Đặc điểm của nông sản là có số khoa học của bảo quản và chế biến

Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý nên năng suất chất lượng nông sản, thủy sản tăng nhanh. Tuy nhiên, công nghệ sau thu hoạch của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế dẫn tới giá trị, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất không cao.

Nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản, thủy sản địa phương trên thị trường, những năm qua, một số doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch như: Cty TNHH Minh Dương chuyên chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sấy ăn liền [ngô sấy, khoai tây sấy, mít sấy…]; Cty CP Đầu tư Nam Phát chuyên chế biến các sản phẩm từ thịt [giò 7 phút, nem chua, giò bê, chân giò hun khói…] và một số cơ sở chế biến thủy sản với các sản phẩm ngao sạch, chả cá, nước mắm, mắm tôm, sứa… Đối với lúa tiêu biểu là Cty TNHH Toản Xuân đầu tư và đưa vào vận hành lò sấy công suất 200 tấn/mẻ, cùng dây chuyền xay xát đóng gói gạo công nghệ hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng. Trên mỗi bao bì đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đặc biệt, bên góc trái túi gạo của Cty có tem QRC màu xanh để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại đảm bảo tránh mua phải hàng giả, chất lượng kém. Hiện sản phẩm gạo sạch của Cty TNHH Toản Xuân đang được bày bán tại tỉnh và các thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…, được người tiêu dùng đón nhận và tin cậy với giá dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện Cty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông đang hoàn thiện nhà máy gồm 2 phân xưởng giết mổ và chế biến sâu thành sản phẩm chín. Sử dụng công nghệ giết mổ tự động của Mỹ với công suất 250-300 con lợn tạ/giờ, công nghệ chế biến sâu của châu Âu. Đây cũng là tín hiệu lạc quan đối với ngành chăn nuôi tỉnh.

Chế biến ngao sạch tại Cty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam
[CCN An Xá, TP Nam Định].

Mặc dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung khâu bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch của tỉnh còn yếu. Phần đông nông dân hiện nay vẫn chưa nhận thức đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu gieo trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Hầu hết mới chỉ dừng ở bước sơ chế bằng phương pháp thủ công và xuất bán thô không thực hiện đầy đủ các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật. Hiện trên địa bàn tỉnh mới có một số cơ sở chế biến hoa quả, rau củ đóng hộp và một số HTXDVNN đầu tư xây kho lạnh bảo quản khoai tây giống. Sản phẩm lương thực chủ yếu là gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong tỉnh và một phần xuất khẩu nhưng theo đường tiểu ngạch. Các sản phẩm nông sản chủ lực như: lạc, cà chua, rau màu... sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay phục vụ tiêu dùng hằng ngày, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế đơn giản rồi đóng vào bao bì và tích trữ theo phương pháp cũ, lạc hậu nên ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thời gian bảo quản sản phẩm ngắn. Đặc biệt, các khâu phơi sấy và bảo quản ngô, lúa sau khi thu hoạch đều phụ thuộc thời tiết do được phơi khô nhờ ánh nắng mặt trời, rải trên sân, nong, nia, thậm chí ngay trên mặt đường. Phương pháp bảo quản truyền thống này là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm nấm mốc và vi sinh vật hiếu khí của lúa, ngô, lạc, khiến chất lượng nông sản vì thế giảm sút. Đối với sản phẩm thủy sản sau khi đánh bắt cũng được bảo quản bằng phương pháp thủ công này. Đa số các tàu khai thác xa bờ ở tỉnh ta vẫn sử dụng đá xay để bảo quản sản phẩm chưa đầu tư sử dụng công nghệ cấp đông. Tỷ lệ đá để bảo quản chủ yếu theo cảm tính và kinh nghiệm chứ chưa có tính toán khoa học về mức độ thất thoát nhiệt trong quá trình bảo quản. Một số tàu còn sử dụng phương thức phơi cá, mực khô trên biển hoặc sử dụng muối để bảo quản. Thời gian bảo quản trung bình mỗi tàu khoảng chục ngày, có tàu 2 tuần; như vậy sản phẩm đánh bắt được sẽ không còn tươi ngon và bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, khâu chế biến cũng đang là khâu yếu nhất trong phát triển chăn nuôi khi toàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung - đây cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến người chăn nuôi không làm chủ được giá sản phẩm của mình. Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân về công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Hầu hết lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại lớn trong việc tìm hiểu ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất. Mặt khác, người sản xuất bị động về thông tin thị trường nên kế hoạch sản xuất không hợp lý, dẫn đến tình trạng được mùa nhưng lại bị thương lái ép giá, lợi nhuận không cao, làm giảm khả năng tái đầu tư và áp dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Định hướng và đầu tư cho phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến chưa được quan tâm thích đáng. Trong khi đó, quy mô của những vùng sản xuất nông sản tập trung vẫn chưa đảm bảo về diện tích, phương thức canh tác vẫn nhỏ lẻ, thiếu tập trung để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch.

Để từng bước hạn chế giảm tổn thất sau thu hoạch, Sở NN và PTNT cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm về nhu cầu trang thiết bị, máy móc bảo quản sau thu hoạch phù hợp với năng lực sản xuất của địa phương, đồng thời phối hợp với các tổ chức tín dụng lập kế hoạch cho vay vốn mua máy móc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người sản xuất phải thay đổi, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Trong tổ chức sản xuất, tỉnh cần triển khai giải pháp về xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa ổn định, đồng thời giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản...

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Năm 2021, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản dự kiến đạt khoảng 47,5 tỷ USD [trong khi kế hoạch được giao ban đầu là 42 tỷ USD].

Từ câu chuyện thành công của Sơn La

Trước năm 2018, Sơn La là tỉnh từng gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Sau khi thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, địa phương này được đánh giá là "hiện tượng" trong phát triển kinh tế đối với các tỉnh Tây Bắc. Cho đến nay, Sơn La là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả vào loại lớn nhất miền Bắc và đã thu được những thành công bước đầu trong việc tìm kiếm thị trường để nông sản xuất ngoại.

Nông dân Sơn La thu hoạch xoài phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Theo thống kê, năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Sơn La đạt gần 7.600 tỷ đồng với gần 80.000 ha cây ăn quả, tổng sản lượng quả đạt gần 337.000 tấn; trong đó, diện tích cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn hơn 17.500 ha; cấp 181 mã số vùng trồng cho hơn 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 21 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.

Bên cạnh các sản phẩm nông sản đặc trưng của Sơn La đã được người tiêu dùng trong nước biết đến, nhiều nông sản của tỉnh, trong đó, có xoài, nhãn đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU.

Ngoài tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm, Sơn La quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Nhờ vậy, đến nay thị trường xuất khẩu nông sản của Sơn La đã ngày càng được mở rộng tới nhiều quốc gia.

Xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu được Sơn La đặc biệt chú trọng. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp.

Với mục tiêu trên, Sơn La định hướng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô tập trung; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu tạo ra các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao...

Tỉnh ưu tiên các dự án hướng tới quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên tiến hiện đại, thân thiện môi trường trong sản xuất, tập trung vào các nông sản chủ lực của tỉnh nhằm tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng. Thu hút phát triển các cơ sở chế biến tập trung quy mô công nghiệp, đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản tươi sau thu hoạch. Thu hút phát triển các khu vực sản xuất tập trung, xưởng sơ chế bảo quản tại mỗi huyện, thành phố với quy mô phù hợp nhằm nâng cao chất lượng. Quản lý thực hiện tốt các dự án đã cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm đưa các dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả đầu tư.

HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng [huyện Mai Sơn] là một trong những HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX chính là người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng thanh công, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Sơn La. Hiện, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng hiện có 200 ha thanh long được trồng tập trung ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu.

Năm nay, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng tiêu thụ được 1.500 tấn thanh long cho các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu 20 tấn sang Nga. Ngoài ra, HTX cũng đưa hàng mẫu sang Dubai, Pháp để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để có được sản phẩm xuất ngoại, yêu cầu trước tiên là phải có trình độ khoa học kỹ thuật, năng động và có tiền để đầu tư sản xuất, chế biến theo đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Với cách làm khoa học, tuân thủ chặt chẽ quy trình, vườn thanh long của HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 1 đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

"Tiêu chuẩn của Nga rất khắt khe. Chẳng hạn, khi phân tích trái thanh long có 760 chất, chỉ cần 1 chất dương tính thì coi như trượt. Bù lại, giá 1 trái thanh long khi xuất khẩu sang Nga gần bằng 1 tạ thanh long bán trong nước", ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Cũng theo ông Vinh, các HTX, các doanh nghiệp rất cần đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống sơ chế, chế biến để xuất khẩu sang các nước và các thị trường khó tính. Trước nay, để xuất khẩu thanh long, HTX phải đưa hàng xuống Hà Nội sục rửa, thuê đóng gói... khiến chi phí tăng cao.

Thẳng đường chinh phục các thị trường khó tính

Không riêng gì Sơn La, nông sản Việt Nam nói chung đã liên tục ghi dấu ấn trên bản đồ xuất khẩu trong năm 2021. Đơn cử, theo Cục Xuất nhập khẩu [Bộ Công thương], Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch đạt 171,9 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chiếm 2,3% tổng trị giá nhập khẩu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Nông sản Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu. Tại Đức, Việt Nam hiện là nguồn cung hạt điều số 1 nhờ sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo. Việt Nam cũng là nguồn cung cà phê lớn nhất tại thị trường Nga [về lượng] và đứng thứ 2 ở thị trường này về kim ngạch sau Brazil. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nga nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt trên 61.000 tấn, trị giá 116 triệu USD, giảm 8% về lượng, nhưng tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại [Bộ Công Thương] khẳng định, đây là những tín hiệu vui. Điều này chứng tỏ nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam ngày càng chinh phục được khách hàng các nước trên thế giới, nhất là các thị trường khó tính nhờ chiến lược mới, chú ý đến chất lượng và đi sâu vào chế biến.

Nhìn lại hơn chục năm về trước, theo vị chuyên gia, dù là nước nông nghiệp, nông sản là thế mạnh của Việt Nam, có nhiều sản phẩm được thế giới ưa chuộng, xuất khẩu với kim ngạch cao nhưng giá trị lại không tương xứng do chủ yếu xuất thô, ít đi vào chế biến, chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường. Đặc biệt, trong suốt nhiều năm, Việt Nam có thị trường Trung Quốc ngay bên cạnh với nhiều đơn hàng “dễ tính”, cũng là một lý do khiến quá trình chuyển đổi sang làm hàng đạt chất lượng, tiêu chuẩn hiện đại của nông nghiệp Việt Nam bị chậm lại.

“Những năm gần đây, Việt Nam đã vận động nông dân, doanh nghiệp chuyển hướng, làm nông sản có chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn, thị hiếu của các thị trường. Đáng lưu ý, nhờ hội nhập, sức hút của các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã giúp nông sản Việt Nam có sự chuyển đổi, dù chậm nhưng có những bước khởi sắc. Sự chuyển đổi trên xuất phát từ chính yêu cầu của thị trường, mà trước tiên là sự thay đổi của thị trường Trung Quốc”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Điều đáng mừng không kém là sự thay đổi trong chiến lược xuất khẩu nông sản Việt Nam sang chính thị trường Trung Quốc.

Trong năm 2021, nhiều cuộc toạ đàm liên quan tới việc xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu nông sản một cách bền vững sang thị trường Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [NN-PTNT] phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức.

Tại cuộc hội thảo tháng 11/2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, điều quan trọng tiên quyết hiện nay là cần phải nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.

Từ góc độ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp để khớp nối được dữ liệu về cung-cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công-tư…

Ủng hộ những việc làm này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý, người dân Trung Quốc cũng đòi hỏi các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Phải xác định được điều này, nông sản Việt Nam làm ra mới cạnh tranh được với thế giới, có thể xuất đi Trung Quốc hay bất kỳ thị trường khó tính nào,  như người khổng lồ đứng vững trên hai chân của mình.

"Trong mặt hàng gạo, thay vì chỉ chú ý đến lượng nay đã xuất khẩu nhiều gạo ngon, gạo thơm chất lượng cao. Kết quả là năm nay, dù về lượng có giảm nhưng giá trị xuất khẩu tăng.

Ngoài gạo, doanh nghiệp Việt còn xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo, có nhiều cách tiếp cận mới để đưa nông sản Việt đến với người tiêu dùng nước ngoài. Chẳng hạn, khi xuất khẩu bún, phở khô sang châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam đưa ngay những chỉ dẫn cụ thể về cách sử dụng và thưởng thức ngay trên bao bì", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Ngoài yếu tố chất lượng nông sản, vị chuyên gia đặc biệt lưu ý đến yêu cầu chế biến sâu và bao bì đóng gói sản phẩm, những yếu tố giúp nâng cao giá trị cũng như sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

"Những chuyển biến trong vài năm qua mới là bước đầu. Muốn nông sản Việt Nam đi xa, gặt hái thêm nhiều thành công, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hơn nữa, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn tận tình cho nông dân, doanh nghiệp", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Thành Luân


Video liên quan

Chủ Đề