Nặng đầu là triệu chứng bệnh gì

Đau đầu kéo dài là một cảm giác vô cùng khó chịu và ai cũng có thể gặp phải tình trạng này. Cơn đau có thể mang tính chất âm ỉ hoặc dữ dội theo từng cơn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Vậy làm thế nào để điều trị được những cơn đau đầu kéo dài? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu qua những thông tin sau.

1. Đau đầu kéo dài là do đâu?

Nguyên nhân gây đau đầu kéo dài có thể là do những yếu tố sau đây:

1.1. Đau đầu hồi ứng

Đây là hiện tượng thường xảy ra ở những bệnh nhân bị đau đầu và hay phải dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Mỗi lần cơn đau đầu xuất hiện thường không kéo dài quá lâu nhưng nó sẽ tái phát nhiều lần trong ngày, thậm chí là lâu hơn.

1.2. Chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu là dạng đau đầu kéo dài dai dẳng và khiến người bệnh rất khó chịu với các đặc điểm như:

  • Cảm giác ốm yếu là dấu hiệu cảnh báo trước khi xuất hiện cơn đau đầu khoảng 1 - 2 ngày;
  • Thị lực bị ảnh hưởng, thấy có nhấp nháy hoặc hào quang trước khi bị đau đầu;
  • Đau nhói ở 1 hoặc cả 2 bên đầu, kèm theo đau đằng sau mắt;
  • Buồn nôn, ói mửa;
  • Nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, mùi hương;
  • Kiệt sức và mệt mỏi sau khi trải qua cơn đau nửa đầu.

Nặng đầu là triệu chứng bệnh gì

Đau đầu kéo dài là một cảm giác vô cùng khó chịu và ai cũng có thể gặp phải tình trạng này

1.3. Chứng đau đầu Cervicogenic

Cơn đau xuất phát từ cổ rồi lan đến đầu do vấn đề bệnh lý như viêm khớp, gãy xương, mòn đĩa đệm, nhiễm trùng, mòn đĩa đệm, chấn thương hoặc do tư thế ngủ không đúng cách. Đôi khi chứng đau đầu Cervicogenic ập đến không rõ nguyên nhân. Nếu không điều trị thì cơn đau sẽ không tự biến mất.

1.4. Chấn thương vùng đầu

Nếu người bệnh gặp phải chấn thương hoặc chấn động vùng đầu thì kệ quả có thể xảy ra đó là những cơn đau đầu kéo dài. Đây được gọi là hội chứng sau chấn động với các triệu chứng như sau:

  • Đau đầu liên tục và thường xuyên tái phát;
  • Khó chịu, mệt mỏi, mất tập trung;
  • Trí nhớ ngắn hạn;
  • Chóng mặt, ù tai, mắt mờ;
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng và âm thanh;
  • Khó ngủ, lo lắng;
  • Rối loạn giác quan, đặc biệt là khứu giác và vị giác suy giảm.

1.5. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đau đầu kéo dài

Ngoài những nguyên nhân bệnh lý nêu trên thì chứng đau đầu kéo dài cũng có thể phát triển từ các yếu tố sau:

  • Uống quá nhiều bia rượu, caffeine, dùng chất kích thích;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Phiền muộn, lo lắng, căng thẳng, hoảng sợ.

Tình trạng đau đầu kéo dài và thường xuyên tái phát không những làm ảnh hưởng tới thể chất, tâm lý mà còn gây cản trở quá trình sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh.

2. Các phương pháp điều trị chứng đau đầu kéo dài

Để điều trị chứng đau đầu kéo dài thì cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là các phương pháp thường được chỉ định trong việc khắc phục chứng đau đầu kéo dài:

2.1. Dùng thuốc giảm đau đầu

Các loại thuốc chuyên trị chứng đau đầu bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: có tác dụng kiểm soát và điều hòa tâm trạng, phòng ngừa các cơn đau đầu. Hai loại thuốc điển hình thuộc nhóm này đó là Amitriptyline và Nortriptyline;
  • Thuốc chẹn beta: Propranolol, Metoprolol;
  • Thuốc chống động kinh: Gabapentin, Topiramate;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): gồm ibuprofen và naproxen cần được dùng theo đúng liều lượng khuyến cáo vì nếu không sẽ dẫn đến tác dụng phụ hoặc bị tái phát đau đầu;
  • Tiêm botox: nếu người bệnh không đáp ứng tốt các thuốc trên thì có thể cân nhắc đến liệu pháp này.

Việc sử dụng các thuốc điều trị đau đầu nên tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh trường hợp lạm dụng thuốc gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Nặng đầu là triệu chứng bệnh gì

Dùng thuốc là biện pháp phổ biến thường được chỉ định khi điều trị chứng đau đầu kéo dài

2.2. Các phương pháp không dùng thuốc khác

Ngoài điều trị đau đầu kéo dài bằng thuốc thì các liệu pháp khác cũng đã và đang được nghiên cứu đưa vào áp dụng, cụ thể đó là những liệu pháp dưới đây:

  • Phản hồi sinh học: dùng các thiết bị theo dõi có chức năng hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát được sự căng cơ, huyết áp và nhịp tim ở mức bình thường;
  • Kích thích dây thần kinh chẩm: một loại thủ thuật được tiến hành bằng cách đặt vào đáy hộp sọ một thiết bị nhỏ, thiết bị này sẽ gửi xung điện tới dây thần kinh chẩm nhằm hạn chế tình trạng đau nhức đầu;
  • Châm cứu: đây là phương pháp y học cổ truyền có tác dụng giúp thông huyệt đạo và cải thiện chức năng tuần hoàn não, giảm thiểu những cơn đau nhức đầu dai dẳng;
  • Massage: cải thiện chứng căng cơ và giúp người bệnh thư giãn, thoải mái hơn;
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống: bản thân người bệnh nếu muốn xoa dịu cảm giác đau đầu kéo dài thì nên thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn, bằng cách tránh xa rượu bia, chất kích thích, caffeine (những chất là nguyên nhân làm tăng triệu chứng đau đầu), luyện tập thói quen ngủ đủ giấc và đúng giờ mỗi ngày, hạn chế dùng các thiết bị điện tử, tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng quá độ và bảo vệ vùng đầu cổ khi tham gia giao thông để phòng ngừa rủi ro chấn thương.

3.Đau đầu kéo dài - khi nào cần gặp bác sĩ?

Đối với tình trạng đau đầu kéo dài thì tùy mức độ nặng hay nhẹ người bệnh có thể lựa chọn đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Trong trường hợp bạn gặp phải các vấn đề sau đây thì tốt nhất là nên đi khám ngay:

  • Các cơn đau đầu tái phát nhiều lần trong thời gian ngắn (3 lần/tuần);
  • Ngày nào bạn cũng phải uống thuốc giảm đau để làm dịu bớt cơn đau;
  • Ngay cả sau khi đã dùng thuốc tình trạng đau đầu cũng không có dấu hiệu được cải thiện;
  • Đau đầu khiến các hoạt động thường nhật bị cản trở, ví dụ như không thể tập trung học tập, làm việc hoặc khó ngủ;
  • Đôi khi cơn đau đầu tăng nặng, xuất hiện đột ngột và dữ dội;
  • Đau đầu đi kèm với các dấu hiệu nhiễm trùng như buồn nôn, ói mửa, sốt cao, cứng cổ;
  • Đau đầu và kèm theo đó là biểu hiện thần kinh khác như có vấn đề về phối hợp các chức năng nói, di chuyển, lú lẫn, tê người;
  • Đau đầu xuất hiện khi gặp chấn thương vùng đầu cổ.

Nặng đầu là triệu chứng bệnh gì

Nếu đau đầu kéo dài, tính chất dữ dội kèm theo các triệu chứng khác thì bạn nên đi khám

Những thông tin trong bài viết đã giúp chúng ta hiểu thêm về chứng đau đầu kéo dài. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này và bị tái phát thường xuyên thì có thể đi khám tại Chuyên khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn đọc xin vui lòng liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.