Luyện thi vào lớp 6 song bằng

Dừng tuyển sinh để đánh giá chất lượng?

Thời điểm này những năm trước, sau khi Sở GDĐT Hà Nội có hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp, thông tin tuyển sinh vào hệ song bằng THCS công lập đã được các trường công bố cụ thể, để phụ huynh, học sinh có thông tin và chuẩn bị kiến thức ôn luyện. Nhưng năm nay khá im ắng, thậm chí, những giờ qua, không chỉ sốt ruột, mà nhiều phụ huynh còn lo lắng trước thông tin Hà Nội sẽ dừng tuyển sinh hệ song bằng vào lớp 6.

Dù UBND TP.Hà Nội chưa có quyết định chính thức, nhưng theo các Phòng GDĐT, có chủ trương dừng việc tuyển sinh để đánh giá chất lượng. Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ - cho biết chương trình thí điểm kéo dài 3 năm [2018-2020], các phòng, nhà trường được chỉ đạo dừng tuyển sinh để đánh giá chất lượng. “Năm nay, lứa học sinh song bằng đầu tiên sẽ tốt nghiệp THCS. Các em sẽ được làm bài kiểm tra đầu ra theo tiêu chuẩn Cambridge. Dựa vào đó, chúng tôi sẽ đánh giá kết quả thí điểm” - ông Vũ nói.

Tiếp nhận thông tin này, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và hoang mang, không biết ứng biến như thế nào. Bởi có một thực tế, việc cho con học hệ song bằng được nhiều phụ huynh quan tâm, sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc để con đi ôn luyện từ khi còn học tiểu học.

“Con tôi đã chuẩn bị, ôn tập mấy năm nay, ấp ủ bao nhiêu hy vọng, háo hức khoảng 2 tháng nữa được tham dự kỳ thi này. Giờ mà dừng không tuyển sinh nữa, nhất là lại đưa ra vào phút chót thế này, thực sự chúng tôi rất sốc và chưa biết thay đổi, định hướng cho con ra sao. Mọi thay đổi cần được báo sớm, ngay từ đầu năm học để học sinh và phụ huynh chủ động, nếu cứ thích thì thí điểm, rồi sau đó lại đột ngột tạm dừng thì rất bất lợi cho học sinh, phụ huynh” - chị Nguyễn Mai Trang [Cầu Giấy, Hà Nội] cho biết.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Đức Hoàng [quận Thanh Xuân] chia sẻ, vợ chồng anh đã đồng hành cùng con 1 năm ròng trong việc ôn thi vào hệ song bằng Cambridge Trường THCS Thanh Xuân. Đến nay, con đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi chuyển cấp thì có thông tin Hà Nội dừng tuyển sinh hệ song bằng vào lớp 6. Hiện vợ chồng anh rất sốc và cũng chưa biết chuyển hướng thế nào cho con.

“Xuất hiện thông tin dừng tuyển sinh trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là kỳ thi diễn ra chính thức. Như vậy, khác gì đưa các con ra làm thí nghiệm, khiến phụ huynh chúng tôi đi vào ngõ cụt. Thật sự chúng tôi rất hoang mang, chẳng khác gì đang trồng cây sắp đến ngày hái quả thì phải đốn bỏ” - anh Hoàng bức xúc.

Nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng, việc tiếp tục tuyển sinh hay dừng tuyển sinh cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để phụ huynh và học sinh xác định mục tiêu rõ ràng.

Việc đưa hệ song bằng vào trong trường công lập được Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm từ năm học 2017 - 2018 tại Trường THPT Chu Văn An. Sau đó, từ năm học 2018-2019, được sự phê duyệt của UBND TP.Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội tiếp tục triển khai thêm Đề án thí điểm chương trình song bằng THCS Việt Nam và IGCSE, CIE Anh quốc tại 7 trường THCS [Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ; Trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy; Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu giấy; Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam; Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm].

Tại 7 trường này, hằng năm có hàng nghìn học sinh nộp hồ sơ, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 50 em/trường. Học sinh phải trải qua vòng thi tuyển gắt gao, tỉ lệ chọi khá cao để cạnh tranh suất học này. Để trúng tuyển, các em phải vượt qua bài thi tiếng Anh và Toán bằng tiếng Anh. Sau đó, học sinh sẽ học chương trình quốc gia Việt Nam [cho cấp THCS] do Bộ GDĐT quy định và chương trình Cambridge cấp THCS [Cambridge Lower Secondary] với 4 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Tiếng Anh [như ngôn ngữ thứ hai] và Công nghệ thông tin [ICT].

Sau khi hoàn thành bậc THCS song bằng, học sinh có bằng tốt nghiệp THCS, có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác. Sau 3 năm thí điểm, năm nay là năm đầu tiên lứa học sinh học song bằng sẽ tốt nghiệp THCS và tham gia kỳ thi để lấy chứng chỉ quốc tế.

Theo một lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, việc xem xét dừng tuyển sinh mới lớp 6 hệ song bằng ở trường công lập sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập của khoảng 1.000 em học sinh đang học hệ song bằng ở hiện tại. Các em vẫn được tham dự kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10, tham dự kỳ thi chứng chỉ quốc tế, hoặc nếu muốn tiếp tục học song bằng ở THPT thì có thể thi vào 2 trường THPT Chu Văn An và chuyên Hà Nội Amterdam.

Việc dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6 ở 7 trường THCS công lập là do có những yếu tố khách quan như dịch bệnh COVID-19 kéo dài, giáo viên nước ngoài không sang Việt Nam giảng dạy dẫn tới thiếu giáo viên. Ngoài ra, các trường THCS cũng có ý kiến cần dừng lại để có thời gian đánh giá kỹ lưỡng trước khi triển khai tiếp hay dừng lại. Ngoài ra, cần nghiên cứu tính liên thông trong đào tạo hệ song bằng khi học sinh ở 7 trường tốt nghiệp THCS trong khi hiện nay mới có 2 trường THPT công lập ở Hà Nội đào tạo hệ này.

“Dừng lại là đáng tiếc”!

Là phụ huynh có con đang học lớp 7 hệ song bằng tại Trường THCS Cầu Giấy [quận Cầu Giấy], chị Nguyễn Hương Giang kể lại, sau khi tìm hiểu kỹ về chương trình học từ lớp 6 mùa đầu tiên, chị đã quyết định đồng hành cùng con thi vào hệ song bằng của trường vì cho rằng đây là chương trình tiên tiến, giúp con tiếp cận sâu với chương trình quốc tế.

“Hiện tại, con được học các môn theo quy định của Bộ GDĐT, đồng thời học các môn của Cambridge theo lộ trình. Một lớp có 25 bạn, giáo viên dạy và hướng dẫn các con tốt, cơ sở vật chất cũng đảm bảo. Con xác định học có nền tảng chương trình bổ ích, tận dụng được thời gian trên trường nên không có gì thất vọng. Cho đến thời điểm hiện tại tôi thấy rất tốt” - chị Hương chia sẻ.

Chị Hương cũng cho rằng, chương trình hệ song bằng có nhiều ưu điểm, có sự tiến bộ vượt bậc hơn so với chương trình THCS bình thường. Đặc biệt, học phí hệ Cambridge công lập có chi phí “dễ thở” hơn rất nhiều so với các trường ngoài công lập, giúp phụ huynh tiết kiệm tiền bạc nhưng học sinh vẫn được học chương trình quốc tế chuẩn.

Hiện tại, với cấp THCS, mức học phí Hà Nội dự kiến là khoảng 5,6 triệu đồng/tháng. Khóa học kéo dài 4 năm học ở THCS là 36 tháng. Mức học phí này chỉ nhằm chi trả lương giáo viên dạy chương trình Cambridge, phí bản quyền, tài liệu học chương trình Cambridge. Còn trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chi trả lương giáo viên dạy các môn học của Việt Nam… đều do ngân sách của thành phố đầu tư.

“Con nhà mình học tại trường công lập vẫn được tiếp cận giáo dục quốc tế với chi phí tôi cho là “dễ thở”. Theo đó, học phí hệ Cambridge một tháng là 5.400.000 đồng, hệ chất lượng cao là 800.000 đồng, cộng cả tiền ăn thì trung bình 1 tháng đóng từ 7.200.000 - 7.300.000 đồng. Trong khi đó, nếu theo học tại các trường quốc tế, trường ngoài công lập đang dạy chương trình này thì học phí từ 200 triệu - 400 triệu đồng/năm, thậm chí cao hơn” - chị Hương cho biết.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Mai có con đang học lớp 6 hệ song bằng của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - bày tỏ: “Lúc quyết định cho con học song bằng tại Amsterdam mình vui lắm, không có chút lăn tăn gì. Mức học phí và các chi phí khác khoảng gần 7 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với trường tư. Vì vậy, dừng lại một năm hoặc dừng tuyển sinh ở một số trường để đánh giá lại chất lượng và cách thức triển khai phù hợp thì được, nhưng nếu dừng hẳn thì thật đáng tiếc và thiệt thòi cho các lứa học sinh sau này”.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo việc dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6 tại 7 trường được thí điểm mô hình này sau 3 năm triển khai.

Trước sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi về các trung tâm thi song bằng sẽ xử lý như nào đối với các học sinh đang ôn luyện.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp cận một số lò luyện thi song bằng, trong vai phụ huynh của học sinh có nhu cầu vào lớp 6 học trường song bằng.

Một trung tâm luyện thi song bằng tại đường Mạc Thái Tổ [quận Cầu Giấy, Hà Nội] trả chi phí ôn luyện cho phụ huynh học sinh hàng trăm triệu đồng, sau thông báo dừng tuyển sinh hệ song bằng của Sở Giáo dục và Đào tạo hà Nội. Ảnh: An An

Nằm cách điểm trường Trung học cơ sở Cầu Giấy vài cây số là một trung tâm luyện thi các chương trình đào tạo quốc tế nằm tại đường Mạc Thái Tổ [Cầu Giấy, Hà Nội]. Đến trung tâm, phóng viên được một nữ nhân viên tiếp đón giới thiệu nơi đây chuyên ôn thi chương trình các trường quốc tế, song bằng và song ngữ.

Trước câu hỏi về việc ôn thi hệ song bằng lớp 6 tại trường Amsterdam, nữ nhân viên này tỏ ra nắm khá rõ về thông báo này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chia sẻ: “Bình thường trường Amsterdam vẫn tuyển sinh hệ song bằng, tuy nhiên thứ Bảy vừa rồi trường thông báo dừng tuyển sinh hệ này, trường Cầu Giấy cũng không tuyển. Đây là một đề án của Sở chỉ tuyển sinh trong 3 năm đầu hệ song bằng đầu vào, sau đó sẽ dừng để đánh giá đề án”.

Nữ nhân viên này cũng cho hay, vừa qua, trung tâm phải tạm dừng việc ôn luyện và hoàn trả học phí cho phụ huynh của 20 học sinh với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Mỗi bạn học sinh ôn luyện song bằng 2 môn là Toán và Tiếng Anh thì đóng học phí tổng là 10 triệu đồng. Thực ra có ôn ít hay ôn nhiều thì bọn em vẫn phải hoàn lại cho phụ huynh học sinh. Tại vì đó không phải lí do mong muốn từ đâu cả, bởi do Sở không cho tiếp tục, điều này cũng vất vả cho phụ huynh và học sinh”, nữ nhân viên trung tâm nói.

Trái ngược với trung tâm trên, phóng viên liên hệ với nhiều trung tâm luyện thi song bằng thì nhận được câu trả lời rằng đơn vị vẫn tuyển sinh và cho rằng việc dừng tuyển sinh song bằng lớp 6 năm học 2021 - 2022 là chưa chắc chắn.

Theo một nhân viên tại trung tâm S.M., nơi ôn thi chương trình song bằng môn Toán, Tiếng anh có địa chỉ tại phố Huế [Hai Bà Trưng, Hà Nội], để vào ôn luyện tại trung tâm, học sinh sẽ phải trải qua một bài test để tùy theo năng lực sẽ xếp lớp cho con theo 3 cấp độ.

Sau đó, học sinh sẽ học ôn luyện một khóa khoảng 20 buổi, mỗi buổi 2,5 giờ [chi phí học khoảng 200-250 nghìn đồng/buổi, tùy theo cấp độ].

Nhân viên này cho hay, hiện trung tâm có một lớp khoảng 10 bạn đang ôn luyện. Nếu gia đình muốn ôn luyện cấp tốc để cho kì thi sắp tới thì sẽ có thầy giảng dạy kèm cặp riêng.

Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy một trong 7 trường tham gia Đề án. Ảnh minh họa cho bài: An An

Khi được phóng viên hỏi về thông tin dừng tuyển sinh song bằng, nhân viên này tỏ ra không nắm rõ về thông báo của Sở.

“Về việc dừng chương trình song bằng, thì anh cần phải tìm hiểu thêm thông tin, gia đình cần liên hệ trực tiếp với trường Amsterdam. Còn việc tuyển sinh của những trường khác thì liên quan đến thông tin từ Bộ Giáo dục, vậy gia đình quan tâm thì liên hệ bên trường sẽ chắc chắn hơn”, nhân viên trung tâm S.M chia sẻ.

Tương tự trung tâm trên, “lò” luyện thi B.F tại Ngọc Khánh [Ba Đình] cho biết, hiện trung tâm chưa có đủ học viên để mở lớp ôn luyện song bằng. Nếu phụ huynh có thể tập trung thêm các phụ huynh khác để lớp có số lượng khoảng 4 đến 5 học sinh thì đơn vị sẽ tổ chức ôn luyện.

Trả lời câu hỏi về thông tin dừng tuyển sinh hệ song bằng, nhân viên trung tâm này cho hay mình không nắm rõ.

“Về việc năm nay các trường dừng song bằng thì em cũng không nắm rõ. Bên em chỉ tuyển sinh dạy thôi, còn phần này thì mình phải theo dõi thông tin của Sở”, nhân viên trung tâm chia sẻ.

Còn tại trung tâm ôn thi song bằng của thầy L. tại đường Hoàng Hoa Thám [Ba Đình] thì cho hay, trung tâm cũng không nắm chắc chắn về thông báo này: “Thực ra các phương tiện truyền thông bảo dừng rồi, nhưng thực hư thì thông tin cũng chưa biết thế nào. Có người bảo trường Trung học cơ sở Cầu Giấy và Thanh Xuân thì thuộc hệ Cam rồi, nhưng cái này thì thầy không nắm chắc nhé vì nhỡ việc của con”.

Đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng Trung học cơ sở Việt Nam và chứng chỉ IGCSE tại một số trường Trung học cơ sở tại Hà Nội "được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2018.

Theo đề án này, chương trính thí điểm đào tạo song bằng diễn ra trong 6 năm đối với 7 trường Trung học cơ sở, kể từ năm học 2018-2019.

7 trường Trung học cơ sở gồm: Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân và hệ Trung học cơ sở của trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, Chu Văn An, Cầu Giấy, Nghĩa Tân. Mỗi trường tuyển sinh hai lớp với 50 học sinh.

Để trúng tuyển, học sinh phải vượt qua bài thi tiếng Anh và Toán bằng tiếng Anh. Sau khi hoàn thành bậc Trung học cơ sở song bằng, học sinh có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở, đạt trình độ tiếng Anh B1, có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác.

An An

Video liên quan

Chủ Đề