Cuộc khởi nghĩa lam sơn bùng nổ năm nào năm 2024

Sau khi cuộc kháng chiến của Nhà Hồ thất bại [6.1407], các cuộc đấu tranh của nhân dân liên tiếp bùng nổ trên mọi miền đất nước chống lại chính quyền đô hộ Nhà Minh, nhưng đều không giành được tháng lợi. Năm 1416, tại Thanh Hoá, Lê Lợi - một hào trưởng có uy tín trong vùng, cùng 18 người cùng chí hướng [Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lí, Đinh Lan, Trương Chiến] tổ chức hội thề tại Lũng Nhai [nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá] kết nghĩa anh em cùng chung sức đánh giặc cứu nước. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 7.2.1418 Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân các địa phương cùng nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược. Nhiều người yêu nước và anh hùng hào kiệt khắp nơi lần lượt tìm về Lam Sơn tham gia đánh giặc.

Lực lượng khởi nghĩa ban đầu khoảng 2 nghìn quân, trong đó có 51 tướng văn võ, 200 quân thiết đột, 200 nhân sĩ, 200 dũng sĩ, so với sổ quân Minh lúc ấy, tương quan lực lượng quá chênh lệch. Từ Lam Sơn [nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá], phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia giành lại độc lập dân tộc sau 10 năm gian khổ chiến đấu, cuộc khởi nghĩa trải qua 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 [1418-23], nghĩa quân chiến đấu chống các cuộc vây quét của quân Minh, bảo toàn lực lượng trên địa bàn thượng du Thanh Hoá. Khởi đầu nghĩa quân còn non yếu, vũ khí, quân lương thiếu thốn. Với ưu thế đông và mạnh [khoảng 45 nghìn quân], quân Minh liên tiếp mở những cuộc tiến công bao vây, truy quét nhằm tiêu diệt cuộc khởi nghĩa từ trong trứng nước. Để tồn tại và phát triến, nghĩa quân vừa dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân Lam Sơn, các vùng xung quanh và đồng bào các dân tộc, vừa tận dụng địa hình núi rừng hiểm trở tránh các cuộc vây quét của kẻ thù, tổ chức các trận địa mai phục tiêu hao sinh lực địch. Trong 2 năm đầu [1418-19], địa bàn đứng chân của quân khởi nghĩa là Lam Sơn và vùng rừng núi phía tây tỉnh Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa phát động được 7 ngày, Tổng binh Lý Bân huy động một lực lượng lớn quân Minh từ thành Tây Đô kéo lên bao vây càn quét [14.2.1418]. Để tránh cuộc truy quét của giặc, Lê Lợi cùng nghĩa quân rút vào núi Chí Linh [vùng thượng du sông Chu - nay thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh]. Quân Minh tập trung lực lượng khoá chặt mọi ngả đường và lùng sục ngày đêm nhằm bắt bằng được thủ lĩnh nghĩa quân, khiến cho nghĩa quân lâm vào tình thế có nguy cơ bị tiêu diệt bởi đói khát, ốm đau, cạn lương, thiếu nước. Để giải cứu quân khởi nghĩa, Lê Lai đóng giả làm Lê Lợi, cùng đội quân cảm tử xông ra phá vây, dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng [trong đó tướng Lê Lai rơi vào tay giặc và bị xử cực hình đến chết], bảo vệ an toàn cho bộ chỉ huy và nghĩa quân.

Cho rằng đã bắt được người cầm đầu và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng khởi nghĩa, quân Minh rút về thành Tây Đô. Ngày 9.5.1418, Lê Lợi cùng nghĩa quân trở về căn cứ Lam Sơn củng cố lực lượng, chuẩn bị cơ sở để tiếp tục hoạt động. Ngày 14.5, đại bộ phận nghĩa quân lại rút lên Lạc Thuỷ [vùng thượng lưu sông Chu] tìm địa bàn mai phục chờ giặc. Ngày 18.5, một đạo quân Minh, do Mã Kì cầm đầu, tiến đến Lạc Thuỷ, lọt vào trận địa đã chuẩn bị của nghĩa quân. Dưới sự chỉ huy của các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Nguyễn Lý, Trương Lôi, nghĩa quân đã đánh tan cuộc truy kích của địch, tiêu diệt hàng ngàn quân, thu nhiều vũ khí, quân trang. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên khẳng định tài trí của tướng sĩ Lam Sơn, gây thêm niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân và các phong trào đấu tranh chống quân Minh ở các địa phương hướng về cuộc khởi nghĩa. Ba ngày sau trận đại bại này, một lực lượng lớn quân Minh được chỉ điểm dẫn đường theo lối tắt đánh úp căn cứ Lam Sơn. Nghĩa quân bị đánh bất ngờ, không kịp đối phó nên tổn thất nặng; cả vùng Lam Sơn bị triệt phá, vợ con cùng những người thân của Lê Lợi và nghĩa quân bị giặc bắt. Trước tình hình đó, nhằm tránh cuộc càn quét gắt gao của kẻ thù và để bảo toàn lực lượng, một lần nữa nghĩa quân lại phải rút về Chí Linh. Tại đây, nghĩa quân bị quân Minh bao vây, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế lương thực, chủ yếu sống nhờ măng tre và các loại cỏ cây trong suốt ba tháng. Khi quân Minh chấm dứt càn quét, nghĩa quân trở lại Lam Sơn, quân số chỉ còn hơn 100 người nhưng vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng được phục hồi; Lê Lợi tiếp tục chiêu nạp thêm nghĩa binh, tích trữ lương thực, sắm sửa vũ khí, củng cố căn cứ Lam Sơn.

Tháng 10.1418, quân Minh được tăng cường lực lượng từ Đông Quan, tiếp tục mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ Lam Sơn. Nghĩa quân chủ động rời căn cứ, nhử địch lên vùng rừng núi hiểm trở để tiêu diệt. Tại Mường Mọt [nay thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa] nghĩa quân tổ chức trận địa mai phục, chờ quân Minh lọt vào trận địa, bất ngờ dùng tên tâm thuôc độc bắn vào đội hình hành quân rồi xông ra giáp chiến, giết và làm bị thương nhiều quân địch, buộc địch phải lui về giữ đồn Nga Lạc để bảo vệ thành Tây Đô. Tháng 5.1419, nghĩa quân tiến công đồn Nga Lạc, bắt sống chỉ huy đồn là Nguyễn Sao, tiêu diệt hơn 300 quân. Liên tiếp bị thất bại, Tổng binh Lý Bân lệnh cho quân Minh từ Tây Đô tiến chiếm căn cứ Lam Sơn, sau đó cho quân trấn thủ ở thành Khả Lam, phong toả các vùng xung quanh. Nghĩa quân mai phục sẵn ở Mường Chính [nay thuộc huyện Lang Chánh], tiêu diệt được một sổ lính nhưng chưa thể đẩy lui được quân địch. Nhận thấy âm mưu chiếm đóng lâu dài và bao vây càn quét của giặc sẽ ngăn cản sự phát triển của nghĩa quân, Lê Lợi và bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa quyết định chuyển hướng hoạt động đến vùng thượng lưu sông Mã [nay thuộc huyện Quan Hoá]. Được Vua Ai Lao giúp đỡ, nghĩa quân xây dựng căn cứ mới ở Mường Thôi và mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp vùng tây bắc Thanh Hoá. 9.1419, từ căn cứ Mường Thôi, nghĩa quân theo lưu vực sông Mã tiến xuống mở rộng hoạt động ra vùng Lỗi Giang [gồm các huyện Bá Thước, cẩm Thuỷ và một phần huyện Quan Hóa ngày nay].

Tháng 11.1420, quân Minh, do Phương Chính chỉ huy, mở cuộc tiến công vào khu vực hoạt động của nghĩa quân. Lê Lợi cùng các tướng dẫn quân rời xa căn cứ, mai phục ở Bến Bổng [thuộc vùng thượng lưu sông Chu]. Khi quân Minh lọt vào trận địa phục kích, nghĩa quân từ bốn mặt xông ra chặn đánh, tiêu diệt phần lớn quân địch, bắt hơn 100 con ngựa và thu nhiều vũ khí. Tuy nhiên, sau thắng lợi, một số tướng không theo lời dặn của Lê Lợi, tự động dẫn quân truy đuổi, tiến đánh các vị trí chiếm giữ của giặc khiến lực lượng bị tốn thất, nghĩa quân phải rút về Mường Thôi. Ngay sau đó, đại quân Minh từ thành Tây Đô tiến đánh căn cứ Mường Thôi. Lê Lợi giao các tướng Lý Triện, Lê Lý, Phạm vấn chỉ huy một bộ phận nhỏ nghĩa quân mai phục ở Bồ Mộng [thuộc vùng phía tây cẩm Thuỷ và phía nam Bá Thước ngày nay], nơi có địa hình hiểm trở [một bên là núi, một bên là sông, chỉ có con đường độc đạo xen giữa], với ý định tiêu hao một phần sinh lực, khiến cho địch hoặc vì thất bại bước đầu sẽ rút lui hoặc chủ quan cho rằng lực lượng nghĩa quân yếu, nên vẫn tiếp tục tiến công vào căn cứ Mường Thôi. Thực hiện ý định trên, phần lớn lực lượng nghĩa quân được bố trí mai phục ở Thi Lang - một địa bàn hiếm yếu gần căn cứ, sẵn sàng tiêu diệt quân Minh. Mặc dù bị tổn thất ở Bồ Mộng nhưng với quân số đông và mạnh, quân Minh vẫn ồ ạt tiến vào Mường Thôi, lọt vào trận địa mai phục và bị nghĩa quân bất ngờ đổ ra đánh, tiêu diệt hơn 1 nghìn quân, buộc Lý Bân, Phương Chính cùng tàn quân phải rút chạy.

Tháng 12.1420, nghĩa quân lại tiến xuống hoạt động ở miền Lỗi Giang, đóng quân ở Ba Lầm [thuộc huyện Bá Thước], khiến quân Minh phải thiết lập các đồn ở Khả Lam, Nga Lạc, Quan Du để bảo vệ Tây Đô và ngăn chặn bước tiến của nghĩa quân. Sau nhiều lần khiêu khích, quấy rối làm quân địch mệt mỏi, Lê Lợi phái các tướng Lê Sát, Lê Hào đem quân tập kích đồn Quan Du, diệt hơn 1 nghìn địch, thu nhiều quân trang, khí giới, buộc quân Minh phải rút về Tây Đô cố thủ chờ viện binh. Sau những thắng lợi trên, thanh thế của nghĩa quân được nâng cao, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân khấp vùng tây bắc Thanh Hoá, đồng thời đưa khởi nghĩa Lam Sơn trở thành trung tâm kháng chiến lớn nhất trong phạm vi cả nước. Cuối năm 1421, quân Minh dụ dỗ, uy hiếp bắt vua và các tù trưởng Ai Lao cắt đứt mối liên kết tương trợ với nghĩa quân Lam Sơn, đồng thời huy động quân do Tham tướng Trần Trí chỉ huy, ồ ạt tiến công căn cứ Ba Lầm. Biết rõ ý đồ cùa giặc, Lê Lợi cùng các tướng chủ động tập trung binh lực bất ngờ tiến đánh doanh trại quân Minh ở Kình Lộng, diệt hơn 1 nghìn quân, thu nhiều khí giới. Mặc dù bị tổn thất nhưng do lực lượng còn mạnh, Trần Trí vẫn cho quân tiếp tục tiến đánh. Nghĩa quân lập trận địa mai phục ở Ủng Ải [nay thuộc xã Thiết Ông, huyện Bá Thước] tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đồng thời đánh tan đạo quân của Tù trưởng Ai Lao là Mã Sát theo sự xúi giục của quân Minh lợi dụng đêm tối đánh úp vào căn cứ cùa nghĩa quân, buộc Trần Trí phải cho quân rút lui. Năm 1422, sau khi lên làm Tống binh ở Giao Chỉ, Trần Trí tiếp tục huy động lực lượng và liên kết với Ai Lao mở cuộc tiến công mới tiêu diệt nghĩa quân. Ngày 5.2.1422, quân Minh, do Mã Kì chỉ huy, theo lưu vực sông Mã tiến lên, cùng với quân Ai Lao tiến sang đóng ở Mường Kiệt [thuộc Quan Hoá] tạo thành hai gọng kim tiến công vào Quan Du. Nghĩa quân bị tổn thất nặng phải rút sang Sách Khôi thuộc vùng Thạch Thành [Thanh Hoá], nhưng chưa kịp củng cố lực lượng và xây dựng căn cứ mới, lại bị quân Minh kéo đến vây quét, dồn nghĩa quân vào tình thế hiếm nghèo. Tại đây, nghĩa quân chiến đấu phá thế bao vây của quân Minh, chuyển bại thành thắng, giết được tướng Phùng Quý cùng hơn 1 nghìn quân, bắt hơn trăm ngựa, buộc Mã Kì cùng tàn quân rút chạy về Đông Quan, quân Ai Lao bỏ trốn. Mặc dù đánh bại được cuộc vây quét lớn của quân Minh, nhưng nhận thấy khó có thể tiếp tục đối phó nếu quân Minh lại tập trung lực lượng bao vây, vì vậy, để tính kế lâu dài, Lê Lợi cùng bộ tham mưu quyết định đưa toàn bộ lực lượng trở về núi Chí Linh lần thứ ba.

Giai đoạn 2 [5.1423-10.1424], tạm hoà hoãn để củng cố xây dựng lực lượng chờ thời cơ. Chí Linh là một căn cứ phòng ngự lợi hại của nghĩa quân nhưng địa thế hiểm trở, xa dân, cuộc sống khốn khó. Đứng chân ở đây nghĩa quân sẽ dần bị tiêu hao. Để có điều kiện phục hồi, phát triển lực lượng hoàn thành sự nghiệp, bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương đỉnh chiến với quân Minh dưới hình thức trá hàng. Thời kì này, nghĩa quân thực hiện “bên ngoài giả thác hoà thân” để “bên trong lo rèn chiến cụ, quyên tiền, mộ lính”. Thực hiện chủ trương trên, cuối tháng 4 đầu tháng 5.1423, các tướng Lê Vận và Lê Trăn được cử làm sứ giả mang lễ vật cùng thư xin hàng đến thương lượng với các tướng Minh là Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kì. Sau hơn 5 năm huy động một lực lượng khá lớn đàn áp gắt gao nhưng không tiêu diệt được nghĩa quân, trong lúc chính quốc cũng đang gặp khó khăn và có chủ trương tạm hoà hoãn đối với các thuộc quốc, Nhà Minh cũng muốn đình chiến tìm phương kế mới làm tan rã nghĩa quân. Kế hoạch hoà hoãn được thực hiện, ngày 19.5.1423, nghĩa quân trở về căn cứ Lam Sơn, triệt để tận dụng thời gian đình chiến, tiến hành khẩn hoang, sản xuất tích trữ lương thực, chiêu tập thêm nghĩa binh, sắm sửa vũ khí, tăng cường tập luyện, lực lượng được tăng cường về mọi mặt. Đây là thời kì nghĩa quân vừa tiến hành đấu tranh chính trị đối phó với mọi mưu mô thủ đoạn của giặc vừa duy trì mối quan hệ “hoà thân” với chúng để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Đến tháng 10.1424, sau hơn một năm mua chuộc, dụ dỗ vẫn không phá được cuộc khởi nghĩa, quân Minh bắt giam sứ giả của nghĩa quân là Lê Trăn, đồng thời quyết định dùng vũ lực đàn áp. Ngược lại, về phía nghĩa quân, xét thấy mục đích của sách lược “tạm hoà hoãn” đã đạt được, nên bộ chỉ huy nghĩa quân cũng quyết định tuyệt giao với địch, tiếp tục đấu tranh vũ trang.

Giai đoạn 3 [1424-25], chuyển hướng chiến lược, mở rộng địa bàn hoạt động vào phía nam. Nhận thấy muốn giành thắng lợi hoàn toàn cần phải có một căn cứ địa vững chắc làm cơ sở, trong cuộc họp của bộ chỉ huy nghĩa quân bàn kế tiến thủ, xác định phương hướng chiến lược cho cuộc khởi nghĩa trong giai đoạn mới, tướng Nguyễn Chích, với tầm nhìn chiến lược, đã phân tích cặn kẽ thế và lực của nghĩa quân, những hạn chế khó khăn của miền tây Thanh Hóa và đề xuất chuyển hướng hoạt động vào Nghệ An - nơi hiểm yếu, đất rộng người đông, lấy đó làm đất đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực ở đó tiến lên tiêu diệt kẻ thù. Kế hoạch của Nguyễn Chích được chấp nhận và thực thi.

Mở đường cho cuộc tiến quân vào Nghệ An, ngày 12.10.1424 nghĩa quân tập kích phá tan đồn Đa Căng [tức Bất Căng - nay thuộc xã Thọ Nguyễn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá], đánh lui đạo quân cứu viện của địch do Hoa Anh đứng đầu. Sau đó, nghĩa quân chia làm hai hướng men theo sườn tây và sườn đông của dãy núi Nưa cùng tiên vào châu Trà Long [châu miền núi của phủ Nghệ An, thuộc huyện Con Cuông, Tương Dương ngày nay], hạ được thành Trà Long - một cãn cứ then chốt của quân Minh ở vùng núi Nghệ An. Sau chiến thắng Trà Long, Lê Lợi phái quân đi chiếm giữ huyện Đồ Gia [nay là huyện Hương Sơn], ải Khả Lưu [nay là xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn] là những địa bàn quan trọng trên con đường từ Nghệ An lên Trà Long đê khống chế đường hành quần của địch.

Quân Minh do Trần Trí và Phương Chính dẫn đầu từ thành Nghệ An kéo lên tiến công nghĩa quân ở Trà Long. Khi đến Khả Lưu, Trần Trí cho đóng quân ở bãi Phá Lữ [nay thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn], đối diện với ải Khả Lưu qua dòng sông Lam, chuẩn bị kế hoạch tiến đánh doanh trại nghĩa quân. Lê Lợi dùng kế nghi binh, cho một lực lượng quân tinh nhuệ bí mật vượt sông sang Bãi Sở [nay thuộc xã Long Sơn, huyện Anh Sơn], lập trận địa mai phục; một số ít nghĩa quân ở lại Khả Lưu ban ngày thì dựng cờ đánh trống, ban đêm thì đốt lửa. Khi quân Minh vượt sông đánh vào doanh trại của ta, nghĩa quân vừa cầm cự, vừa nhử địch vào trận địa mai phục để tiêu diệt, đồng thời ở bờ nam, đội quân tinh nhuệ tiến vào đốt phá doanh trại, đánh thiệt hại nặng quân địch, buộc Trần Trí phải cho quân lui về Phá Lữ dựng đồn, đắp lũy, cố thủ lâu dài đối phó với nghĩa quân. Nắm chắc âm mưu của quân Minh, theo kế của tướng Nguyễn Vĩnh Lộc, nghĩa quân đốt doanh trại, rút khỏi Khả Lưu, đưa quân đến Bồ Ải mai phục, sau đó cho một toán quân khiêu khích nhử địch ra khỏi đồn luỹ. Trần Trí mắc mưu, đốc thúc quân lính truy đuổi nhằm tiêu diệt nghĩa quân; khi đến Bồ Ải bị phục binh của ta chặn đánh, diệt tướng tiên phong Hoàng Thành, bắt Đô ti Chu Kiệt cùng hơn 1 nghìn quân, buộc tướng Trần Trí phải thu thập tàn binh chạy về thành Nghệ An. Chiến thắng Khả Lưu, Bồ Ải đã tiêu diệt phần lớn quân Minh ở Nghệ An, buộc địch phải cố thủ trong thành. Được sự ủng hộ của nhân dân các địa phương, nghĩa quân nhanh chóng giải phóng tất cả các châu, huyện và vây chặt thành phù. Cả vùng Nghệ An rộng lớn trở thành đất đứng chân của lực lượng khởi nghĩa, trong đó thành Lục Niên, xây dựng trên núi Thiên Nhẫn [nằm giáp giới hai huyện Thanh Chương, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay] là chỉ huy sở của bộ chỉ huy nghĩa quân.

Tháng 6.1425, một bộ phận nghĩa quân do Đinh Lễ chỉ huy tiến ra giải phóng phủ Diễn Châu [khu vực các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, tỉnh Nghệ An ngày nay] và giải phóng Thanh Hoá, vây chặt quân Minh ở thành Tây Đô. Tháng 8.1425, hơn 1 nghìn nghĩa quân do các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ chỉ huy, theo đường núi, cùng với đạo quân thủy gồm hơn 70 chiến thuyền dưới sự chỉ huy của các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Phạm Bôi, tiến vào giải phóng toàn bộ vùng đất Tân Bình, Thuận Hóa [trừ hai thành bị bao vây]. Đến cuối năm 1425, cả vùng rộng lớn từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa đều thuộc về quân khởi nghĩa, thế và lực của nghĩa quân phát triển vượt bậc.

Giai đoạn 4 [1426-27], tiến công ra Bắc, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Phát huy thế chủ động tiến công, Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định vừa tiếp tục vây hãm các thành phủ từ Thanh Hóa trở vào để giam chân địch đồng thời mở cuộc tiến công ra Bắc. Thực hiện quyết định trên, tháng 9.1426, nghĩa quân chia thành 3 đạo tiến ra các lộ miền Đông Đô. Đạo thứ nhất gồm 3 nghìn quân, do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí chi huy, tiến ra giài phóng vùng Thiên Quan [Nho Quan, Ninh Bình], Quảng Oai và Quốc Oai [Hà Tây, nay thuộc Hà Nội]; Gia Hưng [nay thuộc vùng bắc Hoà Bình và một phần Sơn La], Đà Giang [huyện Ba Vì, Hà Nội và huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ ngày nay], đồng thời sẵn sàng chặn viện binh địch từ Vân Nam kéo sang. Đạo thứ hai gồm 2 nghìn quân, dưới sự chỉ huy của các tướng Bùi Bị, Lưu Nhân Chú, Lê Trương, Lê Ninh, tiến ra giải phóng vùng Thiên Trường [đông bắc Nam Định], Tân Hưng, Kiến Xương [Thái Bình]. Tiếp đó, các tướng Bùi Bị, Lưu Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Vị Canh nhận lệnh tiến chiếm vùng Khoái Châu, Bắc Giang, Lạng Giang để chặn viện binh Nhà Minh từ Lưỡng Quảng kéo sang. Đạo thứ ba gồm 2 nghìn quân tinh nhuệ, do các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy, tiến thẳng ra phía nam Đông Quan để phô trương thanh thế. Nhiệm vụ của các đạo quân được xác định là tiến sâu vào vùng chiếm đóng của địch, vận động nhân dân nổi dậy, chiếm giữ đất đai đồng thời chặn các đường tiếp viện và rút lui của địch về thành Đông Quan. Cuộc tiến công ra Bắc đã đưa khởi nghĩa Lam Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước. Nhân dân các địa phương, có lực lượng nghĩa quân làm nòng cốt, đã làm tan rã chính quyền địch ở nhiều nơi, tiêu diệt và bao vây các đồn luỹ, giải phóng nhiều vùng đất đai, trực tiếp uy hiếp và bao vây, cô lập quân Minh ở Đông Quan.

Để tránh thế bị bao vây, uy hiếp, quân Minh ở thành Đông Quan cố gắng mở các cuộc phản kích. Ngày 13.9.1426, tại Ninh Kiều [nay thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mĩ, Hà Nội], lực lượng nghĩa quân của các tướng Lý Triện, Trịnh Khả, Đồ Bí tổ chức mai phục, phối hợp với bộ phận nghĩa quân do Phạm Văn Xảo chỉ huy, nhử quân Minh vào trận địa, tiêu diệt 2 nghìn quân, buộc Trần Trí phải cho quân rút về Đông Quan, đào đăp thêm hào, luỹ, củng cố thêm hệ thống phòng thủ và bí mật cử người vào thành Nghệ An yêu cầu Phương Chính, Lý An đem quân ứng cứu cho Đông Quan. Ngày 20.10.1426, các tướng Minh là Viên Lượng, Vương Miễn, Tư Quảng, theo lệnh của Trần Trí, tiếp tục dẫn quân ra ngoài thành Đông Quan tổ chức phản kích, lại bị phục binh nghĩa quân đánh tan ở cầu Nhân Mục [nay thuộc phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội]. Cùng ngày, đạo viện binh của Vương An Lão từ Vân Nam kéo sang cũng bị nghĩa quân chặn đánh ở cầu Xa Lộc, diệt hơn 1 nghìn quân, khiến Vương An Lão không dám tiến quân xuống thành Đông Quan, phải vào thành Tam Giang cố thủ.

Tháng 11.1426, với số quân được tăng viện khoảng hơn 100 nghìn [gom số quân của Phương Chính, Lý An từ Nghệ An cùng với 50 nghìn viện binh từ Nhà Minh đưa sang], Vương Thông, được vua Minh cử sang giữ chức Tổng binh thay Trần Trí, quyết định dốc toàn bộ lực lượng tổ chức phản công tiêu diệt nghĩa quân. Kế hoạch phản kích của quân Minh đã nhanh chóng bị đập tan ở Tốt Động - Chúc Động [Chương Mĩ - Hà Nội], với hơn 60 nghìn binh tướng bị tiêu diệt, buộc Vương Thông cùng số tàn binh sống sót phải rút chạy về Đông Quan cố thủ. Nghĩa quân thừa thắng bao vây thành Đông Quan và tiếp tục mở rộng đánh chiếm nhiều phủ, huyện [xem thêm Trận Tốt Động - Chúc Động, 5-7.11.1426]. Đồng thời, bộ chỉ huy nghĩa quân từ Thanh Hóa ra đóng bản doanh tại Phù Liệt [nay thuộc huyện Thanh Trì - Hà Nội] trực tiếp chỉ huy bao vây tiến công thành Đông Quan và tiến hành đấu tranh chính trị, ngoại giao với địch.

Sau những thất bại liên tiếp và bị bao vây chặt trong thành Đông Quan, Vương Thông buộc phải cầu hoà để có thêm thời gian chuẩn bị đối phó, đồng thời bí mật cử người về nước xin viện binh. Nắm được âm mưu của địch, Lê Lợi lệnh cho các lực lượng nghĩa quân tiếp tục thắt chặt vòng vây ở Đông Quan, đồng thời cử các tướng đem quân đánh chiếm các thành Điêu Diêu [nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội], Thị Cầu [Bắc Ninh], Tam Giang [Phú Thọ], Xương Giang [Bắc Giang], Khâu Ôn [Lạng Sơn] và vây chặt các thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh. Đầu năm 1427, Nhà Minh điều động 150 nghìn quân và 30 nghìn ngựa chiến, chia làm 2 đạo tiến sang cứu nguy cho Vương Thông. Lê Lợi quyết định một bộ phận nghĩa quân vẫn tiếp tục vây thành, cử các tướng tài giỏi đem quân chặn giặc ở cửa ải Pha Luỹ [nay là Hữu Nghị Quan] và ải Lê Hoa [vùng Hà Giang, giáp Vân Nam – Trung Quốc]. Đạo viện binh chủ lực của quân Minh gồm 100 nghìn quân, do Liễu Thăng chỉ huy, sau khi vượt qua ải Pha Luỹ, ngày 10.10.1427, đội quân tiên phong mở đường bị sa vào trận địa mai phục của nghĩa quân ở ải Chi Lăng. Tổng binh Liễu Thăng cùng hơn 10 nghìn quân chết tại trận, nhiều quân tướng bị bát, số còn lại tiếp tục bị chặn đánh ở cần Trạm, Phố Cát. Sau đó, tàn quân Minh, do Thôi Tụ, Hoàng Phúc chi huy vẫn cố gắng tiến về thành Xương Giang, nhưng thành đã thuộc về nghĩa quân từ cuối tháng 9. Ngày 3.11.1427, tại cánh đồng Xương Giang, toàn bộ số quân này bị nghĩa quân tiến công tiêu diệt [xem thêm Trận Chi Lăng - Xương Giang, 8.10- 3.11.1427]. Được tin đạo quân Liễu Thăng bị phá tan, đạo viện binh thứ hai, do Mộc Thạnh chỉ huy, đang ở vùng ải Lê Hoa, đang đêm rút chạy, bị quân ta đuổi đánh, diệt và bắt hơn 10 nghìn quân. Các chiến thắng của nghĩa quân tiêu diệt hai đạo viện binh địch ở Chi Lăng - Xương Giang và Lãnh Câu, Đan Xá, buộc quân Minh ở Đông Quan phài đề nghị giảng hoà. Hội thê Đông Quan [10.12.1427] được tổ chức ở phía nam thành Đông Quan, buộc Vương Thông phải cam kết rút hết quân. Đây là phương pháp kết thúc chiến tranh sáng tạo, vừa đỡ đổ máu, vừa thể hiện sự khoan dung độ lượng của nghĩa quân, theo đó, ngày 29.12.1427, các cánh quân Minh được bộ chỉ huy nghĩa quân cấp cho lương ăn và phương tiện bắt đầu lên đường về nước; ngày 31.1.1428, quân xâm lược hoàn toàn rút khỏi nước ta.

Thắng lợi của Khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh hoàn toàn chấm dứt ách đô hộ của Nhà Minh. Đây là thắng lợi của lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc; của đường lối đấu tranh quân sự kết hợp với chính trị và ngoại giao; của nghệ thuật quân sự “dùng quân mai phục, lấy ít thắng nhiều”, “mưu phạt tâm công”... Đặc biệt, thắng lợi của khởi nghĩa này còn là do nghĩa quân có một bộ tham mưu lãnh đạo tài giỏi với một đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn.

Về chiến lược, trong điều kiện ta yếu, địch mạnh, nghĩa quân đã thực hiện chiến lược đánh lâu dài, lấy yếu chống mạnh để có thời gian xoay chuyển tương quan lực lượng, tạo lực, tạo thế, dần chuyển sang phản công giành thắng lợi. Đó là đường lối duy nhất đúng đắn trong hoàn cảnh đất nước khi đó. Chiến thuật của nghĩa quân đa dạng và phong phú, tuỳ theo hoàn cảnh điều kiện, khi mai phục, lúc tiến công, vây thành, diệt viện, trong đó phục kích, tập kích là sở trường.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự [Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015]

Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khi nào?

Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược thì Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1420.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418 đến năm 1427 do ai lãnh đạo?

Khởi nghĩa Lam Sơn [1418-1427] là cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược về nước do Bình Định vương Lê Lợi [tức hoàng đế Lê Thái Tổ] lãnh đạo và kết thúc bằng việc giành lại độc lập cho nước Đại Việt và sự thành lập nhà Hậu Lê.

Nghĩa Lam Sơn bùng nổ như thế nào?

- Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 hào kiệt đã tổ chức Hội thề ở Lũng Nhai [Thanh Hóa], quyết tâm đánh đuổi giặc Minh. - Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước => cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ.

Năm 1418 đã xảy ra sự kiện gì?

Khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc khởi nghĩa của người Việt do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự cai trị của nhà Minh, bắt đầu từ đầu năm 1418 và kết thúc với thắng lợi của Nghĩa quân Lam Sơn cùng sự rút lui về nước của quân Minh sau Hội thề Đông Quan cuối năm 1427.

Chủ Đề