Mô hình truyền thông mới là gì


Nguồn: New Media Institute

Website: //newmedia.org

Biên dịch: Phạm Khánh Hòa

Hiệu đính: Quang Huy – Thúy Ngân

Vietnam New Media Group

Website: //newmedia.edu.vn

Giới thiệu: Cái gì không phải là truyền thông mới?

“Truyền Thông Mới” là một thuật ngữ tổng hợp của thế kỷ 21 được dùng để định nghĩa tất cả những gì liên quan đến internet cũng như sự tương tác giữa công nghệ, hình ảnh và âm thanh. Trên thực tế, định nghĩa truyền thông mới thay đổi hàng ngày hàng giờ, và sẽ còn vận động không ngừng. Các loại hình truyền thông mới luôn phát triển và biến đổi. Chúng ta gần như không thể đoán biết trước tương lai của truyền thông mới, nhưng có một điều chắc chắn rằng nó sẽ tiếp tục chuyển mình nhanh chóng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hiểu một khái niệm vô cùng phức tạp và bất định như truyền thông mới, chúng ta cần một hình dung cơ bản làm cơ sở. Hãy thử bắt đầu cuộc tìm hiểu này từ Wikipedia, kho tri thức mở phổ biến nhất trong thời đại ngày nay:

Theo định nghĩa trên Wikipedia, Truyền Thông Mới là: “… một thuật ngữ rộng trong nghiên cứu truyền thông xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 20. Một ví dụ là  truyền thông mới cho phép người dùng truy cập nội dung vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu hay trên bất kì thiết bị số nào, cũng như cho phép người dùng tương tác và tham gia vào quá trình xây dựng nội dung truyền thông. Quá trình này này cũng hứa hẹn sẽ mang đến sự “dân chủ hóa” hơn trong việc sáng tạo, xuất bản, phân phối và sử dụng nội dung truyền thông. Điều khiến truyền thông mới khác biệt so với truyền thông truyền thống là nội dung được chuyển hóa thành dạng dữ liệu số. Ngoài ra, một điểm nổi bật khác là nội dung có thể được tạo ra theo thời gian thực. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn thiếu các quy chuẩn, vì thế chưa phát triển mạnh.

Wikipedia, một cuốn bách khoa toàn thư trực tuyến, là một ví dụ của việc kết hợp chữ viết, hình ảnh, video trên mạng Internet với các đường dẫn, sự tham gia đóng góp và phản hồi của người dùng, cũng như một cộng đồng biên tập và nhà tài trợ để tạo ra lợi ích cho những người đọc bên ngoài cộng đồng đó. Facebook là một ví dụ của mô hình truyền thông xã hội, nơi mà hầu hết người dùng [user] cũng chính là người tham gia vào quá trình truyền thông [participant].

Đa số các công nghệ được gọi là “truyền thông mới” đều dựa trên nền tảng số, thường mang các đặc tính sau: khả năng liên kết mạng lưới, khả năng nén [compressible] và tính tương tác. Một số ví dụ có thể kể đến như: mạng Internet, website, truyền thông đa phương tiện, game trên máy tính, đĩa CD và DVD. Truyền thông mới không bao gồm chương trình tivi, phim truyện, tạp chí, sách hoặc các ấn phẩm bằng giấy khác – trừ khi chúng chứa đựng công nghệ có thể tạo điều kiện cho tương tác số.”

Truyền thông mới được phát triển và ứng dụng quá nhanh chóng trong kinh doanh, tuyên truyền và rất nhiều lĩnh vực khác. Vì thế câu hỏi “Truyền thông mới là gì?” cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng. Ngược lại, câu trả lời thường chỉ là một loạt những từ khóa nhàm chán hay các thuật ngữ trống rỗng mà độ chính xác còn chưa xác định được. Câu hỏi về truyền thông mới không đơn thuần là câu hỏi về những thứ công cụ và đồ chơi mới, mà còn là một vấn đề sâu sắc hơn nhiều ẩn dưới những hình ảnh vẫn nhấp nháy trên màn hình mà ta nghĩ là đại diện cho truyền thông mới. Thay vì hỏi “Truyền Thông Mới là gì?” chúng ta có thể hỏi “Cái gì không phải là Truyền Thông Mới?”. Chắc chắn sẽ có vài tấm biển chỉ đường rõ ràng để trả lời cho những thắc mắc của những người dùng thế kỷ 21.

Dường như rất khó để định nghĩa thuật ngữ “truyền thông mới”. Hiểu theo nghĩa rộng, truyền thông mới là phương thức tổ chức một đám mây gồm công nghệ, kỹ năng và quá trình xử lý thông tin – những thứ đang thay đổi nhanh đến nỗi không thể tìm ra được định nghĩa đầy đủ. Ví dụ, điện thoại di động vào nửa sau thập kỷ 80 có thể coi là một phần của truyền thông mới, trong khi ngày nay khái niệm này có thể chỉ áp dụng đối với một số loại điện thoại nhất định, với một hệ thống những ứng dụng [application] nhất định, hoặc phổ biến hơn, là nội dung của các ứng dụng [app] đó. Một trong số những khó khăn khi định nghĩa Truyền Thông Mới bắt nguồn tính tương đối của từ “mới”. Bởi vì “mới” đánh dấu sự phát triển vượt qua những giá trị quen thuộc; đó là những thứ vừa mới xảy ra và chúng ta đang bắt đầu làm quen với nó. Có lẽ tìm kiếm một đặc tính phù hợp để mô tả về mạng lưới các công cụ và ý tưởng này là một công việc không có điểm dừng. Khả năng không giới hạn trong giao tiếp, sáng tạo và giáo dục chắc chắn sẽ là một yếu tố cơ bản định hình nhận thức của chúng ta về các ứng dụng của truyền thông mới.

Tuy nhiên, trong khi đi tìm định nghĩa về “Truyền Thông Mới”, chúng ta cần một số nguyên lý cơ bản để hiểu rõ hơn Truyền Thông Mới là gì và không là gì. Truyền Thông Mới có thể được mô tả bằng việc sử dụng đa dạng các hình ảnh, từ ngữ và âm thanh. Những mạng lưới hình ảnh, âm thanh và chữ viết này khác với truyền thông kiểu cũ như báo giấy bởi đặc tính lồng ghép của chúng.

Lồng ghép [Nesting] là cách thức tổ chức thông tin theo chủ thể đồng thời phù hợp với ngữ cảnh. Trong ngữ cảnh, việc lồng ghép [thường thấy trong văn bản hoặc hình ảnh được nhúng siêu liên kết [hyperlink]] hình thành một hệ thống cho phép các nhân tố tương tác với nhau thay vì đơn thuần tuân theo một trật tự định sẵn. Cách tổ chức dữ liệu mới này không yêu cầu một “câu chuyện phía sau” để giải thích và các thành phần của thông tin tương tác cũng có thể đứng riêng lẻ. Truyền thông mới đòi hỏi một sự diễn giải phi tuyến tính, vì nhiều nguồn thường hướng đến cùng một chủ thể trung tâm, nhưng không phải lúc nào cũng đối chiếu lẫn nhau. Tóm lại, tất cả những điều này cho thấy một trong những tính chất đầu tiên của truyền thông mới là nó thoát khỏi những giới hạn của các định dạng cũ như báo giấy, sách và tạp chí.

Có lẽ khái niệm này về Truyền Thông Mới chỉ là một phần của toàn bộ bức tranh và là tiền đề cho những tranh luận chuyên sâu hơn. Chúng tôi nhận ra rằng nhiều công cụ giao lưu trực tuyến đã thúc đẩy trải nghiệm ở các trường đại học và công sở, tạo ra những chia sẻ tương tác sâu rộng. Điều đầu tiên mà bất cứ ai sử dụng truyền thông mới trong thế kỷ 21 cũng nhận ra đó là công nghệ và khả năng sáng tạo không nhất thiết phải xác định được tính hữu ích hay tiềm năng của nó. Tất nhiên, chẳng phải những điều đó đều phụ thuộc vào người sử dụng hay sao?

Truyền thông mới = Thiết bị số?

Truyền thông mới đã tạo ảnh hưởng sâu sắc lên ba khía cạnh quan trọng nhất của xã hội thế kỷ 21, đó là kinh tế, chính trị và việc trao đổi ý tưởng. Trong phạm vi giới hạn của bài viết, tác giả không thể đề cập tới việc truyền thông mới đã đem lại những thay đổi gì, cũng như đưa ra cách xử lý, điều chỉnh các thay đổi đó. Tuy nhiên, việc phác thảo sự phát triển của truyền thông mới trong kỷ nguyên thông tin là điều cần thiết.

Nhìn ở góc độ kinh tế, truyền thông mới là cốt lõi của thương mại toàn cầu. Mạng lưới cáp quang giữa các thành phố trên thế giới đã kết nối mọi người với nhau. Điều này giúp cho nền tài chính và thương mại toàn cầu trở thành hiện thực nhờ mạng lưới dữ liệu giữa các công ty và nhà đầu tư có thể truy cập được từ bất cứ nơi đâu. Không những thế, nó còn tác động lên tiềm năng và quan niệm về các doanh nghiệp “thương mại kiểu cũ”, trong khi vẫn sinh ra một thế hệ doanh nghiệp mới. Mỗi khi một khách hàng lên mạng để tìm mua một cuốn sách hiếm, một chiếc iPod tồn kho, hoặc thậm chí là chiếc máy ảnh số từ một cửa hàng bán lẻ trong khu phố, truyền thông mới có mặt ở cả hai phía của giao dịch. Truyền thông mới không chỉ là sản phẩm mà còn giúp hình thành nên thương mại điện tử.

Điều này có nghĩa là ngành sản xuất tập trung mạnh vào việc tạo ra sản phẩm phần cứng hỗ trợ cho truyền thông mới, trong khi các đối tượng “mềm hơn” như công ty truyền thông, lập trình viên và nghệ sỹ thì điều chỉnh sản phẩm của mình để thích ứng với dòng phát triển của công nghệ hiện thời. Nếu bạn thấy mơ hồ khó hiểu, thì bởi vì truyền thông mới là vậy. Việc xử lý và kết nối của truyền thông mới tạo ra một khía cạnh khác trong cách các công ty và khách hàng vẫn quen thực hiện.

Có lẽ phần thú vị nhất của truyền thông mới là sự tác động lên việc tái cấu trúc các nghiên cứu, nền kinh tế toàn cầu, tương tác xã hội, cũng như việc tạo lập và phân phối thông tin – thứ gắn liền với sự nổi lên của truyền thông mới. Việc viết web và blog nói riêng không phải là điều gì mang tính cách mạng hoặc đột phá bởi vì nó chỉ thay đổi cách người ta dùng từ ngữ hoặc đặt câu. Truyền thông mới mang tính đột phá bởi nó cho phép người ta tổ chức và lồng ghép thông tin vào văn bản theo một cách khác. Những bài viết trên blog, web hoặc bài báo hiện nay không chỉ kết hợp nhiều phương thức truyền tải [ảnh, chữ viết, video] mà chúng còn được tổ chức theo cấu trúc siêu liên kết [hyperlink organization].

Cấu trúc siêu liên kết là một trong những chức năng nổi bật của truyền thông mới, và được ứng dụng một cách sâu rộng. Lồng ghép – thường thấy dưới dạng nhúng đường dẫn – đòi hỏi phải được diễn giải và nghiên cứu một cách sâu sắc. Cách thức tổ chức này có lợi vì việc trình bày theo kiểu cũ thường đòi hỏi thêm ngữ cảnh trong bài viết nhằm tạo tính liền mạch. Trong truyền thông mới, siêu liên kết cho phép trích dẫn gần như vô hạn. Trong những báo cáo truyền thống thường thấy trên báo giấy, các nghiên cứu khoa học, bách khoa toàn thư, thông tin và tài liệu tham khảo thường nằm ngay trong thân văn bản. Có sự dẫn chiếu rõ ràng và cả ám chỉ, nhưng trong hầu hết các trường hợp, bản chất rộng hay hẹp của văn bản phụ thuộc vào cách tổ chức cấu trúc của các phần, cũng như là hiểu biết sẵn có của người đọc về chủ đề được đưa ra.

Chúng ta biết rằng việc tổ chức dữ liệu đã thay đổi rất nhiều trong kỉ nguyên truyền thông mới. Ví dụ, công cụ có ảnh hưởng lớn nhất đến lưu trữ dữ liệu và các nghiên cứu không chính thức là Wikipedia. Gần như không có một bài viết nào trên Wikipedia mà không có đường link dẫn đến một trang dữ liệu khác. Nói đúng hơn, khó có bài viết nào có ít hơn 10 siêu liên kết [hyperlink] như vậy. Ngoài cách thức truyền thống- dẫn nguồn tại cuối văn bản với những dữ liệu đáng tin cậy, Wikipedia là minh chứng cụ thể cho cách hoạt động dựa trên sự liên kết chặt chẽ các ý tưởng và sự kiện.

Cũng cần phải lưu ý rằng truyền thông mới không hoàn toàn thực sự mới đến vậy. Trong thời kỳ phục hưng tại Pháp, tác giả cuốn bách khoa toàn thư lừng danh Encyclopedie đã tạo ra một hệ thống chú giải cuối trang [footnote] có tham chiếu đến một trang viết khác. Cấu trúc tinh tế của cách tổ chức đó đã nhấn mạnh tính đại diện sâu sắc của số liệu và hình ảnh. Điều tương tự cũng đúng với siêu liên kết. Trong khi nội dung được đề cập và thể hiện trong một bài viết có thể đúng theo kinh nghiệm của người viết, cần lưu ý là sự lựa chọn những nguồn và kết nối bên ngoài đôi khi vẫn mang nặng tính chủ quan. Tính chất này làm cho nghiên cứu trở nên phức tạp hơn mặc dù đôi khi khiến người đọc hiểu tốt hơn ý của tác giả về chủ đề đó.

Lưu ý về việc thu thập thông tin

Chúng ta cần lưu ý rằng truyền thông mới cũng được định tính bằng một mức độ lớn những trải nghiệm cá nhân. Các công ty trực tuyến và trang web có thể lần theo nội dung của email cá nhân và các trang web mà người dùng truy cập nhằm hướng đến những quảng cáo phù hợp dựa trên thanh điều hướng và chế độ cài đặt của người đó.

Một số website có mục tiêu duy nhất là thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân với người lướt web. Ví dụ như Speokeo.com, một website sử dụng những thông tin được lưu trữ công khai [số điện thoại, các thành viên gia đình, email, địa chỉ, thậm chí cả xu hướng mua sắm] và chia sẻ chúng cho tất cả những ai tìm kiếm [kết quả hạn chế khi bạn không đăng ký thành viên].

Mối quan tâm về tính riêng tư trong truyền thông mới là chính đáng: mối quan tâm lớn nhất chính là liệu có cần quan tâm hay không. Có lẽ trong đám sương mù của những thông tin được chia sẻ và liên kết qua lại giữa các trang web, mạng quan kệ kinh doanh, cũng như email và những dữ liệu cá nhân công cộng, sự riêng tư cá nhân của những người làm việc với công nghệ truyền thông mới có lẽ là một thứ mù mờ và xa vời của thế kỷ 21. Trong thực tế, chỉ có một lưu ý quan trọng: đừng viết gì mà bạn không muốn thế giới biết lên mạng!

Khía cạnh xã hội

Thực sự có một điều gì đó về truyền thông mới được định nghĩa bởi khả năng vượt ra ngoài cái ao tù của thông tin. Có lẽ thuật ngữ truyền thông mới phù hợp để miêu tả mạng lưới của các mạng thay thế mối quan hệ truyền thống và chuyển đổi thành thứ quan hệ kiểu mới. Trong nhiều trường hợp, các phương tiện truyền thông kiểu cũ phải phụ thuộc vào nguồn dữ liệu thông tin của truyền thông mới. Một bài báo gần đây của tờ Le Monde [Pháp] thống kê sự gia tăng các blog chính trị khắp châu Âu nhằm đánh giá những xu thế và quan điểm đang lên trong khu vực. Điều này thể hiện hai ý nghĩa: truyền thông mới không chỉ giúp những người bình thường có thể tham gia vào hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội, mà nó còn thể hiện rằng đối với nhiều người, cách đưa tin cũ kĩ của các phương tiên truyền thông truyền thống đã không còn là nguồn thông tin quan trọng nhất. Truyền thông mới là tác nhân khởi nguồn và sẽ là nguồn thông tin mới.

Việc trao đổi ý tưởng và hình ảnh là điều quan trọng căn bản khi đánh giá tiềm năng của truyền thông mới. Không chỉ những giới hạn chính trị mà còn những giới hạn trong nghệ thuật, giáo dục sẽ được nới rộng. Ngày nay, những người làm nghề viết lách, hội họa, giáo dục… có thể kết nối với nhau, khai thác những cơ hội và sự kiện vốn trước đây chỉ dành cho người trong nội bộ một tổ chức nào đó.

Có một điều rất rõ ràng: truyền thông mới đang phải trải qua những khó khăn của thời kì đầu vì chưa có những quy tắc và luật lệ điều chỉnh. Bản thân truyền thông mới là một công nghệ mới mang tính trung lập và không ngừng biến đổi. Nó trở nên tốt hay xấu là phụ thuộc vào mỗi người dùng.

Kết luận: Câu hỏi về tiềm năng

Quá nhiều những vấn đề liên quan đến định nghĩa truyền thông mới vẫn đang chỉ là mơ hồ, không được giới hạn và chuẩn hóa. Nhưng thế là tốt hay xấu? Cái gì quyết định thông tin truyền qua máy điện thoại di động, cáp quang hay bách khoa toàn thư trực tuyến? Truyền thông mới đang đi về đâu, và có phải chúng ta – với vai trò là những người dùng [user] – đang xây dựng đích đến, hay chỉ đang vô thức rơi vào nanh vuốt của truyền thông mới thông qua những mô hình và nhu cầu của chính chúng ta?

Có lẽ tiềm năng của truyền thông mới vẫn còn là một hàm số xét trong mức độ phát triển trung cấp của nó và trong bối cảnh những chuyển biến xã hội, chính trị, kinh tế xảy ra liên tục. Việc định nghĩa biên giới số có phụ thuộc vào chúng ta hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ. Bất chấp điều đó, truyền thông mới và sự giao tiếp trong truyền thông mới vẫn đang không ngừng biến đổi, và vì vậy, định nghĩa của nó cũng đang tiếp tục thay đổi từng ngày.

Defining New Media Isn’t Easy

By Bailey Socha and Barbara Eber-Schmid

New Media Institute

Website: //newmedia.org

Biên dịch: Phạm Khánh Hòa

Hiệu đính: Quang Huy – Thúy Ngân

Vietnam New Media Group

Website: //newmedia.edu.vn

Video liên quan

Chủ Đề