Giá trị văn hóa trên lĩnh vực nông

Văn hóa Việt Nam trên một bình diện nhất định cơ bản là văn hóa làng xã- văn hóa nông thôn. Vấn đề văn hóa làng xã người Kinh vùng đồng bằng và các Dân tộc thiểu số khu vực trung du, miền núi…được tiếp cận trên nhiều góc độ

1.Văn hóa nông thôn – các giá trị và rào cản, tác động

Đến đầu thế kỷ XXI này, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong lịch sử mang đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa gắn với tiến trình dựng nước và giữ nước.

Nói Nông thôn mới là nói đến những vấn đề kinh tế nông nghiệp, đến các vấn đề văn hóa, xã hội của những người nông dân đồng bằng, trung du, miền núi và vùng dân tộc đã và đang là đối tượng tác động trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay

Văn hóa Việt Nam trên một bình diện nhất định cơ bản là văn hóa làng xã- văn hóa nông thôn. Vấn đề văn hóa làng xã người Kinh vùng đồng bằng và các Dân tộc thiểu số khu vực trung du, miền núi…được tiếp cận trên nhiều góc độ:

  • Xã hội nông thôn,
  • Kinh tế nông thôn,
  • Quan hệ nông thôn với đô thị và công nghiệp

Văn hóa nông thôn là môt thành tố của văn hóa Việt Nam, là hệ quả của tư duy, lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc đa số và thiểu trên lãnh thổ quốc gia tạo nên „cánh quan sinh thái nhân văn” – nơi cư trú, làm ăn, quan hệ xã hội, sinh hoạt văn hóa của người nông dân nơi thôn dã không như lối sống, làm ăn…của cư dân đô thị.

Văn hóa nông thôn truyền thống và trong phát triển là hệ thống các biểu hiện

của các giá trị trên các bình diện xã hội, văn hóa dân gian, kinh tế, và sinh thái…

Việc nhận thức về nông thôn, văn hóa nông thôn qua các giai đoạn có những khác biệt tùy từng góc nhìn. Trong điều kiện phát triển đất nước theo hướng Công nghiệp hóa, Đô thị hóa, Hội nhập quốc tế… hiện nay, nông thôn được quan niệm là: “ Khu vực dân cư tập trung chủ yếu làm nghề nông; phân biệt với thành thị” hoặc „là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Uỷ ban nhân dân xã”.

Nông thôn, từ góc nhìn Văn hóa và Nhân học văn hóa cần quan tâm và hiểu văn hóa nông thôn trên các bình diện sau:

Về mặt xã hội: Nông thôn là hệ quả của quá trình phát triển lịch sử, văn hóa của các tộc người và quốc gia, là một kiểu cộng đồng lãnh thổ xã hội nhất định, dân số không đông, mật độ dân số thấp, quy mô dân số nhỏ, lao động nông nghiệp đóng vai trò đáng kể, phân hóa nghề nghiệp ít… Xã hội nông thôn là di duệ của thiết chế công xã còn tồn tại đến nay, đến trước khi chúng ta công nhiệp hóa, hiện đại hóa thành công.

Nông thôn bao gồm các thiết chế xã hội truyền thống – tế bào xã hội như: làng, bản, buôn, phum sóc…; các thiết chế đó mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp châu Á, Đông Nam Á – trồng trọt là chính trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, gió mùa

Các mối quan hệ gia đình, dòng họ, láng giềng, làng xã…đã đang và sẽ tồn tại, chi phối nông thôn hiện đại… Bên cạnh hệ thống pháp luật do các cơ quan Nhà nước các cấp điều hành, còn có hệ thống các chức sắc trong dòng tộc, già làng, thân tộc, tôn giáo… điều hành bằng quy ước, tục lệ được suy tôn theo hình thức lệ làng tồn tại cùng phép nước.

Về mặt văn hóa: Nông thôn hàm chứa các giá trị văn hóa làng, bản với nếp sống của các dân tộc ở các địa vực cư trú khác nhau: ven biển, đồng bằng, trung du, miền núi…đa dạng về phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng nông nghiệp nói riêng; đến các mối quan hệ cộng đồng, đến đặc điểm của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định: nền văn minh lúa nước đẻ ra người bạn đồng hành là văn hóa xóm làng.

Trong xây dựng nông thôn mới thì phải nhận biết “nông thôn cũ” như thế nào, trong đó CON NGƯỜI ở nông thôn – NÔNG DÂN – chủ thể của các giá trị văn hóa và chịu sự tác động của các chính sách “phát triển nông thôn mới” là nhân tố cơ bản, quyết định không thể bỏ qua.

Văn hóa nông thôn truyền thống là văn hóa dân gian, thông qua lễ hội, nghệ thuật và văn học dân gian… chuyển tải những giá trị thẩm mỹ, đạo đức qua các thế hệ.

Về mặt kinh tế: Kinh tế nông nghiệp [trồng trọt là chính], các loại hình kinh tế, chăn nuôi, thủ công nghiệp là mang tính hỗ trợ trong bối cảnh của nền kinh tế tự cung tư cấp, buôn bán nhỏ theo hộ gia đình song trước đây chưa phát triển.

Kinh tế nông nghiệp mang sắc thái vùng, miền, tộc người và chi phối những giá trị cơ cấu xã hội và giá trị văn hóa truyền thống; là thế mạnh của bản sắc văn hóa song cũng hàm chứa nhiều “trở lực” trên con đường phát triển.

Về sinh thái: Sinh thái nông thôn mang nhiều yếu tố tự nhiên: nhà, vườn, ao, ruộng thường gắn liền với điều kiện địa lý sẵn có như: bờ tre, con kênh, sườn đồi, con suối, bãi bồi vv…

Khi từ nền kinh tế chiếm đoạt chuyển sang kinh tế sản xuất, những người nông dân phải định cư để trồng trọt và chăn nuôi nên phải sống quy tụ tại các xóm, làng, bản….Hệ sinh thái nhân văn gắn bó và hài hòa với môi trường tự nhiên là một giá trị của nông thôn Việt Nam.

Từ các vấn đề trên có thể hình dung một cách khái quát là: Văn hóa nông thôn là văn hóa của những người nông dân cư trú trong các làng xã, chuyên sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp sáng tạo ra trong quá trình sản xuất, quan hệ xã hội và đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất và tâm linh, Các giá trị đó mang sắc thái từng vùng miền, tộc người và quốc gia trong xã hội và nền kinh tế tiền công nghiệp; nó phản ánh những tập tục liên quan đến nếp sống, hệ sinh thái nhân văn do cộng đồng thôn, làng [bản, bon, palay, vil, phum sóc…], xã sáng tạo ra.

Văn hóa nông thôn Viêt Nam được hình thành với sự phát triển của nền kinh tế lúa nước, nương rẫy và văn minh nông nghiệp có truyền thống lâu dài trong lịch sử. Văn hóa nông thôn góp phần cốt yếu tạo nên bản sắc văn hóa quốc gia và giá trị văn hóa và văn minh nông nghiệp Việt Nam.

Văn hóa nông thôn nước ta có những giá trị tốt đẹp:

Tinh thần đoàn kết cộng đồng trong lao động sản xuất, quan hệ xã hội và đấu tranh, thích ưng với điều kiện tự nhiên;

Thể hiện trình độ phát triển cao về tri thức bản địa về các giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác; nông lịch với am tường về khí hậu, thời tiết khu vực nhiêt đới,gió mùa;

Hình thành các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể dân gian phong phú, đa dạng, giàu có…tương thích với đơn vị cư trú [thôn, xóm, làng, xã..], môi trường tự nhiên từng vùng đáp ứng nhu cầu của chủ thể sáng tạo – những người nông dân.

Hình thành các điểm cư trú, đơn vị xã hội hài hòa với điều kiện đất đai của các địa phương, các thiết chế xã hội trong quản lý [hương ước,luật tục…]góp phần phát triển cương vực lãnh thổ, củng cố sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của quốc gia trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Là tài nguyên quan trọng để góp phần phát triển kinh tế -xã hội. giữ gín bản sắc địa phương và quốc gia trong bối cảnh phát triển của toàn cấu hóa, kinh tế thị trường, công nghiệp hóa.

Rào cản và tác động :

Văn hóa nông thôn nước ta bên cạnh những gái trị cơ bản trên, trước ngưỡng cửa của quá trình phát triển và công nghiệp hóa đồng thời cũng bộc lộ những vấn đề rào cản cần lưu tâm:

– Nếp sống làng xã, cộng đồng, tập tục xã hội mang tính ‘cố hữu”, chậm thích ứng với nếp sống của xã hội mới

– Tập quán sản xuất chậm thích ứng, biến đổi trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế mới liên quan đến đất đai, quy hoạch, kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học và công nghệ…

– Môi trường sinh thái nhân văn bị tác động, ô nhiễm…trước xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa.

– Đô thị hóa nông thôn bộc lộ nhiều vấn đề về đầu tư, chính sách việc làm và phân bổ lại dân cư, phân bổ lao động.

– Hội nhập kinh tế và văn hóa làm cho nông thôn đứng trước nhiều thách thức hơn là cơ hội; văn hóa và bản sắc văn hóa có nguy cơ đã và đang bị mai một.

– Nguồn lực lao động thiếu đào tạo, thiếu trình độ để đáp ứng nhu cầu phát triển.

– Môi trường sinh thái, hệ sinh thái xã hội và nhân văn bị xâm thực, tác động và hủy hoại…

Trước khi nói đến phát triển nông thôn mới các nhà hoạch định và thực hiện chính sách; các nhà chuyên môn, quản lý…cần thấy được đặc điểm giá trị, cơ sở, lịch sử và lý luận, sự biến đổi của văn hóa nông thôn “cũ” trước khi tác động chính sách và thực hiện các nội dung chính sách phát triển “nông thôn mới”.

Nói “văn hóa nông thôn” tức là nói đến chủ thể văn hóa đó – người Nông dân với tư duy và lao động sáng tạo của họ gắn với ruộng đồng, nương rẫy với những đặc điểm xã hội, tập quán trong khung cảnh của nền kinh tế và văn minh nông nghiệp nước ta.

2. Vấn đề đặt ta đối với hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020

Nông thôn mới là nông thôn, có sự khác biệt với thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố và khác với nông thôn truyền thống hiện nay. Đó là nông thôn đáp ứng 5 nội dung cơ bản:

  1. Làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại
  1. Sản xuất phải phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hoá
  1. Đời sống về vật chất và tinh thần của dân nông thôn ngày càng được nâng cao
  1. Bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển
  1. Xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.

Đặc trưng cơ bản của Nông thôn mới thời kỳ Công nghiệp hóa, hiaanj đại hóa bao gồm:

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao

Nông thôn phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ

Dân trí được nâng cao , bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy

An ninh tốt, quản lý dân chủ

Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao…

Đi đôi với phát triển kinh tế thì xây dựng, phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc…là tiêu chí không thể thiếu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong trường hợp này cũng cần nhận thức rõ:

– Văn hóa nông thôn là mục tiêu của quá trình xây dựng nông thôn mới.

– Văn hóa nông thôn là động lực của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Các chính sách về phát triển kinh tế, hạ tầng, quy hoạch nông thôn, môi trường đều phải hướng vào xây dựng các giá trị văn hóa nông thôn mới, vì con người, phục vụ chủ thể văn hóa là con người, phát huy vai trò của người nông dân trong xây dựng, hưởng thụ, duy trì và phát huy thành quả của nông thôn mới Việt Nam trong bối cảnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, Đô thị hóa, Toàn cầu hóa…

3. Một số định hướng cơ bản về bảo tồn giá trị văn hóa, tryền thống tốt đẹp các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020

3.1. Quan điểm

– Bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020 phải theo hướng phục vụ con người, vì con người nhưng không làm thay đổi hoàn toàn các giá trị truyền thống mà phải được kế thừa, phát huy một cách có cơ sở khoa học và bền vững.

– Bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020 cần được nhận thức về mục tiêu, nội dung và giải quyết hài hòa trong các quy hoạch, xây dựng nội dung các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội và tổ chức thực hiện xây dựng, phát triển nông thôn trong giai đoạn mới.

– Bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020 trên cơ sở tổng kết, đánh giá, kế thừa bài học kinh nghiệm đã thực hiện trước năm 2020 và phải ra sự đột phá về chính sách, đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển của nông thôn nước ta giai đoạn mới.

– Hình thành các chính sách cụ thể đầu tư vào các nhóm hộ, thành phần là chủ thể của nông thôn – NGƯỜI NÔNG DÂN, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa của từng dân tộc, vùng miền.

3.2. Mục tiêu

Bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau 2020 nhằm nâng cao chất lượng, vị thế vai trò của văn hóa truyền thống trong tạo dựng những hệ giá trị phát triển của nông thôn mới, mhiện đại ở nước ta; góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, quốc gia nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh tình hình mới ở trong nước và quốc tế.

3.3. Nội dung

– Thành lập Ban tự quản bảo tồn của cộng đồng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, chủ yếu là ngành văn hóa địa phương và du lịch.

– Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống thông qua phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng. Chú trọng xây dựng các nội dung hoạt động phù hợp với dân tộc, địa phương, vùng miền.

– Xây dựng các nội dung hoạt động văn hóa tại thôn làng, buôn, bản theo hướng dựa trên nghiên cứu, sưu tầm, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương [dân ca, dân vũ, dân nhạc; dạy ngôn ngữ; phục dựng và trưng bầy các công cụ, sản phẩm dệt, nhạc cụ…]

– Duy trì các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng truyền thống mang giá trị tích cực.

– Đảm bảo tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động suy giảm môi trường và có các họat động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

– Tạo dựng mô hình “du lịch cộng đồng” dựa trên sự phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống [âm thực, trạng phục, nghệ thuật, lễ hội…dân gian].

– Nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tốt về phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc.

Tóm lại, quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới ở nước ta hiện nay là một sự nghiệp có tính thời đại trước xu thế phát triển tất yếu của quốc gia và thế giới.

Nông thôn Việt Nam có đặc điểm văn hóa, lịch sử và truyền thống riêng, mang sắc thái từng vùng, khu vực và tộc người. Quá trình xây dựng nông thôn mới có nhiều mục tiêu, vấn đề, tiêu chí, nội dung đặt ra liên quan đến những nhu cầu trước mặt và lâu dài nhằm đạt các mục tiêu đề ra.

PG.S .TS. LÊ NGỌC THẮNG

Bài viết liên quan

Chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam

Chiều ngày 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an [Việt Nam] và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ Chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam.

Xem thêm

Vẻ vang phụ nữ Việt Nam

Lịch sử dân tộc Việt Nam được khởi sinh, nuôi dưỡng và trường tồn bắt nguồn từ huyền sử mẹ Âu cơ. Huyền sử ấy như một mạch ngầm âm ỉ chảy qua ngàn năm văn hiến hòa vào dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi dưỡng, trao truyền và bảo vệ giống nòi dân tộc.

Chủ Đề