Công nghiệp hóa chất đề án phát triển năm 2024

Công nghiệp hóa chất là ngành kinh tế có tính chất nền tảng, sản phẩm của ngành là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành kinh tế có tốc độ phát triển cao như: Dệt may, da giày, gỗ, sản phẩm từ gỗ, thiết bị linh kiện điện tử, ôtô, xây dựng, thủy, hải sản. Từ đó có thể khẳng định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp Hóa chất trong tổng thể nền kinh tế quốc dân.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp hoá chất đã có bước phát triển tốt và đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện nay tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, công nghiệp Hóa chất cũng là ngành đem lại sản phẩm xuất khẩu có giá trị tỷ đô cho thương mại Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hóa chất hiện đứng thứ 12 trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường chủ yếu nhập khẩu hóa chất của Việt nam là: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Hoàn Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện ngành cũng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là nhu cầu hóa chất trên thế giới giảm khiến đơn hàng sụt giảm, xuất khẩu chững lại, phải hạ giá bán trong khi chi phí sản xuất lại tăng mạnh. Các thị trường hóa chất xuất khẩu như Trung Quốc, Mỹ được dự báo sẽ giảm hơn nữa, gây ra tác động không tốt đến các doanh nghiệp, làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp gặp thách thức về khả năng chi phí điện, khi mà sản xuất hóa chất là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, chi phí điện năng có thể chiếm tới 20-30% tổng chi phí sản xuất các loại hóa chất cơ bản. Việc nhập khẩu nguyên liệu hoá chất với mức giá cao cũng là khó khăn lớn. Đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất thường là các dự án công nghiệp với mức đầu tư lớn, sử dụng đông lực lượng lao động, thời gian hoạt động kéo dài, đồng thời có nguy cơ phát thải hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc phát thải các chất gây biến đổi khí hậu. Chi phí đầu tư và chi phí bảo vệ môi trường lớn là trở ngại cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tình hình thu hút, triển khai nhiều dự án hóa chất còn chậm, nhiều dự án trong quy hoạch phát triển ngành hóa chất chưa được triển khai. Sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hoá chất hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống đáp ứng cho nhu cầu thị trường nội địa.

Trong giai đoạn tới, để hỗ trợ ngành công nghiệp hóa chất phát triển nhanh và bền vững, ngày 16/6/2022, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 726/QĐ -TTg phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo hướng phát triển ngành hóa chất là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hóa chất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả. Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Mục tiêu của ngành đến năm 2030 sẽ phát triển với tốc độ từ 10-11% và chiếm tỷ trọng từ 4-5% trong nền công nghiệp Việt Nam.

Để thực hiện Chiến lược này, cũng giống như các tỉnh, thành khác, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 15/5/2023 triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn thành phố với mục tiêu chung:

Đến năm 2030, tiếp tục phát triển các sản phẩm có lợi thế của Thành phố, như: Dược phẩm, khí công nghiệp... trong đó, đặc biệt chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.

Đến năm 2040, tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghiệp hóa chất có lợi thế của Thành phố và hình thành một số dự án thuộc phân ngành công nghiệp hóa chất trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất.

Theo đó, mục tiêu cụ thể: Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường,... Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, trung tâm logistic về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông, khuyến khích các công nghệ tuần hoàn, sản phẩm, chất thải không sử dụng của nhà máy này làm nguyên liệu cho các nhà máy khác. Từng bước di dời, tập trung các nhà máy sản xuất hóa chất vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, không để các cơ sở hóa chất nguy hiểm không bảo đảm khoảng cách an toàn, không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, nơi tập trung đông người.

Kế hoạch đưa ra các định hướng phát triển sau:

Thứ nhất, phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố và hướng vào các phân ngành trọng điểm:

- Khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, trở thành các thương hiệu mạnh, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp hóa chất khác, hướng vào các phân ngành công nghiệp hóa chất trọng điểm theo Chiến lược Quốc gia và các phân ngành hóa chất phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố như: Hóa dược, phân bón, khí công nghiệp, cao su kỹ thuật, sản phẩm hóa chất phục vụ nông nghiệp...

- Phát triển ngành trên cơ sở tập trung phát huy lợi thế của một số ngành sản xuất đã có, bên cạnh đó thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm mới trên nguyên tắc: Dự án có công nghệ hiện đại, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường, coi trọng hiệu quả kinh tế và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp hóa chất có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao đầu tư vào một số phân ngành trọng điểm theo Chiến lược Quốc gia như: Hóa dược, phân bón, hóa dầu, khí công nghiệp, cao su kỹ thuật, sản phẩm hóa chất phục vụ nông nghiệp...

Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng hiện đại, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh

- Triển khai linh hoạt, hiệu quả trong quá trình thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hóa chất. Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, hợp lý hóa sản xuất ở các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ.

- Các dự án hóa chất sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng hiện đại, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh. Các dự án hóa chất sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hạn chế việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ hóa chất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường,...

Thứ ba, phân bố không gian phát triển ngành công nghiệp hóa chất

- Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Các dự án sản xuất trong ngành hóa chất phải được bố trí tập trung trong các khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu dân cư.

- Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, trung tâm logistic về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, thuận tiện kết nối giao thông, khuyến khích các công nghệ tuần hoàn. Có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững.

- Từng bước di dời, tập trung các nhà máy sản xuất, kho chứa hóa chất vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, để bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và phòng cháy, chữa cháy.

Thứ tư, triển khai rà soát, đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp hóa chất Thủ đô theo các phân ngành. Lựa chọn, đề xuất ưu tiên phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với điều kiện phát triển, tiềm năng, lợi thế của Hà Nội như hóa dược, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), sơn - mực in, khí công nghiệp... bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh.

- Hóa chất cơ bản: Huy động vốn liên doanh, liên kết, đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, chế biến sâu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ưu tiên cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả vay vốn để đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

- Hóa dầu: Xây dựng và áp dụng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn khí cho các dự án hóa dầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nguồn nguyên liệu này và có cơ chế ưu đãi khuyến khích các dự án hóa dầu từ nguồn nguyên liệu thay thế như biomas, hydro xanh, hydro lam,... không từ nguồn nguyên liệu hóa thạch truyền thống.

- Các sản phẩm cao su: Áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu săm, lốp qua đường tiểu ngạch, kiểm soát việc kê khai giá nhập khẩu, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng đưa vào thị trường Việt Nam.

- Hóa dược: Khuyến khích chuyển giao công nghệ và hình thức liên doanh liên kết của các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trong lĩnh vực hóa dược phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm.

- Phân bón: Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế ưu đãi cho các dự án chuyển đổi từ phân supe lân đơn sang supe lân giàu; dự án sản xuất phân kali, phân SA và các dự án chuyển đổi thay thế nguồn nguyên liệu sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên.

- Hóa chất bảo vệ thực vật: Ưu tiên phát triển các dự án hóa chất áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường như: Các hoạt chất mới từ vi sinh vật và các hoạt chất được chiết tách từ thực vật.

- Sơn - mực in: Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu và tái sử dụng các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.

- Chất tẩy rửa: Xây dựng, thực hiện các đề tài nghiên cứu phát triển sản phẩm chất tẩy rửa mới, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện môi trường.

- Khí công nghiệp: Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu.

- Nguồn điện hóa học: Đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án sản xuất các sản phẩm pin-ắc quy công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, các nhiệm vụ và giải pháp sẽ được triển khai thực hiện gồm: (1) Xây dựng cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực hóa chất. Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các dự án đầu tư vào phân ngành công nghiệp hóa chất có ứng dụng công nghệ hiện đại, bền vững và bảo vệ môi trường Thủ đô. (2) Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành hóa chất. (3) Phát triển khoa học công nghệ và nhân lực, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ đối với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản phẩm ngành hóa chất theo chuỗi giá trị phục vụ các ngành công nghiệp khác. Ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hóa dược. Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu các Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hợp tác lao động với nước ngoài và phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp yêu cầu về lao động, liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước để mở cơ sở đào tạo cấp quốc tế tại Việt Nam, tập trung ngành học phục vụ phát triển kinh tế tri thức, nhất là khoa học, công nghệ, dịch vụ. (4) Đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, từng bước di dời các cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. (5) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực thi pháp luật trong lĩnh vực hóa chất; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các quy định pháp luật về hóa chất, bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn Thành phố với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp cho từng nhóm đối tượng hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố; Xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động hóa chất và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất; Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp hóa chất tập trung; chính sách ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu phát triển ngành hóa chất; chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất, tồn chứa hóa chất trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khuyến khích và có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các dự án công nghiệp hóa chất ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành hóa chất. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức sản xuất ngoài quốc doanh tham gia phát triển trồng và chế biến các loại dược liệu, chú trọng phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất và chế biến các sản phẩm hóa dược. Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất ở các lĩnh vực quan trọng này. Khuyến khích chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết của các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trong lĩnh vực hóa dược và Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hóa chất trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động hóa chất không tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường.

(6) Giải pháp về môi trường, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Không cấp phép đầu tư các dự án hóa chất với công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng, mức tiêu thụ tài nguyên cao. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường kết hợp với xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu./.