất cả các yêu cầu, mệnh lệnh do cấp trên và Trung ương đưa ra cấp  dưới và địa phương phải có nghĩa vụ thực hiện.

Theo Luật tổ chức HĐND và UBND, Điều 7: “Uỷ ban nhân dân cấp dưới chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp trên. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo của Chính phủ”. Khoản 7 Điều 17 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh: “Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện”

+ Mặt khác, cấp trên, trung ương cũng phải tôn trọng ý kiến của cấp dưới, địa phương về công tác tổ chức, hoạt động và về các vấn đề khác của quản lý hành chính nhà nước. Sự phục tùng mệnh lệnh không mang ý nghĩa tuyệt đối, phục tùng vô điều kiện mà là sự phục tùng những mệnh lệnh hợp pháp trên cơ sở quy định của pháp luật. Cấp trên, trung ương phải tạo điều kiện để cấp dưới, địa phương phát huy sự chủ động, sáng tạo nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhằm chủ động thực hiện được “thẩm quyền cấp mình”. Có như thế mới khắc phục tình trạng quan liêu, áp đặt ý chí, làm mất đi tính chủ động sáng tạo tự chịu trách nhiệm của địa phương, cấp dưới.

c, Sự phân cấp quản lý.

Phân cấp quản lý là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả mục tiêu chung của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Khi tiến hành phân cấp quản lí đã có sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp trong bộ máy hành chính nhà nước. Mỗi cấp quản lý có những mục tiêu, nhiệm vụ, thẩm quyền và những phương thức cần thiết để thực hiện một cách tốt nhất những mục tiêu, nhiệm vụ của cấp mình.

Phân cấp quản lý là một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, việc phân cấp phải đảm bảo những yêu cầu sau:

+ Phải đảm bảo quyền quyết định của trung ương đối với những lĩnh vực then chốt, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược để đảm bảo sự phát triển cân đối hài hòa của toàn xã hội, bảo đảm sự quản lý tập trung và thống nhất của nhà nước trong phạm vi toàn quốc.

+ Phải mạnh dạn trao quyền cho các địa phương, các đơn vị cơ sở để phát huy tính chủ động sáng tạo trong quản lý, tích cực phát huy sức người, sức của, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống nhằm hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

Xem thêm: Việc phân cấp quản lý trong nguyên tắc tập trung dân chủ

+ Phải phân cấp quản lý cụ thể, hợp lý trên cơ sở quy định của pháp luật. Hạn chế tình trạng cấp trên gom quá nhiều việc, khi không làm xuể công việc ấy thì giao lại cho cấp dưới. Phân cấp quản lý phải xác định chức năng cơ quan. Mỗi loại việc chỉ được thực hiện bởi một cấp cơ quan, hoặc một vài cấp cơ quan. Cấp trên không phải lúc nào cũng thực hiện được một số chức năng một cách có hiệu quả như cấp dưới.

Từ nghị quyết đại hội đảng IX vấn đề phân cấp – phân quyền cho bộ máy nhà nước đã đặt thành vấn đề cấp thiết và bắt đầu thực hiện trên thực tế, đánh đấu bằng việc ban hành pháp lệnh thủ đô, Nghị định 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/12/2001 “về phân cấp quản lí một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh”; và một số động thái khác.

Ở đây cần lưu ý, phân cấp quản lý không phải là phân quyền. Phân quyền là sự phân chia quyền lực, còn phân cấp quản lý là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả mục tiêu chung của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Quyền lực vẫn được đảm bảo tập trung vào cấp trên, trung ương, còn cấp dưới, địa phương được trao một số thẩm quyền mà họ có thể làm được để giảm bớt gánh nặng phải giải quyết nhiều vấn đề của cấp trên, trung ương. Cấp trên, trung ương vẫn đảm bảo sự tập trung quyền lực trong việc giao quyền, thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lí những sai trái trong quản lí hành chính nhà nước. Điển hình như gần đây, Chính phủ và thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp xử lí những sai phạm về quản lí đất đai của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng trong việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đối với đầm nuôi tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ra quyết định cách chức chủ tịch, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, bãi bỏ những quyết định trái pháp luật của Uỷ ban nhân dân huyện đưa ra đối với trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn. Sự việc này cho chúng ta thấy rằng, trong sự phân cấp quản lí hành chính nhà nước vẫn đảm bảo tập trung quyền lực vào cấp trên, trung ương.

d, Hướng về cơ sở.

Hướng về cơ sở là việc các cơ quan hành chính nhà nước mở rộng dân chủ trên cơ sở quản lý tập trung đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống các đơn vị kinh tế, văn hóa xã hội trực thuộc.

Các đơn vị kinh tế được nhà nước bảo hộ quyền sở hữu các tài sản hợp pháp, có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng được nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ về vật chất và tinh thần.

Các đơn vị văn hóa – xã hội được nhà nước cung cấp những trang thiết bị cần thiết để giúp đỡ hoạt động, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất để các đơn vị này hoạt động có hiệu quả.

Nhà nước có chính sách và biện pháp xử lí 1 cách thống nhất và chặt chẽ tổ chức và hoạt động của hệ thống các đơn vị cơ sở.

Xem thêm: Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính

e, Sự phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Sự phụ thuộc này thể hiện ở cả hai mặt là tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Điều này được thể hiện ở việc:

Ðối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung một mặt phụ thuộc vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, mặt khác phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Biểu hiện của nó là ở việc Uỷ ban nhân dân trực thuộc Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc Quốc hội [mối phụ thuộc ngang] và Uỷ ban nhân dân cấp trên hoặc Chính phủ [ mối phụ thuộc dọc ].

Đối với cơ quan chuyên môn, một mặt phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cùng cấp, mặt khác nó phụ thuộc vào cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cấp trên trực tiếp. Chẳng hạn như: Sở tài nguyên và môi trường của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu sự quản lí của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ tài nguyên và môi trường.

Nguyên tắc song trùng trực thuộc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương bảo đảm sự thống nhất giữa lợi ích chung của nhà nước với lợi ích của địa phương, giữa lợi ích ngành với lợi ích của lãnh thổ. Trong đó, mối phụ thuộc ngang tạo điều kiện cần thiết cho cấp dưới phát huy dân chủ, thế mạnh của địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mối phụ thuộc dọc giúp cho cấp trên có thể tập trung quyền lực nhà nước nhằm chỉ đạo hoạt động của cấp dưới, tạo nên một hoạt động chung thống nhất.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

4. Ý nghĩa của nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước hiện nay:

a. Ý nghĩa của nguyên tắc tập trung – dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước:

Trong quản lý hành chính nhà nước, tập trung nhằm đảm bảo thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lý để điều hành, chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật một cách thống nhất. Trong khi đó, dân chủ hướng tới việc mở rộng quyền cho đối tượng quản lí nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lí, phát huy khả năng tiềm tàng của đối tượng quản lí trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Cần phải có sự phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ việc đảm bảo cả hai yếu tố này trong quản lí hành chính nhà nước. Nếu chỉ có sự lãnh đạo tập trung mà không mở rộng quyền dân chủ thì sẽ tạo điều kiện cho các hành vi lạm quyền, tham nhũng phát triển. Ngược lại không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương. Trong điều kiện hiện nay sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở là yêu cầu khách quan của việc “thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” [Điều 15 Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ xung năm 2001]. Do đó có thể thấy, trong quản lí hành chính nhà nước, tập trung – dân chủ có ý nghĩa sau:

– Nguyên tắc tập trung – dân chủ là nguyên tắc cơ bản, đóng vai trò là tưởng chỉ đạo, xuyên suốt trong quá trình thực hiện quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Trong quản lí hành chính nhà nước thì nguyên tắc này đảm bảo cho sự tập trung quyền lực nhà nước vào tay chủ thể quản lí để điều hành, chỉ đạo việc thực hiện chính sách pháp luật một cách thống nhất, đồng thời nguyên tắc này đảm bảo việc mở rộng quyền cho đối tượng quản lí nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lí, phát huy khả năng tiềm tang của đối tượng quản lí trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật. Từ đó giúp cho công tác quản lí hành chính nhà nước đạt được những hiệu quả tốt trong việc tăng hiệu quả hoạt động của công tác quản lí hành chính nhà nước.

– Nội dung của nguyên tắc này quy định những đặc điểm chung, mang tính quy luật khách quan trong hoạt động của hệ thống quản lí xã hội chủ nghĩa, đồng thời nó phản ánh sự thống nhất giữa cơ sở tư tưởng, chiến lược và tổ chức của xã hội chủ nghĩa.

– Thực hiện nguyên tắc tập trung – dân chủ trong cải cách hành chính sẽ đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức và hành động của bộ máy nhà nước, phát huy đồng bộ và kết hợp chặt chẽ sức mạnh của cả cơ quan hành chính trung ương lẫn cơ quan hành chính địa phương, của cả hệ thống bộ máy hành chính và từng tổ chức cấu thành trong nó trong việc thực hiện các nhiệm vụ do tiến trình cải cách nền hành chính đặt ra. Ngược lại, nếu xa rời nó, xã hội tất yếu sẽ rơi vào tình trạng hoặc là vô chính phủ, hoặc là độc đoán chuyên quyền.

Do đó nó không chỉ bác bỏ tình trạng lạm quyền của cấp dưới, mà cả thực tế cơ quan cấp trên “làm thay”, “lấn sân” vào thẩm quyền cơ quan cấp dưới, đồng thời cũng phải phủ nhận việc cơ quan cấp dưới ỷ lại, đùn đẩy công việc cho cấp trên, và khuyến khích cấp dưới tham gia vào việc giải quyết vấn đề chung thuộc thẩm quyền cấp trên, đề xuất những kiến nghị để giải quyết chúng.

– Việc áp dụng nguyên tắc tập trung –  dân chủ trong quản lí hành chính nhà nước giúp cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân hoàn thiện hơn, người dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình một các hữu hiệu, tạo nên một cơ chế đảm bảo cho quần chúng tích cực tham gia vào công tác quản lí.

b. Những ưu điểm và hạn chế trong việc áp dụng nguyên tắc này trong quản lí hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay:

Về ưu điểm, nguyên tắc tập trung – dân chủ đã được tuân thủ triệt để, toàn diện trong quản lí hành chính nhà nước ở các khâu tổ chức và hoạt động. Nó tạo điều kiện hiệu quả trong quản lí hành chính nhà nước. Bằng chứng là việc đất nước đã phát triển nhanh chóng về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội,…Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, chất lượng cuộc sống đã có những cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế, việc áp dụng nguyên tắc này một cách máy móc đang làm cho bộ máy hành chính nhà nước trở nên lạc hậu, ì ạch, kìm hãm sự phát triển của đất nước, đẩy lùi bước tiến của xã hội. Nó làm cho cơ quan quản lí hành chính cấp dưới trở nên ỉ lại, lạm quyền, nhũng nhiễu nhân dân, đòi hối lộ…còn cơ quan quản lí hành chính cấp trên trở nên loay hoay, trên bảo dưới không nghe, tệ quan liêu tham nhũng tràn lan, chia bè phái trong bộ máy lãnh đạo, không ai chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trong quản lí hành chính…Điều đó đặt ra vấn đề bức thiết trong việc cải cách hành chính để đảm bảo tập trung – dân chủ đúng theo ý nghĩa vốn có của nó.

c. Giải pháp hoàn thiện nền hành chính dựa trên nguyên tắc tập trung – dân chủ:

Thứ nhất, cần phải thực hiện mạnh mẽ chỉ đạo của Đảng và Bộ chính trị trong việc cải cách hành chính, lấy cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá trên tinh thần tinh giản bộ máy hành chính nhằm giải bớt các khâu trung gian và những cơ quan hoạt động không hiệu quả. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để nhân dân được biết nhằm tránh tệ hách dịch, cửa quyền, xoá bỏ văn hoá “phong bì” đã làm xấu hình ảnh của bộ máy hành chính nhà nước. Công khai các hoạt động của Chính phủ và Ủy ban nhân dân trong hoạt động quản lí hành chính trên mọi lĩnh vực để dân biết, dân kiểm tra.

Thứ hai, cần tinh giản biên chế cán bộ, công chức nhà nước làm việc không hiệu quả. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cũng như đạo đức của cán bộ, công chức để hoạt động hiệu quả. Tuyển dụng những nhân tài trên mọi lĩnh vực vào làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước theo sự giới thiệu của nhân dân, của cơ quan quyền lực nhà nước, của Đảng…với chế độ đãi ngộ tốt, giữ vị trí cao trong bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, cải thiện đời sống cho nhân dân, đặc biệt quan tâm tới đội ngũ cán bộ, công chức để họ ổn định cuộc sống, làm giàu bằng sự đóng góp xứng đáng của mình, hoàn thành trọng trách cao cả mà nhân dân giao phó.

Video liên quan

Chủ Đề