Hướng dẫn tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc

Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt. Tại Điều 321, Điều 322 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội đánh bạc; Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cụ thể như sau:

“Điều 321. Tội đánh bạc

  1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

Có tính chất chuyên nghiệp;

Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Qua thực tiễn giải quyết các vụ án về “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định tại Điều 322 Bộ luật hình nhận thấy có những quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật để xử lý đối với người phạm tội; cụ thể:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có quy định như sau:

“1…

  1. Các tình tiết được bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội, hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

Từ quy định này, có thể hiểu khi người phạm tội, phạm một tội mà tội phạm đó có một trong các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là dấu hiệu định tội thì chúng ta phải ưu tiên sử dụng tình tiết đó làm dấu hiệu định tội (cấu thành cơ bản). Nếu tội phạm đó không có các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự làm dấu hiệu định tội, nhưng lại có quy định để áp dụng làm tình tiết định khung tăng nặng, thì phải ưu tiên áp dụng tình tiết này để làm tình tiết định khung tăng nặng theo khung hình phạt tương ứng. Nếu tội phạm đó không có tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là tình tiết định tội hoặc định khung tăng nặng thì sẽ áp dụng làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để xử lý đối với người phạm tội.

Thực tiễn giải quyết các vụ án “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự hiện nay thì thấy:

Tại điểm đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự quy định:

  1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a)…

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Theo quy đinh này thì nếu một người trước đó đã bị kết án về tội quy định tại Điều 321 và Điều 322 Bộ luật hình sự chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục phạm tội “Tổ chức đánh bạc, hoặc gá bạc” mà đã có một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm d khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự (tức là đã có một trong các tình tiết thỏa mãn làm dấu hiệu định tội), thì người này cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự, mà không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đó là “Tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Nếu sau đó người này tiếp tục phạm tội quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự thuộc một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến d khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự thỏa mãn làm dấu hiệu định tội và các bản án trước đó chưa được xóa án tích thì người này cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự.

Như vậy, với trường hợp này thì cho dù người phạm tội trước đó đã có nhiều tiền án chưa được xóa án tích nhưng những tiền án này sẽ không bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Ví dụ: Ngày 10/4/2020, Vũ Thị M đã tổ chức cho các con bạc đánh bạc với số tiền sử dụng vào việc đánh bạc là 36.595.000 đồng và bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện P khởi tố về tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự còn các đối tượng khác bị khởi tố về tội “Đánh bạc” quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự. Quá trình điều tra xác minh, xác định trước đó M đã có 01 tiền án về tội “Đánh bạc” chưa được xóa án tích.

Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: M chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự với 02 tình tiết định khung là điểm c (tổng số tiền … dùng vào việc đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên) và điểm đ (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) mà không phải chịu thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h (tái phạm) khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, mặc dù trước đó M đã có 01 tiền án về tội “Đánh bạc” quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự chưa được xóa án tích, theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự (như phân tích ở phần đầu), căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 332 thì người này cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự mà không phải chịu tình tiết tăng nặng là “tái phạm”.

Quan điểm thứ hai cho rằng: M phạm tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” đã thỏa mãn theo cấu thành cơ bản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự. Trước đó M đã có 01 tiền án vê tội “Đánh bạc” quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự chưa được xóa án tích. Trong trường hợp này M sẽ phại chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự và phải chịu thêm tình tiết tăng nặng “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Theo tác giả, trong hai quan điểm nêu trên, nếu đánh giá trên phương diện lý luận và theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự thì quan điểm thứ nhất là đúng. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo quan điểm thứ nhất thì sẽ rất khó để xử lý đối với người phạm tội quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự. Đó là, trong trường hợp nếu người phạm tội có nhiều tiền án về tội này chưa được xóa án tích mà còn thực hiện hành vi phạm tội, thỏa mãn một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm d khoản 1 Điều này thì sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ theo điểm d khoản 2 Điều 322 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung là “Tái phạm nguy hiểm” hoặc tình tiết tăng nặng là “Tái phạm”.

Từ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật như nêu trên, tác giả nêu lên để các độc giả cùng bàn, nghiên cứu và có ý kiến đóng góp./.