Cuốn album gia đình có ý nghĩa với tôi hơn nhiều so với tài khoản ngân hàng

“Nếu đã cố làm mọi thứ nhưng sự việc vẫn không như kết quả bạn mong muốn, đừng cố quá sức, hãy nghỉ ngơi đi. Có thể mọi chuyện không hề sai, có thể chưa đến lúc, có thể cánh cửa này đóng lại nhưng cánh cửa khác đang mở ra. Và thông thường, một khi đã thực hiện điều bạn cho là tốt nhất, bạn đã tạo nên không gian cho điều tốt đẹp hơn sắp đến. Mọi điểm kết thúc đều mở ra một điểm khởi đầu mới.” [Trích Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài]

Về nội dung: Quyển sách chứa đựng 101 bài học về những lời khuyên, những triết lý sâu sắc được trình bày ngắn gọn, súc tích mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Từ cách khám phá ra sức mạnh của bản thân, tầm quan trọng của kỷ luật đến cách trở thành một vị lãnh đạo tài ba, quyển sách như một cuốn kim chỉ nam cho mỗi người để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân.

Về tác giả: Tiến sĩ Richard Calson, tác giả cuốn sách best seller Don’t Sweat the Small Stuff của New York Times từng nhận định: “Robin Sharma sở hữu cái tài năng rất hiếm hoi là viết được những cuốn sách thật sự khiến người ta đột phá trong đời.” Quả thật vậy, ông là một trong những chuyên gia thế giới hàng đầu về huấn luyện nghệ thuật lãnh đạo và phát triển bản thân, tác giả của 8 cuốn sách best seller trên thế giới, trong đó có The Monk Who Sold His Ferrari [được dịch ra 55 thứ tiếng], The Leader Who Had No Title và Who Will Cry When You Die? Ông đồng thời cũng là nhà sáng lập của Sharma Leadership International Inc., một công ty đào tạo với nhiều khách hàng nổi tiếng như FedEx, GE, IBM, Microsoft, Nike và Đại học Yale.

1. Học cách chấp nhận bản thân

Đã bao giờ bạn cảm thấy tự ti về chính những khiếm khuyết của bản thân hay đơn giản không chấp nhận bản thân mình. Warren Buffet từng nói: “Không bao giờ có ai giống bạn.” Quả là một câu danh ngôn thâm thuý. Không bao giờ có ai giống như tôi và không có ai giống như bạn. Vì thế, hãy học cách chấp nhận bản thân, chấp nhận sự riêng biệt mà ông trời đã ban cho mỗi chúng ta. 

Sẽ có người cố gắng bắt chước cách bạn suy tư, nói năng, hành động. Nhưng dù cố gắng hết sức họ cũng chỉ đứng hàng thứ hai mà thôi. Vì bạn là duy nhất, một bản thể duy nhất tồn tại hôm nay giữa hàng tỷ người khác. Hãy dừng lại và nghĩ về điều này bạn sẽ vô tình nhận ra mình đặc biệt. Không! Phải dùng từ rất đặc biệt mới đúng. 

Thế thì hôm nay, bạn làm gì khi bước vào thế giới cần những con người thể hiện vượt trội trong cuộc sống từ trước đến giờ? Bạn đã bộc lộ hết mọi khả năng tiềm ẩn chưa? Bạn đã tiết lộ con người chân thật của mình chưa? Bạn có là chính mình? Hãy tự hỏi bản thân những điều đó. Bởi lẽ, không còn lúc nào thể hiện chính mình tốt hơn lúc này và nếu không phải bây giờ, thì khi nào? Tôi nhớ đến lời của triết gia Herodotus:“Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra.” Đó quả là một lời nói tuyệt đẹp.


2. Hoặc giỏi hoặc ra rìa

Có một câu nói của diễn viên hài Steve Martin khuyên các tài năng trẻ mà tôi cực kỳ tâm đắc: “Hãy giỏi đến mức người ta không thể ngó lơ bạn.” Trong cuộc sống, những người xuất sắc nhất luôn là những người nổi bật và tạo ấn tượng mạnh đối với chúng ta. Bạn không cần phải nghĩ cách để làm quen hay tạo dựng mối quan hệ với những người xung quanh, chỉ cần bạn đủ giỏi, những mối quan hệ sẽ tìm đến bạn. 

Cuộc sống ưu đãi những ai tận lực. Bạn càng cho đi, cuộc đời càng gửi lại. Nếu bạn thực hiện bất cứ công việc nào một cách tuyệt vời, luôn luôn tìm kiếm sự vượt trội, luôn ở vị trí xuất sắc, bạn không thể vuột mất chiến thắng cuối cùng. Nhà văn Jerry Garcia với tác phẩm The Greatful Dead từng nói: “Bạn không chỉ muốn trở thành người giỏi nhất, bạn còn muốn được thiên hạ công nhận là người duy nhất thực hiện điều đó.” Đôi khi thất vọng sẽ đến và điều này xảy ra cho tất cả mọi người. Ta cố gắng hết sức, trung thành với giấc mơ và theo đuổi lý tưởng, thế mà chẳng có gì xảy ra hoặc dường như là vậy. Nhưng mọi lựa chọn đều giá trị, mọi bước đi đều quan trọng. Cuộc sống vẫn diễn ra theo cách của nó, không phải theo cách của ta. Hãy kiên nhẫn và tin tưởng. Hãy giống như người thợ cắt đá, đều đặn từng nhịp, ngày qua ngày. Cuối cùng, một nhát cắt duy nhất sẽ phá vỡ tảng đá và lộ ra viên kim cương. Người tràn đầy nhiệt huyết và tận tâm với việc mình làm không bao giờ bị chối bỏ. Steve Martin cho tôi một ý tưởng sâu sắc. “Hãy giỏi đến mức người ta không thể ngó lơ bạn.”Chuyên gia quản trị Peter Drucker cũng nhận xét gần như vậy khi cho rằng: “Hoặc giỏi hoặc ra rìa.” 

Hãy áp dụng triết lý này trong công việc, trong gia đình, trong cộng đồng, trong thế giới của bạn. Hãy can đảm trình diễn năng khiếu để chúng mang lại những phần thưởng tuyệt vời. Cuối cùng cuộc sống luôn công bằng. Hãy tin ở nó!

3. Tiểu tiết làm nên điều kỳ diệu

Khả năng lãnh đạo là khả năng giữ mình chuẩn mực trong thế giới công việc, nhận lãnh trách nhiệm [trái ngược với việc trở thành nạn nhân], vượt trội trong tầm ảnh hưởng của mình, xây dựng các quan hệ tốt đẹp và nâng cao người khác qua gương mẫu của mình.Trong bài này tác giả chỉ muốn thể hiện một quan điểm đơn giản: Cách bạn thực hiện những việc nhỏ bé sẽ tiết lộ rất nhiều về cách bạn thực hiện những việc lớn lao. Tự đặt mình vào sự tầm thường với những mục tiêu vụn vặt sẽ khiến bạn cũng trở nên tầm thường trong những chuyện lớn lao. 

Nếu một sân vườn, một căn nhà ngăn nắp, thì tôi dám cá rằng cuộc sống bạn cũng rất ngăn nắp. Nếu bạn để ý đến những tiểu tiết như ghi nhớ sinh nhật bạn bè hoặc gửi lời nhắn cảm ơn sau các buổi gặp gỡ, tôi chắc rằng bạn cũng để ý đến những tiểu tiết trong các dự án lớn, trong những cơ hội vĩ đại. Và nếu nơi làm việc của bạn rất tinh tươm, nhiều khả năng đó cũng là cách bạn làm việc rất tận tâm với khách hàng để mọi sự hoàn hảo. [Tôi có thể đoán biết về một công ty nào đó qua sự sạch sẽ của nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh thơm tho như muốn nói to rằng: “Chúng tôi chăm sóc bạn!”, và sự chăm sóc ấy mang nghĩa là phục vụ tận tình.] Vậy hãy chú ý đến tiểu tiết. Tập trung vào điều nhỏ nhặt, tận tâm với điều gọi là: TTT – thích tiểu tiết. Người vĩ đại và các công ty thành công đều như vậy. Bởi vì điều nhỏ nhặt thực ra lại là điều lớn lao.


4. Ngưng trì hoãn

Có một câu nói của nhà sáng tạo nội dung Giang Ơi mà tôi cực kỳ tâm đắc: “Một ngày nào đó, bạn sẽ chết và bạn không biết được thời gian đó còn bao lâu. Vậy tại sao lại không làm những điều mình muốn làm, trở thành phiên bản mà bản thân hằng mong muốn!” Bạn muốn làm Youtuber hay trở thành một Tiktoker, hãy làm đi! Cuộc đời thực sự đang trôi nhanh lắm sao lại trì hoãn những việc có thể làm hôm nay cho những lúc rảnh rỗi trong tương lai xa xôi nào đó? Sao không đóng vai một con người vượt trội bây giờ mà lại dành điều đó vào một thời điểm khác mai sau? Sao lại chần chừ thụ hưởng những giờ phút tuyệt vời và chờ đến khi về già?

Một ngày nọ tôi đọc cuốn sách về một phụ nữ trẻ suy tư về kế hoạch để dành tiền hưu. Cô nói: “Tôi muốn bảo đảm mình sẽ để dành thật nhiều tiền – như vậy tôi mới có thể vui sống vào cuối đời.” Tôi không nghĩ vậy. Tại sao phải chờ đến già mới hưởng thụ cuộc sống? Điều đó không có nghĩa rằng ta nên bỏ qua tầm quan trọng của việc lên kế hoạch cho tương lai. Biết nhìn xa và chuẩn bị cho suốt cuộc đời là một điều tốt nhưng tại sao ta không quân bình bằng cách đồng thời lên kế hoạch cho tương lai nhưng đồng thời cũng cần biết sống cho giây phút này. Sống thật đầy đủ và khôn ngoan. Hãng hàng không Emirates có câu quảng cáo như sau: “Lần cuối cùng bạn thực hiện một điều gì lần đầu tiên là khi nào?”. Một câu hỏi khôn ngoan. Vậy hãy đong đầy ngày tháng với nhiều hoạt động. Săn tìm những gì là tốt nhất cho hôm nay, cười nhiều lên, yêu nhiều hơn, ước mơ thêm. 

Nếu cơ hội xảy đến trong những giờ tới – bạn và tôi đều biết sẽ như thế – hãy chộp lấy bởi vì tháng ngày đang qua đi rất nhanh. 


5. Món quà 

Mỗi ngày chúng ta đều nhận được một món quà tuyệt vời từ thượng đế! Bạn có biết đó là gì không? Đó chính là 24 giờ.

 24 tiếng đồng hồ tươi mới, 24 giờ thuần khiết, không tỳ vết và không giới hạn. Một ngày mới trao gửi cơ hội để bạn bày tỏ sự can trường, ứng xử lịch thiệp, liên kết chân thành, rèn luyện những thói quen giúp bạn tiến lên một cuộc đời tốt đẹp hơn. Hai mươi bốn giờ trao tặng cơ hội để cười, để sống cuộc sống ý nghĩa, để thực hiện ước mơ. Dù bạn có thừa nhận hay không, ngày mai vẫn là điều kỳ diệu, đâu phải ai cũng có được nó. Vậy hãy làm cho ngày mai trở nên đặc biệt. Không, trở nên vĩ đại, tuyệt vời hết mức, trở nên một tác phẩm nghệ thuật – để bạn có thể kể lại cho con cháu nghe. 

Thật tuyệt vời với những gì một người có thể làm trong một ngày duy nhất. Mỗi ngày là một cơ hội để trở thành những gì chúng ta đáng được hưởng.

6. Học từ lỗi lầm

Tôi chợt nhớ đến một câu nói của nghệ sĩ Trấn Thành khi được hỏi về lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ Gen Z: “Hãy sống như thế nào để khi các bạn nhớ lại tuổi thanh xuân của mình bạn không giận bản thân vì ngày đó mình đã sống lãng phí như thế!” Hằng ngày, thượng đế trao tặng cho ta vô số cơ hội, nhưng ta lại làm vụt mất đi chúng vì những nỗi sợ “ Bản thân sẽ không làm được!”, sợ sai. Nhưng phải chăng ta còn quá non trẻ để hiểu được lỗi lầm không đáng sợ bằng việc cứ trách cứ bản thân mà không rút được kinh nghiệm, bài học nào cho bản thân. Mỗi lỗi lầm đều có “phí!” Đừng để bản thân cứ mãi tốn “phí” mà không đem lại được giá trị nào.

Trong Điều vĩ đại đời thường, tôi đã kể câu chuyện mình đánh mất cơ hội gặp gỡ Harvey Keitel tại sảnh lớn của khách sạn ở Toronto.Tôi không chộp lấy điều mà Carlos Castaneda gọi là “cơ hội bất chợt” đến. Nhưng tôi đã biết sửa chữa lỗi lầm, tôi đã hứa sửa sai và tôi đã giữ lời. Một lần khác tôi xuống phố để gặp đại diện một nhà xuất bản, và đang ăn món cá sống tại một nhà hàng Nhật ưa thích của mình. Bạn biết ai đang ngồi bàn bên cạnh không? Chính là nghệ sĩ nổi tiếng Eric Clapton. Khi đúng thời điểm [chẳng có thời điểm nào là lý tưởng để chộp lấy cơ hội, nhưng tôi vẫn để ông dùng bữa xong], tôi mở lời chào. Tim tôi đập rộn ràng [tôi chỉ là người bình thường thôi mà]. Tất nhiên tôi cũng lo lắng sợ mình bị ngó lơ. Nhưng nếu không thử, sao bạn biết được. Tôi nhận ra rằng nếu chộp lấy nó, ít ra tôi còn có một cơ hội gặp gỡ ông ấy. Còn nếu không, bảo đảm chẳng bao giờ có cơ hội nữa. Thế là tôi chộp lấy. Hóa ra chúng tôi đã có buổi tán gẫu tuyệt vời, và Eric Clapton là một người thú vị. Tôi đã có thêm một cuộc nói chuyện để hình thành con người mình – như mọi cuộc nói chuyện trước đây. Mỗi ngày cuộc đời gửi đến bạn cơ hội học hỏi, phát triển và bước gần đến chân thiện mỹ. Đừng bỏ lỡ nó vì có những cơ hội không bao giờ trở lại. Đừng lựa chọn sự hối tiếc.

7. Lắng nghe kỹ

Hãy đọc câu nói thâm thúy của nhà thiết kế nổi tiếng Bruce Mau mà tôi muốn chia sẻ với bạn: “Mỗi cộng tác viên khi bước vào quỹ đạo của chúng tôi đều mang theo một thế giới kỳ lạ và phức tạp hơn bất cứ những gì chúng tôi mong đợi và tưởng tượng. Khi lắng nghe chi tiết, nhu cầu, ước muốn, hoài bão rất mơ hồ của họ, chúng tôi đang hòa nhập thế giới của họ vào thế giới của mình. Và cả hai sẽ không còn giống như xưa.” Ta hình thành nhân cách qua các cuộc nói chuyện. Ta bị ảnh hưởng bởi ý tưởng mình nghe được và bởi người đang nói chuyện. [Ý tưởng lớn: Mỗi người bạn tiếp xúc đều biết ít nhất một thứ mà bạn không biết. Đừng để họ ra đi mà chưa học được điều gì.] Lắng nghe là kỹ năng chủ đạo để hoàn thiện cá nhân cũng như sự nghiệp. Nhà lãnh đạo lắng nghe, và nghe rất giỏi. Khi tập trung lắng nghe người mình đang giao tiếp, khi cho phép họ chia sẻ điều họ biết, ta có cơ hội nhìn sâu vào trí tuệ ấy để học hỏi, phát triển và tiến hóa lên mức cao nhất và giỏi nhất. 

Nếu ta may mắn, có cơ hội được nói chuyện với một người khôn ngoan – đúng dịp – thì cuộc trò chuyện duy nhất ấy có thể là thứ sẽ thay đổi cách bạn suy nghĩ, cảm xúc, hành xử mãi mãi. Họ mài giũa bạn và biến đổi bạn với những điều tốt đẹp. 

8. Sống trong quá khứ

Albert Einstein đã từng nói: “Học từ ngày hôm qua, sống cho ngày hôm nay, hi vọng cho ngày mai.” Người ta thường có xu hướng nghĩ về những lỗi lầm trong quá khứ rồi từ đó dằn vặt bản thân. Liệu rằng điều đó có quá lãng phí thời gian khi chúng ta cứ sống mãi với quá khứ mà không yêu mến hiện tại hay đơn giản là nhìn về tương lai phía trước. 

Mọi người chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng, bước vào thế giới và làm thật tốt những gì có thể dựa vào kiến thức, vào khả năng mình có và chỗ đứng hiện nay trên hành trình cuộc đời. Nhưng quan trọng hơn nữa, điều mà ta gọi là lỗi lầm thực ra ẩn chứa nguồn học hỏi phong phú. Đó là cơ hội nhận thức và hiểu biết hơn để có được những kinh nghiệm quý giá. Tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời - tốt đẹp và khó khăn - đều cần thiết để giúp bạn trở nên con người hôm nay. Tại sao gọi là lỗi lầm? Vậy có lẽ không có lỗi lầm. Có lẽ điều chúng ta gọi là thất bại thực sự lại là những bài học trưởng thành dưới lớp da chó sói. Và có lẽ người nhiều kinh nghiệm nhất sẽ là người chiến thắng. 

9. Nói ra những điều thầm kín

Có một sự thật rằng ta thường có xu hướng tử tế với người ngoài nhưng lại thờ ơ, lớn tiếng với những người thân yêu. Thật kỳ quặc, phải không? Bạn dễ dàng dành rất ít thời gian với gia đình vì họ luôn ở ngay bên bạn. Thật dễ bỏ qua những sự biểu lộ tình cảm với người mình yêu mến bởi vì dường như chưa cần phải làm thế ngay hoặc bạn muốn làm nhưng trong lòng lại có một “vách ngăn vô hình” khiến ta chững lại, không thể cất nên lời. 

Nhưng còn gì quan trọng hơn gia đình chứ? Thành công vượt trội nhưng cô đơn thì có ý nghĩa gì? Cuốn album gia đình có ý nghĩa với tôi hơn nhiều so với tài khoản ngân hàng. Vậy hãy nhấc máy lên và nói với cha mẹ rằng bạn rất yêu thương họ. Trước khi đi làm, hãy bày tỏ cử chỉ yêu thương với người bạn đời. Hãy ôm chặt các con và nói rằng bạn rất thương chúng. Con bạn chỉ bé bỏng có một thời. Và khi cánh cửa cơ hội đó khép lại, chúng sẽ vĩnh viễn đóng chặt.

10.Đau khổ không chỉ mang đến những tổn thương

Tôi đang đọc lại một cuốn sách rất hay mang tựa là What Happy People Know [Người hạnh phúc hiểu điều gì] của Dan Baker, nhà tâm lý đồng thời là đạo diễn truyền hình. Tôi muốn chia sẻ một vài ý tưởng của ông với các bạn về sự lạc quan và nhận lấy thử thách trong đời một cách trân trọng và lịch thiệp. Hồi Dan còn trẻ, đứa con trai đầu lòng của ông qua đời. Sự kiện đó đánh gục ông và đẩy ông chìm vào bóng tối tuyệt vọng. Trong sách ông viết về những bài học qua các thử thách trong đời: “Tôi nhận ra lạc quan thực sự là như thế nào: đó là nhận thức rằng đau khổ càng nhiều, bài học càng sâu sắc. Có rất nhiều bài học trong cuộc đời mà ta không hề muốn học. Bạn không thể chỉ kể cho ai đó những bài học này và mong họ trở nên khôn ngoan. Sự khôn ngoan chỉ đến qua con đường đau khổ.” Những câu nói thâm thúy.

Có lẽ điều gì bắt trái tim ta tan nát chính là điều giúp trái tim rộng mở, để cảm thông sâu sắc với những gì ta đã từng trải qua. Nếu ta chấp nhận bài học mà đau khổ mang đến đau khổ giúp ta rất nhiều. Chính thử thách lớn nhất trong đời sẽ ban tặng cơ hội lớn nhất.

Lời kết: Mười bài học mà tôi tâm đắc nhất trong quyển sách có khả năng đánh thức khả năng, thay đổi tư duy thậm chí là cả cuộc đời của một người. Dù độc giả ở độ tuổi nào, những bài học thấm thía, triết lý sâu sắc của Robin Sharma đều không bao giờ là thừa thãi. Có thể ta không có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những người thành công, xuất chúng để học hỏi nhưng ta có thể gián tiếp kết nối với họ qua những quyển sách, “Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài” chẳng hạn, để tiến bộ hơn mỗi ngày bạn nhé!


Review chi tiết bởi: Tường Vy Cánh Mỏng

Hình ảnh: Chu Phương

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

[*] Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


361 người xem

Video liên quan

Chủ Đề