Cuộc đấu tranh trong truyện cổ tích thường là cuộc đấu tranh như thế nào

[Nghiên cứu so sánh Truyện Bác nông dân và con quỷ – Đức và Trí khôn của ta đây – Việt Nam]

DẪN NHẬP

1.     Lí do chọn đề tài

Truyện cổ tích nói riêng, văn học dân gian nói chung, là tiếng nói của tập thể nhân dân lao động. Qua các câu truyện cổ tích, những nét văn hóa trong quá khứ của dân tộc được phản chiếu phong phú, sinh động. Đến với truyện cổ tích, ở mỗi lứa tuổi khác nhau, mỗi trình độ tiếp nhận khác nhau, người đọc đều có thể tìm thấy những nét lí thú, những khám phá mới mẻ từ trong các câu truyện xưa cũ, quen thuộc.

2.     Mục đích nghiên cứu

Trong các câu truyện cổ tích của các dân tộc trên thế giới, ta đều thấy những kết thúc có hậu, những công thức quen thuộc và giống nhau đến kì lạ. Quen thuộc đến mức chỉ cần đọc đoạn đầu của truyện là ta có thể biết được truyện sẽ kết thúc thế nào. Giống nhau đến mức nhàm chán và dễ nhầm lẫn từ truyện này sang truyện khác. Vậy đâu là sự khác biệt trong những câu truyện rất giống nhau này? Sự khác biệt đó liệu có ý nghĩa gì không?

Đề tài Cuộc đấu tranh của người nông dân trong truyện cổ tích [Nghiên cứu so sánh Truyện Bác nông dân và con quỷ – Đức và Trí khôn của ta đây – Việt Nam] nhằm tìm hiểu những điểm tương đồng và dị biệt trong hai truyện cổ tích giống nhau của hai dân tộc ở cách xa nhau. Từ đó, ta có thể hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng của hai dân tộc này.

3.     Lịch sử vấn đề

Đã từ lâu, các nhà nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học coi truyện cổ tích là kho tư liệu vô giá. Ngành dân tộc học có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng truyện cổ tích với tư cách là tư liệu khảo sát như Văn hóa nguyên thủy [E.B.Tylor], Cành vàng [James George Frazer].

Tuy nhiên, hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào so sánh cấu trúc, chức năng hai tác phẩm cụ thể.

4.     Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là Cuộc đấu tranh của người nông dân trong truyện cổ tích [Nghiên cứu so sánh Truyện Bác nông dân và con quỷ – Đức và Trí khôn của ta đây – Việt Nam]. 

Với đề tài này, chúng tôi xin giới hạn trong hệ tọa độ sau:

  • Chủ thể: văn hóa dân tộc
  • Không gian: Đức và Việt Nam
  • Thời gian: thời kì truyện cổ tích ra đời

Tư liệu khảo sát của đề tài này giới hạn trong truyện Bác nông dân và con quỷ [Đức] và Trí khôn của ta đây [Việt Nam].

5.     Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

Thông qua đề tài Cuộc đấu tranh của người nông dân trong truyện cổ tích [Nghiên cứu so sánh Truyện Bác nông dân và con quỷ –  Đức và Trí khôn của ta đây – Việt Nam], chúng tôi mong muốn được góp thêm tư liệu, phương pháp tìm hiểu văn hóa dân tộc qua so sánh cấu trúc, chức năng nhân vật trong truyện cổ tích.

6.     Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu

Trong công trình này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu hệ thống, cấu trúc, chức năng. Công trình được tiếp cận theo hướng nghiên cứu văn học – văn hóa nên chúng tôi vận dụng những thành tựu nghiên cứu trong văn học, cụ thể là văn học dân gian.

Bên cạnh đó, để làm rõ sự khác biệt trong văn hóa của hai dân tộc Đức, Việt, chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh.

7.     Bố cục

Đề tài này gồm hai chương:

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Chương 2: BÁC NÔNG DÂN VÀ CON QUỶ và TRÍ KHÔN CỦA TA ĐÂY

Chương 1: Những vấn đề chung

Truyện cổ tích, trước hết, là một thể loại văn học dân gian. Đó là sáng tác của tập thể nhân dân lao động, được truyền từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền miệng. Theo định nghĩa của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 [nâng cao], tập 1, truyện cổ tích là thể loại tự sự bằng văn xuôi, thường kể về số phận của các kiểu nhân vật: người mồ côi, người em, người lao động giỏi, người dũng sĩ, người thông minh, chàng ngốc,… qua đó thể hiện quan niệm đạo đức, lí tưởng và mơ ước của nhân dân về hạnh phúc và công lí xã hội [Bộ giáo dục và Đào tạo  2008 Ngữ văn 10 [nâng cao], tập 1: 26].

Theo Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, truyện cổ tích ra đời muộn hơn thần thoại, sử thi dân gian và truyền thuyết. Nếu như thần thoại, sử thi dân gian ra đời từ thời công xã nguyên thủy thì truyện cổ tích phần lớn xuất hiện khi công xã thị tộc tan rã và được thay thế bằng gia đình riêng lẻ, khi xã hội có phân chia giai cấp [Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên 1977 Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian, tập 2: 87]. Như vậy, các cuộc đấu tranh xã hội được phản ánh trong truyện cổ tích đa số là cuộc đấu tranh giai cấp. Ở đó, lực lượng chính là nông dân, người lao động.

I.2 Ý nghĩa

Trong các thể loại tự sự dân gian như thần thoại, sử thi dân gian, truyền thuyết, truyện cười, truyện ngụ ngôn,… truyện cổ tích chiếm tỉ lệ lớn và là bộ phận quan trọng nhất. Theo Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, truyện cổ tích phản ánh đời sống nhân dân, đồng thời phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của nhân dân. Truyện cổ tích phản ánh hiện thực, đồng thời phản ánh nguyện vọng cải tạo hiện thực ấy. Truyện cổ tích tố cáo những sự bất công của chế độ phong kiến, đồng thời cổ vũ nhân dân đấu tranh cho một xã hội công bằng và nhân đạo hơn [Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên 1977 Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian, tập 2: 142].

Trên đây là ý kiến nhận định về ý nghĩa của truyện cổ tích Việt Nam. Tuy nhiên, ta thấy rằng hạnh phúc, bình đẳng, được đổi đời là ước vọng chung của mỗi người dân lao động. Mọi dân tộc trên thế giới – từ đông sang tây – đều ước mơ một xã hội công bằng, đều mong muốn cái thiện sẽ thắng cái ác. Vậy nên, ý nghĩa của truyện cổ tích Việt Nam nêu trên đây cũng chính là ý nghĩa chung của truyện cổ tích tất cả các dân tộc trên thế giới.

Tìm hiểu kho tàng truyện cổ tích các dân tộc trên thế giới, ta thấy sự quan tâm của mỗi dân tộc đối với các sự vật, hiện tượng, tuy có nhiều nét tương đồng, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh đó, mỗi dân tộc đều có cách cảm, cách kể câu chuyện của riêng của mình. Như vậy, tìm hiểu truyện cổ tích, ta không chỉ hiểu được đời sống của nhân dân lao động trong quá khứ mà còn có thể hiểu được những nét văn hóa tinh thần đặc trưng của từng dân tộc ở thời kì xa xưa.

II. TRUYỆN CỔ GRIMM

Truyện cổ Grimm là một công trình nghiên cứu và sưu tập truyện cổ dân gian Đức của hai anh em nhà ngôn ngữ học người Đức Jacob và Wilhem Grimm. Đầu tiên, tập truyện cổ dân gian Đức của anh em Grimm được xuất bản dưới tên Truyện kể cho trẻ nhỏ và trong nhà. Chưa bằng lòng với những gì đã làm được, anh em nhà Grimm tiếp tục miệt mài làm việc và đã làm giàu có thêm công trình sưu tầm của mình. Trong lần công bố cuối cùng, tập truyện văn học dân gian Đức của anh em nhà Grimm đã tập hợp được 216 tác phẩm[1].

Năm 2005, UNESCO chính thức công nhận những câu chuyện cổ tích quen thuộc với hầu hết mọi người trên thế giới trong tập truyện của anh em nhà Grimm là di sản văn hoá thế giới.  UNESCO cũng nhận định các câu chuyện cổ Grimm phần lớn chịu ảnh hưởng của nhà văn Pháp Charles Perrault và tập truyện Ngàn lẻ một đêm.[2]

Qua tập truyện của Grimm, ta thấy được khát vọng của nhân dân lao động lao động Đức về cuộc sống ấm no hạnh phúc, về sự công bằng, sự chiến thắng của cái thiện, cái tốt. Điểm đóng góp quan trọng của anh em Grimm trong công trình sưu tập này là họ đã cố gắng giữ nguyên chất dân gian trong từng tác phẩm.

II.2 Bác nông dân và con quỷ

Bác nông dân và con quỷ là một truyện cổ tích rất quen thuộc trong Truyện cổ Grimm. Truyện kể về cuộc đấu tranh của người lao động chống lại các thế lực xấu. Trong truyện, đại diện cho người lao động là nhân vật bác nông dân và nhân vật con quỷ lùn đen sì đại diện cho thế lực xấu xa. Bằng trí tuệ và cách ứng xử linh hoạt, cuối cùng bác nông dân đã chiến thắng con quỷ lùn và  có thêm nhiều của cải.

III. TRUYỆN CỔ VIỆT NAM

Truyện cổ tích Việt Nam được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng này sang vùng khác chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Trong quá trình truyền khẩu qua không gian và thời gian như vậy, một truyện có nhiều dị bản, nhiều cách kể khác nhau. Ở các dị bản, có những  tình tiết mới được bổ sung, có những tình tiết được lược bỏ bớt. Quá trình bổ sung và lược bớt như vậy thể hiện cách cảm, cách nghĩ của dân tộc trong những thời đại nhất định. Nguồn gốc chính của truyện cổ tích Việt Nam là cuộc sống xã hội Việt Nam ngày xưa [Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên 1977 Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian, tập 2: 98].

Truyện cổ tích Việt Nam được Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và tập hợp trong công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Công trình này tập hợp gần 150 truyện cổ tích của dân tộc Kinh [Việt Nam][3]. Truyện dân gian Việt Nam có nhiều dị bản nên việc tập hợp, cố định hóa chúng là một điều không đơn giản. Trong công trình sưu tập của mình, Nguyễn Đổng Chi đã chọn lọc và đưa vào những bản kể phổ biến, quen thuộc trong dân gian. Chính vì thế, nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian đã dựa vào Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi để làm tài liệu khảo sát cho công trình khoa học của mình.

III.2 Trí khôn của ta đây

Trí khôn của ta đây là một truyện có dung lượng nhỏ, cốt truyện đơn giản, được lưu truyền phổ biến, rộng rãi.Truyện kể về cuộc đấu tranh của người lao động chống lại thế lực xấu trong xã hội. Trong truyện, đại diện cho người lao động là nhân vật người nông dân và nhân vật Cọp đại diện cho thế lực xấu xa. Bằng trí tuệ của mình, người nông dân đã khiến Cọp sợ hãi, chạy trốn vào rừng sâu. Truyện được kể dưới hình thức giải thích đặc điểm đặc biệt của các con vật [răng hàm trên của con trâu và bộ lông vằn của con cọp].

Chương 2: Bác nông dân và con quỷ và Trí khôn của ta đây

Cả truyện Bác nông dân và con quỷTrí khôn của ta đây đều kể về cuộc đấu tranh của người nông dân chống lại các thế lực xấu trong xã hội. Tuy ở trong trong hai không gian xa cách nhau và hoàn toàn không có sự giao lưu văn hóa trong quá khứ nhưng truyện Bác nông dân và con quỷ Trí khôn của ta đây có nhiều chi tiết giống nhau đến kì lạ. Trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, người nông dân của cả hai dân tộc đều thắng kẻ mạnh hơn mình. Họ thắng đối phương chính bằng trí thông minh của bản thân. Với chiến thắng đó, những người nông dân khôn ngoan đã khiến kẻ thù không bao giờ còn dám trở lại quấy phá họ.

Kết thúc cả hai câu chuyện, chiến thắng thuộc về người nông dân. Đó là sự chiến thắng của người lao động, của cái thiện. Truyện là những khúc ca ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh trí tuệ của nhân dân lao động và bộc lộ ước mơ của dân gian về công bằng xã hội, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, cái xấu.

I.2 Hệ thống nhân vật

Truyện cổ tích thường có dung lượng ngắn, ít nhân vật. Truyện Bác nông dân và con quỷ có hai nhân vật, gồm người nông dân và con quỷ. Truyện Trí khôn của ta đây nhiều hơn một chút, có ba nhân vật, gồm anh nông dân, Trâu và Cọp. Tất cả các nhân vật trong hai truyện đều không có tên riêng. Các nhân vật đó chỉ được gọi tên một cách khái quát, mang tính đại diện. Đây là chính là đặc trưng của thể loại truyện cổ tích. Trong truyện cổ tích cũng như trong mọi sáng tác dân gian, người ta thường miêu tả những hạng người nói chung, mà không chú ý miêu tả những con người nói riêng [Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên 1977 Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian,  tập 2: 153].

Cũng như các thể loại tự sự dân gian khác, cả truyện Bác nông dân và con quỷ Trí khôn của ta đây đều có hai tuyến nhân vật đối lập với nhau. Tuyến thứ nhất là nhân vật chính trong câu chuyện. Đó là những người nông dân cần cù lao động, đại diện cho cái thiện. Tuyến thứ hai là những nhân vật phản diện [con quỷ, Cọp], tấn công tuyến nhân vật thứ nhất. Nhân vật tuyến thứ hai tượng trưng cho cái ác, theo quan niệm dân gian. Như vậy, cuộc đấu tranh trong cả hai truyện Bác nông dân và con quỷ Trí khôn của ta đây là cuộc đấu tranh giữa người lao động và các thế lực thù địch, là cuộc chiến giữa thiện và ác.

Ngoài hai tuyến nhân vật trung tâm, trong truyện Trí khôn của ta đây còn có nhân vật Trâu. Trong cuộc chiến đấu giữa hai tuyến nhân vật thiện – ác của câu chuyện, Trâu gần như không có vai trò gì. Vì thế, tôi xếp nhân vật con trâu vào vị trí trung gian, là nhân vật phụ của tác phẩm.

II.               NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT

Lửa là một khám phá quan trọng của loài người. Trong nhiều câu chuyện thần thoại thuở sơ khai, lửa và thần Lửa đóng vai trò trung tâm, có sức mạnh huyền bí, vạn năng. Đến những giai đoạn phát triển sau của xã hội loài người, trong truyện cổ tích, biểu tượng lửa đã có phần mờ nhạt, nhường vị trí trung tâm truyện cho cuộc đấu tranh giữa con người và con người. Trong cả hai câu chuyện cổ tích chúng ta đang khảo sát đều có sự hiện diện của lửa. Đó là những chi tiết rất nhỏ, hầu như không ảnh hưởng đến cốt truyện và diễn tiến câu chuyện. Tuy nhiên, từ biểu tượng lửa được miêu tả trong hai tác phẩm, ta có thể thấy nhiều sự khác biệt trong cảm thức của hai dân tộc.

Trong Bác nông dân và con quỷ, khi đang sửa soạn về nhà, bác nông dân nhìn thấy con quỷ đang ngồi trên đống than hồng. Bác hỏi mày ngồi trên đống của đấy à. Đáp lại lời bác nông dân, con quỷ khẳng định Đúng rồi, ngồi trên đống của, chú mày suốt đời chưa thấy nhiều vàng bạc đến thế đâu! Như vậy, trong câu truyện của người Đức, ngọn lửa được tạo nên từ than. Và lửa đồng nghĩa với của cải, rất nhiều của cải.

Đến Trí khôn của ta đây, lửa xuất hiện trong tình huống hoàn toàn khác. Sau khi lừa trói được Cọp vào một gốc cây, người nông dân lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt. Từ đấy trở đi, trên mình mỗi con cọp được sinh ra đều có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy. Đối với dân tộc Việt, rơm là vật liệu quen thuộc để duy trì ngọn lửa. Người Việt không đề cập đến giá trị của lửa như người Đức – của cải – mà đề cập đến sức mạnh của lửa. Với sức mạnh to lớn, ngọn lửa đã in dấu vết của mình trên bộ lông tất cả các cọp ra đời sau đó.

Từ đó, ta thấy nhận sự khác biệt rất lớn trong nhận thức về lửa của mỗi dân tộc. Người Đức đánh giá lửa qua giá trị kinh tế [của cải] mà lửa mang lại cho con người. Lửa được sinh từ than, và người Đức xem đó là một tiền đề vật chất trong quá trình tạo ra của cải vật chất. Đó là cách nhìn mang tính khách quan, thực tiễn. Qua Bác nông dân và con quỷ, ta thấy từ thời xa xưa – thời đại của các câu chuyện cổ tích – người Đức đã đặt nhiều sự quan tâm vào tài sản. Với người Việt, lửa giúp diệt trừ cái xấu, cái ác và vẫn mang một sức mạnh siêu nhiên, thần thánh. Lửa trong câu chuyện của người Việt vẫn mang nặng ý nghĩa tâm linh, trừu tượng, khái quát.

II.2 Cuộc chiến

II.2.1 Hướng, mục đích tấn công

Truyện của anh em Grimm kể rằng khi nhìn thấy một đống than hồng trên mảnh ruộng của mình, người nông dân lấy làm lạ đến gần. Nhìn thấy con quỷ ngồi trên đống lửa, người nông dân hỏi và khẳng định quyền sở hữu của mình Của cải trên đất của ta là thuộc về ta. Như vậy, hướng tấn công trực tiếp được phát ra từ người nông dân. Nói cách khác, trong cuộc chiến với kẻ xấu, người nông dân giữ vai trò chủ động. Mục đích của cuộc chiến, ngay từ đầu, là xác định quyền sở hữu đối với của cải, tài sản.

Trong Trí khôn của ta đây, dân tộc Việt kể rằng Cọp, vì tò mò muốn biết trí khôn là gì, đã thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi: Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không? Tới đây, ta thấy có sự khác biệt cơ bản trong cách kể của người Đức và người Việt. Người nông dân trong truyện cổ tích Việt Nam ở vào thế bị động khi Cọp đến gần. Họ là đối tượng bị tấn công. Cọp tấn công vì tò mò và muốn tìm hiểu trí khôn của con người là gì mà có thể sai khiến được con vật to lớn, khỏe mạnh như Trâu. Theo nghĩa hiển ngôn, ta thấy mục đích này là vì tò mò. Đó là một mục đích không dẫn đến một hiệu quả vật chất nào. Tấn công để biết – người Việt đặt tiêu cự quan tâm của mình vào tri thức, vào việc mở mang kiến thức cuộc sống, xã hội. Trong hành động tấn công của Cọp, ta thấy một tiền đề đã được xác định: người nông dân có trí khôn vượt trội, khiến các loài khác, hoặc phải khuất phục, hoặc phải nể phục. Sự khác biệt trong hướng tấn công và mục đích tấn công trong hai truyện cổ tích cho ta thấy được vị thế xã hội thấp kém của người nông dân Việt, họ phải chịu sự đe dọa của các thế lực xấu trong xã hội. Tuy thế, họ không hề nao núng, sợ hãi, vì họ đã có một vũ khí quan trọng, mạnh mẽ – trí khôn. Và họ tự hào về điều đó.

II.2.2 Quy tắc của cuộc chiến

Cuộc chiến giữa người nông dân và con quỷ trong truyện cổ tích Đức trải qua hai vòng đấu trí. Như vậy, so với Trí khôn của ta đây, cuộc chiến đấu của người nông dân trong Bác nông dân và con quỷ có phần gay cấn, quyết liệt hơn.

Ở vòng đầu tiên, người nông dân chủ động đưa yêu cầu Để sau này chia nhau khỏi lôi thôi, mày sẽ lấy cái gì mọc ở trên mặt đất, tao sẽ lấy cái gì mọc ở dưới. Thua đau ở vòng một, đến vòng hai, con quỷ giành quyền đưa ra quy tắc của cuộc đấu Cái gì mọc trên mặt đất thì chú mày lấy, còn ta sẽ lấy cái gì mọc ở dưới. Ta thấy cả hai vòng đấu đều có quy tắc ngắn gọn nhưng hết sức rõ ràng, cụ thể. Và cả hai bên tham gia cuộc chiến đều nghiêm túc tuân thủ quy tắc này. Thời gian của cuộc chiến được xác định chính xác [một vụ mùa]. Vòng thứ nhất bắt đầu khi người nông dân trồng củ cải và kết thúc khi củ cải được thu hoạch. Tương tự như vậy, vòng hai được đánh dấu bằng vụ trồng lúa.

Trong Trí khôn của ta đây, không có một quy tắc hay gợi ý về quy tắc nào được đưa ra. Thời gian xác định cuộc chiến cũng không được thể hiện rõ ràng. Bằng chứng là khi người nông dân bảo Cọp đứng vào chỗ gốc cây để anh ta buộc lại thì cuộc chiến đã bắt đầu. Nhưng Cọp không hề hay biết và để yên cho anh nông dân trói mình thật chặt.

Qua những khác biệt đó, ta thấy truyện của người Đức mang lối tư duy phân tích, coi trọng sự cụ thể, chính xác. Truyện của người Việt mang đặc điểm của lối tư duy trừu tượng, khái quát. Đó là sản phẩm của nền văn hóa gốc du mục [Đức] và nền văn hóa gốc nông nghiệp [Việt], theo Trần Ngọc Thêm.

II.2.3 Kết quả

Kết thúc cuộc chiến, người nông dân trong Bác nông dân và con quỷ thu về toàn bộ sản phẩm của hai vụ mùa và của cải của quỷ. Thêm vào đó, bác còn đuổi được con quỷ xuống vực sâu, khiến nó không còn dám bén mảng lại nữa. Còn thắng lợi của người nông dân trong Trí khôn của ta đây là đuổi được Cọp vào rừng và để lại dấu ấn sức mạnh không bao giờ phai nhòa trên bộ lông Cọp.

Kết quả của cuộc chiến là ước mơ chiến thắng cái ác, kẻ xấu sẽ vĩnh viễn bị loại trừ của người lao động cả hai dân tộc. Nhưng kết quả đó lại một lần nữa khắc họa sự khác biệt trong ước mong về cuộc sống của hai dân tộc. Người Đức khát khao thu về trọn vẹn sản phẩm từ công sức lao động của mình, tài sản gia tăng. Đó là mong muốn mang tính kinh tế, cụ thể. Điều này không được đề cập đến trong câu truyện của người Việt. Có lẽ, trong cuộc sống, người Việt còn nhiều điều khác đáng quan tâm hơn hiệu quả kinh tế của công việc và tài sản cá nhân.

II.3 Ý nghĩa của nhân vật thù địch

Trong truyện Bác nông dân và con quỷ, con quỷ xuất hiện trên mảnh ruộng của người nông dân, ngồi trên đống than – đống của. Con quỷ đó đòi lấy sản phẩm từ vụ mùa của người nông dân. Để thắng được con quỷ, người nông dân đã chọn gieo những loạt cây khác nhau [củ cải, lúa], tùy theo điều kiện đã thỏa thuận trước. Khi chiến thắng con quỷ, người nông dân có được toàn bộ sản phẩm từ công việc đồng áng của mình. Người Pháp cũng kể câu chuyện Bác nông dân và con quỷ với nội dung gần như trùng lắp với câu chuyện của người Đức. Chỉ có hai điểm khác biệt nhỏ trong truyện của người Đức và truyện của người Pháp. Điều khác biệt thứ nhất là trong truyện của người Pháp, cuộc đấu trí giữa người nông dân và con quỷ trải qua ba vòng. Điều khác biệt thứ hai là con quỷ giúp người nông dân có được những vụ mùa bội thu. Soi chiếu những chức năng của nhân vật con quỷ trong cả hai câu chuyện này, ta thấy nhân vật con quỷ đại diện cho những bất lợi về thời tiết mà người nông dân phải đối phó. Trong nghề nông, đối phó với thời tiết bất lợi là việc thường xuyên, liên tục. Trừ thiên tai, những bất lợi thường ngày của thời tiết không thể làm khó người nông dân – những người đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó này. Có lẽ vì thế mà khi chiến thắng thời tiết, người nông dân Đức thể hiện thái độ bình thản, đầy tự tin Ấy đối với cáo già thì phải cho một vố như thế. Qua cách hình tượng hóa những bất lợi của thiên nhiên thành nhân vật con quỷ lùn – nhỏ bé – ta thấy người nông dân phương Tây rất tự tin vào sức mạnh trí tuệ của bản thân. Đó là những con người nhìn thiên nhiên với tư thế của kẻ trên, lớn hơn, mạnh hơn.

Còn trong Trí khôn của ta đây, trước chiến thắng của người nông dân, Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, đến mức không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào. Đó là thái độ hả hê, sung sướng. Thái độ này được thể hiện qua nhân vật trung gian – Trâu – chứ không được nhân vật chính trực tiếp bộc lộ. Thái độ của Trâu trong câu chuyện như là một lời bình luận đầy khách quan trước kết quả cuộc chiến giữa người nông dân và Cọp. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng cách thể hiện gián tiếp như thế còn thể hiện sự cẩn trọng của tác giả dân gian trước chiến thắng vẻ vang của người lao động. Họ không trực tiếp thể hiện thái độ của mình như thể đề phòng một sự trả thù nào đó của các thế lực thù địch trong tương lai. Như thế, sự gián tiếp thể hiện, sự hả lòng hả dạ trước chiến thắng của người nông dân khiến ta hiểu được người nông dân đã rất căm thù và vô cùng sợ hãi đối thủ của mình. Vậy, tôi nghĩ rằng nhân vật Cọp trong Trí khôn của ta đây đại diện cho giai cấp thống trị trong xã hội thời bấy giờ.

KẾT LUẬN

Truyện Bác nông dân và con quỷ [Đức] và Trí khôn của ta đây [Việt Nam] là hai câu truyện có nội dung, kết cấu tương đồng. Nhưng đó là những tác phẩm được sinh ra từ hai “nguồn phát” hoàn toàn khác nhau. Sự giống nhau giữa hai câu chuyện cho ta thấy tất cả mọi người trên thế giới đều có chung một niềm tin, một mơ ước. Qua phân tích những yếu tố ẩn của truyện [chức năng, hệ thống cấu trúc], ta thấy sự khác biệt trong nhận thức về bản thân, về quá trình lao động, về thế giới xung quanh của người nông dân Đức và Việt. Truyện Bác nông dân và con quỷ của người Đức phản ánh sự đấu tranh của giữa người lao động và thiên nhiên. Truyện Trí khôn của ta đây của người Việt lại là cuộc đấu tranh giữa người lao động chống lại giai cấp thống trị trong xã hội đương thời.

[1] //thuvien24.com/thu-vien-truyen/truyen-co-tich-thieu-nhi/818-truyen-co-grim-anh-em-nha-grim.html

[2] //vietbao.vn/Van-hoa/Truyen-co-Grim-duoc-cong-nhan-la-di-san-the-gioi/70015570/181/

[3] Số lượng thống kê dựa vào Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, 5 tập . – nhà xuất bản Trẻ tái bản lần 2, 2010

Video liên quan

Chủ Đề